5 loại trải nghiệm khi thiền định Bản tôn | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

5 loại trải nghiệm khi thiền định Bản tôn

Trong kinh điển Mật Thừa, Đức Phật Thích Ca có dạy về sự kiến lập Mạn Đà La vũ trụ bằng cách an vị chư Phật Bản tôn tương ứng với các phẩm chất giác ngộ. Phật Bản tôn chính là sự phản chiếu giác ngộ đích thực sẵn có nơi mỗi người, các Ngài hiển diện làm phương tiện thiện xảo để chúng ta tu tập tự thân giác ngộ. Thực chất việc quán tưởng Phật Bản tôn và cảnh giới Tịnh Độ của chư Phật sẽ giúp chúng ta giảm bớt sự chấp trước, tăng trưởng trí tuệ, tích lũy công đức. Bởi vậy phần thiền định của giáo pháp Kim Cương thừa chỉ giản dị trong hai điều: (1) Quán tưởng toàn bộ sắc thân của một vị Phật để tích lũy công đức và (2) Hòa tan các sắc thân Phật Bản Tôn đó vào chính tự tâm mình để tích lũy trí tuệ.

Đại Bảo tháp Mandala Tây Thiên xin chia sẻ với Quý vị lời dạy của Đức Liên Hoa Sinh khi công chúa Yeshe Tsoygal thỉnh cầu Ngài khai thị về pháp tu Phật Bản tôn:

Khi thiền định Phật Bản tôn, con sẽ có 5 loại trải nghiệm: trải nghiệm chuyển động, trải nghiệm thủ đắc, trải nghiệm thói quen, trải nghiệm ổn định và trải nghiệm toàn thiện.

1. Khi tâm con không giữ được sự an định, lúc đó con có nhiều tư tưởng, ý nghĩ, và hồi ức, đó là trải nghiệm chuyển động. Qua đó, con tiến gần đến việc kiểm soát tâm. Trải nghiệm này giống như thác nước đổ xuống vách đá.

2. Sau đó, khi con có thể quán tưởng Bản Tôn trong một khoảng thời gian ngắn với hình tướng và màu sắc sống động, rõ ràng, các Ngài hiện thân nhưng không phải bằng thân vật chất máu thịt chắc thật, mà là thân phi vật chất ánh sáng ngũ sắc cầu vồng giống như ánh trăng phản chiếu trên mặt nước. Đó là trải nghiệm thủ đắc. Trải nghiệm này giống như một hồ nước nhỏ.

3. Tiếp sau đó, khi Bản Tôn xuất hiện rõ ràng, dù con thiền quán trong khoảng thời gian ngắn hay dài, và khi Bản Tôn an trụ trong sáu thời công phu của con mà không có niệm tưởng thô nào xảy ra, đó là trải nghiệm của thói quen, giống như dòng chảy của một con sông.

4. Kế tiếp, không động niệm và con có thể duy trì thời công phu trong lúc vẫn thấy Bản Tôn rõ ràng. Đó là trải nghiệm ổn định giống như Núi Tu Di.

5. Cuối cùng, khi con duy trì được trọn ngày hay hơn mà không mất đi sự hiện diện sống động của Bản Tôn và không khởi vọng niệm, đó là trải nghiệm toàn thiện.

Hành giả, hãy áp dụng điều này cho trải nghiệm tu tập của mình!

Nếu ngồi quán tưởng Bản Tôn quá lâu mà không rõ ràng, thân con sẽ rối loạn. Con sẽ trở nên mệt mỏi và không thể tiến bộ trong thực hành thiền quán của mình. Con sẽ có nhiều vọng tưởng hơn, vậy trước tiên hãy thư giãn và sau đó tiếp tục thiền định.

Cho đến khi đạt được sự quán tưởng rõ ràng, đừng bắt đầu thực hành thiền quán vào ban đêm. Nói chung, điều quan trọng là quán tưởng trong từng khoảng thời gian ngắn. Thiền quán trong lúc có ánh sáng mặt trời, khi bầu trời trong sáng, hay với một ngọn đèn bơ. Không nên thiền quán khi vừa mới thức giấc hoặc khi con cảm thấy uể oải, mệt mỏi.

Vào ban đêm hãy ngủ thẳng giấc và thiền quán tám thời ngắn vào ngày hôm sau.

Khi thiền định, nếu xả thiền đột ngột, con sẽ mất tập trung, vậy hãy xả thiền chậm rãi.

Khi sự quán tưởng của con trở nên sống động, con có thể thực hành vào ban đêm, lúc hoàng hôn, và bình minh hay bất cứ lúc nào.

Nói chung, con đừng làm bản thân mình cảm thấy mệt mỏi, hãy chú tâm vào việc quán tưởng, dần dần con sẽ quen thuộc với việc thiền quán và quãng thời gian con trụ trong sự quán tưởng sẽ kéo dài ra.

(Nguồn: “Giáo huấn Dakini”

NXB Thiện Tri Thức)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5754109
Số người trực tuyến: