Chương Mười tám: Các Giai đoạn của Con Đường | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Chương Mười tám: Các Giai đoạn của Con Đường

Chương Mười tám

Các Giai đoạn của Con Đường

 

Sau khi đã phát triển ý hướng thành tựu giác ngộ siêu việt, ta sẽ tuần tự vượt qua các giai đoạn và cấp độ của con đường Bồ Tát. Tóm tắt dưới đây phác thảo các giai đoạn của con đường: Các giai đoạn của con đường được thảo luận sâu sắc qua năm giai đoạn này – giai đoạn tích tập, kết hợp, nội quán, trau dồi và giai đoạn thành tựu viên mãn

 

Theo Luận văn Ngọn Đèn Soi sáng Con Đường Giác ngộ, năm giai đoạn này như sau: Thứ nhất,

giai đoạn tích tập, được giảng rõ là trước hết các giáo lý tạo thành nền móng nhờ trở nên quen thuộc với các Giáo pháp thích hợp với khả năng thấp hay trung bình của ta. Các giáo huấn này được theo sau bởi sự phát triển hai phương diện của Bồ đề tâm: Bồ đề tâm nguyện và Bồ đề tâm hạnh. Kế đó ta nỗ lực để củng cố và thâu thập hai tích tập. Bước kế tiếp là giảng về việc làm thế nào giai đoạn kết hợp (1) xảy ra nhờ sự hiểu biết có được một cách tuần tự nhờ các giai đoạn phụ “hơi ấm” v.v.. Các giai đoạn nội quán, trau dồi và thành tựu viên mãn được giảng qua “những thành tựu của các cấp độ (quả vị) Cực Hỉ” v.v..

 

1. GIAI ĐOẠN TÍCH TẬP (TƯ LƯƠNG VỊ)

 

Giai đoạn tích tập trình bày mọi nỗ lực mà những người được phú bẩm năng lực Đại thừa phải thực hiện trong thực hành đức hạnh từ lúc họ an lập tâm trên sự giác ngộ siêu việt và thọ nhận một vài lời khuyên và giáo huấn từ một vị Thầy cho đến khi “hơi ấm (2) cho trí tuệ nguyên sơ” xuất hiện. Giai đoạn này của con đường tự nó được chia thành bốn nhánh, tùy theo việc nó được tạo nên bởi sự hiểu biết, ước nguyện, khát khao sự siêu việt hay thành tựu.

 

Vì sao nó được gọi là “Giai đoạn Tích tập”? Nó được gọi như thế là vì các hoạt động của giai đoạn này, các hoạt động đó đáp ứng việc thâu thập và củng cố các sự tích tập đức hạnh v.v.. để làm cho tâm ta trở thành một chiếc bình (pháp khí) thích hợp có thể sinh khởi các chứng ngộ như “hơi ấm” v.v.. Chúng cũng được dùng để ám chỉ là những cội rễ của đức hạnh tương thích với sự giải thoát.

 

Trong giai đoạn đặc biệt đó, ta trau dồi mười hai điểm – có nghĩa là ba bộ (mỗi bộ bốn yếu tố) – trong 37 yếu tố của sự giác ngộ. Đó là Bốn Tu tập trong Chánh niệm (Tứ niệm xứ), Bốn Thực hành Đúng đắn (Tứ chánh cần) và Bốn Hỗ trợ của sự Hiển lộ Thần diệu (Tứ như ý túc) (3). Trong những điểm này, Bốn Tu tập Chánh niệm, tạo thành cấp độ thấp của giai đoạn tích tập, bao gồm việc phát triển sự chánh niệm về những gì thuộc về vật lý, chánh niệm về những cảm xúc, chánh niệm về những gì thuộc về tâm và chánh niệm về các hiện tượng.

 

Bốn Thực hành Đúng đắn, tạo thành cấp độ trung bình của giai đoạn tích tập gồm có: rũ bỏ những xấu ác và bất thiện đang hiện hữu, không bao giờ sinh khởi những xấu ác và bất thiện hiện không tồn tại, phát khởi những biện pháp tốt lành nhưng chưa hiện diện và bảo đảm cho sự tăng trưởng những đức hạnh đã được phát triển.

 

Bốn Hỗ trợ của sự Hiển lộ Thần diệu, tạo thành cấp độ cao của giai đoạn tích tập, đó là: thiền định sâu xa nhờ sự khát khao, thiền định sâu xa nhờ sự tinh tấn và thiền định sâu xa nhờ sự phân tích.

 

2. GIAI ĐOẠN KẾT HỢP (GIA HẠNH VỊ)

 

Giai đoạn này tiếp nối sự viên mãn đúng đắn của giai đoạn tích tập. Nó là sự sinh khởi “bốn giai đoạn phụ của sự xuyên thủng sự hiểu biết tương ứng với sự chứng ngộ Bốn Chân lý (Tứ Diệu Đế).” Bốn giai đoạn phụ được gọi là: hơi ấm (noãn), đỉnh (4), nhẫn (5) và pháp thế gian tối thượng (thế đệ nhất) (6).

Vì sao nó được gọi là “Giai đoạn Kết hợp”? Ở đây “kết hợp” ám chỉ sự kết hợp thành một chứng ngộ trực tiếp chân lý (7). Trong các giai đoạn phụ noãn và đỉnh, năm khả năng (ngũ căn) được sử dụng: các năng lực của niềm tin (tín), tinh tấn (tấn), hồi tưởng (niệm), thiền định sâu xa (định) và trí tuệ sâu xa (tuệ). Trong các giai đoạn phụ nhẫn và pháp thế gian tối thượng, năm khả năng này trở thành năm năng lực (ngũ lực): các năng lực tín, tấn, niệm, định và tuệ.

 

3. GIAI ĐOẠN NỘI QUÁN (KIẾN VỊ)

 

Giai đoạn này tiếp nối giai đoạn phụ pháp thế gian tối thượng (thế đệ nhất). Nó là sự kết hợp của śamatha (an định) và vipaśyanâ (nội quán sâu xa) được tập trung vào Bốn Chân lý của bậc Chứng ngộ (8). Trong mối tương quan với Chân lý thứ nhất (Khổ đế), có những phương diện của nội quán được gọi là “nhẫn nhục của sự tỉnh giác về bản tánh của đau khổ”, “tỉnh giác về bản tánh của đau khổ,” “nhẫn nhục theo sau (9) của sự tỉnh giác về bản tánh của đau khổ” và “tỉnh giác theo sau (10) về bản tánh của đau khổ.” Có bốn phương diện (11) như thế đối với mỗi Chân lý, tạo thành 16 chốc lát (12) của nhẫn nhục và tỉnh giác.

 

Vì sao nó được gọi là “Giai đoạn Nội quán”? Đó là bởi vào giai đoạn đó lần đầu tiên ta có được sự quán chiếu xác thực các Chân lý của Bậc Chứng ngộ. Trong giai đoạn đó, ta được trang bị bảy phương diện của sự giác ngộ (thất giác chi, thất Bồ đề phần):

1. chánh niệm toàn hảo (Niệm giác chi)

2. nhận thức sâu sắc toàn hảo (Trạch pháp giác chi)

3. tinh tấn toàn hảo (Tinh tấn giác chi)

4. hoan hỉ toàn hảo (Hỷ giác chi)

5. năng lực toàn hảo (An giác chi)

6. thiền định toàn hảo (Định giác chi) và

7. xả toàn hảo (Xả giác chi)

4. Giai đoạn trau dồi (tu tập vị)

 

Đây là giai đoạn tiếp theo sau sự xuất hiện của Giai đoạn Nội quán. Nó có hai phương diện:

Phương pháp thế tục (13) và Phương pháp siêu việt.

 

4a. Phương pháp thế tục của việc trau dồi thiền định

 

Phương pháp này bao gồm các thiền định (dhyâna) thế tục thứ 1, thứ 2, thứ 3 và thứ 4 và bốn thiền định vô sắc nhờ các cánh cổng nhận thức không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ và phi tưởng phi phi tưởng xứ. Có ba mục đích trong việc thực hành các thiền định này:

1. Chúng tiêu diệt các ô nhiễm vẫn chưa bị loại bỏ bằng thiền định,

2. Chúng làm cho ta thành tựu những phẩm tính phi thường của các thiền định vô biên v.v.. và

3. Chúng trình bày một nền tảng cho phương pháp thiền định siêu việt.

 

4b. Phương pháp siêu việt của việc thiền định

 

Phương pháp này bao gồm việc trau dồi śamatha và vipaśyanâ, được tập trung vào hai phương diện của trí tuệ nguyên sơ (jñâna), cùng với những phẩm tính đi kèm theo của chúng (14). Trong Giai đoạn Nội quán (xem ở trên) có bốn loại tỉnh giác hay nhẫn nhục đối với mỗi một trong bốn Chân lý. Trong 16 khía cạnh này của sự nội quán, tám nhẫn nhục được hoàn tất trong Giai đoạn Nội quán. Tuy nhiên tám tỉnh giác đòi hỏi sự quen thuộc thâm sâu hơn và đây là những gì được phát triển nhờ Giai đoạn Trau dồi, nhờ sự thực hành liên tục các thiền định sâu xa của bốn dhyâna và ba trong bốn thiền định vô sắc, cùng với những phẩm tính kèm theo.

 

Việc trau dồi sự quen thuộc với một nhận thức về bản tánh cốt tủy – dharmatâ (pháp tánh) – của các sự vật thuộc về các phương diện được gọi là “tỉnh giác về pháp” trong khi việc trau dồi sự quen thuộc với nhận thức về trí tuệ nguyên sơ thuộc về phương diện được gọi là “tỉnh giác trong phạm vi của sự nhận thức theo sau.” (15) Thiền định vô sắc còn lại là cánh cửa nhận thức của Phi-Tưởng-Phi- Phi-Tưởng-xứ chỉ là một thiền định thế gian bởi nó dao động và hoàn toàn không rõ ràng.

 

Vì sao nó được gọi là “Giai đoạn Trau dồi”? Đó là bởi ta trau dồi sự quen thuộc với thiền định nghỉ ngơi trong tinh túy phổ quát duy nhất, được chứng ngộ nhờ Giai đoạn Nội quán. Trong giai đoạn này ta được trang bị Tám Con Đường của Bậc Chứng ngộ (16):

 

1. Chánh kiến, 2. Chánh tư duy, 3. Chánh ngữ, 4. Chánh nghiệp, 5. Chánh mạng, 6. Chánh tinh tấn, 7. Chánh niệm và 8. Chánh định.

 

5. GIAI ĐOẠN THÀNH TỰU VIÊN MÃN (VÔ HỌC VỊ)

 

Giai đoạn này xảy ra sau thiền định như-kim cương. Bản tánh của nó là sự tỉnh giác – mọi tiến trình phát triển bị cạn kiệt và không-sinh khởi (17). Đối với định như-kim cương thì giai đoạn tiệt trừ của nó vào lúc kết thúc Giai đoạn Trau dồi được bao gồm trong các giai đoạn chuẩn bị và giải trừ - chướng ngại của nó (18). Thiền định sâu xa đặc biệt (samâdhi) được gọi là “như-kim cương” bởi nó không bị ngăn trở, vững bền, kiên cố, đồng nhất và trùm khắp. Những điều này được giải thích như sau:

* Nó không bị ngăn trở bởi không hoạt động thế tục nào có thể là nguyên nhân khiến nó bị rối loạn,

* Vững bền bởi không có che chướng nào làm tổn hại nó,

* Kiên cố bởi không tư tưởng nào quấy nhiễu nó,

* Đồng nhất bởi nó có một vị duy nhất và

* Trùm khắp bởi nó được tập trung trên bản tánh tối thượng chung nhất cho mỗi một và mọi sự có thể nhận thức được.

Theo sau định như-kim cương là một tỉnh giác về việc cạn kiệt sự phát triển. Đây là trí tuệ nguyên sơ được tập trung trên Bốn Chân lý trong phạm vi của các nguyên nhân phổ quát khiến cho nguồn mạch của đau khổ bị cạn kiệt. Cũng có tỉnh giác về sự không-sinh khởi. Đây là trí tuệ nguyên sơ được tập trung trên Bốn Chân lý khi những đau khổ (19) xảy ra như kết quả đã bị tiệt trừ. Ở mặt khác, ta có thể nói rằng trí tuệ nguyên sơ có liên quan đến sự cạn kiệt các nguyên nhân và sự không-sinh khởi các kết quả là sự tỉnh giác về sự cạn kiệt và không-sinh khởi.

 

Vì sao giai đoạn này được gọi là “Giai đoạn Thành tựu”? Đó là bởi việc tu tập đã hoàn tất và đó là giai đoạn mà hành trình đi đến cung thành giác ngộ đã đến đích của nó (20). Vào giai đoạn này có mười phẩm tính không cần tu tập. Đó là (tám phẩm tính của Bát Chánh Đạo) không-tu tập chánh kiến cho tới không-tu tập chánh định, cộng thêm không-tu tập giải thoát toàn triệt và không-tu tập trí tuệ nguyên sơ bất nhiễm. Mười thành tựu không-tu-nữa này tạo thành năm nhóm gồm các uẩn không cấu uế:

1. Công hạnh toàn hảo – không-tu chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng,

2. Thiền định sâu xa – không-tu chánh niệm và chánh định,

3. Trí tuệ tối thượng – không-tu chánh kiến, chánh tư duy và chánh tinh tấn,

4. Giải thoát viên mãn - không-tu giải thoát toàn triệt và

5. Nội quán trí tuệ nguyên sơ của sự giải thoát toàn triệt - không-tu trí tuệ nguyên sơ bất nhiễm.

Điều này kết thúc chương mười tám về các giai đoạn của con đường,

trong tác phẩm Pháp Bảo của sự Giải thoát


----------------------------------

(1) Sự kết hợp trí tuệ vốn có với tánh Không.

 

(2) Hơi ấm – Điều này không có quan hệ gì với yoga nội hỏa, một thực hành đặc biệt của Phật giáo Kim Cương thừa. Nó áp dụng cho phần đầu tiên của giai đoạn kết hợp (xem bên dưới) trong đó trước tiên ta say mê ý nghĩa chân thực của tánh Không. Điều này được giảng nghĩa qua hình ảnh tương đồng của một người vào một đêm lạnh giá, bị hấp dẫn bởi một ngọn lửa. Tới một lúc người ấy sẽ đủ gần để cảm thấy hơi nóng của vật mà họ đã nhắm tới vào một lúc nào đó.

 

(3) Các thực hành này có nghĩa đen là “Bốn Chân của những sự Huyền diệu”. Chúng trình bày sự tu tập thiền định sâu xa dẫn đến một tâm thức trong trẻo, hoàn toàn tập trung và an bình. Sự làm chủ tâm thức này là nền tảng từ đó có thể hiển lộ bất kỳ hình tướng nào cần thiết để giúp đỡ chúng sinh đạt được sự xác tín nơi các chân lý phổ quát; vì thế cách dịch hiện nay là “những Hỗ trợ của sự Hiển lộ Thần diệu”.

 

(4) Hình ảnh ở đây gợi lại những phẩm tính của một đỉnh núi, từ đó có một cái nhìn ở trên cao và bao quát. Ngoài ra, mặt đất, trong trường hợp này tượng trưng cho những ô nhiễm, đã dần dần giảm bớt tới một điểm, trong khi không gian, tượng trưng cho tánh Không, càng lúc càng hiện ra. Ở trên đỉnh, ta đứng giữa trời và đất, các hiện tượng và tánh Không.

 

(5) Xem chương trước về sự nhẫn nhục. Loại nhẫn nhục thứ ba có liên hệ đặc biệt với nhẫn nhục về pháp và sự thiện xảo cần thiết để đối mặt với tánh Không và những hàm ý của nó.

 

(6) Đây là sự chấm dứt, và là pháp tối thượng, của sinh tử. Sau giai đoạn phụ này, sẽ không còn sự tái sinh trong luân hồi sinh tử nữa. Toàn bộ phẩm tính của kinh nghiệm sẽ biến đổi. Giai đoạn Nội quán tiếp theo không có liên hệ gì với tính chất thế tục, như chương sau làm sáng tỏ.

 

(7) Trong giáo lý abhidharma chúng ta khám phá năm giai đoạn của con đường như mẫu mực tổng quát của sự giải thoát đối với tất cả Phật tử, dù là Nguyên thủy hay Đại thừa. Định nghĩa được đưa ra ở đây, về “kết hợp với chân lý”, áp dụng như nhau cho mọi yâna (thừa). Giai đoạn Kết hợp chuẩn bị cho giai đoạn nội quán giải thoát, lâu dài là Giai đoạn Nội quán. Chân lý có thể được hiểu là Bốn Chân lý Cao quý (Tứ Diệu Đế), là những chân lý chỉ rõ bản tánh nền tảng của mọi sự. Trong Phật giáo Đại thừa, nội quán thực sự xảy ra trong một giai đoạn duy nhất trong đó nhất định phải có sự quán chiếu bản tánh trống không tối thượng của mọi sự. Trong những hình thức Phật giáo khác, nội quán này, chủ yếu quán chiếu sự trống không (tánh Không) của bản ngã, xảy ra trong 16 giai đoạn liên tiếp, mỗi chân lý bốn giai đoạn. Trong bất kỳ trường hợp nào, điều quan trọng là phải hiểu rằng mọi sự chuẩn bị trong tâm thức là để nội quán xảy ra trong Giai đoạn Kết hợp này, trong khi kinh nghiệm thực sự về bản thân sự kết hợp thì xảy ra trong Giai đoạn Nội quán.

 

(8) Bốn Chân lý của bậc Chứng ngộ - nghĩa đen là “Bốn Chân lý của Bậc Tôn quý (arya),” thường được dịch là Bốn Chân lý Cao quý (Tứ Diệu Đế). Đây là những nội quán của các Bậc Chứng ngộ, quán chiếu bản tánh của sự hiện hữu. Những quán chiếu này thì chân thực, nghĩa là trực tiếp và không bị bóp méo. Chỉ có tâm vui hưởng tính chất phong phú của tánh Không mới có thể nhận thức sâu sắc chân lý như nó xuất hiện ở cấp độ này. Gọi những trình bày hàng ngày, được trí thức hóa về Bốn Chân lý mà ta tìm thấy trong nhiều quyển sách Phật giáo là “Bốn Chân lý Cao quý” sẽ làm giảm giá trị phần nào vấn đề chính yếu: chân lý đích thực là kinh nghiệm siêu việt nhất mà chỉ những bậc thanh tịnh như thế mới có. Đó là kết quả của sự chuẩn bị to lớn và không chỉ là một sự hiểu biết có tính chất trí thức về những chân lý hiển nhiên nói chung có liên quan đến đời sống thế tục như chúng ta biết về nó. Bình luận về cách dịch từ arya cũng áp dụng cho Tám Con Đường của Bậc Tôn quý (Bát Chánh Đạo), tám phẩm tính của những gì tạo nên một phần của 37 yếu tố của sự giác ngộ (xem chú thích có liên quan trong tiết mục về Giai đoạn Trau dồi ở dưới). Một khi ta hiểu điều gì đó về mối quan hệ sâu xa với thực tại mà nó trình bày – mọi nguyên tắc về điều đầu tiên, chánh kiến – những trình bày tầm thường hơn về bát chánh đạo, mặc dù đưa ra những chỉ dẫn hữu ích cho cuộc sống, nhưng là một phản chiếu lợt lạt và hạn hẹp của vấn đề chính yếu. Đối với những người không quen thuộc với chúng, Bốn Chân lý là: 1. chân lý về sự đau khổ cố hữu đối với mọi sinh loài, 2. chân lý về các nguyên nhân của những đau khổ của họ, 3. chân lý về sự chấm dứt đau khổ và 4. chân lý về con đường tu tập đưa đến sự chấm dứt như thế.

 

(9) Nhẫn nhục đầu tiên bao gồm sự hiểu biết đau khổ của sự hiện hữu trong cõi dục giới. Nhẫn nhục theo sau đẩy xa hơn sự hiểu biết này để kết hợp những đau khổ của sự hiện hữu trong sắc giới và vô sắc giới.

 

(10) Xem chú thích ngay ở trên.

 

(11) Hai nhẫn nhục của sự tỉnh giác và tỉnh giác tự thân.

 

(12) Bốn phương diện cho mỗi chân lý x bốn chân lý = 16. Từ “những chốc lát” không nhất thiết có nghĩa là một quãng thời gian ngắn gồm một ít giây hay ít hơn. Nó là một thuật ngữ được dựa trên khái niệm về thời gian và sự tương đối: thời gian được biểu thị bởi sự trôi qua của những sự kiện. 16 chốc lát này là những thiền định toàn hảo mà mỗi chốc lát là một quãng thời gian chứng ngộ hoàn hảo. Tự thân hoàn hảo và là những nhà thiết kế của nhau, “bản tánh của chúng là bản tánh của mười sáu chốc lát.”

 

(13) Thế tục bởi vì là những kết quả của việc thực hiện sự thiền định như thế sẽ là một tái sinh thế tục tốt đẹp hơn là giải thoát khỏi thế giới.

 

(14) Các đoạn dưới đây, hầu như không thể hiểu nổi đối với những người không quen thuộc với một giải thích thấu đáo về mối quan hệ giữa Bốn Chân lý Cao quý và thiền định, đã diễn tả hết sức chính xác và theo một quan điểm kỹ thuật, những gì xảy ra trong giai đoạn này. Những sự thay thế cho tính chất cồng kềnh – ngay cả một điều đơn giản như tiến lên một ít bước trở thành phức tạp khi được mô tả theo quan điểm của khoa giải phẫu!

 

(15) Một giảng nghĩa thỏa đáng về các ý nghĩa của câu này cần có thêm chú thích. Lý tưởng nhất là độc giả nên tham khảo lời chỉ dẫn riêng tư về thiền định được vị Thầy của họ đưa ra đúng lúc. Để có thêm thông tin, có thể nghiên cứu các bản văn abhidharma như “Entering the Ways of the Wise” (Đi vào Con Đường của bậc Hiền trí).

 

(16) Xem chú thích ở trên về Bốn Chân lý của Bậc Chứng ngộ. Con đường tám nhánh nổi tiếng này được đặt nền trên chánh kiến – cái thấy hoàn hảo và không dựa trên khái niệm hiện diện tự nhiên nhờ sự miệt mài của tâm thức trong bản tánh chân thực, trống không của nó. Đây là nhánh đầu tiên trong tám nhánh. Bảy nhánh còn lại trình bày con đường thuần tịnh trong đó điều gì đó của cái thấy (kiến) siêu việt này có thể được truyền đạt đến những người khác, nhờ sự vận dụng khéo léo các khái niệm, đưa ra ví dụ v.v.. Khi vấn đề này được nhận thức sâu sắc, người đọc sẽ hiểu được sự nghèo nàn của nhiều miêu tả về con đường tám nhánh, con đường này được đưa ra như một cẩm nang để sống của các Phật tử. Mặc dù không thể phủ nhận sự ích lợi và giá trị được chứng minh của nó, đó là một phản chiếu nghèo nàn về con đường tám nhánh chân thực.

 

(17) Xem giải thích dưới đây trong bản văn.

 

(18) Một nhận thức đúng đắn về câu này đòi hỏi sự hiểu biết đáng kể về sự phát triển của thiền định về tánh Không nhờ mười cấp độ Bồ Tát, với một sự đặc biệt liên quan đến sự tăng trưởng một cách vi tế những gì được loại bỏ và những gì còn lại như một chướng ngại lớn cho sự thiền định ở mỗi cấp độ.

 

(19) Nghĩa là mọi kết quả - của vô minh và ác hạnh trong quá khứ - đã bị tiệt trừ khỏi tâm thức ta và không bao giờ có thể xuất hiện.

 

(20) Câu Giai đoạn Thành tựu theo nghĩa đen trong tiếng Tây Tạng có nghĩa là “con đường đã tới đích.”

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5696059
Số người trực tuyến: