Hãy lắng nghe tiếng thì thầm trong đáy sâu tâm hồn | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Hãy lắng nghe tiếng thì thầm trong đáy sâu tâm hồn

Sau trận động đất lớn năm 1995 làm đường sá ở Kobe, Nhật Bản tan tành, những nhóm tình nguyện tiến hành công cuộc cứu trợ sinh mạng của người dân. Một ông già thoát chết trong đường tơ kẽ tóc, khóc nức nở vì quá vui mừng khi được cứu thoát, để rồi sau đó tự kết liễu cuộc đời mình trong tuyệt vọng. Ông không phải là người duy nhất sống sót sau cơn địa chấn lại quyết định tự tử. Khi chúng ta đâm đầu vào bức tường của bất hạnh và khốn khổ, câu hỏi “Tại sao lại sống” hiện ra đầy đe dọa.

Mỗi thành tựu nhỏ nhất của chúng ta đều có ý nghĩa khích lệ cuộc sống. Cả bạn và tôi hiểu rõ như vậy, thế nhưng chúng ta không thể nào ngăn được việc tự hỏi: “Liệu có ai trong chúng ta không nghe thấy tiếng thì thầm trong đáy sâu tâm hồn, rằng bạn sắp sửa chết, một ngày gần đây bạn sẽ chết” hay không. Những mối bận tâm ngắn hạn không thể chặn đứng nỗi âu lo cứ tăng trưởng: “Với cái chết lấp ló ở ngay khúc quanh đầu đường, tôi đang làm gì đây, đang dấn thân vào cái gì lúc này? Sẽ ra sao nếu tôi chết đi mà chưa bao giờ biết rõ ý nghĩa của cuộc đời. Một chiếc răng đau lúc đầu thỉnh thoảng gây ra những cảm giác buốt nhói, nếu không điều trị cuối cùng sẽ hóa thành cơn đau quằn quại. Khi nhìn thẳng vào tương lai đang chờ đợi chúng ta vượt khỏi mọi hồ nghi, chúng ta thấy mình đối diện với chủ đề lớn nhất của cuộc sống.

Nỗi lo âu trần trụi

Triết gia Paul Tillich (1886 – 1965) viết trong tác phẩm “Can đảm để hiện hữu” (The courage to be) rằng con người không thể kham nổi dù chỉ trong thoáng chốc “nỗi lo âu trần trụi” về cái chết. Một sự trạm chán thẳng thừng với cái chết là quá sức kinh hoàng, vậy nên chúng ta ra sức chiến đấu chống bệnh tật và những vấn đề của môi trường. Nỗi sợ chiến tranh, thiên tai, suy thoái kinh tế…. nói cho cùng đều xuất phát từ sự đe dọa của cái chết.

Mỗi người trong chúng ta đều bị cái chết đánh lừa. Dù có cố gắng đến đâu để đào thoát, chúng ta cũng chỉ có thể chạy nhanh hơn về hướng cái chết. Những gì ở bên kia bức tường im lìm của cái chết, chúng ta không thể nói được.

Có nỗi lo âu nào lớn hơn một tương lai bất định bởi vì chúng ta luôn chạy trong bóng tối, không có thứ gì bất chợt lượm lên dọc đường có thể mang lại cho chúng ta một sự an tâm. Đâu là nguồn mạch của nỗi đau khổ này? Trừ khi biết được nguyên nhân đích thực của nỗi khổ đau trong cuộc sống, chúng ta chẳng bao giờ có thể tìm ra lối thoát hoặc có được sự hài lòng đích thực. Mục đích tối hậu của đời sống là loại trừ cội rễ của mọi đau khổ và tìm được niềm vui bởi “Tôi vui vì được sinh ra làm người”.

Đối đầu với cái chết không có nghĩa là để thời gian trôi đi một cách vô ích vào sự u mê. Nó phải là bước đi đầu tiên hướng về những hành động khiến mỗi khoảnh khắc của đời sống bừng sáng ánh mặt trời.

Mục đích tối hậu của đời sống

Một khi đã nắm vững mục đích của đời sống, chúng ta có được năng lực để phân biệt hạnh phúc tuyệt đối với thứ hạnh tương đối, tạm bợ, dần mòn mỏi và phai lạt. Đại sư Thân Loan (Shinran) trong tác phẩm “Giáo, Hành, Tín, Chứng” (Teaching, Practice, Faith, Enlightenment) dạy rằng, việc không phân biệt được điều gì là chân chính, điều gì là giả tạo sẽ khiến con người ta đánh mất bảo báu vĩ đại là lòng từ bi của Đức Phật A Di Đà. Điều này cũng có nghĩa là chúng ta đang đánh mất niềm vui sống.


(Ảnh: Michael Bittick)

Một khi biết được mục đích tối hậu của đời sống, mọi khổ đau sẽ được đền bù. Mỗi giọt lệ đổ ra đều biến thành châu báu. Hạnh phúc tuyệt đối trường cửu đang chờ đợi chúng ta là gì? Xin mời Quý vị đón đọc trong các bài tiếp theo….

(Trích ấn phẩm “Điều gì khiến chúng ta hiện hữu trên đời”

Nguyên tác: “The real purpose of life”

Tác giả: Kentetsu Takamori, Daiji Akehashi, Kentaro Ito

Việt dịch: Nguyễn Tiến Văn

NXB Hồng Đức, 2015)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5771897
Số người trực tuyến: