12. Bài thứ 12: Chương Hiền Thiện Thủ | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

12. Bài thứ 12: Chương Hiền Thiện Thủ

Bài thứ 12

CHƯƠNG HIỀN THIỆN THỦ


1. NGÀI HIỀN THIỆN THỦ BỒ TÁT HỎI PHẬT

Khi ngài Hiền Thiện Thủ Bồ tát ở trong đại chúng đứng dậy, đi quanh bên hữu của Phật ba vòng, rồi quỳ thẳng chắp tay bạch Phật rằng:

- Bạch đức Ðại Bi Thế Tôn, ngài đã vì chúng con và các chúng sinh đời sau, rộng rãi giảng dạy cho chúng con hiểu ngộ được những việc không thể nghĩ bàn.

Bạch Thế Tôn:

- Kinh Ðại thừa này tên gì?

- Chúng con làm sao phụng trì?

- Chúng sinh tu theo kinh này sẽ được công đức gì?

- Chúng con làm sao bảo hộ những người thọ trì kinh này?

- Phải truyền bá kinh giáo này ở địa vị nào?

Ngài Hiền Thiện Thủ Bồ tát, thưa thỉnh như vậy ba lần, kính cẩn lạy Phật rồi trở lui.

Lược giải:

Ðoạn kinh này có hai phần:

a. Ngài Hiền Thiện Thủ Bồ tát tán thán Phật, vì chúng sinh giảng giải những việc không thể nghĩ bàn

b. Bồ tát hỏi Phât năm điều:

1. Kinh này tên là kinh gì?

2. Làm sao phụng trì?

3. Chúng sinh tu theo kinh này sẽ được công đức gì?

4. Làm sao bảo hộ những người thọ trì kinh này?

5. Truyền bá kinh này ở địa vị nào?

2. PHẬT KHEN NGÀI HIỀN THIỆN THỦ BỒ TÁT

Khi ấy đức Thế Tôn khen ngài Hiền Thiện Thủ Bồ tát và dạy rằng:

- Này Thiện nam, hay lắm và quý lắm! Ông vì các vị Bồ tát và chúng sinh đời sau, thưa hỏi Như Lai tên kinh và công đức trì kinh này, các ông nên chăm chú nghe lời ta chỉ giáo.

Lược giải:

Vì muốn cho mưa Pháp gội nhuần chúng sinh đời sau, nên ngài Hiền Thiện Thủ Bồ tát đứng lên hỏi Phật về việc thọ trì và truyền bá kinh này. Ðoạn này Phật khen ngài Hiền Thiện Thủ và bảo phải chăm chú nghe lời Phật chỉ giáo.

3. PHẬT NÓI TÊN KINH NÀY

- Này Thiện nam! Kinh này không phải chỉ một mình ta nói, mà các đức Phật trong 10 phương nhiều như trăm ngàn muôn ức lần số cát sông Hằng, cũng đều nói kinh này. Các đức Phật trong 3 đời đều bảo hộ kinh này. Mười phương các vị Bồ tát đều quy y kinh này. Kinh này là tròng con mắt của 12 bộ kinh. Kinh này có 5 tên:

1. Ðại Phương Quảng Viên Giác Ðà La Ni kinh.

2. Tu Ða La Liễu nghĩa kinh.

3. Bí mật Vương Tam muội kinh.

4. Như Lai quyết định cảnh giới kinh.

5. Như Lai tạng tự tính sai biệt kinh.

Các ông phải hết lòng cung kính phụng trì kinh này.

Lược giải:

Kinh này nói về tính “Viên Giác”. Người ngộ nhập được tính Viên Giác thì thành Phật, còn không ngộ được thời làm chúng sinh.

Mục đích của Phật ra đời là độ chúng sinh thành Phật song chúng sinh có nhập Viên Giác mới được thành Phật. Vì thế nên hằng sa đức Phật ra đời, đều nói kinh Viên Giác.

Vì kinh Viên Giác rất quý báu như thế, nên các đức Như Lai trong 3 đời thường giữ gìn và bảo hộ kinh này. Mười phương các vị Bồ tát cũng đều quy y kinh này, vì quy y kinh này là quy ý tính Viên Giác.

Giáo pháp của Phật tuy nhiều, nhưng tóm lại chia ra có 12 bộ kinh, tức là 12 loại kinh. Kinh nào cũng đều nhắm một mục đích là dạy chúng sinh tu hành thành Phật; mà muốn thành Phật thì phải nhập Viên Giác. Bởi thế nên kinh này “tròng con mắt” của 12 bộ kinh.

“12 Bộ kinh”: Phật ra đời thuyết pháp 40 năm, tóm lại có 3 tạng: Kinh, Luật, và Luận; phân ra 12 bộ, tức là 12 loại.

Có bài kệ tóm 12 bộ kinh:

- Trường hàng, Trùng tụng và Cô khởi

- Thí dụ, Nhân duyên cùng Tự thuyết

- Bản sinh, Bản sự, Vị tằng hữu

- Phương quảng, Luận nghị và Ký biệt

Kinh này có nhiều đức tính và nhiều công dụng nên có nhiều tên:

a. Ðại Phương Quảng Viên Giác Ðà La Ni kinh

Tính Viên Giác Quảng đại phương viên bao trùm và gìn giữ các Pháp.

“Ðà La Ni”, Tàu dịch là “Tổng Trì”: Bao trùm và gìn giữ. Đà La Ni có bốn thứ:

1. Pháp Ðà La Ni: Chỉ một chữ, một danh hiệu hay một câu, mà bao trùm tất cả chữ, tất cả danh hiệu và tất cả câu.

2. Nghĩa Ðà La Ni: Như nói chân như, Duy tâm, Duy thức, Pháp giới v.v... đều đã tóm thâu sự vật sai biệt.

3. Ðịnh Ðà La Ni: Do sức Ðịnh mà tinh thần thống nhất tập trung lại, nên phát huy được lực lượng rất mạnh, nhờ đó mà thành tựu được nhiều môn Ðịnh (Ðịnh Tổng Trì).

4. Chú Ðà La Ni: Tức là thần chú. Do hành giả tập trung tinh thần trì chú, nên có sức mạnh làm cho hành giả được toại bản nguyện của mình.

b. “Tu Ða La Liễu Nghĩa”

Chữ “Tu Ða La”, tàu dịch là “Khế kinh”. Nghĩa là kinh này hiệp vớichân lý và căn cơ của chúng sinh.

Chữ “Liễu Nghĩa”:  Nghĩa lý rốt ráo đứng đắn. Kinh của Phật có hai loại:

1. Bất Liễu Nghĩa kinh là những bộ kinh Phật tùy quốc độ, tùy thời đại và tùy căn cơ, mà phương tiện nói ra, như các kinh về Tiểu thừa, nghĩa lý chưa rốt ráo.

2. Liễu Nghĩa kinh là những bộ Kinh nghĩa lý rốt ráo đúng đắn. Phật nói đúng chân lý không có tùy thời tùy cơ v.v... Như các kinh Ðại thừa. Kinh “Viên Giác” đây thuộc về kinh Liễu Nghĩa.

c. “Bí mật Vương Tam muội”

Chữ “Tam muội” tức là “Tam ma địa”, Tàu dịch:

1. Ðẳng trì

2. Chính định

3. Chính thụ

4. Chính tư duy

Viên Giác Tam muội này cao cả hơn các pháp Tam muội cho nên gọi là “Vương” (Vua).

Chữ “Bí mật”. Pháp Viên Giác Tam muội này, duy có Phật mới hoàn toàn thấu rõ được; ngoài ra như chúng sinh thời không biết, cho đến bực đẳng giác Bồ tát cũng chưa có thể thấu tột được, cho nên nói là “bí mật”.

d. “Như Lai quyết định cảnh giới kinh”

Cảnh giới Viên Giác này duy có đức Như Lai mới quyết định chứng nhập được. Từ bậc Đẳng giác Bồ tát trở xuống, ở trong vòng cầu chứng nhập, nên chưa quyết định được.

e. “Như Lai tạng tự tính sai biệt kinh”

Chữ “Như Lai tạng”, nghĩa là “Như Lai” còn tại triền. Bởi các vọng huyễn chưa viễn ly. Giác tính chưa phát hiện. Nghĩa là “quả đức Như Lai” còn bị tiềm tàng ẩn phục trong tâm của chúng sinh; tức là tính Viên Giác còn bị triền phược vậy.

Chữ “Tự tính”: tính Viên Giác tuy ở trong hiển vọng mà vẫn sáng suốt thanh tịnh không thay đổi, nên gọi là “tự tính”.

Chữ “Sai biệt”: tính Viên Giác tùy duyên ứng hiện ra các pháp sai khác, nên gọi là “sai biệt”.

4. PHẬT NÓI CÔNG ĐỨC TRÌ KINH NÀY

- Này Thiện nam! Kinh này nói về cảnh giới của Như Lai, nên duy có Phật mới hay biết, còn các vị Bồ tát và chúng sinh đời sau, chỉ y theo đây tu hành lần hồi tiến đến địa vị Phật.

Này Thiện nam! Kinh này tên “Ðại thừa đốn giáo”. Những chúng sinh đốn cơ mới có thể do kinh này được khai ngộ. Kinh này cũng tiếp độ các chúng sinh về tiệm tu. Bởi thế nên kinh này cũng như biển cả, không nhượng các dòng sông nhỏ. Lớn như Thần A Tu La và nhỏ như loài mòng muỗi, uống nước biển đều no bụng cả.

Này Thiện nam! Giả sử có người dùng toàn 7 món báu, chứa đầy cả đại thiên thế giới, đem ra bố thí; công đức của người ấy rất lớn, nhưng không bằng có người nghe tên kinh này, cho đến chỉ nghe nghĩa một câu, công đức người này nhiều hơn.

Này Thiện nam! Giả sử có người giáo hóa chúng sinh tu hành chứng được quả A la hán nhiều đến trăm lần số cát sông Hằng, nhưng không bằng có người giảng nói kinh này, cho đến rất ít là chỉ giảng nửa bài kệ, công đức của người sau này nhiều hơn.

Này Thiện nam! Nếu có người nghe kinh này tin tưởng không nghi ngờ, thì biết người đó đã trồng phước huệ không những ở một đời Phật, hoặc hai đời Phật, mà người này đã trồng căn lành từ nhiều đời Phật, như số cát sông Hằng; cho nên nay nghe đến kinh này mới hay tin thọ.

Lược giải:

Ðoạn này có 5 phần:

I. Kinh này nói về cảnh giới Viên Giác nên duy có Phật mới hay thấu triệt, còn từ các vị Bồ tát trở xuống chỉ y theo đây tu hành mà thôi.

II. Kinh này thuộc về Ðại thừa Đốn giáo, nên rất hợp với những người căn cơ Ðại thừa đốn ngộ. Song kinh này cũng tiếp độ các người căn cơ Tiểu thừa tiệm tu; thí như biển cả không nhượng các dòng sông. Tất cả chúng sinh lớn như A Tu La (dụ Đại thừa) nhỏ như mòng muỗi (dụ Nhị thừa) uống nước biển đều được no cả.

“Ðốn giáo”. Ngài Hiền Thủ phân Tam tạng kinh giáo của Phật làm năm thời:

1. Tiểu (Tiểu thừa)

2. Thỉ (Đại thừa Thỉ giáo)

3. Chúng (Ðại thừa rốt sau)

4. Ðốn (Ðại thừa đốn giáo - Chữ “Ðốn” là mau lẹ, nhanh chóng)

5. Viên (Ðại thừa viên mãn)

Ngài Thiên Thai lại phân làm bốn thời:

1. Tạng (Tiểu thừa tạng giáo)

2. Thông (Thông đến Đại thừa)

3. Biệt (Đặc biệt Ðại thừa)

4. Viên (Đại thừa Viên giáo)

III. Phật dạy người thọ trì kinh này, công đức quý hơn người bố thí bảo vật. Người dùng bảy món báu đụng đầy cả Ðại thiên thế giới, đem bố thí cho chúng sinh, công đức của người ấy tuy lớn, nhưng thuộc về phúc hữu lậu, nên chỉ hưởng trong một thời gian rồi hết. Không bằng người nghe tên kinh này, cho đến chỉ nghe một câu nghĩa, tuy rằng ít, nhưng đã gieo được hạt giống vô lậu thanh tịnh, không sớm thì muộn, thế nào cũng được quả vô lậu, nên quý hơn tài thí.

IV. Người giảng kinh này, công đức nhiều hơn người giáo hóa vô số hàng Nhị thừa. Vì giáo hóa vô số người chứng quả Nhị thừa, công đức tuy lớn, nhưng chỉ thuộc về Tiểu thừa quả, nên không bằng người y theo kinh Liễu Nghĩa Ðại thừa giảng nói một câu hay một bài kệ, làm cho người ngộ được tính Viên Giác, không sớm thì chày người ấy quyết định sẽ được thành Phật. Ví như các ngôi sao tuy nhiều, nhưng sáng không bằng một mặt trăng.

V. Người nghe kinh này mà sinh tâm vui mừng, ham mộ và tin tưởng, không nghi ngờ, thì biết người này đã có trồng hạt giống Đại thừa, từ nhiều đời đức Phật.

5. PHẬT KHUYÊN CÁC ĐỆ TỬ PHẢI BẢO HỘ CHO NGƯỜI TRÌ KINH NÀY

- Này Thiện nam! Các ông phải bảo hộ những người tu hành đời mạt pháp, chớ để cho các loài ác ma và ngoại đạo làm não loạn thân tâm của người tu hành, khiến cho họ thối tâm.

Lược giải:

Ðời mạt pháp, chúng ngoại đạo tà sư rất thịnh hành, hay làm nhiễu loạn người tu hành. Nếu không bảo vệ giữ gìn, thì hành giả sẽ bị chúng ma nhiễu hại, rồi phải thối chí ngã lòng.

6. CÁC VỊ THIỆN THẦN PHÁT NGUYỆN BẢO HỘ NGƯỜI TU HÀNH

Khi ấy ở trong pháp hội có tám vạn Thần Kim Cang như ông Hỏa Ðầu Kim Cương, Tồi Toái Kim Cương, Ni Lam Bà Kim Cương, cùng với quyến thuộc liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đi quanh bên hữu của Phật ba vòng, rồi kính cẩn lạy Phật và thưa rằng:

- Bạch Thế Tôn! Nếu các chúng sinh đời sau, có người nào thọ trì kinh Ðại thừa này, thì chúng con nguyện bảo hộ người ấy như giữ gìn tròng con mắt; cho đến chỗ đạo tràng của người này tu hành, chúng con cũng nguyện dẫn hết binh tướng đến đó, sớm chiều bảo hộ, khiến cho họ chẳng thối chuyển. Chỗ nhà cửa của người này ở, hằng không có tai chướng, các tật bệnh đều tiêu hết, của báu giàu có, thường chẳng thiếu thốn.

Khi ấy ông Ðại Phạm Vương và 28 vị Thiên Vương, cùng ông Tu Di Sơn Vương và Hộ Quốc Thiên Vương v.v... đều đứng dậy đi quanh bên hữu của Phật ba vòng, kính cẩn lạy Phật và thưa rằng:

- Bạch đức Thế Tôn! Chúng con cũng nguyện bảo hộ người thọ trì kinh này, thường được an ổn, tâm chẳng thối lui.

Khi ấy có Ðại Lực Quỷ Vương, tên là Cát Bàn Trà cùng với 10 vạn Quỷ Vương, đứng dậy đi quanh bên hữu của Phật ba vòng, rồi lạy Phật và thưa rằng:

- Bạch đức Thế Tôn! Chúng con cũng nguyện sớm chiều hộ vệ người thọ trì kinh này, khiến cho họ không thối lui. Chỗ của người trì kinh ở, trong khoảng một do tuần (10 dặm) nếu có chúng quỷ thần nào đến xâm phạm cảnh giới này, thì chúng con sẽ đập nó nát như vi trần.

Khi ấy tất cả Ðại chúng như các vị Bồ tát, Thiên Long, Quỷ thần, quyến thuộc của 8 bộ Quỷ Thần và chư Thiên, Phạm Vương v.v… nghe Phật nói kinh này rồi đều hoan hỷ, tín thọ và phụng hành.

Lược giải:

Chương thứ 12 này là nói về việc truyền bá lưu thông. Thính chúng trong pháp hội, trên từ các vị đại Bồ tát dưới cho đến chúng quỷ thần, nghe Phật nói kinh này, từ chương thứ nhất là Chương Văn Thù, cho đến chương thứ 11 là Chương Viên Giác rồi, tất cả đều lấy làm quý báu vô cùng, lợi lạc cho chúng sinh vô tận, nên hớn hở vui mừng, tín thọ và phụng hành. Bởi thế nên các vị Thiện Thần đều phát nguyện bảo hộ kinh và triệt để ủng hộ người thọ trì đọc tụng kinh này.

Chúng ta chắc đã có trồng căn lành từ nhiều đời trước, cho nên hôm nay mới có diễm phúc được nghe kinh này. Ước mong quý vị mỗi người nên phát Bồ đề tâm tu hành và truyền bá kinh này được phổ cập quần sinh. Thế là chúng ta đã đền đáp được ơn Phật mà cũng thực hành theo hạnh Phật là “Tự giác giác tha, giác hạnh Viên Giác”.

 


 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5671434
Số người trực tuyến: