4 yếu tố giúp bạn nhận biết mình có tạo ác nghiệp hay không | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

4 yếu tố giúp bạn nhận biết mình có tạo ác nghiệp hay không

Trong Kinh Hoa Nghiêm Phật dạy: “Nếu như ác nghiệp mà có hình tướng thì tận hư không giới không thể nào dung chứa hết được”. Việc ác tuy nhiều nhưng có thể tóm gọn trong ngũ nghịch trọng tội (Giết cha, giết mẹ, giết bậc A-la-hán, làm thân Phật chảy máu, phá hòa hợp Tăng) và mười điều ác (Sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói hai chiều, nói lời thô ác, nói thêu dệt, tham, sân, si). Tuy nhiên, do vô minh nên trong nhiều trường hợp, chúng ta tạo ác nghiệp mà vẫn cho rằng mình đang làm việc tốt. Vậy dựa trên những tiêu chí nào để chúng ta có thể minh định được đâu là một ác nghiệp hoàn chỉnh?

Có 4 yếu tố hình thành nên một nghiệp đầy đủ. Đó là đối tượng của hành động, chủ đích/động cơ/sự vô minh của chủ thể hành động, bản thân hành động và kết quả hoàn thành của hành động đó. Nếu thiếu một trong 4 yếu tố này, một hành động của thân – khẩu - ý không được gọi là một nghiệp. Công thức 4 yếu tố hình thành nên ác nghiệp sát sinh dưới đây sẽ giúp bạn phản tỉnh và cẩn trọng hơn trong từng hành động của mình. Đồng thời, bạn cũng có thể áp dụng công thức này cho tất cả các ác nghiệp đã nói đến ở trên.

1. Đối tượng của hành động sát sinh

Để hành động sát sinh xảy ra, cần phải có một đối tượng cụ thể là một chúng sinh sẽ bị giết hại. Đó có thể là những loài hữu tình từ những con trùng nhỏ nhít đến những loài động vật to lớn. Những chúng sinh này cũng có cảm giác, biết nóng lạnh, sợ hãi, tham sống và sợ chết. Có những tôn giáo (ví dụ như Kỳ-na giáo) còn dạy con người ta rằng đến các loài thực vật cũng có tâm và họ coi cây cối cũng là một loài hữu tình không nên giết hại. Đức Phật dạy rằng điều đó không đúng. Khi nói đến sát sinh, chúng ta chỉ đề cập đến các loài có cảm giác về sự đau đớn, không phải những loài vô tình như sỏi đá hay cỏ cây, hoa lá. Bởi vậy, đối tượng của hành động sát sinh phải là một loài có tâm thức.

2. Chủ ý/Động cơ/Sự vô minh của chủ thể hành động

Yếu tố thứ hai hình thành nên ác nghiệp sát sinh chính là sự cố ý, động cơ vị kỷ hay sự vô minh của người thực hiện hành động. Ví dụ, nếu chúng ta cho rằng “Con vật này đang chuẩn bị hại tôi”, hay “Con vật này thật sự nguy hiểm và tôi muốn giết nó”, hành động sát sinh xuất phát từ tâm sân hận và mong muốn phải giết hại bằng được chúng sinh đó, chúng ta đã tạo ra một nghiệp ác. Lòng mong muốn giết hại chúng sinh cũng có thể xuất phát từ động cơ vị kỷ thỏa mãn ham muốn kiếm tiền, thú vui khoái khẩu hay trưng diện: “Nếu tôi giết con vật này, tôi sẽ kiếm được tiền, có thức ăn để ăn hay có quần áo để mặc và thỏa niềm vui thú”.

Có nhiều người cho rằng ăn thịt là xuất phát từ tâm thiện mong muốn “hóa kiếp” cho loài vật nhanh được đầu thai làm loài khác. Điều này xuất phát từ sự vô minh không hiểu rằng tất cả chúng sinh đều bình đẳng như nhau. Con người ta ai cũng ham sống, sợ chết, lẽ đâu lại cướp mạng sống của loài vật. Hơn nữa, tất cả các chúng sinh từ vô lượng vô biên kiếp trước đã là cha mẹ, anh em hoặc đã là bà con quyến thuộc, nhưng bởi nhân duyên nghiệp báo nên phải sinh tử luân hồi sáu nẻo, thay hình đổi dạng không còn nhận biết lẫn nhau. Đang tâm giết hại để ăn thịt chúng sinh chính là ăn máu thịt của cha mẹ từ nhiều đời nhiều kiếp, làm tổn hại lòng từ bi và là nhân gây ra bệnh tật, khổ đau, hoạn nạn. Hoặc trước khi bước chân đi, trong lòng chúng ta phải khởi tâm nghĩ đến tất cả các loài, bởi có những sinh vật nhỏ bé mà chúng ta không để ý. Chính vì vô minh, không chính niệm mà chúng ta vẫn có thể tạo ác nghiệp sát sinh ngay trên mỗi bước chân của mình.

3. Bản thân hành động diễn ra

Yếu tố thứ ba là bản thân hành động sát sinh phải diễn ra. Một người có chủ ý giết hại, và đồng thời bản thân người đó cũng là người thực hiện hành vi sát sinh thì hành động đó tạo ác nghiệp sát sinh. Ví dụ một người dùng khí giới tấn công người khác hoặc bắt các con vật về làm thịt. Tuy nhiên, người đó có thể không trực tiếp hành động mà sai khiến, thuê mướn người khác làm cũng tạo ác nghiệp sát sinh. Bởi anh ta phải chịu trách nhiệm về việc thuê mướn, nhờ vả người khác giết hại. Như vậy, dù trực tiếp hay gián tiếp sát sinh, bạn đều tạo ác nghiệp sát sinh.

4. Kết quả của hành động

Yếu tố thứ tư được gọi là “yếu tố hoàn thành”. Đối với ác nghiệp sát sinh, kết quả là đối tượng phải bị chết. Trên thực tế, có trường hợp người thực hiện hành động không thành công hoặc nạn nhân sống lại nhờ sự can thiệp của y học, hành động giết hại đó không hình thành nên ác nghiệp sát sinh. Tương tự như vậy, nếu một người sai khiến người khác nhưng người này không làm theo lời sai khiến, hoặc thực hiện không thành công, thì cũng không được tính vào tội sát sinh.

Như vậy, để tránh ác nghiệp sát sinh, chúng ta không nên làm những hành động nào hội đủ cả bốn yếu tố nói trên.

PHÁP THỰC HÀNH ĐẶC BIỆT ĐỐI TRỊ NGHIỆP SÁT SINH: CỨU SINH MẠNG CỦA CHÚNG SINH KHÁC

Có một thiện hạnh rất đặc biệt cần phải thực hành, đó là một người không những nên tránh tạo nghiệp sát sinh mà còn nên cứu sinh mạng của các chúng sinh đang gặp hiểm nguy. Thiện hạnh phóng sinh được coi là cách thực hành đặc biệt và siêu việt hơn so với pháp thực hành thông thường của việc giữ giới sát sinh. Không sát sinh và phóng sinh xếp hàng đầu trong Thập thiện nghiệp.

 

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5697894
Số người trực tuyến: