2. Nam mô Quy y Kim Cương Thượng sư | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

2. Nam mô Quy y Kim Cương Thượng sư

Nam mô Quy y Kim Cương Thượng sư

Cung kính cúi lạy ngôi Kim Cương Thượng Sư.

Đó là lạy đức Giáo chủ Thầy cả ngôi Tam Bảo vô thượng.

Tiếng Phạn: Namah – Nam. Dịch: Kính lễ, độ ngã, Quy y. Nghĩa là lời của chúng sinh hướng về Phật, thốt tiếng chí tâm quy y tín thuận. còn chư Phật đối với chư Phật mà xưng là Namah (nam mô) đó, thì nghĩa là Kinh bố: giựt mình sợ hãi! Là nói: Với cái điều hiểm nạn sinh tử rất khá kinh sợ! Kíp phải cứu tế tất cả. Nam mô quy y là tiếng Hoa và Phạm hiệp chung lại để xưng.

Phản tà pháp là QUY, nương chính đạo là Y, nghĩa là phản với điều sinh diệt, tà kiến của thế gian, y nơi vô thượng Tam Bảo của xuất thế gian, để cầu giải thoát.

Kim Cương Thượng Sư đó, là đức Tỳ Lô Giáo chủ, tức là ngôi Nhất thể Tam Bảo của tự tính, làm đức Du Già Đại Bí Mật Giáo Chủ, vì ngôi Vô tận Tam Bảo do đây xuất sinh.

Lại, bốn phương bốn Phật, tất cả Thánh Hiền đâu chẳng do trong tâm Tỳ lô Kim Cương đây để phát sinh ra.

Tiếng Phạn: Vairocana (Tỳ Lô Cha Na), dịch: Biến nhất thế xứ (khắp tất cả chỗ), tức là Pháp thân Phật. nghĩa là thể của pháp tính rất thanh tịnh giáp tròn, vì là lấy pháp giới làm thân. Số là Pháp tính có bản giác thường chiếu, tức là “Tự tính Phật bảo”; Pháp tính có vốn đủ các pháp, tức là “Tự tính Pháp bảo”; bản giác cùng các pháp viên dung không hai, tức là “Tự tính Tăng bảo”. Song nhất thể Tam Bảo đây, là vị Thượng Sư tôn của tất cả Hiền Thánh.

Tức như Kinh nói: “Pháp là Thầy của chư Phật”. Thực thế.  Nay muốn cầu sám hối; ắt phải quy y trước đã.

Bốn phương bốn Phật

Tứ phương, tứ Phật, tức là nhất tâm tứ trí, cả bốn trí đều do trong thể thanh tịnh pháp giới trí để lưu lộ ra, mà Kim Cương Thượng Sư tức là Trung phương Tỳ Lô Cha Na thanh tịnh pháp giới trí. Lại tên là pháp tính, tính toàn là Trí, trí khắp pháp giới, không pháp nào chẳng đủ, tất cả hiền, thánh, đâu chẳng quán xét pháp tính đây để thành tựu. Kinh nói “Thầy của chư Phật là pháp đấy”.

(Khoa Du già nói: Ta cùng pháp giới tất cả chúng sinh, từ nay bắt đầu kể đi, nhẫn đến trong thời gian chưa chứng Bồ đề, thệ nguyện quy y Kim cương Tam Bảo).

---o0o---

Quy y Phật, Quy y Pháp, Quy y Tăng

Đó là cúi lạy ngôi Biệt tướng Tam Bảo.

Ngôi “Nhất thể Tam Bảo” thì thuần là lý tính; ngôi Biệt tướng Tam Bảo, là sự tướng. Danh tuy có ba, Tính chỉ một thể, thể dù là một, mà dụng là phân thành Tam Bảo, vì đâu chẳng khắp ích cho chúng sinh.

Phật: Giác chiếu, với nghĩa phân có ba:

1. Nếu hay giác chiếu được cái thể trống vắng nơi tâm mình, vẫn thanh tịnh, vẫn vô sinh, gọi là “giác tự”;

2. Do tự giác đó, hay khiến chúng sinh giác hiểu tự tâm, gọi là “giác tha”;

3. Tự tính tròn tột, chúng sinh tròn độ, với hạnh thì tròn đầy, tuy vắng mà tròn soi, tuy soi mà tròn vắng, gọi là “giác mãn”. Với ba giác đã tròn, ấy gọi là Phật, tức là chư Phật ở thập phương thế giới.

Pháp: Pháp tắc, cả thiện ác của ba giới, là pháp thế gian; lẽ vô sinh của Tam thừa ; là pháp xuất thế gian. Thể bình đẳng, tâm từ bi, là pháp của Phật giới, cốt lại : Pháp thập giới thập như nó bao quát hết cả, vì Phật thuyết ba tạng các Kinh, đều nói các pháp của thập như thị.

Tăng: Hoà hợp, Tăng chúng nhóm họp, hoặc nhiều hay ít, vì phải hành đạo hoà hiệp, tức như các Thánh: Bồ tát, Duyên giác, Thanh văn và là người phàm đi xuất gia làm tu sĩ đó.

Đối với ngôi Biệt tướng Tam Bảo, người mà năng quy y đó, thì vẫn lìa được khổ tam đồ, ắt đặng quả vô thượng Phật đạo

---o0o---

Tam giác - Tam đồ

Lý tức là tính, sự tức là tướng, là chỗ bảo rằng 100 giới, 1.000 như, 3.000 tính tướng, chỉ nói thế gian và xuất thế gian, thì đã bao quát hầu hết tất cả các pháp, đâu chẳng ở nơi một niệm hiện tiền của người nó thâu gồm hết. Một tâm niệm ấy, tức Tổ Thiên Thai gọi là cái cảnh chẳng nghĩ bàn, do vì không pháp nào nó chẳng đủ. Nếu người mà hay trở lại quán xét lấy một niệm ấy, mà với cái tâm năng quán, đương thể nó tức là không, tức là giả và tức là trung, với cái cảnh sở quán, đương thể nó tức chân, tức tục, vả tức trung, mà với Phật địa vị ta có thể từ cấp tiến lên được.

Cái nhất tâm hiện tiền, của chúng ta đây nó vốn đủ mười pháp giới, cái thể của mỗi giới lại đủ mười, mười lần mười là thành đặng 100 giới. Mỗi mỗi giới đủ mười như, 100 giới thì thành 1000 như, nên gọi là trăm giới nghìn như.

Lại, trải qua ba xứ là: Chúng sinh, ngũ ấm, quốc độ, mỗi xứ đều 1000, như thế thì thành 3000 tính tướng. Tính là lý đủ 3000, tướng là sự tạo 3000 họp lại đều ở nơi tâm một niệm hiện tiền của chúng ta vậy thôi.

Chúng ta nếu hay quán xét cái nhất niệm hiện tiền đó, thì cái năng quán cái sở quán vẫn là nhất như, pháp của Phật và pháp của chúng sinh đâu chẳng trọn đủ. Nên Tổ Thiên Thai làm pháp chỉ quán, phân mười thừa quán pháp: Pháp thứ nhất tức quán xét một niệm đây nó là cảnh bất tư nghị.

Hỏi: Danh Nghĩa mười như như thế nào?

Đáp: Kinh Pháp Hoa nói: “Tướng như thế, tính như thế, thể như thế, lực như thế, tác như thế, nhân như vậy, duyên như vậy, quả như vậy, báo như vậy, và bản mạt cứu cánh cả thảy như vậy”, đó là nói về cái danh. Còn về nghĩa thì chú giải rằng: “Tướng” là do cứ bên ngoài xem mà có thể biện biệt; “tính” là do cứ bên trong, tự phần nó chẳng đổi; chủ chất là “thể”; công năng là “lực”; cấu tạo là “tác”; gây cái nhân là “nhân”; giúp cho nhân là “duyên”; gây cái quả là “quả”; trả cái quả là “Báo”: cái tướng ban đầu là “Bản”, cái báo về sau là “mạt”, sự lý có chỗ về đến là “cứu cánh” v.v…Như thế mười như, mỗi giới lẫn đủ, nhẫn đến trọn ngày: một động, một tĩnh, một sự, một vật gì, đâu chẳng đủ mười như ấy.

Vả lấy về giới của con người để so ra: Như hình tướng của người là “Tướng”, với tính phận của nhân thân, chẳng thể đổi làm vật chi khác là “Tính”: cái chất cốt nhục của nhân thân đó là “Thể”, người có cái dụng thiện ác đó là “Lực”, dấy tạo ra thiện hay ác đó là “Tác”, tạo thiện là gây cái nhân thiện, tạo ác là gây cái nhân ác, đó là “Nhân”, gây lành ắt cần duyên lành giúp nhau, gây dữ ắt cần duyên dữ giúp nhau, đó là “Duyên”, cái nhân gây lành ắt kết quả lành; cái nhân gây dữ kết quả dữ, đó là “Quả”, báo ấy, như chỗ ra làm của người đời: về loại lành nhiều lắm, loại dữ cũng nhiều, như con người: tướng giàu mỗi mỗi chẳng đồng, tướng sang mỗi mỗi chẳng đồng, tướng nghèo, tướng hèn cũng mỗi mỗi chẳng đồng, với quả dù đều gọi là người, mà với báo thì phân ra có tốt có xấu thượng hạ, đó là “Báo”, tướng người là cái “gốc” tạo nhân, chịu báo là cái “ngọn” với quả, cứu cánh quy thú : tức là cái tính chất “Cương thường ngũ giới”, là cái lý nhân đạo chỗ về.

Đó là mười Như của Nhân giới, nói lên mười Như của Nhân giới, mà cả mười Như của chín giới (Phật, Bồ tát, Duyên giác, Thanh văn, Thiên, A tu la, Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sinh) kia đâu chẳng lẫn đủ, nhẫn đến nói lên một mảy sự chi cũng đều đủ mười Như. Bởi vì ngoài mười Như riêng không còn khá đặng một pháp nào nữa. Vậy nói lên mười giới mười Như đây, chỉ là đương một niệm của người mà thôi.

Thế nên Tổ Thiên Thai Đại Sư dạy người chỉ quán một niệm tức không, tức giả, tức trung, thì cả mười giới các pháp tính tướng đâu chẳng đủ nếu hay từ đây tinh tiến thì thẳng tiến lên bậc Thánh không ngờ nữa.

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5756641
Số người trực tuyến: