Chương Mười chín: Các Cấp độ của Con Đường | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Chương Mười chín: Các Cấp độ của Con Đường

Chương Mười chín

Các Cấp độ của Con Đường

 

Năm giai đoạn đó của con đường có hiện hữu như các cấp độ tâm linh không? Có: Có tất cả mười ba cấp độ: cấp độ của người sơ học, cấp độ thực hành do nguyện ước, mười cấp độ (thập địa) Bồ Tát và cấp độ Phật quả.

 

Theo Ngọn Đèn Soi sáng Con Đường Giác ngộ: “…ta sẽ đạt được Cực Hỷ và v.v…” Cực Hỷ là tên của cấp độ Bồ Tát (1) thứ nhất. Những từ “và v.v..” dùng cho hai cấp độ ở dưới Cực Hỷ và mười cấp độ trên nó.

 

1. CẤP ĐỘ CỦA NGƯỜI SƠ HỌC

 

Cấp độ này dùng cho thời kỳ khi ta ở trong Giai đoạn Tích tập. Được gọi như thế là bởi đó là những gì đưa sự non nớt của ta đến chỗ thuần thục.

 

2. CẤP ĐỘ THỰC HÀNH DO NGUYỆN ƯỚC (2)

 

Cấp độ này tương ứng với thời kỳ khi ta ở trong Giai đoạn Kết hợp. Được gọi như thế là bởi hoạt động của cấp độ này chỉ khát khao đạt được ý nghĩa của tánh Không.

 

Trong giai đoạn này những điều sau đây bị tiêu diệt khiến không xuất hiện (3):

* Các yếu tố, chẳng hạn như sự tham lam, là những gì không thích hợp với ba la mật,

* Các ô nhiễm sẽ bị tiệt trừ nhờ Giai đoạn Nội quán và

* Những cơ cấu khái niệm chủ quan khác nhau ngăn che sự tỉnh giác chân thực.


3. MƯỜI CẤP ĐỘ (MƯỜI QUẢ VỊ, THẬP ĐỊA) BỒ TÁT

 

Đây là các cấp độ từ “Cực Hỷ” cho tới “Pháp Vân”. Kinh Thập Địa nói:

 

“Con cái tốt lành của ta! Đây là mười cấp độ của Bồ Tát: cấp độ Bồ Tát ‘Cực Hỷ’…”

 

Cực Hỷ - cấp độ (địa, quả vị) thứ nhất trong mười địa - tương ứng với Giai đoạn Nội quán, trong đó tánh Không được chứng ngộ một cách chân thực. Địa thứ hai cho tới địa thứ mười thuộc giai đoạn trau dồi, trong đó ta trau dồi sự quán chiếu chân tánh được chứng ngộ trong cấp độ thứ nhất. Mười địa Bồ Tát này nên được hiểu theo cách tổng quát và cụ thể.

 

3a. Những vấn đề tổng quát liên quan đến Mười địa Bồ tát

 

Có ba vấn đề: Bản tánh của chúng, định nghĩa của Bhûmi (từ Phạn ngữ có nghĩa là “cấp độ” [quả vị, địa]) và lý do của việc phân chia thành mười cấp độ.

 

3.a1. Bản tánh của các Địa

 

Các địa bao gồm sự tương tục của việc tu tập – trong trí tuệ (prajñâ) trực tiếp chứng ngộ sự vắng mặt của ngã trong các hiện tượng, và trong thiền định sâu xa đồng hành và thúc đẩy trí tuệ này.

 

3.a2. Từ nguyên

 

Các địa được gọi là “nền tảng” (bhûmi (4)- địa) là bởi chúng dùng làm nền tảng cho mọi phẩm tính được kết hợp với cấp độ đặc biệt đó và trạng thái mà nó tượng trưng. Ngoài ra, mỗi địa là nền tảng làm sinh khởi địa kế tiếp. Các ví dụ sau đây chỉ rõ sự thích đáng của thuật ngữ này: tất cả những phẩm tính của trí tuệ nguyên sơ đều hiện diện và được sử dụng trong các địa, vì thế các địa giống như những bãi (5) nuôi bò. Ngoài ra, các địa giống như những địa điểm nơi những con ngựa được tập luyện, bởi với trí tuệ nguyên sơ ta vượt qua các địa đó. Cuối cùng các địa như những cánh đồng, bởi chúng là nền tảng trên đó phát triển mọi phẩm tính được kết hợp với trí tuệ nguyên sơ (jñâna).

 

3.a3. Lý do của việc Phân chia thành Mười địa

 

Chúng được chia thành mười địa do bởi những tính chất riêng biệt của sự tinh thông.(6)

 

3b. Những vấn đề cụ thể về mỗi địa Bồ tát

 

Các vấn đề này được trình bày qua chín đặc điểm của mỗi địa: tên, từ nguyên, sự tinh thông, thực hành, sự thuần tịnh, chứng ngộ, hoàn toàn tiệt trừ, nơi sinh và khả năng.

 

Bồ Tát Địa Thứ nhất (Sơ Địa)

 

TÊN ĐẶC BIỆT: “Cực Hỷ” (Hoan hỷ Địa)

 

TỪ NGUYÊN ĐẶC BIỆT Những bậc đã đạt được địa này cảm thấy một niềm vui mênh mông, bởi sự giác ngộ đã gần kề và việc làm lợi lạc chúng sinh đã thực sự được thành tựu, vì thế tên của địa này là “Cực Hỉ” (Hoan hỷ Địa). Trong Đại Thừa Trang nghiêm Kinh Luận có nói:

 

“Nhờ nhìn thấy giác ngộ gần kề và điều tốt lành của chúng sinh được thành tựu, một sự hỉ lạc siêu việt nhất sẽ sinh khởi. Vì lý do này mà nó được gọi là “Cực Hỷ”.

 

TINH THÔNG ĐẶC BIỆT Quả vị này được thành tựu nhờ tinh thông mười phẩm tính, chẳng hạn như không bao giờ có ý định lừa dối cho dù ta dấn mình vào lãnh vực hành động hay tư tưởng nào. Vì thế Trang nghiêm Chứng Đạo nói:

 

“Nhờ mười phương diện tu tập được tinh thông, địa thứ nhất sẽ được thành tựu.”

 

THỰC HÀNH ĐẶC BIỆT Mặc dù các Bồ Tát ở địa này thực hành tất cả mười ba la mật (7), các Ngài đặc biệt chú trọng thực hành bố thí ba la mật, bởi các Ngài mong muốn mang lại sự hài lòng cho tất cả chúng sinh. Vì thế Kinh Thập Địa nói:

 

“Từ lúc bắt đầu của địa thứ nhất, trong mười ba la mật, bố thí ba la mật được đặc biệt chú trọng, nhưng điều đó không có nghĩa là các ba la mật khác không được thực hành.”

 

THUẦN TỊNH ĐẶC BIỆT Như có nói trong Kinh Thập Địa:

 

“Ở địa thứ nhất, Cực Hỷ, có rất nhiều thị kiến vô cùng rộng lớn; nhờ năng lực của những sự cầu nguyện nên nhiều vị Phật sẽ được nhìn thấy, nhiều trăm vị Phật, nhiều ngàn vị Phật v.v.. nhiều trăm triệu vị Phật sẽ hiển lộ. Khi nhìn thấy các Ngài, ta cúng dường với một ý hướng vĩ đại và cao quý và biểu lộ sự vô cùng tôn kính v.v.. ta cũng cúng dường Tăng đoàn của các Ngài. Ta hồi  hướng tất cả những cội gốc đức hạnh này cho sự giác ngộ vô song. Ta thọ nhận giáo lý từ các vị Phật này, nhập tâm và nhớ lại các giáo lý đó. Các giáo lý này được thực hành một cách nhiệt tâm và chúng sinh được đưa đến chỗ thuần thục nhờ bốn cách thu hút.”

 

Trong một cách thức như thế, và trong nhiều kiếp, các Bồ Tát cúng dường chư Phật, Giáo Pháp và Tăng đoàn và được các Ngài chăm sóc. Các Bồ Tát đưa chúng sinh đến sự thuần thục tâm linh. Vì thế, bởi ba nguyên nhân này, mọi cội gốc đức hạnh của các Ngài được vun trồng hết sức vĩ đại và thanh tịnh.

 

“Chẳng hạn như, mức độ tinh luyện và thuần tịnh của vàng có phẩm chất tốt, và khả năng thích ứng của nó đối với mọi cách sử dụng theo ý muốn, sẽ tùy thuộc vào số lượng công việc mà người thợ kim hoàn thực hiện trong việc làm vàng nóng chảy. Tương tự như vậy, các cội gốc đức hạnh của các vị Bồ Tát ở địa thứ nhất thì hoàn toàn được tinh luyện, hoàn toàn thanh tịnh và thích hợp với mọi cách sử dụng.”

 

CHỨNG NGỘ ĐẶC BIỆT Nói chung, các Bồ Tát trong mười địa có cùng một chứng ngộ. Các khác biệt xảy ra trong giai đoạn giữa-thiền định và chính phương diện này sẽ được coi là có liên quan đến mỗi địa. Ở địa thứ nhất này, Dharmadhâtu (pháp giới) được nhận ra là hiện diện khắp mọi nơi và điều này mang lại sự chứng ngộ trọn vẹn về sự đồng nhất của bản thân ta và chúng sinh. Vì thế Madhyântavibhâga (Nhận thức của Trung Đạo và các Cực đoan) nói đến “sự hiện diện khắp mọi nơi”.

 

TIỆT TRỪ ĐẶC BIỆT ĐƯỢC HOÀN TẤT Trong phạm vi của những che chướng ô nhiễm (phiền

não chướng), tất cả 82 phiền não được chế phục bằng nội quán đã bị tiệt trừ. Về ba loại (8) che chướng thuộc về nhận thức (sở tri chướng), đó là những che chướng có thể so sánh với một lớp da xù xì ở bên ngoài đã bị tiệt trừ. Ta cũng không có năm loại sợ hãi hay lo lắng. Những điều này

được mô tả trong Kinh Thập Địa:

 

“Năm nỗi sợ hiện diện cho đến khi ta đạt được Cực Hỷ địa là gì? Đó là sợ không kiếm sống được, sợ không có thanh danh, sợ chết, sợ tái sinh trong các cõi thấp và sợ bị vướng kẹt giữa những người thế tục. Ở quả vị này tất cả những nỗi sợ đó hoàn toàn bị tiêu diệt.”

 

NƠI SINH ĐẶC BIỆT Các Bồ tát ở quả vị này hầu như sinh làm các Chuyển luân vương (Cakravartin) trong cõi Diêm phù đề (9), ở đó các Ngài giải trừ ô nhiễm tham lam của chúng sinh. Vòng Hoa Quý báu của các Hệ thống Triết học Phật giáo nói rằng:

 

“Là kết quả hoàn toàn phát triển (10) của điều này, các Ngài trở thành một vị cai quản vĩ đại cõi Diêm phù đề.”

 

Mặc dù đây là tính chất đặc biệt của việc sinh ra được đề cập, nhờ ý hướng thuần tịnh làm lợi lạc chúng sinh, các Ngài có thể tự hiển lộ ở mọi nơi, bằng bất kỳ cách nào cần thiết để dạy dỗ chúng sinh, cũng như giảng dạy bằng các câu chuyện Jâtaka (11).

 

KHẢ NĂNG ĐẶC BIỆT “Bởi nguyện lực, các Bồ Tát ở Cực Hỷ địa vô cùng tinh tấn. Trong điều kiện tốt nhất, chỉ trong chốc lát, một khoảnh khắc ngắn ngủi, một chút thời gian, các Ngài có thể:

 

1. Đạt được một trăm thiền định sâu xa và kinh nghiệm kết quả vững chắc.

2. Nhìn thấy một trăm vị Phật,

3. Nhận thức đúng đắn nhất về những gia hộ (12) của các vị Phật đó,

4. Lay động hệ thống một trăm thế giới (13),

5. Viếng thăm một trăm cõi Phật,

6. Soi sáng một trăm hệ thống thế giới,

7. Đưa một trăm chúng sinh đến chỗ hoàn toàn thuần thục,

8. Sống một trăm kiếp,

9. Hoàn toàn thấu suốt một trăm kiếp trước và một trăm kiếp sau,

10. Khai mở một trăm cánh cổng Pháp,

11. Hiển lộ một trăm hiện thân ở khắp nơi và

12. Hiển lộ mỗi một trong những thân vật lý này được vây quanh bởi một trăm Bồ Tát khác.”

 

Bồ Tát Địa Thứ Hai

 

TÊN ĐẶC BIỆT “Bất nhiễm” (Ly Cấu Địa)

 

TỪ NGUYÊN ĐẶC BIỆT Quả vị này được gọi là “Bất nhiễm” bởi nó không bị ô uế bởi những vi phạm giới hạnh.

 

“Không bị ô uế bởi việc vi phạm công hạnh hoàn hảo, nó được gọi là ‘trạng thái Bất nhiễm’.” (14)

 

TINH THÔNG ĐẶC BIỆT Địa này được thành tựu nhờ tám loại tinh thông, chẳng hạn như tinh thông việc trì giới, tinh thông các hành động v.v..

 

“Sự trì giới, thành tựu hành động, nhẫn nhục, hỉ lạc siêu việt (cực hỉ) , lòng đại bi v.v..” (15)

 

THỰC HÀNH ĐẶC BIỆT Mặc dù các Bồ Tát ở địa này thực hành tất cả mười ba la mật, các Ngài đặc biệt chú trọng việc thực hành trì giới ba la mật.

 

THUẦN TỊNH ĐẶC BIỆT Như được giải thích ở trên (16), ba nguyên nhân làm cho các cội gốc đức hạnh của các vị Bồ Tát này vô cùng to lớn và thanh tịnh.

 

“Lấy ví dụ, vàng tốt được người thợ kim hoàn lấy ra và nấu lại sẽ gột sạch mọi chất dơ uế, thậm chí còn sạch hơn trước. Cũng thế, cội gốc đức hạnh của các Bồ Tát ở địa thứ hai cũng thanh tịnh hơn, được tinh ròng hơn và dễ sử dụng hơn trước.”

 

CHỨNG NGỘ ĐẶC BIỆT Ở quả vị này, Dharmadhâtu (pháp giới) được hiểu là một điều gì tối thượng và có ý nghĩa nhất. Các Ngài nghĩ: “Tôi sẽ luôn luôn nỗ lực và tu tập bằng mọi cách qua đó dharmadhâtu được thực sự và hoàn toàn thành tựu. Vì thế có câu nói (17): “Điều tối thượng…”

 

TIỆT TRỪ ĐẶC BIỆT ĐƯỢC HOÀN TẤT Đối với địa thứ hai này, và cho tới địa thứ mười, chỉ có những năng lực hạt nhân của sáu mươi ô nhiễm cần được tiệt trừ bằng sự trau dồi là không loại bỏ được và vẫn còn hiện diện. Tuy nhiên, những hình thức hoạt hóa của chúng đã bị tiêu diệt. Trong phạm vi của những sở tri chướng, lớp bên trong, giống như thịt của một loại trái cây, đã bị tiệt trừ (18).

 

NƠI SINH ĐẶC BIỆT Nhiều Bồ Tát ở quả vị này trở thành Chuyển Luân Vương cai quản bốn thế giới trong hệ thống vũ trụ này. Ở đó, các Ngài xoay chuyển chúng sinh ra khỏi mười điều xấu ác và an lập họ trong mười đức hạnh. Vì thế:

 

“Nhờ hoàn toàn thuần thục quả vị này, ta sẽ trở thành một Chuyển Luân Vương làm lợi lạc chúng sinh nhờ sở hữu bảy tính chất quý báu và lẫy lừng.”

 

KHẢ NĂNG ĐẶC BIỆT Trong một chốc lát, một khoảnh khắc ngắn ngủi, một chút thời gian, các Ngài có thể thể nhập một ngàn trạng thái thiền định (19) v.v..

 

Bồ Tát Địa Thứ Ba

 

TÊN ĐẶC BIỆT “Người Soi sáng” (Phát Quang Địa)

 

TỪ NGUYÊN ĐẶC BIỆT Quả vị này được gọi như thế là bởi trong trạng thái đó ánh sáng của Giáo pháp và thiền định sâu xa thì vô cùng trong sáng; ngoài ra, quả vị này soi sáng chúng sinh bằng ánh sáng vĩ đại của Giáo Pháp. Vì thế có câu nói:

 

“Bởi tạo nên sự chói lọi vĩ đại của Giáo pháp nên nó được gọi là người soi sáng.”

 

TINH THÔNG ĐẶC BIỆT Quả vị này được thành tựu nhờ phát triển năm điều, chẳng hạn như sự khao khát vô bờ trong việc nghiên cứu Giáo pháp. Như được giảng dạy:

 

“Không thỏa mãn trong việc nghiên cứu Giáo Pháp, các Ngài truyền bá giáo lý mà không quan tâm đến vật chất.”

 

THỰC HÀNH ĐẶC BIỆT Mặc dù các Bồ Tát ở cấp độ này thực hành cả mười ba la mật, các Ngài đặc biệt chú trọng nhẫn nhục ba la mật.

 

THUẦN TỊNH ĐẶC BIỆT Như được giải thích ở trên, ba nguyên nhân làm cho các cội gốc đức hạnh của các vị Bồ Tát này vô cùng to lớn và vô cùng thanh tịnh

 

“Ví dụ như, nếu như vàng rất nguyên chất được một người thợ kim hoàn đánh bóng, mọi khiếm khuyết cũng như chất dơ của nó được loại bỏ nhưng không làm suy giảm trọng lượng lúc ban đầu của vàng. Tương tự như vậy, cội gốc đức hạnh được các vị Bồ tát này củng cố trong ba thời vẫn không suy giảm và trở nên vô cùng thanh tịnh, tinh ròng và thích hợp cho mọi việc sử dụng.”

 

CHỨNG NGỘ ĐẶC BIỆT Các Bồ Tát ở địa này hiểu rằng việc giảng dạy Phật pháp là điều kiện thuận lợi giúp cho việc nhận ra dharmadhâtu (pháp giới) là thực tại cao quý nhất: để chỉ học một câu kệ giáo lý các Ngài phải trải qua một hầm lửa lớn như một Gigacosmos (20). Vì thế: “… điều kiện thuận lợi, là điều tuyệt vời nhất…”

 

TIỆT TRỪ ĐẶC BIỆT ĐƯỢC HOÀN TẤT [xem Bồ Tát địa thứ hai]

 

NƠI SINH ĐẶC BIỆT Hầu hết các Bồ Tát ở quả vị này sinh làm Đế Thích, Vua của các vị Trời; các Ngài thiện xảo trong việc đối kháng sự tham muốn và bám luyến liên quan đến dục giới:

 

“Các Ngài là những Đạo sư vĩ đại của các vị trời, những vị đối kháng tham muốn và bám luyến trong cõi dục giới.”

 

KHẢ NĂNG ĐẶC BIỆT Trong một chốc lát, một khoảnh khắc ngắn ngủi, một chút thời gian, các Ngài có thể thể nhập một trăm ngàn trạng thái thiền định v.v..

 

Bồ Tát Địa Thứ Tư

 

TÊN ĐẶC BIỆT “Chói lọi” (Diệm Huệ Địa)

 

TỪ NGUYÊN ĐẶC BIỆT Quả vị này được gọi là “Chói lọi” là bởi sự chói ngời của trí tuệ nguyên sơ, được phú bẩm những phẩm tính thuận lợi cho sự giác ngộ, chiếu tỏa khắp nơi và tiêu hủy hai che chướng (21). Vì thế:

 

“Nó giống như ánh sáng bởi nó hoàn toàn tiêu hủy các yếu tố không thích hợp với sự giác ngộ. Được phú bẩm như thế, quả vị này chói ngời ánh sáng, bởi hai che chướng đã bị tiêu hủy.”

 

TINH THÔNG ĐẶC BIỆT Quả vị này được thành tựu nhờ mười yếu tố, chẳng hạn như an trụ ở nơi cô tịch v.v.. Vì thế:

 

“An trụ trong những cánh rừng, với một ít khát khao, bằng lòng với những gì các Ngài có, thuần tịnh trong cách hành xử, tuân giữ các giới nguyện…” v.v..

 

THỰC HÀNH ĐẶC BIỆT Mặc dù các Bồ Tát ở quả vị này thực hành cả mười ba la mật, các Ngài đặc biệt chú trọng tinh tấn ba la mật.

 

THUẦN TỊNH ĐẶC BIỆT Như đã được giải thích ở trên, ba nguyên nhân làm cho các cội gốc đức hạnh của các vị Bồ Tát này vô cùng to lớn và thanh tịnh:

 

“Ví dụ như, vàng nguyên chất được một người thợ kim hoàn lão luyện làm thành một món trang sức mà những miếng vàng chưa được chế tác không thể vượt trội được. Tương tự như vậy, cội gốc đức hạnh của các Bồ Tát ở các quả vị thấp hơn không thể lộng lẫy hơn cội gốc đức hạnh của các Bồ Tát ở quả vị này.”

 

CHỨNG NGỘ ĐẶC BIỆT Các Bồ Tát ở quả vị này đã thực sự chứng ngộ rằng chẳng có bất kỳ điều gì để thực sự bám níu. Vì thế mọi tham muốn, ngay cả Giáo pháp, đều bị dập tắt; “…sự thực là không có điều gì để thực sự bám níu và…”

 

TIỆT TRỪ ĐẶC BIỆT ĐƯỢC HOÀN TẤT [xem Bồ Tát địa thứ hai]

 

NƠI SINH ĐẶC BIỆT Hầu hết các Bồ Tát ở quả vị này sinh làm vua của các vị trời trong cõi trời Không-Tranh Cãi. Các Ngài thiện xảo trong việc giải trừ các triết học sai lạc được đặt nền trên một khái niệm về “sự phức hợp có thể bị phá hủy” (22) thì thường hằng. Vì thế:

 

“Các Ngài trở thành các vị hoàng đế linh thánh trong cõi trời Không-Tranh Cãi và thiện xảo trong việc hoàn toàn đánh bại các quan niệm của sự phức hợp có thể bị phá hủy, nơi những quan điểm này trổi vượt.”

 

KHẢ NĂNG ĐẶC BIỆT Trong một chốc lát, một khoảnh khắc ngắn ngủi, một chút thời gian, các Ngài có thể thể nhập một triệu thiền định sâu xa v.v..

 

Bồ Tát Địa Thứ Năm


TÊN ĐẶC BIỆT “Khó Thực hành” (Cực Nan Thắng Địa)

 

TỪ NGUYÊN ĐẶC BIỆT Ở quả vị này ta nỗ lực giúp đỡ chúng sinh đạt được sự thuần thục  nhưng siêu vượt mọi phản ứng ô nhiễm đối với những sai lầm liên tiếp của họ. Nó được gọi là

 

“Khó Thực hành” là bởi thật khó thông suốt việc giúp đỡ và không-phản ứng. Vì thế:

 

“Bởi các Ngài phải thành tựu điều tốt lành của chúng sinh và canh chừng tâm thức của mình nên đối với các Bồ Tát đó là một tu tập khó khăn, vì thế nó được gọi là ‘Khó Thực hành’.”

 

TINH THÔNG ĐẶC BIỆT Quả vị này được thành tựu nhờ việc tiệt trừ mười yếu tố, chẳng hạn như sự giao thiệp với những người thế tục vì những mục đích lợi lộc v.v.. Vì thế:

 

“Khát khao những người quen biết, một chỗ ở, những nơi chốn ngập đầy những phóng dật v.v..”

 

THỰC HÀNH ĐẶC BIỆT Mặc dù các Bồ Tát ở quả vị này thực hành cả mười ba la mật, các Ngài đặc biệt chú trọng thiền định ba la mật.

 

THUẦN TỊNH ĐẶC BIỆT ba nguyên nhân làm cho các cội gốc đức hạnh của các vị Bồ Tát này vô cùng to lớn và thanh tịnh:

 

“Lấy ví dụ của vàng nguyên chất, trước tiên nó được một người thợ kim hoàn lão luyện đánh bóng rồi gắn thêm các viên đá hổ phách, món trang sức đó sẽ tuyệt đẹp và những món trang sức bằng vàng khác không thể lộng lẫy hơn. Tương tự như thế, cội gốc đức hạnh của các Bồ Tát ở quả vị thứ năm này đã được thử thách bằng sự kết hợp trí tuệ và phương tiện thiện xảo. Cội gốc đức hạnh của các Bồ Tát ở quả vị thấp hơn không thể lộng lẫy hơn cội đức hạnh của các Ngài.”

 

CHỨNG NGỘ ĐẶC BIỆT Các Bồ Tát ở quả vị này chứng ngộ sự không chia cắt của các dòng tâm thức (23). Các Ngài thấu suốt mười sự đồng nhất. Vì thế: “những dòng không bị phân biệt và…”

 

TIỆT TRỪ ĐẶC BIỆT ĐƯỢC HOÀN TẤT [xem Bồ Tát địa thứ hai]

 

NƠI SINH ĐẶC BIỆT Hầu hết các Bồ Tát ở quả vị này sinh làm những hoàng đế linh thánh trong cõi trời Đâu suất. Các Ngài thiện xảo trong việc bác bỏ những quan điểm của những người chấp giữ các niềm tin tôn giáo bị bóp méo (24). Vì thế:

 

“Như một kết quả hoàn hảo, các Ngài trở thành các vị hoàng đế của các vị trời Đâu suất và thiện xảo trong việc bác bỏ những bám chấp lầm lạc là nguồn mạch ô nhiễm đứng sau mọi niềm tin tôn giáo bị bóp méo.”

 

KHẢ NĂNG ĐẶC BIỆT Trong một chốc lát, một khoảnh khắc ngắn ngủi, một chút thời gian, các Ngài có thể thể nhập một tỉ thiền định sâu xa v.v…

 

Bồ Tát Địa Thứ Sáu

 

TÊN ĐẶC BIỆT “Được Hiển lộ” (Hiện Tiền Địa)

 

TỪ NGUYÊN ĐẶC BIỆT Nhờ sự trợ giúp của trí tuệ ba la mật nên Bồ Tát ở quả vị này không an trụ trên những ý niệm về niết bàn hay sinh tử. Do đó sinh tử và niết bàn được hiển lộ là thuần tịnh. Vì thế tên của quả vị này là “Được Hiển lộ”.

 

“Bởi sự trợ giúp của trí tuệ ba la mật mà sinh tử và niết bàn đều được hiển lộ, nó được gọi là ‘Được Hiển lộ’.”

 

TINH THÔNG ĐẶC BIỆT Quả vị này được thành tựu nhờ 12 yếu tố của việc tu tập; học về cách thành tựu sáu ba la mật một cách trọn vẹn, viên mãn – chẳng hạn như sự bố thí v.v.. – và học cách tiệt trừ sáu điều chẳng hạn như sự khát khao trạng thái Thanh Văn hay Phật độc Giác. Vì  thế:

 

“Nhờ sự hoàn toàn viên mãn của bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ ba la mật nên có sự tỉnh giác v.v..”

 

THỰC HÀNH ĐẶC BIỆT Mặc dù các Bồ Tát ở quả vị này thực hành cả mười ba la mật, các Ngài đặc biệt chú trọng trí tuệ ba la mật.

 

THUẦN TỊNH ĐẶC BIỆT Như được giảng nghĩa ở trên, ba nguyên nhân làm cho các cội gốc đức hạnh của các vị Bồ Tát này vô cùng thanh tịnh và mạnh mẽ:

 

“…Chẳng hạn như, khi một thợ kim hoàn thiện xảo trang trí vàng nguyên chất bằng đá xanh da trời, nó đẹp tuyệt vời và những vật bằng vàng khác không thể sánh được với nó. Cũng thế, các cội gốc đức hạnh của các Bồ Tát ở quả vị thứ sáu được đảm bảo bằng trí tuệ và phương tiện thiện xảo thì hoàn toàn thuần tịnh và chói sáng. Cội gốc đức hạnh của các Bồ Tát ở những quả vị thấp hơn không thể lộng lẫy hơn chúng.”

 

CHỨNG NGỘ ĐẶC BIỆT Ở quả vị này, sự không hiện hữu của hoàn toàn ô nhiễm và hoàn toàn thuần tịnh được chứng ngộ. Các Bồ Tát này thấu suốt rằng thực sự không có gì là hoàn toàn ô nhiễm hay hoàn toàn thuần tịnh, mặc dù chúng có thể xuất hiện qua sự phô diễn của lẽ duyên sinh. Vì thế có câu nói: “…ý nghĩa của không ô nhiễm và không hoàn toàn thuần tịnh.”

 

TIỆT TRỪ ĐẶC BIỆT ĐƯỢC HOÀN TẤT [xem Bồ Tát địa thứ hai]

 

NƠI SINH ĐẶC BIỆT Hầu hết các Bồ Tát ở quả vị này sinh làm những hoàng đế linh thánh trong các vị trời sunirmita (Lạc Biến Hóa Thiên). Các Ngài thiện xảo trong việc đánh bại tánh kiêu mạn của chúng sinh:

 

“Là kết quả trọn vẹn, các Ngài trở thành vua của các vị trời Lạc Biến Hóa. Trội vượt hơn các Thanh Văn, các Ngài tiệt trừ tánh kiêu mạn.”

 

KHẢ NĂNG ĐẶC BIỆT Trong một chốc lát, một khoảnh khắc ngắn ngủi, một chút thời gian, các Ngài có thể thể nhập một trăm tỉ thiền định sâu xa v.v…

 

Bồ Tát Địa Thứ Bảy

 

TÊN ĐẶC BIỆT “Đi Xa” (Viễn Hành Địa)

 

TỪ NGUYÊN ĐẶC BIỆT Quả vị này được gọi là “Đi Xa” bởi nó nối kết với “một và chỉ một con đường” và ta đã đi đến tận cùng của hoạt động (25).

 

TINH THÔNG ĐẶC BIỆT Quả vị này được thành tựu nhờ tiệt trừ hai mươi yếu tố, chẳng hạn như niềm tin ở thực thể (26), và nhờ trau dồi các phẩm tính đối nghịch chẳng hạn như ba cổng của sự giải thoát toàn triệt (27) v.v… Vì thế:

 

“…Niềm tin nơi ngã và chúng sinh…” và “… tỉnh giác về ba cánh cổng của sự giải thoát toàn triệt…”

 

THỰC HÀNH ĐẶC BIỆT Mặc dù các Bồ Tát ở quả vị này thực hành cả mười ba la mật, các Ngài đặc biệt chú trọng phương tiện ba la mật.

 

THUẦN TỊNH ĐẶC BIỆT ba nguyên nhân làm cho các cội gốc đức hạnh của các vị Bồ Tát này vô cùng to lớn và thanh tịnh:

 

“…Chẳng hạn như, khi một người thợ kim hoàn thiện xảo trang trí vàng nguyên chất nhất bằng đủ loại châu báu, nó trở nên tuyệt đẹp và những loại trang sức khác trong thế giới này không thể sánh với nó. Cũng thế, cội gốc đức hạnh của các Bồ Tát ở địa thứ bảy thì vĩ đại và thanh tịnh lạ thường; cội đức hạnh của các Thanh Văn, Độc Giác Phật hay Bồ Tát ở những quả vị thấp hơn không thể trội vượt các cội gốc này.”

 

CHỨNG NGỘ ĐẶC BIỆT Ở quả vị này tính chất không-riêng rẽ của mọi sự được chứng ngộ. Mọi tính chất khác nhau của Pháp – Kinh điển v.v.. không xuất hiện như riêng rẽ (28). Vì thế có nói: “…không-riêng rẽ…”

 

TIỆT TRỪ ĐẶC BIỆT ĐƯỢC HOÀN TẤT [xem Bồ Tát địa thứ hai]

 

NƠI SINH ĐẶC BIỆT Hầu hết các Bồ Tát ở quả vị này sinh làm những hoàng đế linh thánh trong các vị trời vaśavartin (Trời Tha Hóa Tự Tại) (29). Các Ngài thiện xảo trong việc mang lại những sự chứng ngộ giống như các chứng ngộ của Thanh Văn và Phật Độc Giác:

 

“Kết quả trọn vẹn là các Ngài trở thành vua của các vị Trời Tha Hóa Tự Tại. Các Ngài trở thành những Đạo sư vĩ đại, kiệt xuất với một sự thấu suốt chân chính về các Chân lý của Bậc Chứng ngộ.”

 

KHẢ NĂNG ĐẶC BIỆT Trong một chốc lát, một khoảnh khắc ngắn ngủi, một chút thời gian, các Ngài có thể thể nhập 1016 thiền định sâu xa v.v…

 

Bồ Tát Địa Thứ Tám

 

TÊN ĐẶC BIỆT “Bất Động” (Bất Động Địa)

 

TỪ NGUYÊN ĐẶC BIỆT Quả vị này được gọi như vậy là bởi nó không bị lay động bởi các ý niệm nỗ lực đạt được các đặc tính hay nỗ lực đạt được sự vắng mặt các đặc tính. Vì thế: “Nó được gọi là “Bất Động” là bởi nó không bị lay động bởi cả hai ý niệm.”

 

TINH THÔNG ĐẶC BIỆT Quả vị này được thành tựu nhờ tám loại tinh thông, chẳng hạn như hiểu biết cách cư xử của chúng sinh v.v.. Vì thế:

 

“Thấu suốt tâm của mỗi chúng sinh, thương yêu nhờ có nhận thức sáng suốt…”

 

THỰC HÀNH ĐẶC BIỆT Mặc dù các Bồ Tát ở quả vị này thực hành tất cả mười ba la mật nói chung, các Ngài chú trọng nguyện ba la mật.

 

THUẦN TỊNH ĐẶC BIỆT Như được giải thích trước đây, ba nguyên nhân làm cho các cội gốc đức hạnh của các vị Bồ Tát này vô cùng thanh tịnh và mạnh mẽ:

 

“.. Lấy một ví dụ; nếu một vật trang sức bằng vàng nguyên chất do một bậc thầy về ngành kim hoàn làm ra, được đeo trên đầu hay cổ của một hoàng đế của thế giới thì vật trang sức bằng vàng mà những người khác đeo không thể sánh được với nó. Cũng thế, cội đức hạnh của các Bồ Tát  ở địa thứ tám thì tuyệt đối và hoàn toàn thanh tịnh đến nỗi cội đức hạnh của các Thanh Văn, Độc Giác Phật hay Bồ Tát ở những quả vị thấp hơn không thể hơn được nó.”

 

CHỨNG NGỘ ĐẶC BIỆT Ở quả vị này, bản tánh thoát khỏi ý niệm và như-không gian của mọi hiện tượng được chứng ngộ. Vì thế các Bồ Tát ở quả vị này không sửng sốt và sợ hãi bởi tánh không – sự vô sanh. Điều này được gọi là thành tựu nhẫn nhục về sự vô sanh. Nhờ sự nhẫn nhục này của bản tánh vô sanh của mọi sự, các Ngài chứng ngộ sự không hiện hữu của tăng trưởng và suy giảm và các Ngài không coi sự ô nhiễm thực sự hay hoàn toàn thanh tịnh là suy giảm hay tăng trưởng một cách tương ứng. Vì thế “…không suy giảm, không tăng trưởng…” Ta được biết rằng đây cũng là trạng thái đầu tiên trong các trạng thái có bốn năng lực (30) đối với:

1/ Không khái niệm hóa;

2/ Các cõi vô cùng thanh tịnh;

3/ Trí tuệ nguyên sơ và

4/ Hoạt động. Trong bốn năng lực này, các Bồ Tát ở quả vị thứ 8 đã chứng ngộ hai năng lực đầu tiên – các năng lực đối với việc không khái niệm hóa và đối với các cõi vô cùng thanh tịnh.

 

Những nguồn Kinh điển khác nói rằng các vị Bồ Tát ở quả vị thứ 8 đã thành tựu Mười Năng lực (thập lực) đối với:

1/ Thọ mạng,

2/ Tâm thức,

3/ Tiện nghi,

4/ Hành động,

5/ Trạng thái sinh ra,

6/ Lời cầu nguyện,

7/ Các ý hướng,

8/ Những điều huyền diệu,

9/ Trí tuệ nguyên sơ, và

10/ Phật pháp.

 

TIỆT TRỪ ĐẶC BIỆT ĐƯỢC HOÀN TẤT (xem địa thứ hai)

 

NƠI SINH ĐẶC BIỆT Hầu hết các Bồ Tát ở quả vị này sinh ra như một quốc vương linh thánh giữa các trời Phạm Thiên, có năng lực đối với toàn bộ một Kilocosmos (31). Các Ngài thiện xảo trong việc thuyết giảng ý nghĩa của các con đường Thanh Văn và Phật Độc Giác.

 

“Kết quả hoàn toàn phát triển là sinh làm một vị trời Phạm Thiên, thủ hộ của một cấp độ siêu vũ trụ. Không ai có thể sánh với các Ngài trong việc trình bày giáo lý của các A La Hán và Phật Độc Giác.”

 

KHẢ NĂNG ĐẶC BIỆT Trong một chốc lát, một khoảnh khắc ngắn ngủi, một chút thời gian, các Ngài có thể thể nhập nhiều thiền định sâu xa như số phân tử trong một triệu siêu vũ trụ v.v..

 

Bồ Tát Địa Thứ Chín

 

TÊN ĐẶC BIỆT “Vô cùng Thông tuệ” (Thiện Huệ)

 

TỪ NGUYÊN ĐẶC BIỆT Quả vị này được gọi như thế là bởi nó được phú bẩm sự thông tuệ tuyệt vời như thế, nghĩa là sự nhận thức sáng suốt và chính xác. Vì thế:

 

“Quả vị này là Vô cùng Thông tuệ là bởi sự thông tuệ tuyệt vời, nhận thức sáng suốt của nó.”

 

TINH THÔNG ĐẶC BIỆT Quả vị này được thành tựu nhờ 12 yếu tố chẳng hạn như những lời cầu nguyện vô hạn v.v.. Vì thế:

 

“Những lời cầu nguyện vô hạn… sự hiểu biết về các ngôn ngữ thiêng liêng và…”

 

THỰC HÀNH ĐẶC BIỆT Mặc dù các Bồ Tát ở quả vị này thực hành đầy đủ mười ba la mật nói chung, các Ngài đặc biệt chú trọng vào lực ba la mật.
 

THUẦN TỊNH ĐẶC BIỆT Như được trình bày trước đây, ba nguyên nhân làm cho các cội đứchạnh của các Bồ Tát ở quả vị này vô cùng thanh tịnh và mạnh mẽ:

 

“…Ví dụ như, nếu một vật trang sức bằng vàng nguyên chất do một bậc thầy trong nghề kim hoàn làm ra, được đeo trên đầu hay cổ của một Chuyển Luân Vương, những vật trang sức của các vị vua của các miền đất hay những vật trang sức của các cư dân của bốn hành tinh (của hệ thống đó) không thể vượt trội nó. Cũng thế, cội đức hạnh của các Bồ Tát ở quả vị thứ 9 được tô điểm bằng trí tuệ nguyên sơ vĩ đại (jñâna) khiến cội đức hạnh của các Thanh Văn, Phật Độc Giác và các Bồ Tát ở các quả vị thấp hơn không thể vượt trội nó.”

 

CHỨNG NGỘ ĐẶC BIỆT Trong bốn năng lực (được đề cập trong tiết mục trước), các Bồ Tát ở quả vị thứ 9 này chứng ngộ trạng thái năng lực của trí tuệ nguyên sơ (jñâna), bởi các Ngài đã thành tựu bốn thông suốt biện biệt toàn hảo. Các thông suốt biện biệt toàn hảo là gì? Kinh Thập Địa giải thích:

 

“Bốn thông suốt biện biệt toàn hảo là gì? Đó là thường xuyên có sự thông suốt biện biệt toàn hảo về Pháp, thông suốt biện biệt toàn hảo về các ý nghĩa, thông suốt biện biệt toàn hảo về các ý nghĩa và thông suốt biện biệt toàn hảo về kỹ năng giảng dạy.”

 

TIỆT TRỪ ĐẶC BIỆT ĐƯỢC HOÀN TẤT (xem quả vị thứ hai)

 

NƠI SINH ĐẶC BIỆT Hầu hết các Bồ Tát ở quả vị này sinh làm một hoàng đế linh thánh trong các vị trời Phạm Thiên, có năng lực đối với một Megacosmos (32). Các Ngài có thể giải đáp mọi câu hỏi.

 

“Kết quả phát triển hoàn hảo là sinh làm Phạm Thiên, vị thủ hộ cấp độ trung gian của siêu vũ trụ (megacosmos). Trong việc giải đáp mọi câu hỏi phát khởi từ những cách suy nghĩ của chúng sinh, các vị A La Hán v.v.. không thể vượt trội Ngài.”

 

KHẢ NĂNG ĐẶC BIỆT Trong một chốc lát, một khoảnh khắc ngắn ngủi, một chút thời gian, các Ngài có thể thể nhập nhiều thiền định sâu xa như số phân tử thanh tịnh trong một triệu “vô số” (33) cõi Phật v.v..

 

Bồ Tát Địa Thứ Mười

 

TÊN ĐẶC BIỆT “Mây Pháp” (Pháp Vân Địa)

 

TỪ NGUYÊN ĐẶC BIỆT Quả vị này được gọi là Mây Pháp là bởi các Bồ Tát ở quả vị này giống như một đám mây tạo nên một trận mưa Giáp pháp đổ xuống chúng sinh, bằng cách đó rửa sạch bụi đất ô nhiễm của họ. Ngoài ra, giống như những đám mây đầy ngập không gian, thiền định sâu xa và năng lực thần chú của các Ngài trùm khắp dharmata (Pháp tánh) như-không gian mà các Ngài đã thành tựu. Vì thế:

 

“Nó là Mây Pháp là bởi các thiền định và năng lực như các đám mây, trùm khắp Pháp tánh nhưkhông gian.”

 

[Đây là sự giải thích của Đức Di Lặc và nó được tìm thấy trong các luận giải thuộc truyền thống của Ngài. Trong Mật chú thừa có câu nói rằng vào cuối quả vị thứ 10, các Bồ Tát nhận quán đảnh từ chư Phật khắp mười phương và bản thân các Ngài thành Phật. Trên thực tế, hai quan điểm này thì như nhau. Những câu hỏi khác nhau hấp dẫn những câu trả lời khác nhau, nhưng không có mâu thuẫn giữa hai quan điểm đó.] (34)

 

TINH THÔNG ĐẶC BIỆT (Không giống như các quả vị trước, trong Trang nghiêm Chứng Đạo không nhắc gì đến quả vị này nhưng trong Kinh Thập Địa nói:

 

“Ôi Con cái của các Đấng Chiến Thắng! Cho tới quả vị thứ chín, các Bồ Tát đã phân tích kỹ lưỡng và phân tích thấu đáo vô lượng phương diện của sự hiểu biết với sự thông tuệ truy xét…”

 

và v.v.., giảng dạy rằng quả vị này được thành tựu nhờ một quán đảnh trí tuệ nguyên sơ (jñâna) của sự toàn trí nhờ mười tinh thông thấu đáo. Quả vị thứ 10 này là quả vị quán đảnh với trí tuệ nguyên sơ (jñâna) toàn trí. Vì sao nó được gọi như thế? Đó là do bởi, như Kinh Thập Địa giải thích, các Bồ Tát ở quả vị thứ 10 được chư Phật khắp mười phương gia lực bằng các ánh sáng. Có thể tìm thấy trong bản Kinh này nhiều chi tiết hơn nữa. Vòng Hoa Quý báu của các Hệ thống Triết học Phật giáo cũng nói:

 

“Bởi Bồ Tát được các tia sáng của Đức Phật gia lực.”

 

THỰC HÀNH ĐẶC BIỆT Mặc dù các Bồ Tát ở quả vị này thực hành đầy đủ mười ba la mật nói chung, các Ngài đặc biệt chú trọng trí tuệ nguyên sơ (jñâna) ba la mật (trí ba la mật).

 

THUẦN TỊNH ĐẶC BIỆT Như được giải thích ở trên, ba nguyên nhân làm cho các cội gốc đức hạnh của các vị Bồ Tát này vô cùng thanh tịnh và mạnh mẽ:

 

“…Ví dụ như, nếu một vật trang sức bằng vàng nguyên chất được một vị trời thiện xảo nghề thủ công làm ra và nạm vào đó những viên ngọc tuyệt đẹp, và sau đó được đeo trên đầu hay cổ của một vị vua linh thánh đầy quyền lực, những vật trang sức khác của các vị trời hay người không thể sánh với nó. Cũng thế, các cội đức hạnh của các Bồ Tát ở quả vị thứ 10 được tô điểm bằng trí tuệ nguyên sơ vĩ đại (jñâna) khiến cội đức hạnh của các Thanh Văn, Phật Độc Giác hay các Bồ Tát ở quả vị thứ 9 và các quả vị thấp hơn không thể vượt trội các cội đức hạnh này.”

 

CHỨNG NGỘ ĐẶC BIỆT Trong bốn năng lực (được đề cập trong tiết mục trước), các Bồ Tát ở quả vị thứ 10 chứng ngộ trạng thái năng lực hoạt động, bởi các Ngài thành tựu hạnh phúc của chúng sinh đúng như ước nguyện của các Ngài, nhờ mọi loại hiện thân.

 

TIỆT TRỪ ĐẶC BIỆT ĐƯỢC HOÀN TẤT [xem Bồ Tát địa thứ hai]

 

NƠI SINH ĐẶC BIỆT Hầu hết các Bồ Tát ở quả vị này sinh làm Maheśvara (Ma Hê Thủ La Thiên, Ðại Tự Tại Thiên), Vua của các vị Trời, có quyền năng đối với một Gigacosmos (35). Các Ngài cũng thiện xảo trong việc giảng dạy ba la mật cho tất cả chúng sinh, Thanh Văn, Phật Độc Giác và Bồ Tát.

 

“Kết quả hoàn hảo là sinh làm Thủ hộ của các vị Trời Śuddhavâsin, làm Maheśvara (Ðại Tự Tại Thiên) siêu việt và thủ hộ vĩ đại có quyền năng trên những lãnh vực trí tuệ nguyên sơ không thể nghĩ bàn.”

 

KHẢ NĂNG ĐẶC BIỆT Trong một chốc lát, một khoảnh khắc ngắn ngủi, một chút thời gian, các Ngài có thể thể nhập nhiều thiền định sâu xa như số phân tử thanh tịnh trong một ngàn triệu triệu “vô số” cõi Phật v.v… Hơn nữa, trong một chốc lát, từ một lỗ chân lông của mình, các Ngài có thể hiển lộ vô số Đức Phật cùng với vô vàn Bồ Tát. Các Ngài có thể hiển lộ đủ loại chúng sinh – như các vị trời, người v.v.. Phù hợp với tất cả những gì cần thiết cho việc giảng dạy những người được giảng dạy, các Ngài có thể dạy Pháp bằng cách mang thân tướng của trời Đế Thích, Phạm Thiên, Đại Tự Tại, các vị bảo vệ thế giới, các hoàng đế, Thanh Văn, Phật Độc Giác hay Như Lai. Trong Nhập Trung Đạo có nói:

 

“Trong một chốc lát các Ngài có thể hiển lộ, từ một lỗ chân lông, chư Phật viên mãn cùng với vô số Bồ Tát cũng như các vị trời, người và bán-thiên.”

 

Điều này hoàn tất sự giải thích về 10 quả vị Bồ Tát.

 

4. QUẢ VỊ PHẬT

 

Quả vị này tương ứng với cấp độ thuộc Giai đoạn Thành tựu. Khi thiền định sâu xa như kim cương xuất hiện thì đồng thời nó tiệt trừ những che chướng được loại bỏ bởi giai đoạn trau dồi, nghĩa là những phiền não chướng và sở tri chướng còn lại, có thể so sánh với phần cốt lõi (36). Sự thành tựu của quả vị này được mô tả trong Kinh Thập Địa:

 

“Những quả vị này được thành tựu trong khoảng thời gian ba vô số kiếp. Trong vô số kiếp vĩ đại đầu tiên, ta vượt qua cấp độ thực hành được thúc đẩy bởi nguyện ước và thành tựu trạng thái Cực Hỷ. Ngoài ra, quả vị này được hoàn toàn thành tựu nhờ nỗ lực liên tục; thành tựu sẽ không xảy ra nếu không có sự nỗ lực này. Trong đại kiếp thứ hai, ta vượt qua Cực Hỷ và làm việc cho đến quả vị thứ 7, Viễn Hành Địa, để thành tựu quả vị thứ 8, Bất Động Địa. Đây chắc chắn là cách thức nó xảy ra vì các Bồ Tát có ý hướng thanh tịnh nhất định sẽ thực hiện những nỗ lực này. Trong đại kiếp thứ ba, ta vượt qua các quả vị thứ 8, thứ 9 và đạt được quả vị thứ 10, Pháp Vân Địa. Một số vị tu tập vô cùng tinh tấn và vì thế giảm bớt được nhiều tiểu kiếp còn một tiểu kiếp. Thậm chí một số vị giảm bớt công việc của nhiều đại kiếp còn một đại kiếp. Nhưng không có vị nào giảm bớt vô số kiếp còn một kiếp. Cần hiểu rõ theo cách này.”

 

Đây là chương thứ mười chín, giảng nghĩa về các cấp độ tâm linh,

trong tác phẩm Pháp Bảo của sự Giải thoát

 

----------------------------------

(1) Trong văn cảnh này Bồ Tát (bodhisattva) có nghĩa là những vị có sự chứng ngộ bất biến về tánh Không và không phải là những người đã thọ nhận giới nguyện Bồ Tát.

 

(2) Mặc dù cấp độ thứ hai này có thể dùng một cách tổng quát cho những Phật tử được coi là rất cao cấp, ở cấp độ này nguyện ước là động lực chính yếu cho việc thực hành được nhấn mạnh bởi sự chứng ngộ xác thực và lâu dài về tánh Không chưa xảy ra. Có thể có vô số kinh nghiệm làm sáng sủa ý nghĩa của tánh Không và một nhận thức có tính chất khái niệm hết sức rõ ràng về tánh Không ở cấp độ này, nhưng chứng ngộ xác thực về tánh Không, là chứng ngộ đưa đến sự giải thoát khỏi sinh tử thì xảy ra ở cấp độ Bồ Tát thứ nhất, là cấp độ theo sau cấp độ chuẩn bị của việc nghiên cứu tánh Không này.

 

(3) Trong cấp độ này, những yếu tố tiêu cực bị giảm thiểu và không xảy ra quá nhiều, nhưng chúng sẽ chỉ bị loại trừ một cách chắc chắn ở những cấp độ sau, trong các Giai đoạn Nội quán và Trau dồi.

 

(4) Bhûmi (Phạn = Tây Tạng sa) nghĩa là “đất”, “nền móng, “vùng” hay “trạng thái”. Trong tiết mục sau, các cấp độ Bồ Tát được miêu tả bằng cách sử dụng những phép ẩn dụ này. Một cách dịch chính xác là “các nền tảng của Bồ Tát” đã bị bỏ quên và thay vào đó là “các cấp độ Bồ Tát” bởi cách dịch sau nghe có vẻ gần gũi hơn và thường được sử dụng trong các trung tâm Phật giáo.

 

(5) Trong đó những con bò sinh sống và được nuôi dưỡng.

 

(6) Mặc dù ta có thể tạo nên những sự khác biệt và phân loại không bao giờ hết, những khác biệt chính yếu trong các phẩm tính đặc biệt được định rõ trong tiết mục ngay sau đây, nó chỉ rõ làm thế nào mười cấp độ này tượng trưng cho những thay đổi chính yếu xảy ra giữa sự thể nhập tánh Không lần đầu tiên (địa thứ nhất) và sự hoàn toàn thấu suốt tánh Không một cách thuần tịnh và viên mãn tiếp theo địa thứ mười.

 

(7) Trong những chương trước chúng ta đã quen thuộc với sáu ba la mật. Mười ba la mật, là điều sẽ được phác họa, từng cái một, tương ứng với mười địa Bồ Tát, là sáu ba la mật trước cộng thêm phương tiện ba la mật, nguyện ba la mật, lực ba la mật và trí ba la mật.

 

(8) Đây là một ám chỉ trí tuệ ba la mật, nó mô tả ba loại che chướng nhận thức (sở tri chướng) chính yếu, che phủ một thị kiến trọn vẹn và chân thật. Các phương diện thô và tế hơn của nó được so sánh một cách tương ứng với lớp vỏ bên ngoài của một trái cây, thịt và nhân (trong hột) của nó. Chúng là những loại niềm tin ở thực tại bên ngoài, niềm tin ở các cái thấy (kiến) và các niềm tin ở sự thường hằng.

 

(9) Đức Phật đã dạy nhiều giáo lý phổ thông theo vũ trụ học được chấp nhận trong thời đại của Ngài. Các giáo lý này được đặt nền trên một ngọn núi ở trung tâm với bốn đại lục chính bao quanh, trong đó cõi Diêm phù đề (Jambudvipa) là đại lục của thế giới chúng ta. Trong những giáo lý khác, điều này được nói rõ rằng thực tại được tri giác thay đổi rất nhiều từ loại chúng sinh này đến loại chúng sinh khác, từ thời đại này đến thời đại khác và từ cá nhân này đến cá nhân khác. Tất cả những yếu tố này được nhắc đến khi ban giáo lý.

 

(10) Kết quả hoàn toàn phát triển: xin xem lại chương nói về nghiệp. Đây là những kết quả của hành động trong phạm vi những trạng thái tái sinh.

 

(11) Kinh Jâtakamâla thuật lại những đời trước của Đức Phật. Khi là một Bồ Tát, Ngài đã hiến dâng hàng trăm đời để cứu giúp chúng sinh, đôi khi sinh làm con người, đôi khi làm một thú vật v.v..

 

(12) Nghĩa là sự trao truyền chứng ngộ.

 

(13) Bằng chân lý của các giáo lý của các Ngài.

 

(14) Từ nguyên này và các từ nguyên của những địa còn lại đều xuất phát từ Mahâyâna-sûtrâlankâra (Đại Thừa Trang nghiêm Kinh Luận).

 

(15) Trích dẫn này và những trích dẫn còn lại về sự tinh thông đều đến từ Mahâyâna-sûtrâlankâra (Đại Thừa Trang nghiêm Kinh Luận).

 

(16) Ở trên, về Bồ Tát địa thứ nhất

 

(17) Từ đây trở về sau, được trích dẫn từ cùng một nguồn gốc như trong mục này ở địa thứ nhất.

 

(18) Xem giải thích ở trên về sự tương đồng này liên quan đến sự tiệt trừ ở quả vị Bồ Tát thứ nhất.

 

(19) Tương tự như đối với mục cuối cùng liên quan đến Bồ Tát địa thứ nhất nhưng ở đây được nhân lên 1.000 thay vì 100 lần.

 

(20) Gigacosmos – bằng khoảng một tỉ thái dương hệ chẳng hạn như thái dương hệ của chúng ta. Đó là một tỉ hệ thống vũ trụ nhỏ.

 

(21) Mặc dù hai lý do này đối với sự chói sáng – sự hiện diện của ánh sáng trí tuệ và sự vắng mặt của sự che chướng – thì không có quan hệ với nhau, chúng được trích dẫn như hai lý do riêng biệt đối với một tên gọi như thế.

 

(22) Một uẩn hay hơn nữa trong năm uẩn. Các quan điểm này được đặt nền trên một ý niệm về một cái ngã bền vững, bao gồm một uẩn hay nhiều hơn nữa trong năm uẩn.

 

(23) Các dòng: (TT. rgyud, Phạn. tantra) Từ này ám chỉ tính chất liên tục của các sự kiện là những gì tạo nên, ở bình diện thô sơ và tương đối, cuộc đời và tâm thức của những cá nhân và tính chất liên tục hiển nhiên của thực tại có thể nhận thức bằng giác quan.

 

(24) Tirthica một vài bản dịch nhắc đến những người này một cách đơn giản là “phi-Phật tử”, những chỗ khác dịch là “những người dị giáo” v.v.. Thuật ngữ tự nó có tính chất rất tôn kính, được dùng để chỉ những người tốt lành có niềm tin tôn giáo chân thành nhưng thật không may là họ bị dối gạt. Vì thế họ là “những người đứng ở ngưỡng cửa; trên một bậc thang” bởi tính chất tâm linh của họ làm cho họ có khả năng thuần thục để đạt được chân lý.

 

(25) Các truyền thống khẩu truyền biến đổi trong những cách giải thích của chúng về điều gì xảy ra và không xảy ra trong những quả vị Bồ Tát khác nhau. Cũng có một vấn đề về những điều được tiệt trừ trên một bình diện thô nhưng vẫn còn hiện hữu một cách vi tế hay như một tiềm năng, chưa kể đến vấn đề hiển nhiên của việc mô tả điều không thể mô tả được. Một giải thích cho tên gọi của quả vị thứ 7 này là cách tiếp cận các quả vị thứ 8 cho đến thứ 10. Các quả vị 8 đến 10 được gọi là các “quả vị thuần tịnh” bởi sự phản chiếu thuộc về tri giác già nua của “ta” và “người” không còn hiện diện nữa. Chúng tạo thành “một và con đường duy nhất” được tất cả chư Phật sử dụng; con đường mà mọi cuộc hành trình riêng rẽ khác đều cung cấp. Ta phải nhận ra, từ quả vị thứ nhất trở đi, và thậm chí từ các quả vị thứ 8 cho đến thứ 10, sự hiện diện đang tiếp diễn của một sự liên tục hướng về giác ngộ, mặc dù những mê lầm về bản ngã đã chiến thắng. Việc hoàn toàn chiến thắng sự chia chẻ nhị nguyên là một sự xuyên thủng chính yếu, chấm dứt cuộc hành trình mê lầm dài dằng dặc; vì thế nó được gọi là “đi xa”.

 

(26) Ở giai đoạn này ta đang làm việc về những niềm tin như thế trong những hình thức hết sức tốt đẹp và vi tế của chúng.

 

(27) Các hiện tượng thì không có thực thể độc lập, không có hạnh phúc chân thật và không có sự thường hằng. Những vấn đề này có quan hệ trực tiếp với giáo lý then chốt của Đức Phật về sự vô ngã, đau khổ và vô thường.

 

(28) Đặc biệt là các Ngài nhận rằng các Kinh điển phác thảo bản tánh tương thuộc của thực tại tương đối và các Kinh điển mô tả bản tánh trống không tối thượng của mọi sự tạo thành một toàn thể không thể phân chia.

 

(29) Các vị trời này được cho là thống lãnh tất cả sáu loại trời dục giới.

 

(30) Theo một truyền thống Kinh điển, bốn năng lực này có liên quan đến các quả vị vô cùng thanh tịnh, nghĩa là các quả vị Bồ Tát thứ 8 cho đến thứ 10. Như chúng tôi khám phá, hai năng lực đầu tiên thích hợp với quả vị thứ 8 và hai năng lực còn lại có liên quan đến các quả vị 9 và 10.

 

(31) Trong quan niệm về thế giới cổ xưa, điều này tượng trưng cho một ngàn hệ thống hành tinh như hệ thống hành tinh của chúng ta. Một ngàn hệ thống này tạo thành cấp độ vũ trụ thứ hai và một ngàn cấp độ vũ trụ thứ hai tạo thành các siêu vũ trụ (metacosmos).

 

(32) Trong quan niệm thế giới cổ xưa điều này tượng trưng cho một triệu hệ thống hành tinh như hệ  thống hành tinh của chúng ta.

 

(33) “Vô số” – trong các hệ thống tính đếm khác nhau được du nhập từ Ấn Độ sang Tây Tạng, đó là những tên gọi để chỉ mỗi bội số của 10, nghĩa là những sự tương đương của “trăm”, “ngàn” v.v.. cho đến 1059 thế giới của chúng ta. Trong một vài hệ thống có những tên gọi để chỉ các bội số của 100, vượt xa các con số dài 120 chữ số. Những con số này được sử dụng, trong số những điều khác, trong Phật giáo để so sánh những thực tại được những loại chúng sinh khác nhau kinh nghiệm - thọ mạng tương đối của họ v.v.. “Vô số” có nghĩa là một con số siêu vượt những con số đã có tên gọi, hơn là một cái gì đó không thể tính đếm.

 

(34) Vấn đề này được in bằng chữ nhỏ trong bản khắc gỗ Rumtex. Có lẽ nó ám chỉ khả năng giảng dạy của các Bồ Tát ở quả vị thứ 10. Trong “Bản tánh Bất biến” có dạy rằng khả năng giảng dạy này thì giống như khả năng giảng dạy của chư Phật. Trận mưa giáo lý mà các Ngài đổ ào ạt xuống từ không gian vô tận của sự giác ngộ hay nó xảy ra nhờ năng lực của thần chú/đà-ra-ni và thiền định của các Ngài? Không có mâu thuẫn trong hai cách giải thích này, bởi toàn bộ cuộc hành trình của Bồ Tát là một sự tiếp cận trạng thái giác ngộ tự nhiên – một bản tánh không được tạo tác – và không là sự tạo lập của các thiện xảo được bắt rễ trong quan hệ nhân quả. Các năng lực của thần chú (đà-ra-ni) v.v.. xuất hiện nhờ việc loại bỏ các chướng Ngài đối với dòng chảy tự nhiên.

 

(35) Trong quan niệm thế giới cổ xưa điều này tượng trưng cho một tỉ hệ thống hành tinh như hệ thống hành tinh của chúng ta.

 

(36) Ám chỉ mục thứ bảy (tiệt trừ đặc biệt) đối với mỗi quả vị Bồ Tát, ở đó những che chướng này được so sánh với vỏ và thịt của một trái cây.


 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5755794
Số người trực tuyến: