Công năng hoạt động của 8 thức và diệu dụng khi chứng quả vị Phật | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Công năng hoạt động của 8 thức và diệu dụng khi chứng quả vị Phật

Tâm chúng ta luôn tạo ra vô minh và nghi ngờ, vì vậy thật khó có thể thấu hiểu ý nghĩa đích thực của tâm. Khi nói về tâm, chúng ta thường nhầm lẫn cho rằng tâm là một thực thể độc lập, bền chắc và ổn định. Vì vậy, Đức Phật đã giải thích về tâm dựa trên hoạt động của sáu thức hoặc tám thức. Khi thấu hiểu giáo lý về tâm theo quan kiến Phật giáo, chúng ta sẽ biết trân trọng bản chất thực sự của chúng sinh.

Sáu thức đầu

Sáu thức đầu (nhãn, nhĩ, tị, thiệt, thân, ý) được sinh ra là nhờ sáu căn tiếp xúc với sáu trần. Nhãn căn tiếp xúc với sắc sinh ra nhãn thức - nghĩa là cái biết của mắt; nhĩ căn tiếp xúc với âm thanh sinh ra nhĩ thức - tức là cái biết của tai; lưỡi tiếp xúc với vị sinh ra thiệt thức - nghĩa là cái biết của lưỡi; mũi ngửi mùi hương sinh ra tị thức - cái biết của mũi; thân giác xúc sinh ra thân thức - cái biết của thân; Ý thức là sự phân biệt, hiểu biết, phê phán do ý căn tiếp xúc với pháp trần mà phát sinh.

Mỗi thức có chức năng hoạt động và phạm vi hoạt động riêng biệt, mũi không thể nghe được âm thanh, mắt không thể ngửi được mùi hương... Do căn khác nhau duyên vào cảnh không đồng như âm thanh mùi vị khác nhau sinh ra hiểu biết khác nhau. Riêng ý thức liên kết được năm thức, tự tạo ra một cảnh riêng, cảnh do tâm nương vào bóng ảnh của năm thức để tạo cảnh. Ở đây thức là chủ thể nhận thức, trần là đối tượng nhận thức.

Trong 6 thức đầu, ý thức rất lanh lẹ và khôn ngoan hơn hết, nên trong bài thơ Bát thức có câu rằng:”Độc hữu nhất cá tối linh ly” (riêng có một cái thức rất lanh lẹ). Suy nghĩ làm việc phải, thức này đứng đầu; còn tính toán tạo tác việc ác, thì nó cũng hơn cả. Bởi thế nên trong Duy thức nói:”Công vi thủ, tội vi khôi” (Nói về “Công” thì thức này hơn hết, còn luận về “Tội” thì nó cũng đứng đầu). Thức này cũng có công năng chấp Ngã và chấp Pháp.

Khi chứng quả vị Phật, 5 thức đầu - nhãn, nhĩ, tị, thiệt, thân - chuyển làm “Thành sở tác trí”. Lúc bấy giờ nó có diệu dụng hoá hiện ra 3 loại thân để giáo hoá và dứt trừ các khổ sinh tử luân hồi cho chúng sinh. Còn ý thức chuyển thành "Diệu quan sát trí" và có diệu dụng chiếu soi căn cơ của chúng sinh trong Đại thiên thế giới, rồi tùy cơ thuyết pháp hoá độ hàm linh.

Mạt na thức

Ngoài sáu thức thông dụng trên còn có hai thức rất thâm tế, vi diệu và cực kỳ quan trọng, đó là Mạt na thức và A lại da thức (hay là Tàng thức). Mạt-na phát sinh từ Tàng thức và nó cũng quay lại, nắm lấy Tàng thức, coi đó là cái Ngã riêng biệt và độc lập của nó. Đa số các khổ đau của chúng ta đều là kết quả từ nhận thức sai lầm này của Mạt-na. Mạt na thức có công năng truyền tất cả các “hạt giống” vào Tàng thức, đưa các “hạt giống” khởi ra hiện hành. Căn cứ vào đó, ý thức (thức thứ sáu) mới hiểu biết, phân biệt, phán đoán… nên thức thứ bảy (Mạt na thức) có thể coi là ý căn của thức thứ sáu.

Khi chứng quả vị Phật, thức này hiện ra thân “Tha thọ dụng”, để giáo hoá thập địa Bồ Tát.

Tàng thức

Tàng thức (A lại da thức) không phải chỉ là kho chứa hạt giống mà nó cũng là những hạt giống trong kho. Ngoài ra, thức thứ tám  này còn có công năng là chấp trì, từ vô thủy làm chỗ nương tựa một cách bình đẳng cho hết thảy pháp. Bởi vì, A lại da chấp trì các chủng tử và làm chỗ nương cho các pháp hiện hành, cho nên do chủng tử mà biến ra các pháp hiện hành và do chấp trì mà làm chỗ nương cho các pháp hiện hành ấy. Thức này chấp trì tất cả pháp thuận với luân hồi lưu chuyển, nên khiến các hữu tình phải lưu chuyển trong sinh tử. Các hoặc, nghiệp, và sinh (tứ sinh noãn, thai, thấp, hóa) đều là lưu chuyển và nương nơi thức này. Thức này có tác dụng làm chỗ y trì cho sự lưu chuyển.

Khi chứng quả vị Phật, thức này chuyển thành "Đại viên cảnh trí", chiếu khắp mười phương các cõi nước nhiều như vi trần.

(Trích ấn phẩm: “Bardo - Bí mật nghệ thuật sinh tử”

Nhà xuất bản Tôn giáo, 2012)

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5698669
Số người trực tuyến: