Chương Bảy: Thiền định về lòng Từ và Bi - Phương thuốc chữa trị sự bám chấp hạnh phúc của sự an bình nhỏ bé | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Chương Bảy: Thiền định về lòng Từ và Bi - Phương thuốc chữa trị sự bám chấp hạnh phúc của sự an bình nhỏ bé

Chương Bảy:

Thiền định về lòng Từ và Bi

Phương thuốc chữa trị sự bám chấp hạnh phúc

của sự an bình nhỏ bé

 

“Bám chấp hạnh phúc của sự an bình nhỏ bé (1)” có nghĩa là có ít khả năng (2) khi sự khát khao vượt qua đau khổ được tập trung vào riêng mình. Điều này mở đầu cho việc yêu thương người khác và vì thế là một phát triển nhỏ bé của sự vị tha. Có câu nói: “Khi hạnh phúc của ta chiếm ưu thế, bằng cách nghĩ: Để thực sự làm lợi lạc cho bản thân, tôi phải bỏ qua nhiều điều cần phải làm để giúp đỡ người khác, và như thế sự tư lợi đã nắm quyền.”

 

Khi lòng từ và bi trở thành một phần của ta, việc chăm sóc rất nhiều đến chúng sinh khác khiến ta không thể chịu đựng nổi việc giải thoát cho riêng mình. Vì thế cần phải trau dồi lòng từ ái và bi mẫn. Đạo sư Manjuśrîkîrti đã nói:

 

“Một môn đồ Đại thừa không nên thiếu từ và bi ngay cả trong một khoảnh khắc” và

 

“Không phải sự giận dữ và thù ghét mà chính lòng từ và bi mang lại hạnh phúc cho chúng sinh.”

 

PHÁT TRIỂN LÒNG TỪ ÁI

 

Điểm đầu tiên trong hai chủ đề là lòng từ ái. Tiết mục này được tóm tắt như sau:

 

“Lòng từ ái không giới hạn được tóm lược rõ ràng bởi sáu chủ đề: phân loại, sự liên quan của nó, tính chất, phương pháp để nuôi dưỡng lòng từ ái, thước đo và những phẩm tính của lòng từ ái.”

 

1. PHÂN LOẠI

 

Có ba loại:

1. Từ ái với chúng sinh như sự liên quan (đối tượng) của nó,

2. Từ ái với bản tánh của các sự việc như sự liên quan,

3. Từ ái không có sự liên quan.

 

Về các loại từ ái này, aksayamatipariprcchâsûtra (Kinh Aksayamati Vấn thỉnh) nói:

 

“Lòng từ ái tập trung vào chúng sinh là lòng từ ái của chư vị bodhisattva (3) (Bồ Tát) nuôi dưỡng bodhicitta (4) (Bồ đề tâm) trước hết. Lòng từ ái được tập trung vào bản tánh của các sự việc là lòng từ ái của Bồ Tát khéo củng cố trong việc thực hành và lòng từ ái không có sự liên quan là lòng từ ái của chư Bồ Tát đã đạt được khả năng ‘nhẫn chịu (5) sự vô sanh.’”

 

2. SỰ LIÊN QUAN

 

Ở đây chỉ giảng về lòng từ ái với tất cả chúng sinh như sự liên quan của nó, có nghĩa là lòng từ ái như nhân đức.

 

3. TÍNH CHẤT

 

Đó là một thái độ ước mong tất cả chúng sinh được hạnh phúc.

 

4. PHƯƠNG PHÁP TRAU DỒI LÒNG TỪ ÁI

 

Nhớ tưởng lòng tốt là cội gốc của lòng từ. Vì thế ta xem xét lòng tốt của chúng sinh. Trong văn cảnh này, người đã từng tốt lành nhất đối với tất cả chúng ta là bà mẹ của ta. Bằng cách nào? Bà tốt lành bởi làm thân thể ta phát triển, tốt lành qua việc trải qua những gian khổ, tốt lành bởi nuôi dưỡng sinh lực của ta và trong việc dạy cho ta những phương diện của thế giới. Kinh Bát nhã ba la mật trong Tám ngàn Đoạn Kệ nói:

 

“Vì sao như thế? Bà mẹ này sinh ra ta, bà trải qua những gian khổ, cho ta cuộc đời và dạy ta mọi sự về thế giới.

 

Sự tốt lành của việc tạo nên thân thể ta

 

Thân thể này của chúng ta không bắt đầu với vóc dáng, thịt da phát triển đầy đủ và khỏe mạnh. Nó phát triển trong bụng của bà mẹ qua những giai đoạn phôi thai và bào thai khác nhau, được tạo lập và nuôi dưỡng dần dần bằng chất lỏng cần thiết đến từ chính thịt và máu của bà. Thân thể đó lớn lên nhờ sự nuôi dưỡng của thực phẩm mà bà ăn. Nó hình thành nhờ bà nhẫn chịu đủ loại rắc rối, bệnh tật và đau khổ. Hơn nữa, nói một cách tổng quát, chính bà là người đã giúp cho thân thể này, bắt đầu từ một đứa trẻ nhỏ xíu, trở thành một thân thể cồng kềnh như một con bò yak hiện nay.

 

Lòng tốt trong việc trải qua những gian khổ

 

Thoạt đầu ta không đến đây với đầy đủ áo quần, tô điểm đẹp đẽ, tiền bạc trong túi và thực phẩm để du hành. Khi ta đến chốn vô danh này, nơi ta chẳng biết một ai, chẳng có cái gì – tài sản duy nhất của ta là cái miệng la hét và bao tử trống rỗng. Mẹ ta đã cho ta thực phẩm khiến ta không đói, cho ta uống khiến ta không khát, mặc quần áo cho ta để chống đỡ cái lạnh và cho ta của cải để ta không bị nghèo túng. Không phải là bà cho ta những thứ mà bà không còn dùng nữa: bà đi mà không có thực phẩm để ăn, không có nước uống và không có quần áo mới.

Hơn nữa, không phải bà chỉ hy sinh hạnh phúc của bà, bà cũng lấy đi của bản thân bà khi sử dụng của cải (như những món cúng dường) để mang lại cho bà sự thịnh vượng trong những đời sau. Tóm lại, không quan tâm đến hạnh phúc của riêng mình, trong đời này và đời sau, bà hiến mình để nuôi nấng và chăm sóc đứa con của bà.

Việc bà có được những gì cần thiết cũng chẳng dễ dàng và vui sướng gì. Để cung cấp cho con, bà buộc phải phạm tội, chịu đau khổ và làm việc cực nhọc. Bà phạm tội bởi phải bắt cá, giết thú vật v.v.. để chăm sóc chúng ta. Bà đau khổ bởi những gì bà mang lại cho con là kết quả của việc kinh doanh, lao động trong những cánh đồng v.v.. đi giày ống làm bằng sương giá của chiều muộn hay sáng tinh mơ, đội mũ kết bằng những vì sao, lấy đôi chân làm ngựa cưỡi, bị quất bằng những ngọn cỏ dài, chân phơi ra cho chó cắn và lộ mặt cho đàn ông nhìn ngắm.

Bà cũng đối xử với người xa lạ này, kẻ đã trở thành con của bà, với tình thương yêu còn hơn cả cha, mẹ hay Đạo sư của bà, mặc dù bà không biết người này là ai hay nó sẽ trở thành cái gì. Bà nhìn đứa con với đôi mắt thương yêu, mang lại cho nó sự ấm áp dễ chịu, bế nó trong tay và nói với nó bằng những lời ngọt ngào: “Niềm vui của mẹ, vầng dương, kho báu của mẹ, cục cưng, con chẳng phải là niềm vui của mẹ sao” v.v..

 

Lòng tốt của việc nuôi dưỡng cuộc đời chúng ta

 

Dù được sinh ra, ta không giống như ta hiện nay, biết cách tự ăn và có khả năng cần thiết để hoàn thành những việc khó khăn. Khi ta là những con côn trùng nhỏ bé, bất lực, không thể suy nghĩ, mẹ ta không vứt bỏ ta mà làm vô số việc để nuôi sống ta. Bà đặt ta ngồi vào lòng, che chở để ta không bị nguy hiểm vì lửa hay nước, giữ ta không bị rơi xuống những vách núi nguy hiểm, dẹp bỏ mọi vật có hại và cầu nguyện cho ta. Vào những lúc ấy bà lo sợ cho cuộc đời hay sức khỏe của ta, bà phải nhờ đến các sự tiên tri, thuật chiêm tinh, pháp phù thủy, tụng đọc bản văn, các buổi lễ đặc biệt v.v..

 

Lòng tốt của việc dạy tanhững phương diện của thế giới

 

Thoạt đầu ta không phải là những người tài giỏi, kinh nghiệm, cứng cỏi như hiện nay. Ngoài việc có thể nói oang oang với những người khác trong gia đình và đập tay đập chân, chúng ta hoàn toàn ngu dốt. Khi ta không biết cách tự ăn, bà là người dạy ta ăn. Khi ta không biết cách mặc quần áo, chính bà dạy chúng ta. Khi ta không biết cách đi, chính bà dạy ta đi. Thậm chí khi ta không thể nói, chính bà dạy chúng ta, lập lại “Mẹ, cha” v.v.. Khi đã dạy chúng ta nhiều việc và thiện xảo, bà giúp ta trở thành một người quân bình, làm mạnh những chỗ yếu của ta và giới thiệu cho ta điều chưa quen thuộc.

Hơn nữa, ngoài việc là mẹ của ta trong đời này, do bởi vòng luân hồi không cùng tận đã tiếp tụctừ vô thủy nên bà cũng là mẹ của ta trong những đời trước, trong vô số thời gian. Kinh Thời gian Vô thủy nói:

 

“Nếu một người đặt một hột bách xù nhỏ để thay cho từng miếng đất, đá, cây hay rừng có mặt trong thế giới và một người thứ hai đếm các hột bách xù này. Cuối cùng sẽ có lúc việc tính đếm hoàn tất. Tuy nhiên, nếu một người cố gắng đếm số lần mà một chúng sinh đã từng là mẹ của ta, điều đó không thể làm được.”

 

Thư gởi một người bạn nói:

 

“Nếu ta vo đất thành những viên nhỏ bằng kích thước của hạt bách xù, số lượng những viên đất sẽ ít hơn số lần một chúng sinh từng làm mẹ của ta.”

 

Theo cách được mô tả ở trên, ta suy niệm về mỗi một và mọi lòng tốt mà bà mẹ trong những đời trước của ta đã biểu lộ. Hãy suy xét cẩn trọng rằng lòng tốt của mẹ ta đối với ta thì thật vô lượng. Lưu giữ điều này trong tâm, ta nuôi dưỡng thái độ chân thành và tốt lành nhất đối với bà – một tâm thái ước mong bà được hạnh phúc.

Ngoài điều này ra, mọi chúng sinh từng là các bà mẹ của ta và đã hoàn toàn biểu lộ lòng tốt đối với ta tương tự như lòng tốt được kể ở trên. Có bao nhiêu chúng sinh ở đó? Nơi nào có không gian thì nơi đó có chúng sinh. Bhadracaryâpra nidhânamahârâjaparibandha (Kinh Nguyện ước Hành vi Đúng đắn) nói:

 

“Không gian trải rộng đến đâu thì phạm vi hiện hữu của chúng sinh cũng trải rộng đến đó.”

 

Vì thế ta phải nuôi dưỡng một tâm thức chân thành, mạnh mẽ ước muốn làm lợi lạc và mang lại hạnh phúc cho tất cả chúng sinh đầy khắp không gian. Khi điều đó phát khởi, đó là lòng từ ái chân

thật. Đại Thừa Trang nghiêm Kinh Luận nói:

 

“Một Bồ Tát hành xử đối với chúng sinh như thể họ là đứa con duy nhất của ngài, với một lòng từ ái vĩ đại như thể nó xuất phát từ xương tủy của ngài. Theo cách thức như thế, ngài ước muốn luôn luôn làm lợi ích chúng sinh.”

 

Lòng từ ái vĩ đại là lòng nhân từ mạnh mẽ đến nỗi mắt ta đẫm lệ và lông tóc trên thân thể ta dựng đứng. Lòng từ ái vô hạn sinh khởi khi ta không còn phân biệt giữa các chúng sinh.

 

5. THƯỚC ĐO SỰ THÀNH TỰU

 

Ta thành tựu lòng từ ái khi ước muốn duy nhất của ta là chúng sinh được hạnh phúc và vì thế tâm ta không còn ước muốn hạnh phúc của riêng mình.

 

6. CÁC LỢI ÍCH

 

Các lợi ích của việc nuôi dưỡng lòng từ ái thật vô lượng. Chandrapradîpasûtra (Kinh Nguyệt Đăng) nói:

 

“Dù ta cúng dường vô lượng cho Đấng Siêu việt, thậm chí làm đầy vô số cõi Phật, công đức của điều đó không thể sánh bằng lợi ích đến từ một tâm nhân từ.”

 

Sự tốt lành được phát triển bởi một thực hành từ ái chỉ trong chốc lát thì thật vô lượng. Vòng Hoa Quý báu của các Hệ thống Triết học Phật giáo nói:

 

“Công đức của việc bố thí ba lần một ngày, mỗi ngày 300 món ăn (tương xứng với một vị vua), thậm chí không thể so sánh với công đức được tạo lập bởi lòng từ ái phát khởi trong chốt lát.”

 

Cho đến khi Phật quả được thành tựu, thực hành này sẽ mang lại tám lợi lạc. Những lợi lạc này được mô tả trong Vòng Hoa Quý báu của các Hệ thống Triết học Phật giáo:

 

“Ta sẽ được các vị trời và người yêu quý (1) và bảo vệ (2). Tâm ta sẽ vui vẻ (3) và sẽ gặp những hoàn cảnh vui vẻ (4). Không bị hãm hại bởi thuốc độc (5) và vũ khí (6), ta sẽ thành tựu các mục đích mà không cần nỗ lực (7) và được sinh trong các cõi brahma (cõi trời Phạm Thiên) (8). Cho đến khi thành tựu sự giải thoát, ta sẽ nhận được tám lợi lạc này từ lòng từ ái.”

 

Thực hành lòng từ ái cũng mang lại sự che chở tuyệt vời. Điều này được minh họa trong câu chuyện của Brahmadatta. Nó cũng mang lại sự che chở tuyệt hảo cho chúng sinh, như được minh họa bằng gương mẫu của Vua Maitrîbala. Khi ta đã thành tựu lòng từ ái, việc nuôi dưỡng lòng bi mẫn sẽ không gặp khó khăn.

 

PHÁT TRIỂN LÒNG BI MẪN

 

Đề mục này được tóm tắt như sau:

 

“Lòng bi mẫn vô hạn được tóm lược rõ ràng bởi sáu chủ đề: phân loại, sự liên quan, tính chất, phương pháp nuôi dưỡng lòng bi mẫn, thước đo và những phẩm tính của lòng bi mẫn.

 

1. PHÂN LOẠI

 

Có ba loại:

1. Bi mẫn với chúng sinh như sự liên quan (đối tượng) của nó,

2. Bi mẫn với bản tánh của các sự việc như sự liên quan,

3. Bi mẫn không có sự liên quan.

 

• Loại thứ nhất là bi mẫn phát khởi qua sự hiểu biết về những đau khổ của chúng sinh trong ba cõi thấp.

• Loại bi mẫn thứ hai xuất hiện khi có sự quen thuộc với ý nghĩa của Bốn Chân lý Cao quý (Tứ Diệu Đế) và sự hiểu biết về hai lãnh vực của quan hệ nhân quả (6): những điều này đối kháng với sự tin tưởng ở những thực tại thường hằng, cụ thể. Lòng bi mẫn sinh khởi qua việc suy xét làm thế nào chúng sinh không tỉnh giác về nhân và quả và coi thực tại như cụ thể và bền vững.

• Loại bi mẫn thứ ba xuất hiện khi việc thiền định của ta mang lại sự chứng ngộ tánh Không của mọi hiện tượng. Khi đó lòng bi mẫn phi thường phát khởi đối với chúng sinh vẫn còn tin tưởng ở thực tại. Có câu nói:

 

“Nhờ vào năng lực của thiền định thâm sâu và kiên cố, thực hành của Bồ Tát được viên mãn, lòng bi mẫn đặc biệt phát khởi đối với chúng sinh đang ở trong nanh vuốt của con quỷ tin tưởng ở thực tại.”

 

Trong ba loại này, ở đây ta chỉ thảo luận để phát triển loại bi mẫn thứ nhất.

 

2. SỰ LIÊN QUAN

 

Tất cả chúng sinh là đối tượng của loại bi mẫn thứ nhất.

 

3. TÍNH CHẤT

 

Đó là một thái độ ước mong tất cả chúng sinh thoát khỏi đau khổ.

 

4. PHƯƠNG PHÁP TRAU DỒI LÒNG BI MẪN

 

Bi mẫn được trau dồi bằng những quán chiếu được dựa trên bà mẹ của riêng ta. Vì thế ta hình dung mẹ của ta hiện diện ngay ở đó, trước mặt ta, bị một số người làm đau đớn, và bị những người khác đánh đập, nấu sôi hay thiêu đốt. Thân thể bà cũng có thể bị đông cứng bởi giá lạnh…Nếu những điều này xảy ra, ta có cảm thấy bi mẫn đối với bà hay không? Cũng thế, bởi chắc chắn là chúng sinh đau khổ trong địa ngục cũng từng là những bà mẹ của ta và họ hiện đang chịu đựng những đau khổ như thế, làm thế nào lòng bi mẫn không thể sinh khởi đối với họ? Ta nuôi dưỡng lòng bi mẫn chân thực bằng cách suy niệm theo cách này và ước muốn những chúng sinh đó thoát khỏi đau khổ và những nguyên nhân của đau khổ.

Hơn nữa, nếu mẹ của ta ở trước mặt ta, bị hành hạ bởi sự đói khát, khổ sở vì bệnh tật và đau đớn, tràn ngập lo sợ, hết sức khiếp hãi và hoàn toàn ngã lòng, ta có cảm thấy vô cùng bi mẫn đối

với bà? Chắc chắn là những tinh linh đói khát (ngạ quỷ) chịu đựng những đau khổ như trên đã từng là các bà mẹ của ta. Làm sao ta không cảm nhận lòng bi mẫn? Hãy suy niệm về điều này và ước mong họ thoát khỏi những khổ đau.

Tương tự như thế, nếu mẹ ta ở đây trước mặt ta, già yếu và khô héo bởi tuổi tác, tuy thế nhữngngười khác buộc bà phải làm việc quần quật như một nô lệ không được bảo vệ, đánh đập bà dữ dội, giết chết hay chặt nhỏ thân thể bà, ta có cảm thấy vô cùng bi mẫn hay không? Chắc chắn là chúng sinh bị sinh làm thú vật (súc sinh) phải chịu những đau khổ này và trong quá khứ họ từng là những bà mẹ của ta. Làm sao ta không cảm thấy bi mẫn? Hãy thiền định về điều này và ước muốn họ thoát khỏi đau khổ.

Cũng giống như thế, nếu mẹ ta ở đây trước mặt ta, mù lòa, đứng gần bờ vực sâu một ngàn dặm, không ý thức về sự nguy hiểm của bà và chẳng có ai có thể đưa bà ra hay thét lớn: “Coi chừng vực thẳm!” và khi bà bắt đầu tiến đến bờ vực, bạn có cảm thấy vô cùng bi mẫn? Chắc chắn là tất cả các vị trời, bán-thiên và người đều đang đứng ở bờ vực là những cõi thấp đầy đau khổ. Không tỉnh giác về nhân quả, họ không biết rằng để tránh đọa lạc họ phải từ bỏ ác hạnh và thực hành thiện hạnh. Bởi họ không được lợi lạc từ sự hỗ trợ của một vị Thầy tâm linh tốt lành, họ rơi vào và kinh nghiệm ba cõi thấp. Bởi rất khó ra khỏi những trạng thái đó, làm sao ta không cảm thấy vô cùng bi mẫn đối với họ, vì trong quá khứ họ cũng từng là những bà mẹ của ta? Ta suy niệm về lòng bi mẫn theo cách đó và ước muốn họ thoát khỏi đau khổ.

 

5. THƯỚC ĐO SỰ THÀNH TỰU

 

Lòng bi mẫn được thành tựu khi ta vứt bỏ những trói buộc của việc yêu quý bản thân hơn người

khác và khi đã làm được điều này, hơn là chỉ trong ngôn từ, ta ước mong tất cả chúng sinh thoát

khỏi đau khổ.

 

6. CÁC LỢI ÍCH

 

Các lợi ích của thực hành thật vô lượng. “Bản Văn Thảo luận sự Chứng ngộ Quán Thế Âm” nói:

 

“Nếu có một cái gì được đặt trong bàn tay ta để tượng trưng cho mọi phẩm tính của chư Phật, cái đó là gì? Đó là lòng đại bi!”

 

Dharmasangîtisûtra (Kinh Thành tựu Pháp giới) nói:

 

“Ôi những Đấng Thành tựu, Chiến thắng, Siêu việt! Nó như thế này: bất kỳ nơi nào bánh xe quý

báu của Chuyển Luân Thánh Vương chuyển động, nó được đồng hành bởi tất cả tập hội thị giả

của ngài. Ôi Đức Phật! Bất kỳ nơi nào lòng đại bi của chư Bồ Tát vận hành, mọi phẩm tính giác ngộ đồng hành với nó.”

 

Trong tathâgatâcintyaguhyanirdesha (Kinh Biểu lộ những Bí mật của Như Lai) cũng nói:

 

“Ôi Đạo sư của Giáo lý Bí mật (Kim Cương Thủ)! Trí tuệ cốt tủy nguyên sơ thấu suốt được bắt rễ trong lòng bi mẫn.”

 

Như được dạy ở trên, nhờ lòng từ ái ta ước muốn tất cả chúng sinh được hạnh phúc và nhờ lòng bi mẫn ta ước muốn tất cả họ thoát khỏi đau khổ. Trong trường hợp đó, ta không còn tìm kiếm sự mãn nguyện trong việc nỗ lực đạt được hạnh phúc của sự an bình cho riêng mình ta (7). Bởi ta vui sướng thành tựu Phật quả vì tất cả chúng sinh nên điều này tạo thành phương thuốc chữa trị sự bám chấp vào hạnh phúc của sự an bình nhỏ bé.

 

Khi lòng từ và bi đã phát khởi, ta sẽ yêu thương người khác hơn bản thân mình. Có câu nói rằng người thấu hiểu nỗi khổ của riêng mình và ước muốn chấm dứt nỗi khổ của người khác, người đó là một người tuyệt hảo. Trong số những người đã trở thành “những người tuyệt hảo” có Bà la môn “Đại Bố thí” v.v…

 

Điều này kết thúc chương bảy về lòng từ và bi,

trong tác phẩm Pháp Bảo của sự Giải thoát.

 

----------------------------------

(1) Từ Tây Tạng zhi.ba có nghĩa là “an bình.” Trong tiết mục này của quyển sách, nó được dịch là “an bình nhỏ bé” bởi nó được Gampopa sử dụng để chỉ rõ sự an bình tương đối không có lòng bi mẫn, là kết quả của việc chỉ phát triển thiền định.

 

(2) hinayana: “ít khả năng” thường được dịch là “thừa thấp.” Các thuật ngữ này ám chỉ khả năng mang một gánh nặng. Trong trường hợp này gánh nặng là bản thân mình bởi hứa nguyện của ta chỉ đưa một mình ta, chứ không đưa mọi người (như trong trường hợp của mahayana “khả năng lớn” – nhiều khả năng) đến giải thoát.

 

(3) bodhisattva: Bodhi là sự giác ngộ - thành tựu tối thượng cho bản thân và là điều giúp ích người khác hơn bất kỳ điều gì khác có thể làm được – và sattva có nghĩa là người có tâm dũng cảm. Một bodhisattva là người có lòng dũng cảm và quyết tâm đạt được giác ngộ để thực sự lợi ích cho chúng sinh.

 

(4) bodhicitta: Đằng sau từ ngữ nhỏ bé này là cả một ngọn núi những giải thích. Bodhi là từ để chỉ sự giác ngộ và citta là từ để chỉ tâm thức. Bodhicitta có thể ám chỉ tâm giác ngộ và cũng ám chỉ tâm làm việc để đạt được giác ngộ. Các chương tiếp theo hoàn toàn nói về bodhicitta.

 

(5) Điều này ám chỉ chư vị Bồ Tát đã đạt được cấp độ thứ 3 của giai đoạn thứ hai trong năm giai đoạn chính của con đường dẫn đến giác ngộ: xem chương về các cấp độ và con đường ở phần cuối sách.

 

(6) có nghĩa là những nguyên nhân tạo nên luân hồi sinh tử như một kết quả và những nguyên nhân dẫn đến niết bàn như một kết quả.

 

(7) Niết bàn đạt được bởi các vị Thanh Văn và Phật Độc Giác.

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5773821
Số người trực tuyến: