Chương Năm: Thiền định về những Khiếm khuyết của Sinh tử - phương thuốc đầu tiên chữa trị sự tham luyến hiện hữu nói chung | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Chương Năm: Thiền định về những Khiếm khuyết của Sinh tử - phương thuốc đầu tiên chữa trị sự tham luyến hiện hữu nói chung

Chương Năm:

Thiền định về những Khiếm khuyết

của Sinh tử

- phương thuốc đầu tiên chữa trị sự tham luyến

hiện hữu nói chung -

 

“Nếu có sự vô thường và cái chết thì có gì là quan trọng? Dù thế nào đi nữa tôi sẽ không bị tái sinh? Trong đời sau có thể tôi sẽ kinh nghiệm điều tốt đẹp nhất mà trạng thái làm người hay trời phải mang lại và điều đó là tốt lành cho tôi!” Nghĩ tưởng như thế là bám luyến vào lạc thú của sự hiện hữu. Phương thuốc để chữa trị căn bệnh này là sự suy niệm có hệ thống về những khiếm khuyết của sinh tử. Ta có thể tóm tắt như sau:

 

“Những khiếm khuyết của sinh tử được bao hàm trong ba chủ đề: những đau khổ cố hữu đối với sự duyên hợp, những đau khổ do sự biến đổi và đau khổ như đau khổ hiển nhiên.”

 

Ba nỗi khổ này có thể được giải thích bằng các ví dụ:

 

• đau khổ cố hữu đối với sự duyên hợp (1) (hành khổ) thì giống như cơm không chín,

• đau khổ do bởi biến đổi (hoại khổ) thì giống như súp trộn thuốc độc và

• đau khổ hiển nhiên (khổ khổ) giống như chứng viêm dạ dày bởi ăn cơm nhiễm độc.

 

Ba đau khổ cũng có thể được giải thích về mặt tính chất của chúng:

 

• đau khổ cố hữu đối với sự duyên hợp (hành khổ) có một cảm nhận dửng dưng

• đau khổ do biến đổi (hoại khổ) được đặt nền trên những cảm nhận về lạc thú và

• đau khổ như đau khổ (khổ khổ) thực sự cảm nhận điều không ưa.

 

Ba đau khổ cũng có thể được giải thích về mặt những tính chất cốt yếu của chúng:

 

1. Đau khổ cố hữu đối với sự duyên hợp (hành khổ)

Đó là đau khổ chỉ bởi việc đã đảm nhận cuộc đời được tạo thành bởi các uẩn (2) mà sự đau khổ thì cố hữu. “Những người bình thường” (3) không cảm nhận đau khổ cố hữu đối với sự duyên hợp này và có thể được so sánh với những người bị mắc một cơn sốt dữ dội, là người vào một lúc nào đó vô cảm với một chứng bệnh không đáng kể chẳng hạn như chứng ngứa tai. Các vị Nhập Lưu (4) và ba loại bậc giác ngộ khác có thể nhận thức đau khổ cố hữu đối với sự duyên hợp. Các ngài có thể được so sánh với người hầu như được chữa lành một cơn sốt và vì thế hoàn toàn nhạy cảm với những chứng bệnh vật lý và những đau khổ không đáng kể. Một sợi tóc nhỏ trên lòng bàn tay không tạo nên sự bực bội hay đau đớn nhưng nếu cũng sợi tóc ấy đâm vào mắt thì nó sẽ làm mắt sưng tấy lên và khiến ta khó chịu. Tương tự như thế, những người bình thường vô cảm với đau khổ cố hữu đối với sự duyên hợp trong khi các bậc chứng ngộ rất đau khổ vì nó. Vì thế trong A-tì-đạtma-câu-xá luận có nói:

 

“Giống như một sợi tóc từ trong bàn tay đâm vào mắt, gây nên sự khó chịu và đau khổ: người chưa chín chắn, giống như lòng bàn tay, không hiểu được đau khổ cố hữu đối với sự duyên hợp trong khi những bậc chứng ngộ thì như con mắt, nhận ra đau khổ cố hữu đối với sự duyên hợp.”

 

2. Đau khổ do bởi Biến đổi (hoại khổ)

 

Nó được gọi là “đau khổ do bởi biến đổi” vì mọi lạc thú của sinh tử, dù chúng có thể là gì chăng nữa, cuối cùng sẽ biến thành đau khổ. Vì thế Kinh Đại Bi Liên Hoa có nói:

 

“Các cõi trời là một nguyên nhân để xảy ra đau khổ.

Các cõi người cũng là một nguyên nhân của đau khổ.”

 

Vì thế, dù sớm hay muộn, ngay cả những người đạt được địa vị của các vị vua vĩ đại nhất trong loài người – một cakravartin (Chuyển Luân Thánh Vương) – cũng sẽ phải thay đổi và vì thế rơi vào trạng thái đau khổ. Trong Thư gởi một người bạn có nói:

 

“Theo dòng thời gian, ngay cả một vị đã trở thành Chuyển Luân Thánh Vương cũng sẽ trở thành một đày tớ.”

 

Ngoài ra, ngay cả người đã đạt được thân tướng và trải nghiệm cõi trời Đế Thích, Thủ hộ của các vị Trời, cuối cùng cũng sẽ rơi khỏi trạng thái đó – trước hết là chết, sau đó luân hồi. Có nói rằng:

 

“Ngay cả khi đã trở thành người xứng đáng nhận những món cúng dường – Trời Đế Thích – bởi

năng lực của hành động (nghiệp), cuối cùng ông ta cũng sẽ rơi trở lại trái đất.”

 

Hơn nữa, thậm chí như Phạm Thiên, Vua của các vị Trời, bậc đã siêu vượt tham muốn giác quan và đạt được hạnh phúc của việc nghỉ ngơi trong an định, cuối cùng cũng sẽ bị đọa lạc. Có câu nói:

 

“Từ trạng thái an lạc vô dục của Phạm Thiên, ông ta cũng sẽ phải chịu đau khổ không ngừng dứt của việc trở thành củi đốt trong địa ngục ‘thống khổ cùng cực’ (địa ngục Vô gián).”

 

3. Đau khổ như Đau khổ Hiển nhiên (Khổ Khổ)

 

Tột đỉnh của những đau khổ mà ta kinh nghiệm qua việc nhận một cuộc đời được tạo bởi “các uẩn hấp dẫn nỗi khổ,” cũng có những đau khổ trọng yếu và hiển nhiên, là những đau khổ được hiểu bằng hai loại chính: những đau khổ của các trạng thái hiện hữu thấp và những đau khổ của các trạng thái hiện hữu cao.

 

3a. Những đau khổ của các trạng thái thấp của sự hiện hữu
 

Có ba trạng thái thấp: các địa ngục, các cõi ngạ quỷ và cõi súc sinh. Mỗi trạng thái được hiểu qua bốn điểm:

 

1. phân loại

2. nơi chốn

3. các loại chúng sinh trong trạng thái mà họ kinh nghiệm và

4. các loại thọ mạng mà họ có.


3.a1. Các་Địa ngục(5)
 

Phân loại: Có tám địa ngục nóng, tám địa ngục lạnh, các địa ngục không thường xuyên và các địa ngục ngoại biên – tạo thành tất cả là 18 loại.

 

Các Địa ngục Nóng

 

Nơi chốn: Những địa ngục nóng này ở đâu? Chúng ở giữa thế giới này (cõi Nam diêm phù đề), bởi có nhiều chúng sinh đi từ đây tới đó. Những chúng sinh sống ở các địa ngục thấp nhất là những chúng sinh sống trong địa ngục thống khổ cùng cực. Ở trên đó, hướng dần lên là các địa ngục cực nóng, nóng, than khóc dữ dội, than khóc, tập hợp và nghiền nát, vạch đen và địa ngục sống lại, một cách tương ứng. Vì thế trong A-tì-đạt-ma-câu-xá luận nói:

 

“Dưới nơi đây 20.000 do tuần là địa ngục ‘thống khổ tệ hại nhất’ cùng với bảy địa ngục ở trên đó.”

 

Những đau khổ được trải nghiệm ở đó: Lý do khiến các địa ngục được gọi tên như thế và một

giải thích tổng quát sẽ được đưa ra:

 

Trước tiên là địa ngục sống lại nơi chúng sinh trói buộc nhau và đâm chém nhau cho tới chết. Sau đó một luồng gió lạnh thổi qua làm họ sống lại. Điều này tiếp tục không ngừng nghỉ trong suốt thời gian họ ở đó.

 

Trong địa ngục vạch đen, một vạch đen được vẽ trên thân thể, sau đó thân bị cưa bằng những chiếc cưa sáng ngời và bị chặt bằng những chiếc rìu nóng đỏ. Như có câu nói:

 

“Một số bị hành hạ bằng những chiếc cưa: những người khác bị chặt bằng những chiếc rìu sắc bén không thể chịu đựng nổi.”

 

Trong địa ngục tập hợp và nghiền nát, chúng sinh được tập hợp giữa các ngọn núi và cũng bị đè và ép trong những máy ép bằng sắt. Trong trường hợp thứ nhất, các ngọn núi trong hình dạng những đầu cừu đâm vào nhau, nghiền nát chúng sinh ở giữa chúng. Sau đó các ngọn đồi tách rời ra và một cơn gió lạnh nổi lên và làm chúng sinh trở lại trạng thái cũ. Họ bị nghiền nát và được phục hồi không biết bao nhiêu lần. Trong śisyalekha (Thư gởi một đệ tử) có nói:

 

“Hai ngọn núi khủng khiếp, giống như những con cừu đực có sừng dài, nghiến nát tất cả những thân thể được tập hợp giữa chúng và nghiền các thân thể đó thành bột.” v.v..

 

Một số bị ép giữa những máy ép bằng sắt, máu của họ phun ra như bốn dòng sông. Có nói rằng:

 

“Một số bị nghiền như những hạt mè và những người khác bị nghiền thành bụi như bột mịn.”

 

Chúng sinh trong địa ngục than khóc gào thét vì khiếp sợ khi họ bị thiêu đốt.

 

Chúng sinh trong địa ngục than khóc dữ dội gào thét thậm chí còn lớn hơn.

 

Trong địa ngục nóng chúng sinh bị hành hạ bằng lửa v.v..: kim khí nóng chảy được đổ vào miệng, thiêu đốt nội tạng của họ và họ bị đâm thủng từ hậu môn lên tới đỉnh đầu bằng những chiếc gậy nhọn có mấu.

 

Trong địa ngục cực nóng thậm chí họ còn chịu đựng những tra tấn khủng khiếp hơn. Không có da, họ bị thiêu đốt bằng cách đổ kim loại nóng chảy vào miệng, đến mức độ lửa phun ra từ các khiếu trên thân thể. Kế đó thân họ cũng bị chẻ ra bằng những cây chĩa ba đâm qua lòng bàn chân

và hậu môn lên tới đỉnh đầu và vai. Có nói rằng:

 

“Tương tự như vậy, một số chúng sinh bị buộc phải uống chất kim loại nóng chảy cháy đỏ trong khi những chúng sinh khác bị đâm trên những chiếc cọc có nhiều gai nhọn.”

 

Địa ngục thống khổ cùng cực (Vô Gián) là một tòa nhà sắt nóng hực, cao và rộng 20.000 paktsé (6) trong đó có những vạc đồng và sắt, rộng vài paktsé. Đồng và sắt nấu chảy được đổ vào đó, làm cho sôi lên bằng những ngọn lửa khủng khiếp đến từ bốn phương. Có nói rằng:

 

“Một số bị ném vào những vạc sắt và bị nấu sôi như nấu cháo.”

 

Địa ngục này được gọi (7) như vậy là bởi nỗi khổ ở đó không bao giờ ngừng dứt.

 

Thọ mạng: “Trong sáu địa ngục đầu, bắt đầu bằng địa ngục sống lại, một ngày và một đêm trong địa ngục này tương đương với cuộc đời của những vị trời dục giới và vì thế cuộc đời của họ có thể đo lường được bằng cách so sánh với thọ mạng của các vị trời dục giới.” Thọ mạng của Tứ Đại Thiên Vương tương đương với một ngày và đêm trong địa ngục sống lại. Ba mươi ngày làm thành một tháng và mười hai tháng làm thành một năm. Bởi các chúng sinh địa ngục sống lại sống 500 năm của họ nên thọ mạng của họ là 612 x 1010 năm của con người.

Tương tự như thế, nếu ta tính thọ mạng của địa ngục vạch đen theo thọ mạng của các vị trời thứ 33 (trời Đao Lợi), bởi chúng sinh có thể sống ở đó tới 1.000 năm nên thọ mạng của họ tương đương với 1.299 x 1010 năm của con người.

So sánh địa ngục tập hợp và nghiền nát với cõi trời “Ly Tránh” (trời Dạ Ma) thì bởi chúng sinh có thể ở đó đến 2.000 năm địa ngục nên thọ mạng của họ tương đương với 10.068 x 1010 năm của con người.

So sánh địa ngục than khóc với cõi trời “Hỉ Lạc” (Đâu Suất) thì chúng sinh có thể sống ở đó tới 4.000 năm địa ngục, tương đương với 84.542 x 1010 năm của con người.

So sánh địa ngục than khóc dữ dội với các vị trời “Hóa Lạc” thì chúng sinh có thể sống ở đó đến 8.000 năm địa ngục, tương đương với 663.52 x 1010 năm của con người.

So sánh địa ngục nóng với các vị trời “Tha Hóa Tự Tại” thì chúng sinh có thể sống ở đó tới 16.000 năm địa ngục, tượng đương với 5.108.416 x 1010 năm của con người.

Chúng sinh trong địa ngục cực nóng có thể ở đó nửa trung kiếp và chúng sinh trong địa ngục thống khổ cùng cực (Vô Gián) sống trọn một trung kiếp. Như có nói:

 

“Trong địa ngục cực nóng - nửa trung kiếp - và trong địa ngục thống khổ cùng cực trọn một trung kiếp.”

 

Các Địa ngục Lân cận

 

Các địa ngục này ở bốn vị trí chính yếu xung quanh tám địa ngục được đề cập ở trên. Địa ngục đầu tiên trong số đó là địa ngục than cháy đỏ, nơi có than cháy đỏ ngập đến đầu gối của chúng sinh. Khi họ bước đi – để chạy trốn – thì thịt, da và máu của họ hoàn toàn bị cháy tiêu khi họ đặt chân xuống, nhưng lúc nhấc chân lên thì thịt da và máu trở lại như cũ. Đó là địa ngục phụ đầu tiên.

Phía trước địa ngục này là địa ngục đầm lầy thối rữa bất tịnh, lúc nhúc dòi trắng có đầu đen. Bằng những chiếc vòi sắc nhọn, những con dòi đục khoét da thịt chúng sinh đến tận xương. Đây là địa ngục phụ thứ hai.

Phía trước địa ngục này là địa ngục đại lộ dao cạo, nơi chúng sinh khốn khổ bởi một khu rừng có lá như lưỡi kiếm, những con chó to lớn khủng khiếp, những thân cây bằng sắt có cành và lá mỏng và những con quạ mỏ sắt. Đây là địa ngục phụ thứ ba.

Phía trước địa ngục đó là địa ngục sông “Cực độ” đầy chất kiềm sôi, các chúng sinh bị nấu chín trong đó. Những người lính gác cầm vũ khí đứng dọc bờ sông không cho họ rời khỏi nơi đó. Đây là địa ngục phụ thứ tư. Có câu nói về những địa ngục này:

 

“Ngoài tám địa ngục có mười sáu địa ngục khác. Ở bốn hướng chính có địa ngục than cháy đỏ, đầm lầy thối rữa bất tịnh, đại lộ dao cạo v.v.. và con sông.”

    

Ta có thể tự hỏi rằng những lính canh ở các địa ngục – những kẻ có hình tướng con người hay những con quạ mỏ sắt – có phải là chúng sinh hữu tình hay không. Những người theo phái Vaibhâsika (Tỳ Bà Sa) coi họ là chúng sinh hữu tình trong khi những người theo phái Sautrântika

(Kinh Lượng bộ) nói họ không phải thế. Giải thích mà những người theo phái Yogâcâra (Du già, Duy Thức) đưa ra và giáo huấn truyền thừa của Đức Marpa và Milarepa nói rằng thật ra các loại kinh nghiệm này là những biểu lộ của tâm thức chúng sinh; những kinh nghiệm được sinh khởi từ những xấu ác mà họ đã mắc phạm. Điều này được chứng minh trong Bồ Tát Hạnh:

 

“Các chúng sinh ở đó và những vũ khí khủng khiếp của họ: ai có thể tạo ra chúng vì mục đích đó? Ai tạo ra nền sắt nóng bỏng và những ngọn lửa từ đâu mà có? Các Hiền giả Vĩ đại đã nói rằng những điều này và những hiện tượng tương tự là do một tâm thức xấu xa tạo nên.”

 

Tám Địa ngục Lạnh

Đó là:

 

1. Địa ngục lạnh sưng tấy,

2. Địa ngục lạnh sưng tấy vỡ ra,

3. Địa ngục răng đánh lập cập,

4. Địa ngục hắt hơi,

5. Địa ngục than ôi,

6. Địa ngục lạnh nơi vết nứt trên da có hình hoa sen xanh

7. Địa ngục hoa sen mở, nơi da có vết nứt giống như hoa sen

8. Địa ngục hoa sen mở lớn nơi da có vết nứt giống như một hoa sen khổng lồ. Có câu nói rằng:

 

“Có tám địa ngục lạnh – địa ngục lạnh sưng tấy và những địa ngục khác.”

 

Nơi chốn: Chúng ở giữa cõi Diêm phù đề này, dọc theo các địa ngục nóng.

 

Những đau khổ được trải nghiệm: Đây là một phác thảo tổng quát về những đau khổ của họ, cũng là lý do khiến các địa ngục này được đặt tên như thế. Trong hai địa ngục đầu tiên, cái lạnh ghê gớm đến nỗi chúng sinh mang những vết thương do bị lạnh hay trong địa ngục thứ hai họ có những vết thương ung thối do quá lạnh. Ba địa ngục kế tiếp được đặt tên theo những âm thanh và tiếng kêu khóc của chúng sinh do cái lạnh không thể chịu đựng nổi. Ba địa ngục sau cùng được gọi như thế là bởi có những biến đổi của thân thể xảy ra ở đó: trong địa ngục thứ sáu da biến thành màu xanh dương bởi vì lạnh và những vết nứt mở ra thành năm hay sáu đường nứt, trông giống như một hoa sen xanh, trong địa ngục thứ bảy da biến từ màu xanh dương sang màu đỏ và các vết nứt nẻ có mười miệng vết thương hay hơn nữa, trông như một hoa sen, và trong địa ngục cuối cùng da sưng tấy lên và nứt thành một trăm cánh hay hơn nữa, giống như một hoa sen khổng lồ.

 

Thời gian: Đấng Chiến Thắng Thành tựu Siêu việt đã đưa ra một ví dụ về thời gian của những địa ngục này:

 

“Ôi các Tỳ kheo, lấy một ví dụ, nếu một nhà kho chứa tám mươi giạ hạt mè, giống như các nhà kho của xứ Ma kiệt đà này, đầy ngập những hạt mè như thế và cứ mỗi một trăm năm thì lấy đi một hạt mè, thì cuối cùng đến một lúc nào đó tất cả tám mươi giạ hạt mè sẽ được đưa ra khỏi nhà kho. Ta không thể nói cho các ông là thời gian đó hay thọ mạng của các chúng sinh trong địa ngục lạnh sưng tấy, cái nào dài hơn. Tỳ kheo! Thọ mạng trong địa ngục lạnh sưng tấy vỡ ra thì dài gấp hai mươi lần nếu so với địa ngục lạnh sưng tấy…Các Tỳ kheo! Thọ mạng trong địa ngục hoa sen mở lớn gấp hai mươi lần thọ mạng trong địa ngục hoa sen mở.”

 

Đạo sư Vasubhandu (Thế Thân) giảng về điều này một cách ngắn gọn:

 

“Thọ mạng trong địa ngục lạnh sưng tấy xấp xỉ thời gian để làm trống một nhà kho chứa hạt mè bằng cách mỗi một trăm năm chỉ lấy đi một hạt. Thọ mạng trong những địa ngục khác thì tăng lên theo hệ số hai mươi.”

 

Như thế, nếu thọ mạng trong địa ngục lạnh sưng tấy là thời gian để làm trống một nhà kho chứa đầy hạt mè thì thọ mạng của địa ngục lạnh sưng tấy vỡ ra dài hơn hai mươi lần, thọ mạng trong địa ngục răng đánh lập cập dài hơn 400 lần, thọ mạng trong địa ngục hắt hơi dài hơn 8.000 lần, thọ mạng trong địa ngục than ôi dài hơn 160.000 lần, thọ mạng trong địa ngục vết thương như hoa sen xanh dài hơn 3.200.000 lần, thọ mạng trong địa ngục các vết thương như hoa sen dài hơn 64.000.000 lần, và thọ mạng trong địa ngục các vết thương như hoa sen mở lớn dài hơn thọ mạng trong địa ngục lạnh sưng tấy 1.280.000.000 lần.

 

Các Địa ngục Không Thường xuyên

 

Các địa ngục này được tạo nên bởi các hành động (nghiệp) của một, hai hay nhiều người. Các địa ngục này có nhiều hình thức khác nhau nhưng không có nơi chốn rõ ràng: một số chúng sinh sống trong những con sông, một số sống trên những ngọn đồi và một số sống ở những vùng hoang vắng hay những nơi khác. Một số chúng sinh như thế sống dưới mặt đất, chẳng hạn như những chúng sinh mà Bậc Chứng ngộ Mục Kiền Liên nhìn thấy. Tương tự như vậy, một số chúng sinh ở những nơi chốn cơ cực, như ngài Sangharaksita đã nhìn thấy. Thọ mạng của họ thì không cố định.

Điều này kết thúc việc giảng về những đau khổ của chúng sinh địa ngục.

 

3.a2. Ngạ quỷ


Phân loại: Có vua của các ngạ quỷ - Yama, Thủ hộ của Quỷ ma – và có các sứ giả của ông ta.

 

Nơi chốn: Yama, vị thống lãnh các ngạ quỷ, sống khoảng 500 paksé dưới cõi Nam diêm phù đề. Các sứ giả của ông không có nơi chốn cố định, họ sống trong những sa mạc v.v.. Có ba loại ngạ quỷ sống trong sa mạc:

 

Các ngạ quỷ bị chướng ngại bên ngoài trong việc ăn hay uống,

Các ngạ quỷ bị chướng ngại bên trong và

Các ngạ quỷ bị chướng ngại trong việc ăn hay uống nói chung.

 

Các đau khổ phải trải nghiệm: Một số ngạ quỷ có những năng lực siêu nhiên và kinh nghiệm hầu hết những tráng lệ như các vị trời. Tuy nhiên các ngạ quỷ bị chướng ngại bên ngoài trong việc ăn hay uống nhìn thấy thức ăn và nước uống như máu, đôi khi không thể ăn hay uống những thứ này là bởi bị những người khác ngăn cản. Các ngạ quỷ bị chướng ngại bên trong không bị người khác ngăn cản nhưng không thể ăn uống do bởi hoàn cảnh riêng của họ. Có nói rằng:

 

“Một số có miệng bằng cây kim nhưng bụng lớn bằng quả núi. Đau khổ bởi đói khát, những chúng sinh đó có sức mạnh để tìm kiếm thức ăn nhưng không thể tìm ra một mẩu thực phẩm ngay cả trong đống rác.”

 

Trong số những ngạ quỷ bị chướng ngại trong việc ăn và uống có hai loại: các vòng lửa những kẻ ăn chất dơ. Loại thứ nhất bị lửa thiêu đốt (ở bên trong) ngay khi họ ăn hay uống. Loại thứ hai ăn phân, uống nước tiểu và cắt thịt của mình để ăn. Cảnh tượng này được một người tên là gro.bzhin.skes.rna.pa.bye.ba.ri (TT.) nhìn thấy ở một nơi hoang vắng.

 

Thọ mạng: Một tháng theo thời gian của con người tương đương với một ngày và đêm theo thời gian của ngạ quỷ. Thọ mạng của họ kéo dài 500 năm, một ngày của họ tương đương một tháng trong cõi người. Có nói rằng:

 

“Các ngạ quỷ sống 500 năm: một ngày là một tháng.”

 

3.a3 Súc sinh

 

Phân loại: Có bốn loại chính: các súc sinh nhiều chân, bốn chân, hai chân và không chân.

 

Môi trường sống: Các thế giới mà chúng kinh nghiệm chủ yếu là nước, các đồng bằng hay rừng rậm. Tuy nhiên môi trường sống chính yếu của chúng là các đại dương.

 

Các đau khổ được trải nghiệm: Đây là những đau khổ:

 

1. bị làm nô lệ

2. bị làm thịt, hành hạ và

3. ăn thịt lẫn nhau.

 

Loại thứ nhất áp dụng cho những súc sinh bị con người lợi dụng. Có nói rằng:

 

“Là những nô lệ, chúng bất lực, bị đánh, bị đá, bị quất và bị thúc bằng gậy nhọn.”

 

Loại thứ hai áp dụng cho các dã thú v.v.. Có nói rằng:

 

“Có những súc sinh bị làm thịt để lấy ngọc trai, len, xương, máu, thịt hay da sống.”

 

Loại thứ ba chủ yếu liên quan tới những loài sống trong các đại dương:

 

“Chúng ăn bất kỳ thứ gì ở trước mặt chúng.”

 

Thọ mạng: Thọ mạng của súc sinh không cố định, nhiều lắm là một kiếp.

 

Điều này kết thúc tiết mục đau khổ của các trạng thái thấp.

 

3b. Đau khổ của các trạng thái cao của sự hiện hữu

 

3.b1. Con Người

 

Con người có tám loại đau khổ chính. Trong garbhâvakrântisûtra (Kinh Nhập Thai tạng) có nói:

 

“Tương tự như vậy, sinh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, xa lìa những người thân yêu là khổ, phải gặp người không ưa là khổ, tranh đấu và giành được những điều mong muốn là khổ và khó khăn trong việc giữ những gì ta có là khổ.”

 

Đau khổ đầu tiên là đau khổ của việc sinh ra, nó cũng là cội gốc của tất cả những đau khổ khác. Mặc dù bốn cách sinh ra đã được giảng dạy, hầu hết (con người) sinh ra từ một thai tạng. Vì lý do này, có nhiều đau khổ xảy ra từ trạng thái trung ấm “trở thành” (8) cho đến sự cư trú thực sự trong thai tạng (trụ thai). Nói chung, những chúng sinh trạng thái-trung ấm có một vài khả năng siêu nhiên - họ có thể bay qua không gian và nhận ra các trạng thái sinh mong manh nhờ một loại thị kiến siêu phàm. Chúng sinh trung ấm này cuối cùng đắm chìm vào bốn loại mê lầm được tạo nên bởi các nghiệp lực trong quá khứ, chẳng hạn như sự kích động của một cơn gió mạnh, một trận mưa lớn, vẻ tăm tối của bầu trời và tiếng la hét dễ sợ của một đám đông.

 

Như thế, tùy theo đặc tính của nghiệp của ta, một trong những ý niệm sau đây được trình bày theo thứ tự giảm dần về sự thanh tịnh, có thể xảy ra. Ta nghĩ:

 

“Tôi đang đi vào một cung điện tuyệt vời” hay

“Tôi đang đi tới đỉnh của một tòa nhà nhiều tầng” hay

“Tôi đang đến gần một ngai tòa” hay

“Tôi đang đi vào một túp lều có mái tranh” hay

“Tôi đang đi vào một căn nhà lá” hay

“Tôi đang trượt giữa những lá cỏ” hay

“Tôi đang đi vào một khu rừng” hay

“Tôi đang chui qua một cái lỗ trên tường” hay

“Tôi đang trượt giữa đống rơm.”

 

Sau đó, khi từ xa nhận ra những cha mẹ tương lai trong sự tính giao, các chúng sinh trung ấm này hướng về họ. Chúng sinh đã từng tích tập một kho công đức to lớn và là những vị sẽ có một tái sinh cao cấp nhìn thấy một cung điện tuyệt vời, một tòa nhà nhiều tầng v.v.., và hướng về nơi đó. Chúng sinh đã tích tập một kho công đức trung bình và sẽ có một tái sinh trung bình sẽ nhìn thấy một túp lều mái tranh v.v.. và hướng về đó. Chúng sinh không từng tích tập công đức và sẽ có một tái sinh không tốt nhìn thấy cái lỗ trên tường v.v.. và hướng về đó. Khi đi tới đó, chúng sinh được sinh làm một bé trai sẽ cảm thấy quyến luyến với mẹ và ác cảm với người cha, trong khi chúng sinh được sinh làm một bé gái sẽ thấy quyến luyến với người cha và ác cảm với người mẹ. Với những cảm xúc quyến luyến và ghét bỏ này, sự tỉnh giác của trạng thái trung ấm trở thành hợp nhất với những chất bài tiết bất tịnh của cha mẹ.

Từ lúc đó trở đi, ta sẽ trải qua 38 tuần trong thai tạng. Ta cũng được biết là một số người trải qua tám tháng, một số chín tháng và một số mười tháng ở đó. Một số người trải qua một thời gian bất

định và thậm chí có người ở trong thai tạng đến sáu mươi năm.

Trong tuần lễ đầu tiên trong thai tạng của người mẹ, ta như bị nấu hay chiên rán trong một chiếc nồi nóng, khi tâm thức mới kết hợp với các thành phần vật lý tạo nên kinh nghiệm đau khổ không thể chịu đựng nổi. Giai đoạn này của phôi được gọi là vật có hình quả trứng, ở trong hình thức như nước cháo hay sữa chua đông.

Trong tuần lễ thứ hai trong thai tạng của mẹ, prâna (9) (khí) được gọi là những chuyển động “xúc

chạm toàn khắp”. Sự xúc chạm của nó với thai tạng của người mẹ khiến cho bốn yếu tố biểu lộ. Giai đoạn này của phôi, được gọi là vật có hình thuôn, thì trông giống như sữa đông hay bơ được

đánh lên.

Trong tuần lễ thứ ba trong thai tạng, prâna được gọi là người kích hoạt làm lay động thai tạn khiến bốn yếu tố thực sự biểu lộ; giai đoạn này của phôi được gọi là cái bướu, trông giống như một cái muỗng sắt hay một con kiến.

Tương tự như vậy, vào tuần lễ thứ bảy trong thai tạng của người mẹ, prâna được gọi là bão táp. Kết quả việc tiếp xúc của nó với thai tạng tạo nên sự hình thành của hai tay và hai chân. Trong giai đoạn này ta cảm nhận đau khổ như thể bị một người mạnh mẽ kéo tứ chi của ta trong khi một

người khác dùng một trục cán để căng ta ra.

Tương tự như vậy, trong tuần lễ thứ mười một trong thai tạng của người mẹ, prâna tạo ra khiếu (lỗ) xuất hiện. Kết quả sự tiếp xúc của nó trên thai tạng khiến cho chín khiếu xuất hiện. Đau khổ trong giai đoạn này giống như sự đau đớn khi một vết thương còn mới bị một ngón tay chạm phải.

Ngoài ra, khi người mẹ ăn bất thường hay dùng thức ăn lạnh, ta đau khổ như thể thân thể trần trụi của ta bị ném vào băng đá. Các thực phẩm thật nóng, chua hay nhiều gia vị cũng gây nên đau

đớn. Nếu người mẹ ăn quá mức, ta đau đớn giống như bị đè ép giữa những tảng đá. Nếu bà ăn quá ít, ta cũng đau khổ như thể bị lăn long lóc trong không gian. Khi bà đi nhanh, nhảy, xoay mình đột ngột hay thình lình cúi xuống, ta đau đớn như thể bị ngã xuống một vực thẳm. Trong những lúc tính giao mạnh mẽ, ta đau khổ như thể bị đánh bằng những chiếc gậy có gai.

Vào tuần lễ thứ ba mươi bảy ta nhận ra là mình ở trong một thai tạng, nghĩ nó như một ngục tù dơ bẩn, hôi hám, tối đen như mực. Không thể chịu đựng được nữa, tư tưởng ra khỏi nơi đó xuất hiện.

Trong tuần thứ ba mươi tám, prâna được gọi là người thâu thập hoa khuấy động thai tạng của người mẹ, xoay bào thai hướng về cửa thai tạng (tử cung). Nỗi khổ vào lúc đó giống như nỗi khổ

của việc bị hành hạ trên các giá sắt.

Như thế, trong thời gian mang thai, trong khi phát triển từ việc là một cái phôi một-tuần tới một bào thai hoàn toàn-phát triển, ta bị đun sôi và khuấy mạnh trong thai tạng, như trong một chiếc bình nóng hay thậm chí trong chiếc bình đang sôi, ta bị tác động và bị đẩy vòng vòng bởi 28 prâna khác nhau và ta được nuôi dưỡng và phát triển bằng chất bổ dưỡng từ máu của mẹ ta v.v… Vì thế trong Kinh Nhập Thai tạng có nói:

 

“Từ phôi một-tuần – vật có hình trứng – một bong bóng thịt xuất hiện và từ phôi này xuất hiện một vật ‘hình thuôn’ – phôi hai-tuần. Phôi này phát triển rắn chắc hơn nữa, tạo thành cái đầu và tứ chi và khi những cái xương được hình thành rõ ràng và được nối kết, thân thể đã phát triển đầy đủ. Hành động (nghiệp) là nguyên nhân của tất cả những điều này.”

 

Kế đó prâna hướng xuống xuất hiện, nó xoay đầu của thai nhi xuống dưới. Thân thể ra khỏi thai tạng, cánh tay vươn ra, đứa trẻ trải nghiệm nỗi khổ như thể nó bị kéo bằng một máy ép sắt. Một số trẻ chết non. Đôi khi mẹ và con đều chết bởi việc sinh nở.

 

Lúc được sinh ra, khi thoạt đầu đứa trẻ tiếp xúc với các mặt bằng, nó đau đớn như thể bị ném vào một chiếc giường gai. Một lát sau, khi được lau khô, nó cảm thấy da nó như thể bị bóc ra và thân thể nó bị chà xát trên một bức tường.

Suốt thời gian ở trong thai tạng, ta sống trong sự khó chịu, tù túng, tăm tối và bất tịnh như đã được mô tả ở trên. Thậm chí nếu có người tặng ba đồng vàng cho một người thật khỏe mạnh để người ấy sống với thai nhi trong cái lỗ bẩn thỉu bất tịnh đó chỉ trong ba ngày, liệu ai có thể làm nổi điều đó? Nỗi khổ của chúng sinh ở trong thai tạng còn tệ hại hơn thế. Vì thế trong Thư gởi một đệ tử có nói:

 

“Ngộp thở bởi những mùi và chất bất tịnh không thể chịu nổi, hoàn toàn bị giam cầm trong bóng tối dày đặc, việc sống trong thai tạng như ở trong địa ngục, toàn thân bị bóp chặt, vì thế ta phải sống trong nỗi thống khổ ghê gớm.”

 

Một khi đã xác tín về điều này, hãy nghĩ: “Liệu ai còn có thể đi vào thai tạng, dù chỉ một lần.”
 

 

Mặc dù những đau khổ của tuổi già cũng rất nhiều, chúng có thể được tóm tắt thành mười loại: đau khổ do những biến đổi trong cơ thể, tóc, da, diện mạo, những khả năng và năng lực, uy thế, chất lượng sống, sức khỏe, năng lực tinh thần của ta và những đau khổ do đến gần cái chết khi thời gian của ta đã hết.

 

1. biến đổi trong cơ thể - thân thể ta trước đây mạnh mẽ và cường tráng, thẳng tắp, sẽ phải biến đổi, người đổ gập xuống, vặn vẹo và phải được chống đỡ bằng một chiếc gậy.

 

2. biến đổi trên tóc – mái tóc ta trước đây đen huyền, giờ đây trở nên bạc trắng hay có người bị hói đầu.

 

3. biến đổi trên da – làn da của ta có một thời tươi đẹp và mịn màng như vải Benares (Ba-na-lại) hay lụa Trung quốc, nay trở nên thô ráp, nhăn nhúm và trông giống như những chiếc vòng đồng được kết lại.

 

4. biến đổi trên diện mạo - diện mạo của ta, một thời đầy vẻ sáng ngời hay lộng lẫy, như một hoa sen bừng nở tươi tắn, giờ đây đã phai tàn, trở nên hơi xanh hay xam xám như một bông sen già khô héo.

 

5. biến đổi trong khả năng và các năng lực – nhiệt tình và khả năng mà ta có trước đây sẽ biến đổi, bởi sức khỏe tàn tạ không cho ta thực hiện những công việc khó khăn và sự tàn tạ về tinh thần lấy đi mọi sự hăng hái để thực hiện các công việc. Các giác quan trở nên cùn nhụt và nếu không nhận thức sai lầm về các đối tượng thì cũng không thể tri giác về chúng.

 

6. biến đổi trong uy thế - trong khi trước đây ta được ngợi khen và tôn kính, giờ đây ta không còn được người khác quý mến và trở thành một đối tượng để thuộc cấp khinh miệt. Ngay cả những người không quen biết cũng tự động không thích kết bạn với ta và ta trở thành đối tượng cho những trò đùa tinh nghịch của con cái và sự ngượng ngùng của con cháu.

 

7. biến đổi trong chất lượng của cuộc sống – niềm vui do của cải, thực phẩm và thức uống mang lại bị suy giảm. Thân thể không thấy ấm áp và miệng không nếm được vị ngon ngọt. Ta tưởng tượng những thứ không thể tìm kiếm được và sẽ thật khó khăn cho những người cung cấp và nuôi dưỡng ta.

 

8. biến đổi về sức khỏe – ta mắc phải căn bệnh nặng nhất là tuổi già, ta đau khổ bởi nó mang lại mọi loại bệnh tật khác.

 

9. biến đổi trong năng lực tinh thần – trở nên già yếu và lầm lẫn, hầu như ta lập tức quên mất những điều vừa nói hay vừa làm.

 

10. khi thời gian của ta đã hết, cuộc đời đến lúc chấm dứt – hơi thở ngắn lại và bắt đầu khò khè. Khi mọi yếu tố (tứ đại) tạo nên thân thể đã suy kiệt, cái chết đến gần.

 

Sự đản sinh của Đức Phật nói về tất cả những nỗi khổ của tuổi già: “Tuổi già biến một thân thể đáng yêu thành khó ưa. Tuổi già đánh cắp uy thế và làm hao tổn khả năng và sức mạnh của ta. Tuổi già lấy đi hạnh phúc và làm tăng nỗi khổ. Tuổi già là nhà chế tạo cái chết và là kẻ cướp đoạt nhan sắc.”

 

Mặc dù đau khổ của bệnh tật cũng không thể kể xiết, chúng có thể được tóm tắt thành bảy loại

– nghĩa là những đau khổ của việc:

 

* bị đánh ngã bởi một chứng bệnh nặng,

* những xét nghiệm vật lý đau đớn,

* phải dùng thuốc mạnh,

* phải tránh ăn và uống những món yêu thích,

* phải theo chỉ thị của bác sĩ,

* bệnh tật làm hao tốn tiền của và

* sợ chết.

 

Sự đản sinh của Đức Phật nói về điều này:

 

“Bị hành hạ vì là nạn nhân và thực sự chịu thua những nỗi khổ của hàng trăm bệnh tật, họ giống như quỷ ma có hình người.”

 

Những đau khổ của cái chết cũng không thể tính đếm. Trong râjâvavâdaka (Kinh Lời Khuyên dạy Đức Vua) có nói về điều này:

 

“Đại Vương! Theo cách này, khi ta bị hành hạ trên cọc nhọn của cái chết, ta không còn quá kiêu ngạo nữa – ta không có những người bảo hộ, các đồng minh hay bạn hữu. Lâm vào cảnh bệnh tật, miệng khát, mặt ta biến dạng, tứ chi bải hoải, ta không thể làm việc, làm dơ bẩn thân ta với nước miếng, nước mũi, nước tiểu và những thứ nôn mửa ra thật ghê tởm và thở khò khè ầm ĩ. Các bác sĩ từ bỏ hy vọng, ta ngủ trên giường một lần cuối, lún chìm vào dòng sinh tử và kinh sợ các sứ giả của Thần Chết. Hơi thở ngừng lại, miệng và lỗ mũi mở lớn. Ta để lại thế giới và hướng về đời sau. Đó là một cuộc khởi hành vĩ đại, lối vào bóng tối sâu dầy nhất, cú ngã trên vách núi vĩ đại nhất và bị đại dương hùng vĩ quét sạch. Bị cơn gió nghiệp giật tung đi, ta đi tới một nơi không ổn định, không thể mang theo ngay cả một mẩu nhỏ xíu của cải của ta. Mặc dù ta kêu khóc: ‘Ôi, mẹ ơi; ôi cha ơi, ôi các con ơi!’ Đại vương, vào lúc đó, ngoài Pháp ra, không có vị bảo hộ, nơi nương tựa, đồng minh nào khác.”

 

Cũng có đau khổ vì phải xa lìa những người thân yêu. Khi những người thân yêu (cha, mẹ, con cái và bạn hữu) chết, đó là một đau khổ vô hạn trong hình thức của sự đau đớn, tiếc thương,

kêu khóc, than van v.v..

 

Đau khổ vì phải gặp người không ưa là nỗi đau buồn xảy ra do sự tranh cãi khi gặp những kẻ thù mà ta không thích.

    

Hai loại đau khổ cuối cùng (phải tranh đấu để có được những điều gì đó và thật khó khăn để duy trì chúng) thì thật hiển nhiên.

 

3.b2 Bán-Thiên

 

Ngoài những đau khổ hơi giống các vị trời, các vị bán-thiên (A Tu La) cũng đau khổ vì sự kiêu ngạo, ganh tị, chiến đấu, tranh cãi. Có câu nói:

 

“Các vị bán-thiên phải chịu đựng sự hành hạ ghê gớm trong tâm thức bởi tự bản chất, họ phẫn uất vì sự lộng lẫy và những lạc thú của các vị trời.”

 

3.b3.  Các vị Trời

 

Các vị trời dục giới đau khổ vì phải chiến đấu chống lại các bán-thiên (A Tu La), vì cảm thấy không thỏa mãn – do bởi dục vọng vô bờ của họ - và bởi mất niềm tin. Họ cũng đau khổ bởi tứ chi của họ bị chặt đứt và những bộ phận của thân thể của họ bị cắt rời, bởi bị giết hay bị trục xuất, và cuối cùng họ trải qua cái chết, đi tới một hiện hữu khác và mất địa vị siêu phàm. Có câu nói rằng:

 

“Khi cái chết đến, hỡi con cái siêu phàm, năm dấu hiệu sẽ xuất hiện: y phục bắt đầu có mùi hôi, các vòng hoa khô héo, nách đổ mồ hôi, bốn mùi xuất hiện từ thân thể và sự bất mãn với vị trí siêu phàm của ta phát khởi.”

 

Các vị trời sắc giới và vô sắc giới không có những đau khổ được nhắc tới ở trên. Tuy nhiên, bởi họ chết, luân hồi và không có năng lực để được ở nguyên trong trạng thái của họ, họ đau khổ vì phải tái sinh trong những cõi thấp.

Tương tự như thế, một khi thiện nghiệp của loài người hay các vị trời cạn kiệt, họ phải rơi xuống những trạng thái đau khổ. Vì thế, toàn bộ thân phận của sinh tử, bản chất đích thật của nó là đau khổ, giống như thân phận của một ngôi nhà hừng hực lửa. Trong Kinh Nhập Thai tạng nói:

 

“Than ôi! Bởi đại dương luân hồi sinh tử này cháy đỏ, hừng hực lửa, không một ai không bị nó đánh bại. Địa ngục rùng rợn này là gì? Đó là ngọn lửa tham, sân và si, ngọn lửa sinh, lão và tử, ngọn lửa muộn phiền, than khóc, hiểm nguy và bất an. Bởi những ngọn lửa này cháy hừng hực và dữ dội không ngừng nghỉ, chẳng ai thoát khỏi chúng.”

 

Vì thế, việc hiểu biết về những khiếm khuyết của sinh tử sẽ xoay chuyển tâm khỏi những lạc thú của cuộc đời. Trích dẫn từ pitâputrasamâgamanasûtrâ (Kinh Cha và Con Gặp gỡ):

 

“Khi nhận ra những khiếm khuyết của luân hồi sinh tử, sự mỏi nhọc chân thật sẽ sinh khởi, và nỗi sợ hãi ngục tù của ba cõi sẽ khơi dậy một nỗ lực từ bỏ sinh tử.”

 

Tương tự như thế, Đạo sư vĩ đại Long Thọ nói:

 

“Bởi sinh tử luân hồi thì như thế, việc sinh ra làm một vị trời, một con người, một chúng sinh địa ngục, một ngạ quỷ hay một súc sinh chẳng thể là một sự sinh ra tốt lành – hãy hiểu rằng những sự sinh ra đó là những con tàu ngập đầy tai họa.”

 

Đây là chương năm, giảng về những đau khổ của sinh tử,

trong tác phẩm Pháp Bảo của sự Giải thoát

 

----------------------------------

(1) duyên hợp – có nghĩa là được tạo lập bởi và tiếp tục hiện hữu nhờ các nguyên nhân và điều kiện (duyên). Một đối tượng được nhận thức – chẳng hạn như một người khác hay một chiếc ghế - có vẻ là một cái gì bền vững nhưng trong thực tế nó là cái gì phức tạp và biến đổi. Khi ta nhận thức đối tượng, hình ảnh hiện diện trong tâm là một thực tại nhất thời tùy thuộc vào các điều kiện trong chốc lát. Do bởi những nguyên nhân riêng biệt, nó hiển lộ như nó hiển lộ, một số nguyên nhân và điều kiện đó có quan hệ với đối tượng và một số có quan hệ với bản thân ta. Theo Phật giáo, ta nhận thức bản thân ta và thế giới, mỗi người trong chúng ta nhận thức một cách chủ quan, như kết quả của tất cả những gì xảy ra với tâm ta trong quá khứ. Nhận thức duyên hợp, do bởi vô minh, là nối kết thứ hai trong 12 Nối kết Tương thuộc (12 Nhân Duyên) (xem chương 16). Do tự bản chất của nó, nghĩa là bởi nó được bắt rễ trong sự vô minh về chân lý tối thượng và bởi nó bám chấp vào những mê lầm, nhận thức sinh tử duyên hợp ngập tràn đau khổ.

 

(2) các uẩn (TT. phung.po, Phạn: skandra) – một phương pháp của Phật giáo để định nghĩa và phân chia những thực tại được nhận thức, về năm lãnh vực chính yếu của sự hiện hữu – sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Các uẩn được giảng dạy như kết quả phức hợp của các hành vi trong quá khứ. Tên gọi của chúng thực ra có nghĩa là “các đống” hay “các khối kết” – bởi mỗi một trong năm phạm vi không phải là một vật mà là vô số những gì vô thường của loại phạm vi đó.

 

(3) người bình thường – người chưa đạt được chứng ngộ kiên cố về tánh Không.

 

(4) Nhập Lưu – cấp độ thứ nhất trong bốn cấp độ thành tựu trong con đường Phật giáo: một cấp độ nơi sự xác tín ở Bốn Chân lý giống như một dòng nước mạnh sẽ mang ta đi theo.

 

(5) Các Địa ngục Giáo lý Phật giáo cổ điển về các địa ngục – và thậm chí chính từ địa ngục – dường như đặt ra một vấn đề cho nhiều vị Thầy Phật giáo. Do muốn tránh sự tương đồng với những cách tiếp cận lửa địa ngụctội đày địa ngục trong một vài hình thức tôn giáo, và có lẽ không muốn gieo nỗi khiếp sợ cho người nghe, họ có thể dễ dàng rơi vào việc làm nhạt đi hay giải thích Phật Pháp trong phạm vi những phóng chiếu của họ. Địa ngục, như bất kỳ hoàn cảnh hiện hữu nào khác, là một trạng thái của tâm. Đối với những người ở trong một trạng thái tâm như thế - và những người có thể nhận thức chúng – có một nơi chốn và những hoàn cảnh có tính chất địa phương nào đó, giống như con người và súc sinh kinh nghiệm các nơi chốn và những hoàn cảnh trong khu vực riêng của họ, được phát triển bởi những trạng thái tâm của họ. Việc phủ nhận sự có thể có của tâm thức kinh nghiệm những thống khổ của địa ngục được mô tả trong tiết mục này thì hoàn toàn là một mơ tưởng thiếu chín chắn. Ta chỉ cần nghĩ về những cơn ác mộng hay viếng thăm những bệnh viện tâm thần để cảm nhận sâu sắc một tâm thức con người có thể rơi xa đến đâu trong nỗi thống khổ của nó – hãy để cho tâm thức buông lỏng giữa những ảo giác được phát sinh bởi những nỗi sợ hãi thầm kín và chứng loạn thần kinh của nó, sau cái chết.

 

(6) paktsé – một đơn vị đo chiều dài, tương đương với 768.000 bề rộng của ngón tay = 15 km.

 

(7) Tên thực sự của địa ngục thống khổ cùng cực là “không đau khổ” (nào khủng khiếp hơn thế).

 

(8) trạng thái trung ấm “trở thành” (TT. srid.pa’i.bar.do) – thời gian ngay trước khi đi vào một hiện hữu mới (thường được gọi là sự hoài thai, nhập thai) khi những ảo giác trung ấm nói chung đắm chìm vào những hình ảnh nào đó biểu thị sự tái sinh có thể có.

 

(9) prâna (TT. rlung) Thuật ngữ Phạn prâna được dùng ở đây không có thuật ngữ hay ý niệm tương đương ở phương Tây. Nếu dịch sát nghĩa, đây là những gió (khí) hay năng lực phụ thuộc vào tâm đối với bản chất, vị trí và những tính chất của chúng và về phần chúng, chúng ảnh hưởng đến cách thức mà hiện hữu vật chất của chúng ta, cũng như sự hiện hữu của vũ trụ, xuất hiện đối với tâm. Cùng với các kinh mạch (nâdi) và các trung tâm (cakra – luân xa) qua đó chúng hoạt động và các giọt năng lực (bindu), những thứ này tạo thành thân vi tế là cấu trúc chỉ huy của sự hiện hữu vật chất và chủ đề cho sự tập trung trong thiền định của các hành giả Phật giáo.


 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5773338
Số người trực tuyến: