Điều kiện tối quan trọng để bước vào ngưỡng cửa Kim Cương thừa | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Điều kiện tối quan trọng để bước vào ngưỡng cửa Kim Cương thừa

Kim Cương thừa luôn được coi là truyền thừa bí mật bởi việc thực hành đòi hỏi căn cơ và trình độ nhất định. Thông thường, khi thực hành Kim Cương thừa, chúng ta được xem như đã có những hiểu biết nhất định về Tiểu thừa và Đại thừa là những nền tảng căn bản để đi vào Kim Cương thừa. Khi bắt đầu tu tập Kim Cương thừa, điều tối quan trọng là bạn cần thụ nhận quán đỉnh. Đây chính là ngưỡng cửa và là đặc trưng của Kim Cương thừa để hành giả có thể thực hành nghi quỹ tu trì theo một Bản tôn nhất định (ví dụ Đức Quan Âm, Đức Dược sư hay Trí tuệ Văn thù...).

Quán đỉnh là nghi thức mà một bậc Thượng sư tu chứng trao truyền thể nhập thực hành trực tiếp một pháp môn cho đệ tử, bao gồm mô tả, giảng nghĩa, quán tưởng, thứ lớp tu tập cùng với các nghi lễ cúng dàng và chân ngôn tương ứng. Mặc dù vậy, quán đỉnh còn mang ý nghĩa nhiều hơn những gì cấu thành nên nó; đó là sự trao truyền nguồn ân phúc và năng lực gia trì của cả một dòng Truyền thừa, và là sự giới thiệu trực tiếp vào thực tại tuyệt đối, trí tuệ bất nhị hay chân tính của vạn pháp. Do vậy nếu bạn không có những hiểu biết về Nguyên thủy Phật  giáo và Đại thừa mà bước ngay vào Kim Cương thừa thì bạn không thể vững tiến trên đường tu.

Vì sao trước đây Kim Cương thừa được trì giữ bí mật?

Trước đây, Kim Cương thừa chỉ được truyền trao cho những đệ tử sẵn sàng hiểu biết thực tại tuyệt đối. Nếu hành giả không có những tri kiến căn bản về vô thường, xả ly, khổ đau của luân hồi, nghiệp và kế đó là khai phát Bồ đề tâm mạnh mẽ và hoàn thiện các Ba la mật, mà trực tiếp đi thẳng vào chân lý tuyệt đối của vạn pháp thì ngay lập tức họ không thể hiểu được hoặc có thể rơi vào tà kiến của cách hiểu sai lệch do thiếu trí tuệ thực chứng và điều này vô cùng nguy hiểm.


Ở Ấn Độ trước kia, Kim Cương thừa chỉ được trao truyền cho những hành giả đã đạt được cấp độ nhất định. Tuy nhiên, trong quá trình lịch sử phát triển sau này tại Tây Tạng, Nepal, Bhutan và các quốc gia thuộc dãy Himalaya, Kim Cương thừa lại được quan tâm rộng rãi và trở thành một pháp môn thực hành có tính phổ biến. Do phải có một phương pháp thích hợp đáp ứng đại chúng nên các chư Thượng sư đã thiện xảo tìm ra phương pháp dung chứa tất cả các thừa, từ Nguyên thủy Phật giáo, Đại thừa cho đến Kim Cương thừa trong pháp môn tu tập thuộc Kim Cương thừa.

Ba Pháp quán đỉnh trong Kim Cương thừa

Đề cập đến con đường tu tập của Kim Cương thừa, chúng ta không thể không nhấn mạnh ý nghĩa quán đỉnh và các mục đích cũng như phương tiện của quán đỉnh qua ba loại quán đỉnh Thân Khẩu Ý.

Đầu tiên là quán đỉnh Thân. Với việc thụ nhận quán đỉnh Thân, bạn được Thượng sư cho phép thực hành quán tưởng và đồng thời được gieo chủng tử giác ngộ hay sự giới thiệu về Tính không của vạn pháp. Chúng ta dùng từ “giới thiệu” vì quán đỉnh ở đây giống như một hạt giống đưa bạn đến sự hiểu biết rốt ráo rằng không có gì tồn tại như chúng sẵn có. Và từ hạt giống đó, thực hành của bạn sẽ được nở rộ để dẫn tới sự hiểu biết toàn giác hay sự giác ngộ. 

Sau đó là quán đỉnh Khẩu. Quán đỉnh Khẩu không chỉ tịnh hóa những nghiệp bất tịnh của khẩu mà còn cho phép bạn trì tụng. Và khi trì tụng, bạn được “giới thiệu” đến Tính không của âm thanh để cởi bỏ thái độ bám chấp và định kiến với âm thanh, chẳng hạn như phản ứng trước những lời khen chê...

Khi nhận quán đỉnh về Ý, có thể nói bạn đang hòa nhập tâm Thượng sư vào tâm của mình, thông qua đó bạn sẽ hiểu ra rằng mọi xúc tình phiền não, mọi suy nghĩ cũng như mọi hành vi bất thiện đều không tồn tại giống như chúng đang thị hiện. Đó là bởi đặc tính của tâm có thể chứa được vô số xúc tình, do đó xúc tình quyết định trạng thái tâm, còn bản chất ban sơ của tâm không hề có bất cứ tính chất nào như vậy. Bản chất của tâm vốn thanh tịnh, trong sáng, bất nhị và hoàn hảo, song chúng ta không nhận ra bản chất đó vì những tập khí cố hữu và những quan niệm của chúng ta phản ánh thành sự ghen tỵ, sân giận hoặc xúc tình bên ngoài... Nói tóm lại, pháp quán đỉnh Tâm dẫn nhập bạn tiếp cận với bản chất thật của tâm. Sau khi thọ pháp, bạn đã được phép và được đón nhận sự gia trì để có thể thiền định về Tính không, về pháp Đại thủ ấn Mahamudra, hoặc an trụ trong tự tính tâm của mình.

Hai giai đoạn thực hành sau khi thụ nhận quán đỉnh

Sau khi đã đón nhận quán đỉnh, cũng có nghĩa là đón nhận sự gia trì, bạn đã được dẫn nhập vào pháp tu, và giờ bạn sẽ phải thực hành pháp tu để viên mãn các tâm nguyện giác ngộ. Trong Kim Cương thừa, các pháp thực hành tựu trung có thể chia thành hai giai đoạn: giai đoạn phát sinh và giai đoạn hoàn thiện. Hai giai đoạn này luôn tiếp nối nhau.

Giai đoạn đầu tiên là Phát sinh (hay Phát triển), trong tiếng Tạng hoặc thuật ngữ Phật giáo được gọi là “bskyed rim”, bao hàm cả quán tưởng (hình ảnh) và trì tụng chân ngôn (âm thanh). Đây là những phương tiện trưởng dưỡng các phẩm chất của tâm giác ngộ thuộc về phương diện tương đối của Kim Cương thừa để chuẩn bị cho các trải nghiệm vi tế hơn trong giai đoạn thứ hai.

Giai đoạn thứ hai, tiếng Tạng gọi là “dzog rim” là phương diện còn lại của Kim Cương thừa, tức là thiền. Sau khi đã khởi tạo thiền định về sắc tướng và phạm vi trí tuệ bản lai của vị Bản tôn thiền định trong giai đoạn phát sinh, trong giai đoạn Hoàn thiện, hành giả sử dụng các kỹ thuật nhằm kiểm soát các dòng khí bên trong các kinh mạch năng lượng của thân đã được chuyển hóa, đến giai đoạn này thì sẽ chẳng còn các pháp quán tưởng, trì tụng, chẳng còn gì ngoài việc trực tiếp soi chiếu bản chất tâm của chính bạn và an trụ trong tự tính tâm được hiển lộ.

(Trích ấn phẩm “Bản tôn – Chân ngôn – Trí tuệ”

Nhà xuất bản Tôn giáo, 2011)

Tham khảo thêm

Tầm quan trọng của Tam thừa Phật giáo theo dòng lịch sử


 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5753949
Số người trực tuyến: