Thế giới bên kia có thực sự hiện hữu? | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Thế giới bên kia có thực sự hiện hữu?

Đời người chúng ta không phải là nghiệp cảnh duy nhất. Phật giáo phân biệt sáu cõi hiện hữu: Trời, A tu la, người, súc sinh, ngã quỷ và địa ngục. Mỗi cõi là kết quả của một trong sáu cảm xúc tiêu cực chính yếu: Kiêu mạn, ganh tị, dục vọng, si mê, tham ái và sân giận.

Sáu cõi ấy có thực sự hiện hữu bên ngoài không? Chúng quả có thể hiện hữu vượt ngoài tầm nghiệp thấy của ta. Trong hiện tại, với nhận thức bất tịnh, chúng ta chỉ biết được vũ trụ này, một con vi trùng cũng thế, có thể thấy một ngón tay của ta như cả một phong cảnh. Chúng ta kiêu căng tới nỗi chỉ tin rằng “thấy là tin tưởng” (nghĩa là, có thấy mới tin.) Nhưng những giáo lý thâm sâu của Đức Phật thường nói đến vô lượng thế giới trong nhiều chiều không gian khác nhau - có thể có nhiều thế giới rất giống với thế giới chúng ta - và nhiều nhà thiên văn hiện đại đã có những giả thuyết về sự hiện hữu của những vũ trụ song hành với vũ trụ này. Làm sao ta có thể cả quyết cái gì hiện hữu hay không hiện hữu ở bên kia giới hạn tri kiến hẹp hòi của chúng ta?

Nhìn vào thế giới xung quanh ta, và vào tâm ta, ta có thể thấy quả thực có sáu cõi luân hồi. Chúng hiện hữu khi chúng ta vô tình để cho những cảm xúc tiêu cực phóng chiếu ra và kết tinh thành những hoàn cảnh sống (cõi, hay y báo), và để cho những cảm xúc ấy định đoạt mẫu mực, hình dạng, hương vị và toàn thể cuộc đời chúng ta trong những cõi ấy. Sáu cõi cũng hiện hữu trong tâm chúng ta dưới dạng những hạt giống và khuynh hướng tiêu cực luôn sẵn sàng nảy nầm và tăng trưởng, tùy theo ảnh hưởng bên ngoài và lối sống của chúng ta.

Bạn hãy nhìn xem một vài cõi như thế đã được phản chiếu và cô đọng lại trong thế giới quanh ta như thế nào. Đặc tính chính của cõi trời chẳng hạn, là vắng bóng khổ đau, một cõi có sắc đẹp bất biến và mải mê theo dục lạc. Hãy tưởng tượng những chúng sinh cõi trời cao ráo, tóc hung đang tản bộ trên bờ biển, trong những khu vườn ngập nắng, đang lắng nghe bất cứ bản nhạc nào họ ưa thích, hăng say học yoga thiền định, và tìm đủ cách để cải thiện chính mình, nhưng không bao giờ động não, không bao giờ xúc chạm một sự rắc rối nào, một hoàn cảnh đau khổ nào, không bao giờ ý thức đến tự tính bản lai của họ. Họ bị “gây mê” đến độ không bao giờ ý thức được tình huống khổ đau đích thực của mình.

Nếu một vài vùng ở Calttornia hay Úc châu hiện lên trong tâm ta như cõi thiên giới, thì bạn cũng có thể thấy cõi A tu la có lẽ diễn ra hàng ngày trong sự cạnh tranh đầy mưu mẹo ở vùng Phố Wall (Wall Street) hay trong những hành lang của Washington và Tòa Bạch ốc. Còn cõi ngã quỷ ở đâu? Nó hiện hữu ở bất cứ nơi nào mà con người, dù đã vô cùng giàu có, cũng không bao giờ thỏa mãn, muốn chiếm lấy công ty này, công ty nọ, hoặc tỏ lòng tham không đáy của họ tại các vụ án tòa. Hãy bật truyền hình lên bất cứ đài nào, bạn sẽ đi vào ngay thế giới của A tu la và quỷ đói.

Tính chất cuộc đời trong cõi chư thiên có vẻ như thư thái hơn thế giới chúng ta, nhưng các bậc thầy dạy rằng đời người là vô vàn quý báu hơn. Bởi con người chúng ta có sự tỉnh giác và thông minh, những nguyên liệu tạo thành giác ngộ. Và vì sự đau khổ lan khắp cõi người chính là bàn đạp để chúng ta làm cuộc chuyển hóa tâm linh. Sự đau đớn, buồn phiền, mất mát, và đủ thứ bất mãn vô tận ở trong cuộc đời, thực sự chỉ có một mục đích đáng kể duy nhất là: Đánh thức chúng ta tỉnh dậy, giúp ta hay gần như bắt buộc ta phải bứt ra khỏi chu kỳ sinh tử và nhờ thế khai mở ánh quang vinh đang bị vây hãm trong ta.

Mọi truyển thống tôn giáo đều nhấn mạnh rằng đời người là cơ hội duy nhất, và có một tiềm năng ghê gớm mà thường ta không ngờ tới. Nếu chúng ta để lỡ cơ hội mà phúc duyên nhiều đời mang lại, thì có thể một thời gian vô cùng tận nữa chúng ta mới có được cơ hội khác. Hãy tưởng tượng có một con rùa mù bơi trong đại dương bát ngát. Trên mặt biển có một cái bọng cây nhấp nhô theo sóng. Cứ một trăm năm con rùa mới ngoi lên mặt biển một lần. Được sinh làm người còn khó hơn là con rùa mù nổi lên trên mặt biển và may mắn chui được đầu vào chiếc bọng cây ấy. Và trong số những người được sinh làm người, thì những kẻ may mắn được gặp giáo pháp cũng rất hiếm; và những người thực sự để tâm đến giáo pháp và thực hành giáo pháp trong đời sống lại càng hiếm hoi, quả là “như sao mọc ban ngày”. 


 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5695792
Số người trực tuyến: