Bộ kinh nào trụ thế lâu nhất khi tất cả kinh điển bị hủy diệt? | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Bộ kinh nào trụ thế lâu nhất khi tất cả kinh điển bị hủy diệt?

Vào thời mạt pháp, vì chúng sinh thiếu phước báu, tội nghiệp sâu nặng, không có nhân duyên để xem Kinh điển, Phật pháp dần đi đến hủy diệt, tất cả Kinh điển dần biến mất. Đầu tiên là Kinh Lăng Nghiêm, sau đó đến các Kinh điển khác, cuối cùng là Kinh A Di Đà. Bộ Kinh A Di Đà này sẽ trụ ở đời hơn 100 năm để độ tất cả chúng sinh. Đến hết thời gian đó, Kinh A Di Đà cũng diệt mất, chỉ còn câu hồng danh sáu chữ “Nam Mô A Di Đà Phật” trụ ở đời 100 năm nữa để độ tất cả chúng sinh. Qua một thời gian chỉ còn lại câu hồng danh bốn chữ “A Di Đà Phật” lại trụ ở đời 100 năm nữa độ thoát vô số chúng sinh. Cuối cùng bốn chữ “A Di Đà Phật” cũng diệt mất luôn. Phật pháp đến lúc này có thể nói là hoàn toàn hủy diệt.

Mỗi giáo pháp của Đức Phật nói ra đều có một tướng trạng riêng, gọi là Giáo tướng. Giáo tướng của bộ kinh A Di Đà thuộc về loại Ðại Thừa Bồ Tát Tạng. Lại là một bộ kinh “không ai hỏi mà tự Phật nói ra”. Kinh này được tấm lòng triệt để Ðại Từ của Phật phù trì thêm cho, có năng lực khiến những hữu tình nhiều nghiệp chướng ở đời Mạt Pháp nhờ đấy mà được lên thẳng ngôi Bất Thoái.

Thật là một vị thuốc A Di Đà cứu chữa được vạn bệnh, một bộ kinh tuyệt đối viên dung chẳng khá nghĩ bàn. Những phép tu bí áo trong kinh Hoa Nghiêm (là 10 đại nguyện của đức Phổ Hiền), những phép tu cốt tủy trong kinh Pháp Hoa (là thành Phật), là tâm yếu của hết thảy chư Phật, là kim chỉ nam cho nghìn vạn lối tu của Bồ Tát, đều rút cả vào trong bộ kinh này rồi; muốn tán thán và nói rộng mãi ra thì dầu hết bao nhiêu kiếp cũng chẳng hết, người trí giả phải tự mình nên biết lấy.

Vì sao chúng ta phải cấp thiết niệm Phật cầu sinh Tịnh độ?

Kinh Đại Tập nói “Mạt pháp chỉ niệm Phật mới ra khỏi luân hồi”.

Thiên Như thiền sư dạy: “Trong nẻo luân hồi, việc lành khó tạo, việc ác dễ làm, chẳng sớm thì muộn cũng vào địa ngục”.

Ấn Quang pháp sư khai thị: “Thời mạt pháp, chỉ có cách niệm Phật cầu sinh Tịnh-độ mới hy vọng chứng quả vô sinh”.

Niệm Phật tâm không chủ định thì chỉ gieo căn lành để hưởng phước về sau. Niệm Phật cầu tiêu tai giải nạn thì được khỏe mạnh bình an, làm ăn thịnh vượng nhưng chưa hợp với bản ý Phật. Cầu làm bậc cao tăng đạt đạo thì rất quý nhưng sao bằng về cõi An Lạc làm Bồ-tát bất thoái.

Chư Phật trải nhiều a-tăng-kỳ kiếp huân tu phước tuệ. Niệm hồng danh công đức vô lượng vô biên. Đem công đức này mong cầu chút an vui ở cõi trời người, khác chi trẻ thơ đem châu ma-ni đổi lấy viên kẹo.

Tâm sợ khổ không sinh, lòng lành khó phát. Đức Thích Ca chính từ giác ngộ những thống khổ của nhân loại, khi đi chơi bốn cửa thành mà xả bỏ hoàng cung, vào rừng vắng vẻ để suy tư, tìm phương giải thoát. Người tu hằng quan sát: sinh già bệnh chết, ân ái biệt ly, oán thù gặp gỡ, cầu chi chẳng được. Năm ấm xí thịnh là thân tâm cường kiện mà không có trí tuệ để tự điều ngự. Những vụ đánh chém, say rượu, cướp bóc, hiếp dâm v.v... đều do những người khỏe mạnh nhàn rỗi, chịu tâm lý sinh lý kích thích, đưa đến những bạo hành nguy hiểm.

Cõi trời vui vẻ hơn nhân gian nhưng sáu căn ngày đêm gây mê, khó tỉnh, khiến nỗi khổ ngu si sa đọa càng nặng nề. Cõi A-tu-la nhọc nhằn vì tranh cãi gây gổ. Bàng sinh ăn tươi nuốt sống lẫn nhau. Gà vịt chịu phanh thây xé thịt. Ngựa trâu chở nặng kéo xa. Ngã quỷ đói khát miệng phực ra lửa. Địa ngục thì vạc dầu rừng đao...

Đức Phật lấy móng tay vít chút đất bảo ngài A Nan: "Chúng sinh ở cõi trời người ít như số đất trên móng tay. Chúng sinh ở ác thú nhiều như đại địa".

Xem các sự tích trong lịch sử Phật giáo, biết bao trường hợp tự lực tu hành, chỉ vì nghiệp chưa sạch, tình chưa không mà tái sinh mê muội. Mười người rớt tám. Lại có những lão bà niệm Phật, chẳng biết gì về Tông về Giáo. Chỉ tha thiết thành tâm. Lâm chung có thoại tướng vãng sinh. Dù tu pháp môn nào cũng nên kèm niệm Phật cầu về Tây phương để bảo đảm thoát luân hồi mê đọa.

Tiên đức hằng răn nhắc: “Không giải thoát thì công đức tu hành kiếp này là mối họa cho kiếp thứ ba”. Bởi kham khổ tu hành mới có quả báo kiếp sau thông minh giàu sang quyền thế. Làm vua quan mà đắm nhiễm dục lạc thì dễ buông lung sát đạo dâm vọng. Sang đời thứ ba làm sao tránh khổ tam đồ.

Bồ-tát còn mê khi cách ấm. Thanh-văn còn muội lúc ra thai. Chỉ có bậc vô sinh bất thoái thì nhập thai, trụ thai, xuất thai, cả ba thời đều tỉnh giác. Ngoài ra chuyển sinh đều bị mê muội, quên hết giáo lý đã học đời trước. Những tâm nguyện cũ đều bị lãng chìm.

Cõi Ta Bà duyên tiến đạo quá ít, cảnh thoái đọa quá nhiều. Nghiệp lực chỉ bằng sợi tơ cũng đủ để kéo ta vào đường sinh tử nên nguyện giải thoát hoàn toàn không bảo đảm. Hương Lâm thiền sư công phu 40 năm, Trường Khánh ngồi rách mười mấy bồ đoàn mới ngộ đạo. Ngộ rồi, khi chuyển sinh còn những chướng ngại. Vì ngộ chưa phải chứng. Sức định tuệ mới chế phục nghiệp thức, khiến cho lắng đọng nên tạm khai tâm.

Hiện tại cõi Ta Bà, chính pháp đang dần ẩn diệt, đạo đức nhân loại suy tàn, cao Tăng ngày một hiếm ít, lấy ai dìu dắt bước đường tương lai? Cho nên phải cấp bách phát nguyện vãng sinh Tịnh-độ.

(Lược trích ấn phẩm: “Niệm Phật Thập Yếu”

Tác giả: HT. Thích Thiền Tâm

Toát yếu: Sư bà Hải Triều Âm)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5768296
Số người trực tuyến: