8. Bài thứ tám | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

8. Bài thứ tám

Bài Thứ 8

PHẦN CHÁNH TÔNG (tiếp theo)


48. PHẬT PHÁ CÁI CHẤP “BỔ TÁT CÓ ĐỘ SINH”

Phật dạy: “Tu Bồ Đề! Nếu Bồ Tát còn chấp mình hoá độ vô số chúng sinh thì không phải là Bồ Tát. Tại sao vậy? vì thật ra không có một pháp gì gọi là Bồ Tát. Bởi thế nên Phật nói: “Tất cả các pháp không ngã, không nhân, không chúng sinh và không thọ giả”.

Lược giải

Đoạn này Phật dùng Trí tuệ Bát Nhã phá trừ cái chấp “thật có Bồ Tát, thật có độ sinh” và Phật dạy:” Các pháp đều giả, không có bốn tướng”.

Đúng theo tinh thần kinh Bát Nhã, thì pháp nào hay việc làm nào của Bồ Tát, hợp với tính Bát Nhã chân không, thì pháp đó hay việc làm đó mới là thật.

Nếu Bồ Tát còn chấp có mình độ sinh tức là Bồ Tát còn nhân (người được độ) ngã (mình độ) v.v…thì không hợp với tinh thần Bát Nhã, nên không phải là Bồ Tát. Đây là lần thứ hai (lần thứ nhất ở đoạn 3) Phật phá cái chấp “Bồ Tát có độ sinh”.

Vì Bồ Tát hợp với tính Bát Nhã chân không, nên Phật dạy: “Không có một pháp gì gọi là Bồ Tát”. Cũng vì các pháp hợp với tính Bát Nhã chân không, nên Phật dạy:” Tất cả các pháp đều không ngã, không nhân, không chúng sinh và không thọ giả”.

***

49. PHẬT PHÁ CÁI CHẤP “BỔ TÁT CÓ LÀM TRANG NGHIÊM CÕI PHẬT”

Phật dạy: “Tu Bồ Đề! Nếu Bồ Tát chấp rằng: “Ta làm trang nghiêm cõi Phật”, thì không phải là Bồ Tát. Tại sao vậy? Như Lai nói: “Bồ Tát làm trang nghiêm cõi Phật, mà không chấp mình có làm trang nghiêm cõi Phật, mới thật là trang nghiêm cõi Phật”.

Tóm lại, nếu Bồ Tát không còn chấp ngã chấp pháp, Như Lai mới gọi là “thật Bồ Tát”.

Lược giải

Đoạn này Phật dạy: Bồ Tát không còn chấp ngã, chấp pháp, phải hợp với tính Bát Nhã chân không, mới phải thật là Bồ Tát và mới phải là trang nghiêm cõi Phật. Đây là lần thứ hai (lần thứ nhất, xem đoạn 16) Phật phá cái chấp “Bồ Tát có trang nghiêm cõi Phật”.

Bồ Tát làm trang nghiêm cõi Phật, mà không chấp minh có làm trang nghiêm, như thế mới thật là trang nghiêm cõi Phật. Trái lại, nếu Bồ Tát chấp mình có làm trang nghiêm cõi Phật, tức là Bồ Tát còn chấp ngã (ta làm) chấp pháp (cõi Phật), không hợp với tinh thần Bát Nhã, thì không phải là trang nghiêm và cũng không phải là Bồ Tát.

Tóm lại, Phật dạy: “Nếu Bồ Tát nhập vào Bát Nhã chân không, không còn các vọng chấp ngã, pháp, thì Như Lai mới gọi là thật Bồ Tát?”.

Ngài Xuyên Thiền sư làm bài tụng tóm tắt lại ý nghĩa trên, như sau:

Nguyên văn (dịch âm):

Tá bà sam tử bái bà môn

Lễ số châu truyền dĩ thập phần

Trúc ảnh tảo dai, trần bất động

Nguyệt luân xuyên hải thuỷ vô ngần.


Dịch nghĩa:

Mượn áo tràng bà để lạy bà

Lễ rồi, áo trả lại cho bà

Bóng trúc quét sân, trần chẳng động

Vừng trăng xuyên biển, nước không xao.


ĐẠI Ý BÀI TỤNG

Bài kệ này nói về lý “vô trụ vô tướng” của kinh Bát Nhã, Bồ Tát làm trang nghiêm cõi Phật; cũng như người mượn áo tràng của bà để lạy bà. Nhưng Bồ Tát không chấp có trang nghiêm cõi Phật; như người lạy rồi trả áo, không còn giữ lại vết tích gì cả.

Bồ Tát độ sinh hay làm các Phật sự mà không thấy có mình độ và chúng sinh được độ v.v…cũng như bóng trúc quét bụi, tia sáng của vừng trăng xuyên biển; bụi trần không động mà nước cũng không dợn.

***

50. PHẬT CÓ ĐỦ NĂM LOẠI CON MẮT

Phật hỏi: “Tu Bồ Đề! Như Lai có nhục nhãn không? ” Tu Bồ Đề thưa:” Bạch thế Tôn! Như Lai có nhục nhãn”.

“Tu Bồ Đề! Như Lai có thiên nhãn không?”

“Bạch Thế tôn! Như Lai có thiên nhãn”.

“Tu Bồ Đề! Như Lai có Tuệ nhãn không?”

“Bạch Thế tôn! Như Lai có Tuệ nhãn”.

“Tu Bồ Đề! Như Lai có Pháp nhãn không?”

“Bạch Thế tôn! Như Lai có Pháp nhãn”.

“Tu Bồ Đề! Như Lai có Phật nhãn không?”

“Bạch Thế tôn! Như Lai có Phật nhãn”.

Lược giải

Đoạn này phá cái chấp “Phật và Bồ Tát không thấy chi hết”.

Mục đích của kinh Bát Nhã là phải phá hết các vọng chấp, thì chân tâm hay Phật tính (Bát Nhã) mới hiện. Bởi thế nên, chấp “có” đã bị bác, mà chấp “không” cũng bị bác.

Từ trước đến đây, Phật đã nhiều lần phá về chấp có. Như nói: “Bồ Tát phải không thấy có mình độ sinh, không thấy có chúng sinh được độ. Bồ Tát không thấy mình làm trang nghiêm và không thấy cõi Phật được trang nghiêm v.v…”

Sợ người chấp: “Như thế thì chư Phật và Bồ Tát không thấy chi hết”, nên đến đoạn này, Phật mới hỏi ông Tu Bồ Đề: “Như Lai có năm món nhãn không?”. Ông Tu Bồ Đề thưa: “Như Lai có đủ năm món nhãn”; nghĩa là có đủ năm loại con mắt, nên Như Lai thấy tất cả.

GIẢI DANH TỪ

1. Nhục nhãn: Con mắt thịt cùa phàm phu, chỉ thấy trong phạm vi nhỏ hẹp; nếu bị vật gì che ngăn thì không thấy.

2. Thiên nhãn: Con mắt của chư thiên, do tu thiền định hoặc sinh lên các cõi trời, mới được con mắt này. Thiên nhãn thấy được xa và thấu suốt tất cả, không bị vật gì làm chướng ngại.

3. Tuệ nhãn: Con mắt Trí tuệ. Tuệ nhãn chỉ thấy “ngã không”; nghĩa là chúng sinh không thật, chỉ do ngũ uẩn và tứ đại hoà hợp. Hàng Thanh văn và Duyên giác mới có Tuệ nhãn.

4. Pháp nhãn: Con mắt thấy suốt tất cả các pháp. Bồ Tát đặng pháp nhãn, thất “ngã pháp”, đều không; nghĩa là Bồ Tát không những rõ thấu ngã, nhân, chúng sinh và thọ giả đều không, mà cũng rõ thấu tất cả các pháp đều không thật, chỉ do các duyên hoà hợp sinh.

5. Phật nhãn: Con mắt Phật. Phật thấy biết tất cả các pháp trong thế gian và xuất thế gian. Phật thấy hoàn toàn viên mãn, dù hằng sa thế giới, vô lượng chúng sinh. Phật cũng đều thấy và biết tất cả.

Tóm lại, Phật có đủ 5 con mắt; Bồ Tát có 4 con mắt; Nhị thừa còn 3; phàm phu chỉ một; chư thiên có 1 hoặc 2.

Cổ nhân làm bài tụng nói về ngũ nhãn như sau:

Dịch âm (nguyên văn):

Thiên nhãn thông phi ngại

Nhục nhãn ngại phi thông

Pháp nhãn phi quán tục

Tuệ nhãn liễu trí thông

Phật nhãn như thiên nhật

Chiếu dị thể hoàn đồng.


Dịch nghĩa:

Mắt Trời thấy thông suốt

Mắt Thịt thấy có ngại

Mắt Pháp thấy pháp không

Mắt Tuệ thấy ngã không

Mắt Phật thất tất cả

Muôn pháp đồng nhất thể.

***

51. PHẬT THẤY BIẾT HẾT TÂM NIỆM CỦA CÁC CHÚNG SINH, TRONG HẰNG SA THẾ GIỚI

Phật hỏi: “Tu Bồ Đề! Cát ở trong song hằng, Như Lai có gọi là cát không?”.

Tu Bồ Đề thưa: “Bạch Thế Tôn! Như Lai cũng gọi là cát”.

Phật hỏi: “Như một sông Hằng có vô số cát, rồi lấy mỗi một hạt cát,để thí dụ một song Hằng, thì có vô số sông Hằng. Trong vô số sông hằng, mỗi một sông Hằng lại có vô số cát nữa, rồi đem vô số hạt cát trong vô số sông Hằng đó, lại thí dụ nữa, mỗi một hạt cát là một hạt cát của Phật (Đại thế giới). Như thế, thế giới của Phật có nhiều không?”.

Tu Bồ Đề thưa: “Bạch Thế Tôn nhiều lắm”.

Phật dạy: “Tu Bồ Đề! Tất cả chúng sinh ở trong vô số thế giới như vậy, có bao nhiêu tâm niệm, Như Lai đều thấy biết tất cả”.

Phật dạy tiếp: “Tu Bồ Đề! Như Lai nói tâm, không phải thật có tâm, chỉ giả gọi là “tâm”. Tại sao vậy? Vì tâm quá khứ tìm không được, tâm hiện tại tìm không được, tâm vị lai cũng tìm không được”.

Lược giải

Đoạn nay tiếp với đoạn trên (50), Như Lai có 5 con mắt, nên Như Lai thấy biết vô cùng thế giới và vộ tận chúng sinh.

Trong vô số thế giới, mỗi thế giới có vô số chúng sinh, mỗi chúng sinh có bao nhiêu tâm niệm, Như Lai đều thấy biết tất cả.

Vừa nói đến “tâm”, sợ chúng sinh vọng chấp “có tâm” mà không nhhập được Kim Cương Bát Nhã, nên Phật liền phá: “Như Lai nói “tâm” không phải thật có tâm, chỉ giả gọi là “tâm”.

Phật giải thích thêm: Vì tâm quá khứ đã diệt, tâm vi lai chưa đến, tâm hiện tại không dừng trụ, nên trong ba đời tìm tâm không thể được.

Thuở xưa, Ngài Tuệ Khả (Nhị Tổ) đến cầu Tổ Đạt Ma (Sư Tổ) về pháp an tâm (xen “bản đồ tu Phật” tập 4).

Tổ Đạt ma hỏi: “Ông đến đây để làm gì?”.

Ngài Tuệ Khả thưa: “Bạch Tổ Sư! Con đến đây để cầu pháp an tâm”.

Tổ Đạt Ma hỏi: “Quá khứ tâm bất đắc, hiện tại tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc, vậy ông muốn an cái tâm nào?”.

Ngài tuệ Khả thưa: “Trong ba thời (quá khứ, hiện tại và vị lai) con tìm tâm đều không thể được”.

Tổ Đạt Ma dạy: “Ta đã an tâm cho ông rồi”. Ngài tuệ Khả liền tỏ ngộ.

Ngài Xuyên Thiền sư có làm bài kệ nói về ba tâm

Nguyên văn (dịch âm):

Tam tế cầu tâm, tâm bất biến

Luỡng nhãn y nhiên đối lưỡng nhãn

Bất tu di kiếm khắc chu tầm

Tuyết tuyệt phong hoa thường kiến diện.


Dịch nghĩa:

Hai mắt trơ trơ chỉ ngó chăm

Tìm mãi ba đời chẳng thấy tâm

Tuyết nguyệt phong ba thường đối diện

Kiếm rơi hà tất khắc khe tầm.


LƯỢC GIẢI VÀ ĐẠI Ý

Thuở xưa, có người đi thuyền làm rơi cây kiếm dưới sông. Người ấy liền lấy dao khắc be thuyền, để chờ thuyền đậu nghỉ sẽ tìm. Đến khi thuyền đậu, người ấy xuống sông mò hoài không được kiếm. Anh ta thắc mắc: “Cây kiếm mới rớt, tôi khắc thuyền làm dấu ngay chỗ này, sao tìm hoài không được”.

Người trí thấy vậy bảo: “Anh dại quá! Kiếm rớt hồi nãy, thì anh phải tìm ngay chỗ hồi nãy và tại chỗ đó; chớ đợi đến bây giờ, đã khác chỗ rồi, thì làm sao tìm được”.

Cũng thế, người tu hành phải trực ngộ bản tâm mình. Nếu còn mống tâm để tìm tâm ở đâu đâu, thì không bao giờ tìm được; vì tâm quá khứ đã diệt, tâm hiện tại không dừng, tâm vị lai chưa đến.

Tóm lại, đại ý bài tụng:

Những cảnh vật thiên nhiên, như tuyết trong, trăng sáng, gió mát, hoa tươi ở trước mắt, đều biểu lộ bản thể chân tâm thường trú. Hành giả phải tức nơi muôn vật đó mà trực ngộ bản tâm mình, cần gì phải tìm đâu xa. Nếu hành giả không trực ngộ, mà cứ lo tìm tâm quá khứ, hiện tại và vị lai, thì cũng như người khắc dấu lên thuyền để mò kiếm, không bao giờ mò được.

***

52. PHẬT PHÁ CÁI CHẤP “PHÚC ĐỨC NHIỀU”

Phật dạy: “Tu Bồ Đề! Nếu có người dùng 7 món báu, đựng đầy trong một Đại thế giới (một nghìn triệu thế giới nhỏ) đem bố thí, người này được phúc đức không?”.

Tu Bồ Đề thưa: “Nếu chấp phúc đức này thật có, thì Như Lai nói phúc đức này không nhiều. Không chấp phúc đức nhiều, Như Lai mới nói “đặng nhiều phúc đức”.

Lược giải

Nếu đem tân chấp tướng mà làm việc phúc đức, thì phúc đức đó thành hữu vi hữu lậu; dầu có nhiều bao nhiêu cũng có ngày cùng tận. Trái lại, nếu đem tâm vô tướng (không cầu danh, cầu lợi, không chấp nhân, chấp ngã v.v…) mà làm việc phúc đức, thì phúc đức này thuộc về vộ lậu thanh tịnh, hợp với tính Bát Nhã chân không (chân tâm) dù làm ít, nhưng phúc đức vô cùng tận.

Thuở xưa, Tổ Đạt Ma đến Trung Hoa truyền đạo. Vua Lương Võ Đế đem việc bố thí làm phúc, đúc chuông, tạo tượng và lập 72 cảnh chùa v.v…để hỏi Tổ Đạt Ma. Trong câu hỏi có tính cách khoe khoang chấp tướng.

Vua hỏi: “Trẫm lập 72 cảnh chùa, đúc chuông, tạo tượng, tu kiều, bồi lộ v.v…phúc đức có nhiều không?”.

Trả lới đúng theo tinh thần “vô trụ, vô tướng” của kinh Bát Nhã, Tổ Đạt Ma nói: “Không có phúc đức”. Vua Lương Võ Đế vì trình độ quá kém, không hiểu được lời của Tổ dạy, nên nghi rằng không phải Tổ, lại đem dâng thuốc độc cho Tổ Đạt Ma uống …(xem quyển “Tổ Đạt Ma”, do Hương Đạo xuất bản).

Ngài Xuyên Thiền sư tả về cảnh: khi các mây vô minh vọng chấp hết, thì mặt trăng Trí tuệ Bát Nhã hiện ra, bằng hai câu như sau:

Nguyên văn (dịch âm):

Vô hạn dã tâm phong quyển tận

Nhất luân cô nguyệt chiếu thiên tâm.

Dịch nghĩa:

Gió cuốn mây đen về biển cả

Một vừng trăng sáng giữa trời không.

***

53. PHẬT PHÁ CÁI CHẤP “THẤY SẮC THÂN VÀ TƯỚNG TỐT CỦA PHẬT LÀ THẤY PHẬT”

Phật hỏi: “Tu Bồ Đề! Ông có thể cho thấy sắc thân của ta đây là thấy được Phật không?”.

Tu Bồ Đề thưa: “Bạch Thế Tôn! Không thể cho thấy sắc thân của Phật là thấy được Phật. Tai sao vậy? Vì Như Lai nói sắc thân, không phải thật sắc thân, chỉ giả gọi là sắc thân”.

Phật hỏi tiếp: “Tu Bồ Đề! Ông có thể cho thấy các tướng tốt (32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp) của ta đây là thấy được Phật không?”.

Tu Bồ Đề thưa: “Bạch Thế Tôn! Không thể cho thấy các tướng tốt của Phật là thấy được Phật. Tại sao vậy? Vì Như Lai nói các tướng tốt, không phải thật tướng tốt, chỉ giả gọi là tướng tốt”.

Lược giải

Đoạn này Phật dùng Trí tuệ Kim Cương Bát Nhã phá trừ cái chấp: “Thấy sắc thân và tướng hảo của Phật lá thấy được Phật”. Đây là lầ thứ ba (lần thứ nhất và nhì ở đoạn 7 và 25) Phật phá cái chấp về việc thấy Phật.

Kinh Kim Cương, Phật dạy: “Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng” (phàm cái gì có hình tướng đều là hư dối).

Sắc thân của Phật, do bốn đại hoà hợp giả tạo ra thân tướng, nên thân tướng của Phật cũng hư vọng không thật, chỉ giả gọi là thân Phật.

Rồi từ trên thân tướng, do bốn đại giả tạo, lại sinh ra nhiều tướng, những tướng ấy cũng hư vọng không thật, chỉ giả gọi là 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp.

Đến lúc hoàn thành nhiệm vụ độ sinh, Phật thâu thần nhập diệt, xả thân tướng tứ đại để vào cõi Niết bàn, thì xác thân và 32 tướng tốt, do tứ đại giả hợp của Phật cũng thao luật “sinh, trụ, dị, diệt” mà biến đổi. Lúc bấy giờ không còn cái gì để gọi là sắc thân và tướng tốt.

Bởi thế nên Phật dạy: “Không phải sắc thân, chỉ giả gọi sắc thân; không phải tướng tốt, chỉ giả gọi là tướng tốt”. Vì thế nên ông Tu Bồ Đề thưa: “Không thể cho thấy sắc thân hay thấy tướng tốt của Phật mà cho là thấy được Phật”.

***

54. PHẬT PHÁ CÁI CHẤP “NHƯ LAI CÓ THUYẾT PHÁP”

Phật dạy: “Tu Bồ Đề! Ông chớ nên nghĩ rằng: “Như Lai có thuyết pháp”. Tại sao vậy? Nếu người nào không hiểu lời của Phật dạy, lại nói rằng: “Như Lai có thuyết pháp”, thì người ấy khinh báng Phật”.

Tu Bồ Đề! Như Lai nói: “Thuyết pháp, tức là không có pháp gì có thể nói được, mới gọi là thuyết pháp”.

Lược giải

Đoạn này Phật dùng Trí tuệ Kim Cương Bát Nhã phá trừ cái chấp “Như Lai có thuyết pháp”. Đây là lần thứ 3, Phật phá cái chấp về “Như Lai có thuyết pháp” (lần thứ nhất ở đoạn 11 và 23)

Nếu người nào chấp: “Phật có thuyết pháp”, thì người đó còn chấp ngã (Phật) và chấp pháp (thuyết pháp). Đem tâm vọng chấp ngã pháp cuả phàm phu mà suy nghĩ luận bàn đến chánh pháp của Phật, thì chánh pháp của Phật, trở thành vọng chấp của phàm phu. Ngài Xuyên Thiền sư nói: “Tà nhân thuyết chính pháp, chính pháp tức quy tà” (người tà nói pháp chính, pháp chính trở thành tà). Bởi thế nên Phật nói: “Người đó khinh báng Phật”. Vì họ không nhập được “lý Kim Cương Bát Nhã”, nên Phật nói: “Họ không hiểu được lời của Phật dạy”.

Đức Lão Tử nói: “Đạo mà có thể nói được, thì không phải thật là Đạo (Đạo khả đạo, phi thường đạo)”. Cũng đồng một ý này, Đức Phật dạy: “Không có pháp gì có thể nói được, mới gọi là thuyết pháp”.

Phật nói bài kệ như sau:

Nguyên văn (dịch âm):

Thị tùng thành đạo hậu

Chung chí Bạt đề hà

Ư thị nhị trung gian

Vị thường thuyết nhất tự.

Dịch nghĩa:

Từ khi mới thành đạo

Đến lúc nhập Niết bàn

Trong khoảng thời gian ấy

Ta không nói một chữ.


ĐẠI Ý BÀI KỆ

Bài kệ này, nói về lý kinh Bát Nhã. Cổ nhân dạy: “Vô thuyết vô văn chân Bát Nhã”, (không nói Bát Nhã và không nghe Bát Nhã, mới thật là nói Bát Nhã và nghe Bát Nhã), (xin độc giả xem lại đoạn giải 11 và 23).

***

55. PHẬT PHÁ CÁI CHẤP “THẬT CÓ CHÚNG SINH”

Khi đó, ông Tu Bồ Đề thưa Phật: “Bạch Thế Tôn! Đời sau, nếu có chúng sinh nào nghe đến kinh Bát Nhã, không biết họ có thể tin được không?”. Phật dạy: “Tu Bồ Đề! Chúng kia, không phải chúng sinh, cũng không phải phi chúng sinh. Tại sao vậy? Như Lai nói chúng sinh, thật không phải chúng sinh, chỉ giả gọi là chúng sinh”.

Lược giải

Đoạn này Phật dùng Trí tuệ Kim Cương Bát Nhã phá cái chấp “thật có chúng sinh”. Trong tính Bát Nhã chân không thì ngã và pháp đều không, bốn tướng chẳng còn.

Bốn tướng đã không, ngã chấp chẳng còn, thì đâu có gì là chúng sinh hay phi chúng sinh. Đã không phải chúng sinh hay phi chúng sinh, thì có gì là tin hay không tin. Đúng theo tinh thần kinh Bát Nhã, nếu còn phân biệt vọng chấp, thì không phải là thật. Bởi thế nên Phật dạy tiếp: “Như Lai nói chúng sinh, không phải thật chúng sinh, chỉ giả gọi là chúng sinh”.

Ngài Phó Đại sĩ làm bài tụng, để tóm tắt lại đoạn này, như sau:

Nguyên văn (dịch âm):

Chúng sinh dữ thọ giả

Uẩn thượng lập hư danh

Như qui mao bất thật

Tựa thố giác vô hình.

Dịch nghĩa:

Ngã, nhân, chúng sinh và thọ giả

Trên năm uẩn chỉ có giả danh

Như lông rùa không có thậ thể

Tựa như sừng thỏ chẳng có hình.


ĐẠI Ý BÀI TỤNG

Tất cả các pháp trên năm uẩn như ngã, nhân, chúng sinh và thọ giả v.v…đều không thật có, như lông rùa, sừng thỏ, chỉ có giả sinh mà thôi.

 


 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5696340
Số người trực tuyến: