Bí quyết thực hành nhẫn nhục trong cả hoàn cảnh nghịch duyên và thuận duyên | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Bí quyết thực hành nhẫn nhục trong cả hoàn cảnh nghịch duyên và thuận duyên

Tất cả hoàn cảnh chúng ta gặp phải trong cuộc đời, đều là bài học rất có ý nghĩa, có người vượt qua được nghịch cảnh, nhưng chưa chắc vượt qua được thuận cảnh.

Chúng ta sẽ dùng tâm thái gì đối điện với hoàn cảnh mình gặp phải? Điều ấy phải xem công phu “nhẫn nhục” của người ấy có đủ hay không. Theo giáo nghĩa của Phật pháp, hàm ý của từ “nhẫn nhục” rất phong phú. Trắc trở, áp bức cố nhiên phải nhẫn, song thành công và vui vẻ cũng vẫn phải nhẫn; nghịch cảnh đến thì đón nhận, thuận cảnh đến cũng đón nhận nhưng không tự mãn. “Thọ” không phải tiếp nhận một cách bị động, mà phải chuyển hóa triệt để cảnh ngộ mình gặp theo chiều hướng tốt với tâm thái chủ động tích cực, biến nó trở thành cơ hội để chúng ta học tập, trưởng thành.

Thông thường người ta khi gặp chuyện oan khuất, thiệt thòi, hầu hết tỏ vẻ tức giận bất bình. Nên biết, chính vì sự tức giận ấy mà chúng ta rất khó quên nỗi oan khuất, nỗi đau đớn cũng như bóng theo hình, không bao giờ mất. Còn nếu mượn nỗi khổ đau làm tiêu đề để mình luyện tập tâm tính phẩm chất, thậm chí xem người gây khổ đau cho ta là Bồ-tát hóa độ mình, cảm ơn người ấy đã cho ta cơ hội tu tập và thăng hoa đức hạnh, tự nhiên tâm bình lặng, khổ đau cũng tiêu tan.

Nhiều người làm ông làm bà đến tâm sự với tôi, trải qua nhiều năm tháng giữ con giữ cháu, trong nỗi cực khổ và vất vả, họ thể hội tâm mình ngày càng khai mở. Họ có khả năng hoan hỉ tiếp nhận mọi hoàn cảnh, người ngoài nhìn vào, ai cũng nói sao khổ như thế mà họ vẫn chịu được, song đối với họ đó là chuyện bình thường.

Trong nghịch cảnh có thể nhẫn nhục, vượt qua, điều ấy mọi người sẽ tiếp nhận dễ dàng; song chuyện gì cũng thuận lợi, như ý, mà còn tu tập hạnh “nhẫn nhục”, thì e rất khó lí giải. Kì thực, tất cả hoàn cảnh chúng ta gặp phải trong cuộc đời, đều là bài học rất có ý nghĩa, có người vượt qua được nghịch cảnh, nhưng chưa chắc vượt qua được thuận cảnh. “Dương dương tự đắc sứt móng ngựa, một ngày xem hết cảnh Trường An”. Nhiều người sống trong hoàn cảnh khốn cùng lại có thể chịu thương chịu khó, sách tấn mình; song một khi được ý thỏa lòng, lại buông lung phóng túng, dương dương tự đắc, lời nói hành vi thô tháo, lấn át người, chắc chắn tai họa khổ đau ập đến ngay. Do đó, lúc bình an phải nghĩ đến khi đau khổ, thành công, vui vẻ cũng vẫn phải thực hành nhẫn nhục. 

Tôi thường tâm sự với các bạn bè của mình rằng tham thiền phải như ở ngã tư đường, người qua kẻ lại, xe cộ tấp nập, tiếng nói tiếng cười, mình có thể làm chủ được mình hay không? Có bị nó nhiễu loạn hay không? Nếu chỉ cần một luồng gió nhẹ mà cỏ đá lay động, tư tưởng và hành vi của bạn bị ảnh hưởng ngay, khó tránh khỏi phiền não ập đến. Huống hồ, hoàn cảnh bên ngoài có thuận có nghịch, tất cả do tâm tạo, hàng phàm phu chủ quan nhận định như vậy, song trên sự thật khách quan chưa chắc đã như thế. Do đó, khéo tu dưỡng giữ tâm khách quan, nhằm tránh sự khống chế, áp bức, vây khốn của ngoại cảnh, mới có khả năng đoạn tận phiền não, tăng trưởng trí tuệ.

(Nguồn: “Nhận diện khổ đau”

Tác giả: Pháp sư Thánh Nghiêm

Nhà xuất bản Tôn giáo, 2017)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5773352
Số người trực tuyến: