2. Phẩm Thuần Đà Thứ Hai | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

2. Phẩm Thuần Đà Thứ Hai

PHẨM THUẦN ĐÀ THỨ HAI

(Hán bộ phần đầu quyển thứ hai)

Bấy giờ trong đại hội có vị Ưu-bà-tắc, con nhà thợ thuyền trong thành Câu-Thi-Na, tên là Thuần- Đà cùng với mười lăm bạn đồng nghiệp, vì muốn đem quả lành đến cho người đời nên đến trước Phật, quỳ gối chắp tay cúi lạy chân Phật, buồn khóc rơi lệ, bạch rằng: “Ngửa mong đức Thế- Tôn và Tỳ-Kheo-Tăng thương xót nhận phần cúng dường cuối cùng của chúng con, cho vô-lượng chúng sinh được độ.

Bạch Thế-tôn! Chúng con từ nay nghèo cùng đói khổ không ai cứu giúp, không nơi nương nhờ, muốn xin phước lộc tương lai ở Đức thế-Tôn (17). Cúi xin xót thương nhận chút lễ mọn rồi sẽ nhập Niết-bàn. Bạch Thế-Tôn! Ví như có người nghèo cùng đến xứ xa lạ ra sức làm ruộng, đặng trâu cày giỏi, ruộng đất tốt màu, bằng phẳng sạch cỏ, chỉ còn chờ trời mưa. Trâu giỏi dụ cho bảy nghiệp của thân và miệng, ruộng tốt bằng phẳng dụ cho trí huệ, sạch cỏ dụ cho trừ sạch phiền não. Bạch Thế-tôn! Nay đây con đã có trâu giỏi ruộng tốt sạch cỏ, chỉ còn trông chờ trận mưa pháp cam-lồ của Như-Lai. Người nghèo kia chính là con đây, nghèo nơi của báu pháp-bảo vô-thượng. Ngửa mong xót thương dứt trừ sự nghèo cùng khốn khổ của chúng con và cả vô-lượng chúng-sinh. Cúng phẩm của con dầu kém mọn, cũng mong đức Như-Lai và chư Tăng dùng được đủ. Ngày nay con không nơi nương nhờ, không ai nâng đỡ, xin đức Thế-tôn rủ lòng thương xót coi con như La-Hầu-La (18).

Đức Thế-Tôn, bậc nhất-thiết chủng- trí vô- thượng điều-ngự, bảo Thuần-Đà rằng Lành thay! Lành thay ! Hôm nay Như-Lai trừ sự nghèo cùng cho ông, mưa pháp vô-thượng xuống cho ruộng thân tâm ông mọc mầm pháp. Ông muốn cầu thọ-mạng, sắc, lực, an-lạc vô ngại, biện-tài nơi Như-Lai. Như-Lai sẽ ban cho ông các thứ ấy. “Thuần-Đà! Thí- thực có hai, đồng một quả báo; một là thọ xong liền chứng vô- thượng chính-đẳng chính-gíac, hai là thọ xong liền nhập Niết-Bàn. Hôm nay Như-Lai nhận phần cúng dường cuối cùng của ông, cho ông đầy đủ bố-thí Ba-la-mật” (19).

Thuần-Đà liền bạch Phật rằng; “Như Đức Thế-Tôn vừa dạy rằng hai lúc cúng-thí quả-báo đồng nhau, theo ý con nghĩ, e rằng không đúng ngĩa. Vì vị thọ-thí trước là bậc chưa sạch phiền não, chưa chứng nhất-thiết-chủng-trí (20) cũng chưa có thể làm cho chúng sinh đầy đủ bố-thí ba-la-mật. Còn vị thọ thí sau là bậc nhất-thiết chủng-trí, đã sạch phiền-não, có thể làm cho khắp chúng sinh đầy đủ bố-thí-ba-la-mật.

Vị thọ-thí trước còn là chúng sinh, vị thọ-thí sau là bậc trời trong các trời. Vị thọ-thí trước là thân tạp-thực, thân phiền-não, thân vô-thường cuối cùng; vị thọ-thí sau là thân kim-cang không phiền- não, là pháp-thân chân-thường vô cùng. Sao lại cho rằng hai sự cúng-thí quả báo đồng nhau?

Vị thọ thí trước chưa được đầy đủ đàn-ba-la-mật nhẫn đến bát-nhã ba-la-mật, chỉ có nhục nhãn chưa có huệ nhãn nhẫn đến Phật-nhãn (21). Vị thọ thí sau đã được đầy đủ cả sáu ba-la-mật nhẫn đến Phật-nhãn. Sao lại cho rằng hai sự cúng-thí được quả-báo đồng nhau?

Bạch đức Thế-Tôn! Vị thọ-thí trước, thọ xong ăn nuốt vào bụng tiêu hóa đặng sống còn, đặng sức khỏe, xinh đẹp, an vui, vô-ngại-biện. Vị thọ thí sau chẳng ăn chẳng tiêu, không năm sự quả. Sao lại cho rằng hai sự cúng thí được quả báo đồng nhau?”.

Đức Phật phán: “Thuần-Đà! Như-lai đã từ vô-lượng vô-biên vô số kiếp (22) không có những thân ăn uống, thân phiền não, thân sau cùng, mà là thân chân-thường, thân kim- cang, là pháp- thân.

Thuần-Đà! Người chưa thấy Phật-tính gọi là thân tạp-thực, phiền mão, cuối cùng. Lúc đó Bồ-tát thọ đồ ăn uống rồi nhập kim-cang tam-muội, đồ ăn tiêu hóa xong liền thấy Phật-tính, chứng vô-thượng chính đẳng chính giác. Vì lẽ ấy nên Như-Lai nói hai sự cúng-thí được quả báo đồng nhau.

Lúc thành đạo, Bồ-tát phá hoại bốn ma (23), nay nhập Niết-bàn cũng phá hoại bốn ma, nên Như-Lai nói hai quả-báo không sai khác.

Lúc trước dẫu Bồ-tát chẳng rộng giảng-diễn mười hai bộ kinh nhưng đã thông đạt rồi, nay nhập Niết- bàn rộng vì chúng sinh phân biệt giảng dạy. Vì thế nên Như-Lai nói hai quả báo đồng nhau.

Thuần-Đà! Thân của Như-Lai đã từ vô-lượng vô số kiếp chẳng thọ sự ăn uống. Vì hàng Thanh-Văn mà nói rằng trước thọ cháo sửa của hai nàng chăn bò là Nan-Đà và Nan-Đà Ba-La, rồi sau mới chứng quả vô-thượng chính-giác, nhưng chính thiệt Như-Lai không ăn. Hôm nay vì đại-chúng trong hội này, mà Như-Lai nhận sự cúng dường cuối cùng của ông dưng. thiệt ra Như-Lai không ăn”.

Đại-chúng nghe đức Thế-Tôn khắp vì đại-hội mà nhận sự cúng dường cuối cùng của Thuần-Đà, đều vui mừng hớn hở. Đồng rập tiếng khen rằng: Lành thay! Lành thay! Hi hữu thay cho Thuần- Đà! Thiệt ông không uổng tên là Thuần-Đà. Vì hai chữ Thuần-Đà là “hiểu diệu-nghĩa”. Ông nay kiến lập diệu-nghĩa như thế, cứ nghĩa đặt tên gọi là Thuần-Đà. Hiện đời đây ông được đầy đủ cả danh tiếng, tài lợi, đức hạnh, chí nguyện. Rất lạ cho ông Thuần-Đà! Sinh trong loài người lại được quả lành vô- thượng rất khó đươc. Lành thay cho Thuần-Đà! Trong đời khó có người thứ hai. khác nào hoa Ưu-Đàm. Đức Phật ra đời là rất khó. Gặp Phật sinh lòng tin, được nghe chính pháp, lại là rất khó. Đức Phật sắp nhập Niết-Bàn, thỉnh được đức Phật nhận phần cúng dường cuối cùng lại càng khó hơn.

Nam-mô Thuần-Đà! Nam-mô Thuần-Đào! Nay ông đã đầy đủ bố-thí ba-la-mật. Đại chúng liền nói kệ rằng:

Ông dầu sinh nhân đạo

Đã siêu trời thứ sáu

Tôi cùng tất cả chúng

Nay xin yêu cầu ông:

Đấng tối-thắng trong người

Nay sẽ nhập Niết-bàn,

Ông nên thương chúng tôi

Xin kíp thỉnh đức Phật

Ở lâu lại thế gian

Diễn thuyết pháp vô-thượng

Mà bậc trí tán thán

Hầu lợi ích chúng sinh.

Nếu ông không thỉnh Phật

Mạng tôi ắt khó toàn

Ông nên vì chúng tôi

Đãnh lễ đức Điều-Ngự.

Thuần-Đà vui mừng hớn hở như người có cha mẹ vừa chết bỗng sống lại. Ông đãng lễ Phật mà nói kệ rằng:

Vui thay được lợi mình!

Khéo thọ nơi thân người

Dẹp trừ tham sân si

Thoát hẳn ba ác đạo (24)

Thích thay được lợi mình!

Được gặp kho vàng báu

Gặp gỡ đức Điều-Ngự

Chẳng sợ đọa súc sinh

Phật như hoa Ưu-Đàm (25)

Khó gặp gỡ tin kính

Gặp rồi trồng căn lành

Dứt hẳn khổ ngạ-quỷ,

Laị cũng hay tổn giãm

Chủng loại A-Tu-La.

Hột cải ghim đầu kim (26)

Phật ra đời khó hơn,

Tôi đã đủ đàn độ (27)

Độ thiên nhân sinh tử.

Phật chẳng nhiễm việc đời

Như hoa sen ở nước

Khéo dứt giống tam-giới (28)

Thoát hẳn dòng sinh tử,

Sinh làm người là khó

Gặp đời Phật cũng khó

Dường như trong biển lớn

Rùa mù gặp bọng cây.

Nay tôi dưng thực phẩm

Nguyện đặng báo vô thượng

Xô phá phiền-não kiết

Tất cả không bền chắc.

Nay tôi ở nơi đây

Chẳng cầu thân nhân thiên

Dầu có được thân ấy

Cũng không lòng ham thích

Được Phật nhận cúng phẩm

Con vui sướng không lường

Khác nào bông Y-Lan (29)

Ngát mùi hương chiên đàn.

Thân tôi như Y-Lan

Thế-Tôn nhận cúng phẩm

Như ngát hương chiên đàn

Vì thế tôi vui mừng.

Tôi nay được hiện báu

Chỗ tối-thắng thượng-diệu

Đế-Thích cùng Phạm-Thiên (30)

Đều đến cúng dường tôi,

Tất cả các thế gian

Đều sinh lòng buồn khổ

Vì biết Phật Thế-tôn

Muốn nhập đại-niết-bàn

Đồng cất tiếng xướng to:

Đời sẽ không Điều-Ngự

Chẳng nên bỏ chúng sinh

Phải xem như con một

Phật ở giữa chư tăng

Diễn thuyết pháp vô thượng

Như núi báu Tu-di

Cao vọi giữa biển cả.

Trí Phật vay khéo dứt

Tối vô-minh của tôi

Dường như giữa hư không

Mây nổi đặng mát mẻ

Như –Lai khéo dứt trừ

Tất cả các phiền não (31)

Như mặt trời mọc lên

Tan mây sáng khắp soi

Các loài chúng sinh đây

Khóc than sưng cả mắt

Đều bị dòng sinh tử

Đẩy trôi rất khốn khổ.

Đức Thế-Tôn cần phải

Thêm căn lành chúng sinh

Vì dứt khổ sinh tử

Ở nán lại thế gian.

Phật bảo Thuần-Đà:  “Đúng như lời ngươi nói. Phật ra đời là khó như hoa Ưu-đàm. Gặp Phật sinh lòng tin lại khó hơn. Phật sắp nhập Niết-Bàn, dược cúng dường lần cuối cùng đầy đủ bố-thí ba-la-mật, lại là việc rất khó gấp bội.

Nay ông chớ buồn khổ, nên phải vui mừng vì đã được dịp cúng dường Như-Lai lần cuối cùng, do đây thành-tựu bố-thí ba-la-mật. Ông chẳng nên thỉnh Phật ở lại nơi đời, mà phải quan sát cảnh giới của chư Phật thảy đều vô-thường, tính và tướng của các hành-pháp cũng như vậy”.

Đức Phật liền vì Thuần-Đà mà nói kệ rằng:

Tất cả các thế gian

Có sinh đều có tử,

Dầu thọ-mạng vô-lượng

Tất có kỳ phải hết.

Có thịnh tất có suy,

Sum hiệp có biệt ly,

Tuổi trẻ chẳng dừng lâu

Khỏe mạnh bị bịnh xâm,

Sự chết nuốt mạng người

Không có gì thường còn.

Bậc vua chúa tự-tại

Thế-lực không ai bằng

Tất cả đều dời đổi

Mạng sống cũng như vậy.

Sự khổ xoay không ngằn

Lưu-chuyển không thôi dừng

Ba cõi đều vô thường

Mọi loài không có vui.

Tính tướng của pháp có

Tất cả đều trống không,

Pháp sinh diệt lưu-chuyển

Luôn có những lo khổ,

Sợ sệt, các lỗi ác,

Già, bịnh, chết, buồn rầu.

Những khổ ấy không ngằn

Hư rã nhiều tai hại,

Phiền não bao gói kín

Khác nào tầm ở kén,

Là người có trí huệ

Đâu nên thích chốn này.

Các khổ nhóm nơi thân

Tất cả đều nhơ nhớp,

Tai nạn, ghẻ nhọt thảy

Cội gốc của khổ đau,

Dầu là thân chư-Thiên

Đều cũng giống như vậy.

Dục ái đều vô-thường

Nên Phật chẳng tham ưa,

Ly dục khéo tư duy

Đặng chứng quả chân thiệt

Rốt ráo dứt sinh tử

Nay sẽ vào Niết-bàn.

Phật đãvượt bờ kia

Đã thoát hẳn các khổ

Vì thế nên hiện nay

Thuần hưởng những diệu-lạc,

Do các nhân duyên ấy

Chứng quả vị chân thiệt

Dứt hẳn những triền phược

Hôm nay vào Niết-bàn.

Phật không già, bịnh, chết,

Thọ mạng vô cùng tận,

Phật nay vào Niết-bàn

Như ngọn lửa lớn tắt.

Thuần-Đà! Ông chẳng nên

Suy lường nghĩa Như-Lai,

Nên xét tính Như-Lai

Dường như núi Tu Di.

Phật nay vào Niết-bàn

Thọ-trì bệ nhất lạc,

Pháp chư Phật như vậy

Các ông chớ nên khóc.

Thuần-Đà bạch Phật rằng: Bạch đức Thế-Tôn! Đúng như lời Phật dạy. Trí huệ của con kém nhỏ như muỗi mòng, đâu có thể nghĩ bàn được nghĩa Niết-bàn sâu kín của Như-Lai.

Bạch Thế-Tôn! Ví như người tuổi thơ ấu mới xuất gia, dầu chưa thọ giới cụ-túc, mà đã được dự vào số chúng tăng. Con nay cũng vậy, nhờ thần lực của Phật và BồTát, mà con được dự vào số đại Bồ-Tát, đã được cùng hàng với các bậc Đại-Long-Tượng (32) dứt phiền não, như ngài Văn-Thù Sư-Lợi Pháp-Vương-Tử v.v…

Thế nên hôm nay con muốn đức Như-Lai thường ở nơi đời mà chẳng vào Niết-bàn .

Văn-Thù Sư-Lợi Pháp-Vương-Tử (33) bảo Thuần-Đà rằng: Ông chẳng nên nói rằng muốn đức Như-Lai thường ơ nơi đời mà chẳng vào Niết-bàn. Ông phải quán-sát tính tướng của hành pháp, quán sát như thế đặng “không” tam-muội. Muốn cầu chính pháp nên học pháp quán-sát như vậy.

Thuần-Đà nói: “Thưa ngài Văn-Thù Sư-Lợi! Đức Như-Lai là bậc cao cả nhất trong người trên trời. Đức Như-Lai như thế há lại là hành pháp sao?(34) Nếu là hành- pháp thời là pháp sinh diệt. Ví như bóng nước chóng nổi chóng tan, qua lại xoay vần như bánh xe lăn, các hành- pháp cũng thế. Tôi nghe chư Thiên sống rất lâu, tại sao đức Thế-Tôn là bậc trời trong các trời mà lại sống chẳng đầy trăm tuổi.

Cách hành-pháp là pháp sinh tử, nếu đức Như-Lai nhập diệt thời đồng với hành-pháp, đâu được gọi là bậc trời trong các trời, là pháp vương tự- tại. Vì thế chẳng nên xem đức Như-Lai đồng với hành-pháp.

Đức Như-Lai hàng phục phiền-não ma, ngũ-ấm ma, thiên-ma, tử ma do nhân duyên ấy mà thành-tựu đầy đủ vô-lượng công-đức chân thiệt, nên hiệu là Như-Lai Ứng-Cúng Chính-Biến- Tri, hiệu là Tam-Giới-Tôn.

Thưa ngài Văn-Thù Sư-Lợi: Chẳng nên ức-tưởng phân biệt mà đem pháp Như-Lai cho đồng với các hành pháp. Ví như phú ông sinh con trai, nhà tướng số xem trẻ ấy có tướng đoản mạng. Phú ông biết rằng trẻ ấy không thể nối lấy gia nghiệp, nên chẳng ái trọng. Vả kẻ đoản thọ thời chẳng được mọi người kính trọng. Nếu đức Như-Lai đồng với các hành-pháp, ắt chẳng được sa-môn bà-la-môn tất cả trời người kính thờ, mà pháp chân thiệt bất biến bất dị của Như-Lai dạy ra cũng không ai tín thọ. Vì lẽ ấy, ngài chẳng nên nói rằng Như-Lai đồng với các hành-pháp.

Thưa ngài Văn-Thù Sư-Lợi! Như bần-nữ đang có mang mà lại đói khát không nhà cửa, đẻ nhờ dưới mái nhà kia, chủ nhà xua đuổi, bần nữ bồng con muốn đến xứ khác để mưu sinh. Dọc đường phải lội qua con sông, ra giữa dòng bị nước chảy, xoáy mạnh, không nỡ buông con nên mẹ con đồng bị chết đuối. Vì tấm lòng từ ái ấy, bần nữ được sinh lên cõi phạm- thiên.

Nếu có Thiện-nam-tử muốn hộ trì chính-pháp, chớ nói Như-Lai đồng với các hành-pháp hay chẳng đồng với các hành-pháp. Chỉ nên tự trách mình ngu si không có huệ- nhãn, chính-pháp của Như-Lai không thể nghĩ bàn, không nên tuyên nói Như-Lai quyết định là hữu-vi, hay vô-vi. Nếu là người chính-kiến nên nói Như-Lai quyết định là vô- vi. Vì sao thế? Vì nói Như- Lai là vô-vi thời có thể sinh pháp lành cho chúng sinh.

Thiện-nam-tử hộ-trì chính-pháp thà chết chớ chẳng nói Như-Lai đồng với pháp hữu-vi, mà chỉ nên nói Như-Lai đồng với pháp vô-vi. Nhân vì hộ- trì chính-pháp nói Như-Lai đồng với pháp vô-vi mà đặng quả vô-thượng chính-giác. Như bần-nữ thà chết đuối giữa dòng chớ không chịu buông con, nhân đó mà được sinh lên cõi phạm-thiên. Thiện nam-tử này chẳng cầu giải thoát mà giải thoát tự đến. Khác nào bần nữ kia chẳng cầu sinh phạm-thiên mà quả phạm- thiên tự đến.

Thưa ngài Văn-Thù Sư-Lợi! Như người đi xa giữa đường mỏi mệt, nghỉ nhờ nhà người. Giữa lúc ngũ, nhà ấy bổng bốc lửa to. Người ấy choàng dậy biết chắc phải chết, lòng hổ thẹn sọ thân thể lõa lồ bèn lấy y áo vấn thân mà chết, liền được sinh lên cõi trời Đao-Lợi. sau đó tám mươi đời làm Đại-Phạm-Vương, trăm ngàn đời làm Chuyển- Luân- vương, người ấy mãi hưởng phước lành như vậy, hẳn không bị đọa vào ác đạo. Vì duyên cớ ấy, nếu là người có tâm tàm-quý chẳng nên xem Như-Lai đồng với các hành- pháp.

Bọn ngoại đạo tà-kiến mới được nói Như-Lai đồng với pháp hữu-vi.

Là Tỳ-Kheo trì-giới đâu nên có quan niệm rằng Như-Lai là pháp hữu-vi.

Nếu nói Như-lai là pháp hữu-vi, đó chính là vọng-ngữ. Phải biết người này sẽ đọa địa ngục.

Thưa ngài Văn-Thù Sư-Lợi! Như-Lai chân thiệt, chính là pháp vô-vi, chẳng nên lại nói là hữu-vi. Từ nay ở trong đường sinh tử, ngài nên bỏ vô-trí mà cầu nơi chính-trí. Phải biết Như-Lai chính là vô-vi. Được chính- quán như thế, sẽ đầy đủ ba mươi hai tướng, chóng thành tựu quả vô-thượng bồ-đề.”

Văn-Thù Sư-Lợi Bồ-Tát khen Thuần-Đà rằng:”Lành thay! Lành thay! Nay ông đã tạo nhân duyên trường thọ, ông biết được Như-Lai là pháp thường-trụ, là pháp chẳng biến-dị, là pháp vô-vi. Nay ông khéo che đậy tướng hữu-vi của Như-Lai, sau này ông sẽ đặng đầy đủ ba mươi hai tướng, tám mươi tùy hình, mười tám pháp bất cộng, thọ mạng vô-lượng, luôn được an vui, không còn sinh tử sẽ thành bậc Ứng-Cúng Chính-Biến-Tri. Như người lữ khách bị lửa thiêu mà có lòng hổ thẹn lấy y áo vấn thân, nhờ tâm lành ấy nên được sinh lên cõi Đao-Lợi, lại nhiều đời làm Phạm-Vương, Chuyển- Luân-Vương, luôn được an vui chẳng sa ác đạo.

Tôi cùng ông cũng đều nên che đậy tướng hữu-vi của Như-Lai. Lát nữa đức Thế-Tôn sẽ giảng rộng về ý nghĩa ấy.

Nên để hữu-vi vô-vi lại đó. Ông nên kíp lo cúng-dường cơm nước cho kịp giờ, và cũng nên sắm sữa đồ cần thiết cho hàng tứ-chúng từ xa hội về đang mõi mệt. Cúng đường như thế chính là đầy đủ chủng-tử căn-bổn của đàn-ba-la-mật.

Thuần-Đà! Nếu cúng dường Đức Phật và chư Tăng lần cuối cùng, hoặc nhiều hay ít, đủ hay thiếu đều phải sớm lo cho kịp giờ. Đức Như-Lai sẽ nhập Niết-bàn”.

Thuần-Đà nói: “Thưa ngài Văn-Thù Sư-Lợi! Sao ngài lại tham chút uống ăn mà nói hoặc ít hoặc nhiều, đủ hay chẳng đủ, rồi bảo tôi lo cho kịp giờ? Xưa kia đức Như-Lai khổ hạnh trọn sáu năm còn chịu nổi, huống là giây lát hôm nay. Ngài thiệt cho rằng đức Như-Lai chính giác thọ đồ uống ăn này ư? Tôi thời biết quyết định thân Như-Lai chính là pháp-thân, không phải thực-thân.

Phật bảo Văn-thù Sư-Lợi: “Thật đúng như lời của Thuần-đà! Lành thay Thuần-Đà! Ông đã thành-tựu đại trí-huệ, khéo thâm nhập kinh- điển Đại-thừa”.

Văn-Thù Sư-Lợi nói với Thuần-Đà: “Ông cho rằng Như-Lai là vô-vi, thân Như-Lai là trường-thọ, hiểu biết như vậy đức Phật rất hài lòng”.

Thuần-Đà nói: “Đức Như-Lai chẳng riêng gì hài lòng nơi tôi, mà cũng hài lòng với tất cả chúng sinh”.

Văn-Thù Sư-Lợi nói: “Đức Như-Lai đối với ông, với tôi, với tất cả chúng sinh, đều hài lòng”.

Thuần-Đà nói: “Ngài chẳng nên nói đức Như-Lai hài lòng. Luận về hài lòng, chính là đảo-tưởng. Phàm có đảo-tưởng thời là sinh tử, có sinh tử thời là pháp hữu-vi. Vì lẽ ấy ngài chẳng nên cho Như- Lai là hữu-vi. Nếu nói Như-Lai là hữu-vi thời ngài cùng tôi đều điên-đảo cả.

Thưa ngài Văn-Thù Sư-Lợi! Đức Như-Lai không có ái- niệm. Luận về ái- niệm, như trâu mẹ kia ái-niệm con của nó, dầu là đói khát đi tìm cỏ nước, hoặc no hay chưa no, bỗng nhiên nhớ con liền trở về. Chư Phật Thế-Tôn không có ái-niệm như vậy, bình đẳng xem tất cả chúng sinh như La-Hầu-La. Từ-niệm bình đẳng như vậy chính là cảnh-giới trí-huệ của chư Phật.

Thưa ngài Văn-thù Sư-Lợi! Ví nnư quốc vương ngự trên xe tứ mã, có người muốn cho xe bò theo kịp xe vua, tất không thể được. Ngài cùng tôi muốn cùng tận chỗ vi-mật thâm-áo của Như-Lai cũng không thể được.

Ví như Kim-Sí-Điểu(35) bay vọt trên cao vô lượng do-tuần, nhìn xuống biển cả thấy rõ những loài thủy tộc cùng loài rồng và bóng của nó. Kẻ phàm tục trí kém, không thể suy lường chỗ thấy của Kim-Sí-Điểu. Cũng thế, ngài cùng tôi không thể suy lường được trí huệ của Như-Lai”.

Văn-Thù Sư-Lợi Bồ-tát bảo Thuần-Đà rằng: “Đúng như lời ông vừa nói. Đối với những việc ấy không phải là tôi không hiểu. Chẳng qua vì muốn đem việc của Bồ-Tát thử ông đó thôi”.

Bấy giờ đức Thế-tôn từ trên mặt phóng ra nhiều tia sáng chiếu thân ngài Văn-Thù. Ngài Văn-Thù liền bảo Thuần-Đà rằng: “Nay đây Đức Như-Lai hiện thoại-tướng từ trên mặt phóng ra nhiều tia sáng như thế chẳng phải là không duyên cớ, đó là điềm đức Phật sắp nhập Niết-bàn. Ông phải sớm lo dưng lễ cúng dường lên đức Phật và chư Tăng cho kịp giờ.”

Đức Phật bảo Thuần-Đà: “Đã phải giờ cho ông dưng thực phẩm cúng dường Phật và đại- chúng. Như-Lai sẽ nhập Niết-bàn”.

Đức Phật bảo luôn ba lần như vậy.

Thuần-Đà nghe đức Phật dạy như vậy, bất giác nghẹn ngào khóc than nức nở:

“Khổ thay! Khổ thay! Thế gian sẽ trống rỗng”. Rồi ông lại thưa cùng đại-hội:

“Hôm nay chúng ta phải đồng tha-thiết đỉnh lễ cầu đức Phật đừng nhập Niết-bàn”.

Đức Thế-Tôn lại bảo Thuần-Đà: “Ông chớ nên khóc than tiều-tụy như vậy. Ông phải quán sát thân này như cây chuối, như ánh nắng, như bọt nước, như huyễn-hóa, như thành Càn-thát-bà, như đồ gốm chưa hầm, như làn chớp, như hình vẽ trên nước, Như tù sắp hành hình, như trái muồi, như cục thịt, như bức dệt đã hết khổ, như chày giã lên xuống. Phải quán sát các hành-pháp như món ăn lẫn chất độc, pháp hữu-vi nhiều tai hại.”

Thuần-Đà bạch Phật: “Đức Thế-Tôn chẳng muốn ở lại đời làm sao con không buồn khóc cho được. Khổ thay! Khổ thay! Thế-gian sẽ trống rỗng. Ngửa mong Đức Thế-Tôn thương xót chúng con và chúng sinh mà ở luôn nơi đời, chẳng nhập Niết-bàn”.

Phật bảo Thuần-Đà: Ông chẳng nên nói rằng thương xót các ông mà ở luôn nơi Đời. Chính vì thương xót ông và các chúng sinh mà hôm nay Phật mới muốn nhập Niết-bàn. Vì sao thế? Chư Phật pháp-nhĩ như vậy. Pháp hữu-vi cũng thế. Nên chư Phật nói kệ rằng:

Các pháp hữu-vi

Tính nó vô thường

Sinh rồi chẳng trụ

Tịch-diệt là vui.

Thuần-Đà! Ông nên quán-sát các hành pháp là tạp độc. Các pháp hữu-vi là vô-ngã vô-thường chẳng trụ. Tấm thân này có rất nhiều tai hại như bóng nước. Vì lẽ ấy ông chớ nên khóc lóc”.

Thuần-Đà bạch Phật: “Thật đúng như lời Thế-Tôn dạy. Mặc dầu con vốn biết đức Như-Lai phương tiện thị-hiện nhập Niết-bàn, nhưng con không làm sao ngăn sự buồn thảm được. Giờ đây tự suy xét, con lại sinh lòng vui mừng”.

Phật khen Thuần-Đa: “Lành thay! Lành thay! Ông có thể rõ biết Như-Lai thị-hiện đồng với chúng sinh mà phương tiện nhập Niết-bàn.

Thuần-Đà! Ông nên nghe đây: Như mùa xuân chim ta-la-tà đều nhóm nơi ao A-Dậu-Đạt. Chư Phật cũng thế đều đến chỗ ấy. Ông chẳng nên suy nghĩ chư Phật là trường thọ hay đoản thọ. Tất cả các pháp đều nnhư tướng huyễn-thuật. Như-Lai ở trong ấy do sức phương tiện không có nhiễm trước. Vì sao thế? Vì chư Phật pháp-nhĩ như vậy.

Thuần-Đà! Nay Như-Lai nhận phần cúng dường của ông là vì muốn cho ông thoát khỏi các dòng sinh tử trong ba cõi. Hàng nhân-thiên ở nơi sự cúng dường cuối cùng đối với Như-Lai đây, đều sẽ được quả-báo bất động, luôn được an vui. Vì sao thế? Vì Như-Lai là phước điền tốt của chúng sinh. Nếu ông muốn vì chúng sinh mà làm phước-điền, thời phải kíp sắm sửa cúng phẩm, chẳng nên để trễ”.

Bấy giờ Thuần-Đà vì các chúng sinh được độ thoát nên cúi đầu lau lệ mà bạch Phật: “Lành thay đức Thế-Tôn! Nếu lúc con kham có thể làm phước-điền, thời có thể biết rõ Như-Lai là nhập Niết- bàn hay chẳng phải nhập Niết-bàn. Nay trí huệ của chúng con cùng Thanh-Văn Duyên-Giác nhỏ kém như kiến muỗi, thiệt không thể suy lường Như-Lai nhập Niết-bàn hay chẳng phải nhập Niết-bàn”.

Bạch xong, Thuần-Đà cùng quyến thuộc buồn rầu khóc lóc, thiêu hương rải hoa, hết lòng cung kính, rồi liền cùng ngài Văn-Thù Sư-Lợi Bồ-Tát đi lo sắm sửa thực phẩm.

THÍCH NGHĨA

(17) THẾ TÔN: Đấng tôn quý nhất trong tất cả thế gian và xuất thế gian. Từ ngữ này gồm đủ mười điều vô-thượng : 1 – Như-Lai, 2 – Ứng-Cúng. 3- Chính-Biến-Tri. 4- Minh-Hạnh-Túc. 5- Thiện- Thệ. 6- Thế-Gian-Giải. 7- Vô-Thượng-Sĩ. 8- Điều-Ngự-Trượng-Phu. 9- Thiên-Nhân-Sư. 10- Phật.

(18) LA-HẦU-LA: Con trai của Thái-Tử Sĩ-Đạt-Ta và Da-Du-Đà-La

(19) BỐ-THÍ-BA-LA-MẬT: Công hạnh bố thí đã đến từng ngã và pháp đều không, đã rốt ráo viên mãn. Biệt-Giáo bậc sơ địa viên giáo bậc sơ trụ mới thành tựu hạnh này.

(20) TRÍ-HUỆ CHỨNG-NGÃ-KHÔNG gọi là “Nhất-thiết-trí” Hàng nhị thừa có trí này. Trí-huệ chứng ngã-không và phần chứng pháp không gọi là “Đạo-chủng-trí”. Pháp thân Bồ-Tát có trí này. Trí huệ chứng ngã-không và toàn chứng pháp-không gọi là “Nhất-thiết-chủng-trí” Chỉ bậc Phật mới có trí này. Trí huệ này gồm có bốn trí : 1- Thành-sở-tác-trí. 2- Diệu quán-sát-trí. 3- Bình-đẳng tính-trí. 4- Đại-viên cảnh-trí.

(21) NGŨ NHÃN: 1- Nhục nhãn. 2- Thiên nhãn. 3- Huệ nhãn. 4 Pháp nhãn. 5- Phật nhãn. Phàm phu chỉ có nhục nhãn, riêng chư Thiên và chư ngũ thông tiên-nhân gồm có thiên nhãn. A-La-Hán và Bích-Chi-Phật có nhục nhãn, thiên nhãn và huệ nhãn. Pháp thân Bồ-Tát có ba nhãn trên và pháp nhãn Đức Phật có đủ 5 nhãn.

(22) KIẾP-BA: là thời gian dài. Có tiểu, trung va đại ba kiếp. Một tiểu kiếp có

16798.000 năm (theo năm của nhân loại địa cầu). Một trung kiếp có 20 tiểu kiếp. Và một đại kiếp có 4 trung kiếp hay 80 tiểu kiếp, tức là: (16798.000 năm x 80 = 1.343.840.000 năm) (một tỷ, ba trăm bốn mươi ba triệu, tám trăm bốn chục ngàn năm). Phàm trong kinh chỉ nói bao nhiêu kiếp, mà không nói trung hay tiểu, thời thường là nói đại kiếp.

(23) BỐN MA: Ma phiền não, Ma ngũ-ấm, Ma chết, va Thiên ma. Nói đủ là Ma-La có nghĩa là hay phá hoại thiện căn của chúng sinh, của người tu hành.

BA ÁC ĐẠO: Súc sinh, ngạ quỹ và địa ngục. Ba loài này vì phạm tội thập ác nhẹ, vừa và nặng mà phải thọ lấy quả khổ ấy, nên gọi là ác đạo, đây là cứ nơi nghiệp nhân ác mà đặt tên. Nếu theo quả khổ thời gọi là tam đồ : 1- Huyết đồ, loài súc sinh thường ăn nuốt máu thịt lẫn nhau; 2- Đao đồ, loài ngạ quy thường dùng dao gậy đánh đập nhau; 3- Hỏa đồ- loài địa ngục thường bị lửa thui đốt, nấu rang.

ƯU-ĐÀM-BÁT-LA-HOA: dịch là Linh-Thoại-Hoa. Tục truyền ba ngàn năm mới xuất hiện một lần , là điềm Thánh-Vương, hay Thánh-Nhân xuất thế. Ném hột cải trúng dính vào đầu nhọn cây kim. “Đàn” là bố thí, “Độ” là ba-la-mật. Đàn-Độ” là bố-thí ba-la-mật.

TAM GIỚI: ba cõi: cõi dục, cõi sắc và cõi vô sắc.

BÔNG Y-LAN: là một thứ hoa có mùi rất hôi thối.

(30) ĐẾ-THÍCH: nói đủ là Thiên Đế Thích-Đề-Hoàn-Nhân, vua cõi trời Đao-Lợi.

PHẠM-THIÊN: Thiên Vương cõi sắc.

(31) PHIỀN NÃO: Phiền nhiễu, não loạn, tức là những tâm niệm xấu, cùng ý tưởng ác như : tham, sân, si, mạn, nghi, ác-kiến v.v… nó làm nhiễu loạn thân tâm người, đồng thời hay phá hoại thiện căn của người, nên cũng gọi kà phiền não ma.

(32) ĐẠI-LONG-TƯỢNG: Rồng lớn và Voi lớn là loài to mạnh trong các muông thú. Dùng danh từ này là dụ cho các bậc siêu nhân đại Bồ-Tát. Phật là Pháp-Vương, đại Bồ-Tát sẽ thành Phật, là con của đấng Pháp-Vương nên gọi là Pháp-Vương-Tử.

(34) HÀNH-PHÁP: Pháp di động chuyển biến.

(35) KIM-SÍ-ĐIỂU: Chim cánh vàng, một loài chim to nhất hay dùng rồng làm món ăn.  


 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5697151
Số người trực tuyến: