Hãy nắm lấy cơ hội sống với Pháp trong từng phút giây thực tại | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Hãy nắm lấy cơ hội sống với Pháp trong từng phút giây thực tại

Trong “Pháp Bảo Đàn kinh”, bài kệ tụng phần sau của phẩm Bát nhã có nói: "Phật pháp tại thế gian, không ngoài thế gian mà giác ngộ. Nếu lìa thế gian để tìm cầu giác ngộ, không khác nào người đi tìm lông rùa sừng thỏ, vì đó là việc không bao giờ có". Một ngày đến có hàng ngàn bài pháp, nếu bạn chính niệm tỉnh giác để quán niệm, những bài pháp ấy sẽ thấm dần để tâm bạn thực sự sống với Pháp.

Mỗi hơi thở, mỗi suy nghĩ, mỗi cảnh thấy là một bài pháp

Mỗi ngày bạn hãy cố gắng hít thở để trân quý kiếp người mình đang có. Đa phần chúng ta thở một cách vô ý thức, vì vậy, mỗi sáng thức dậy, chỉ cần hít thở 3 hơi, ngay trong lúc đó bạn ý thức được mình đang làm người. Hay khi chợt thấy một cánh cò, một con chó đi ngang đường, một đàn kiến, chúng ta nhận ngay ra rằng thân người khó được, nên phải sử dụng thân người như thế nào không chỉ lợi ích cho mình mà cho tất cả chúng sinh? Khi nhìn thấy một bông hoa tàn, bạn sẽ ý thức về kiếp sống mong manh. Nhìn thấy mặt trời lặn, là đã hết một ngày, nước chảy, lá rơi, một làn gió thổi khiến một đợt lá rừng rơi xuống đều là bài pháp về vô thường. Hôm nay bạn khỏe, bỗng dưng tối đau bụng hay gãy chân phải đi cấp cứu, hãy nhớ ra sự vô thường. Không có Pháp, chúng ta có thể sẽ đau khổ về việc đi cấp cứu rồi quanh quẩn trong những ý nghĩ cho rằng mình năm nay hạn nặng quá, vậy mà chưa kịp cúng sao giải hạn gì. Quy luật về thân người là vô thường, làm sao bạn có thể nào trẻ đẹp, khỏe mạnh mãi được. Sinh ra là có già đi, rồi đau ốm, và dù có thể là chết đi nữa thì tất cả cũng chỉ là bài pháp về vô thường.

Trong cuộc sống, những thịnh suy vinh nhục, buồn vui yêu ghét và những bệnh hoạn đau ốm của thân thể đều là những bài pháp thiết thực giúp cho chúng ta tăng trưởng hay là tiến bộ trên con đường tu tập của mình. Ví dụ, khi vô tình có một cú sốc về công việc, hay ví thử có một người nào đó làm hại bạn trong công việc, thì đây chính là một bài pháp về quy luật về nghiệp. Nếu bạn xem người ấy là kẻ thù của mình, bạn nguyền rủa, tìm mọi cách trả thù v.v…, bạn lại kết thêm cái duyên với người đó và nhiều đời sau nữa sẽ phải gặp nhau để vay trả tiếp. Ngược lại, quán chiếu rằng đó là do mình đã gieo nhân trong quá khứ để đến bây giờ chịu quả báo như vậy, bạn sẽ phát khởi được tâm Bồ đề đối với người đã hại mình. Bởi chắc chắn kiếp trước mình đã làm hại người đó như thế, bây giờ thọ nhận quả báo như vậy là trả xong một nghiệp, hãy nói lời tri ân và xin gặp lại nhau với tình nghĩa là thiện hữu từ bi, Bồ đề quyến thuộc.  

Giáo pháp Đức Phật không xa rời thực tế cuộc sống

Nếu bạn có học thuộc hết tam tạng kinh điển nhưng không áp dụng vào giáo pháp vào cuộc sống, bạn sẽ không bao giờ có thế đạt được dù một chút tiến bộ trên con đường Đạo. Giáo pháp của Đức Phật rất thiết thực, không mơ hồ, không xa rời thực tế, mà luôn gắn liền thân, tâm, cảnh của chúng ta, với cuộc sống hiện tại. Đó là lý do tại sao giáo pháp của Ngài có thể giúp chúng ta chấm dứt khổ đau. Nếu nhìn nhận được như vậy, chúng ta sẽ thấy đời sống của mình có ý nghĩa và vô cùng nhiệm màu. Không ngày nào trôi qua lại giống ngày nào cả, bởi mỗi ngày chúng ta gặp hàng ngàn bài pháp, và mỗi bài pháp là một sự mới lạ, mỗi bài pháp là cơ hội để chúng ta dùng trí tuệ quán chiếu vượt lên những khó khăn, bất hạnh, khổ đau. Mỗi ngày sẽ tràn đầy niềm vui bởi chúng ta đã sống vì Đạo. Tu tập tức là sống Đạo. Mà sống Đạo là sống được với Pháp. Khi Đức Phật thuyết bài pháp về khổ, rất nhiều người hiểu lầm nên cố gắng dùng ngôn ngữ văn vẻ để trình bày nỗi khổ của cuộc đời càng bi đát bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Nhưng Đức Phật dạy về khổ không phải với mục đích khiến chúng ta bi lụy, chán đời hay có cái nhìn tiêu cực về cuộc sống, trái lại bài pháp về khổ giúp chúng ta trực diện với khổ đau để chấm dứt khổ đau. Mục đích của bài quán niệm về khổ đau luân hồi là để phát Bồ đề tâm, biết thương yêu cảm thông với chúng sinh đang đau khổ và khởi tâm đừng bám chấp vào cảnh giới mà chúng ta đang sống. Trực diện với nỗi khổ và đoạn diệt khổ không phải là xua đuổi, chạy trốn mà quán chiếu xem nguyên nhân của khổ là gì, để tận diệt cái nhân ấy.

Khi bạn đang ở đỉnh cao của danh vọng và vô thường đến khiến mọi thứ sụp đổ, bạn sẽ cảm thấy vô cùng đau khổ. Nếu đưa bài pháp về khổ vào hoàn cảnh này, bạn sẽ không vùi mình vào việc kêu than, oán thán, mà lùi lại xem nỗi khổ này từ đâu mà có. Đó chính là từ lòng “tham”, bạn thích danh vọng có nghĩa là bạn tham ngã, ái ngã. Như vậy nguyên nhân khổ không phải là việc bạn bị rơi xuống từ đỉnh cao danh vọng mà chính là do tham. Nếu ai đó bảo bạn thay đổi thế giới thì đó là một việc khó nhưng nếu dần dần chuyển hoá cái tham trong lòng mình thì bạn hoàn toàn có thể làm được.

Bởi vậy, Đức Phật không dạy chúng ta phải thỉnh cầu sự giác ngộ ở đâu xa mà hãy quay lại áp dụng ngay trong chính thân -  tâm - cảnh, hay chính trong đời sống của mỗi người.

 

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5755979
Số người trực tuyến: