Hiểu biết đúng đắn về pháp tu Trì Tháp Chân ngôn | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Hiểu biết đúng đắn về pháp tu Trì Tháp Chân ngôn

Hàng chục nghìn người trên mọi miền đất nước cùng tham gia Pháp Hội Đại Bi Quan Âm Cầu nguyện Quốc thái dân an 2016. Với tri kiến đúng đắn về việc thực hành, chắc chắn chúng ta sẽ tích lũy vô số công đức, khai mở được trí tuệ, thành tựu được các tâm nguyện thế gian, tịnh trừ chướng ngại của bản thân và tất cả chúng sinh hữu tình.
 

Cộng nghiệp và biệt nghiệp

Pháp Hội Đại Bi Quan Âm là pháp thực hành dùng sức mạnh cộng lực của rất nhiều người cùng tham gia trì tụng, thiền định về Bản Tôn Quan Âm, giúp họ trưởng dưỡng lòng từ bi và tình yêu thương để cộng nghiệp tạo thành công đức vô song.


Hàng ngàn Phật tử phát nguyện Trì Tháp tại Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên


Nếu bạn thực hành trì tụng chân ngôn Quan Âm một mình, kết quả sẽ rất hạn chế, rất lâu mới có thể viên mãn tâm nguyện, tịnh trừ chướng ngại, giống như giọt nước nhỏ trên xa mạc, rơi xuống lại cạn kiệt. Bởi vì thiện nghiệp mỏng manh, quả báo ác nghiệp từ nhiều đời lại sâu dầy. Nghiệp chính là hành động tích lũy của thân, khẩu, ý.
  • Chúng ta đều tin rằng nghiệp có thật và chắc chắn.
  • Chúng ta gieo nhân nào thì sẽ có quả đó, làm thiện thì hưởng quả thiện, làm ác thì bị trải nghiệm khổ đau.
  • Nghiệp chắc chắn sẽ tăng trưởng và không bao giờ mất.

Lúc này đây chúng ta không biết nghiệp quả gì đang chín muồi và tương lai sẽ thế nào. Cho nên với nghiệp tiêu cực chúng ta đã tích lũy từ vô thủy kiếp, phương pháp tịnh hóa hữu hiệu nhất là tu tập cộng đồng với tâm chí thành và động cơ thanh tịnh để công đức tích lũy tăng trưởng theo cấp số nhân ngang bằng tỷ biến trì tụng chân ngôn. Tuy chúng ta chỉ trì một tràng, một bảo tháp nhưng sẽ đem lại lợi ích rất lớn ngay một lúc, để cầu nguyện hòa bình, quốc thái dân an không chỉ cho đất nước Việt Nam mà cho toàn thế giới, rộng ra là tất cả hữu tình chúng sinh. Và tất nhiên trăm dòng sông cùng chảy về một biển, chắc chắn bạn đang cùng hòa vào giọt nước của đại dương công đức, tâm nguyện của chính bạn sẽ được viên mãn.
 

Tại sao khóa tu Pháp hội Đại Bi Quan Âm lại quan trọng?

Phần thực hành đóng vai trò quyết định sự chuyển hóa nghiệp của chúng ta. Để khóa tu thành tựu, chúng ta phải chuẩn bị thân tâm sẵn sàng. Mục đích chính của Đạo Phật là để mỗi người có thể trưởng dưỡng, khai mở phẩm chất tốt đẹp như lòng từ bi, bác ái, tình yêu thương, trí tuệ giác ngộ ngay trong tâm mình.

  • Chỉ khi chúng ta trưởng dưỡng phẩm hạnh giác ngộ trí tuệ và tình yêu thương thì thế giới mới có thể an bình, hạnh phúc.
  • Nếu thân tâm lúc này còn đầy nghiệp chướng nhiễm ô, tham, sân, si thì bất kể chúng ta cầu nguyện thế nào, thực hành ra sao vẫn không chuyển hóa nghiệp được.

Chính vì vậy Đức Phật Thích Ca đã thuyết giảng vô số cách thức, phương pháp để phù hợp với các căn cơ khác nhau, nhưng cùng với một mục đích đạt được giải thoát giác ngộ.
 

Tinh yếu của Phật giáo, toàn bộ con đường thực hành của Tam thừa Phật giáo chỉ nằm gọn trong ba câu:

Đừng làm các việc ác

Hãy làm các việc lành

Rèn luyện tâm ý mình.

 

Đừng làm các việc ác là cấp độ thứ nhất
Cấp độ đầu tiên là thực hành để liễu ngộ về nguyên nhân của đau khổ. Trên thực tế, khổ đau xuất phát từ chỗ chúng ta luôn hiểu lầm.

  • Chúng ta lầm tưởng tất cả những gì mình đang thấy trong cuộc đời này là chắc thật thường còn.
  • Chúng ta lầm tưởng rằng cảm xúc cũng thường còn. Ví dụ như những cảm xúc về mối quan hệ thế gian nay thăng mai trầm rồi lại đứt đoạn.

Chúng ta không nhận thức được tất cả những điều này bởi lúc nào ta cũng sống trong các mối lo lắng về cuộc sống. Ngay cả tình cảm gần gũi nhất như tình cảm vợ chồng cũng vô thường bởi vì mối liên hệ ấy dựa trên cảm xúc luôn thay đổi khi vui, khi buồn. Cuộc sống gia đình đôi khi như thiên đường nhưng nhiều khi lại như địa ngục.

Thực ra ngay cả cuộc sống của chúng ta cũng chỉ là những mối nhân duyên ràng buộc khác nhau mà chúng ta không nhận ra. Chúng ta đứng trên mặt đất tưởng bình an, biết đâu đang có bao nhiêu sự chuyển động như là núi lửa, động đất, thiên tai, bão lụt. Bởi vậy, cuộc sống trong luân hồi chỉ là sự chuyển biến thay đổi, và kết thúc chỉ bằng Khổ đau.
 

Nền tảng đầu tiên chúng ta cần phải hiểu là những gì đang diễn ra ở nơi tâm của mình, sự biến dịch thay đổi của tâm mình như thế nào, thân của mình từng sát na thay đổi như thế nào. Từ lúc chúng ta sinh ra mọi thứ đã vô thường, chỉ chắc chắn một điều rằng đích cuối cùng là cái chết, đến thời điểm đó chúng ta phải bỏ lại đằng sau tất cả và chỉ có nghiệp đi theo. Khi chiêm nghiệm sự vô thường của thân tâm rồi, chúng ta nhìn ra cảnh sống của chúng ta có thực sự trường tồn, bền vững như mong ước hay không. Như vậy, chân lý đầu tiên cần phải nhận thức về thế gian là khổ.

Đức Phật không dạy điều gì khác ngoài việc nói lại những gì đang diễn ra xung quanh chúng ta. Khi hiểu được cuộc sống là khổ thì chúng ta sẽ thoát ly được những điều trước nay chúng ta trăn trở. Nguyên nhân của đau khổ chính là những phiền não, cảm xúc tham, sân, si. Trong Bảng Luân hồi đã miêu tả rõ trung tâm của vòng luân hồi là một trục có ba con vật - con rắn, con gà, con lợn - để nêu biểu những cảm xúc của chúng ta, những cảm xúc không hình không tướng nhưng vận chuyển toàn bộ sự khổ đau luân hồi. Cảm xúc tạo ra nghiệp thiện ác. Từ nghiệp thiện ác chúng ta phải trầm chìm trong luân hồi. Nay làm thân người, mai làm thân vật, một ngày khác chúng ta lại xuống Địa ngục, lúc khác lại lên Thiên giới - cứ trôi mãi không dừng. Và nếu hiểu được như vậy chắc chắn rằng chúng ta thấy thúc bách cần tìm ra con đường thoát khổ. Đấy là lý do tại sao Đức Phật phải thuyết giảng, giải thích rằng chúng ta có quyền tự do, hạnh phúc, trí tuệ.

Vòng Hoặc (mê lầm) hay còn gọi là vòng Phiền não trong Bảng Luân hồi

Chúng ta phải tìm hạnh phúc bên trong mình, không phải tìm bên ngoài. Cả cuộc đời chúng ta phấn đấu vì mục đích hạnh phúc mà không biết rằng hạnh phúc đơn giản chỉ là sự hài lòng trong môi trường, hoàn cảnh, số phận của chính mình. Chúng ta hiểu được tâm mình là nơi giải thoát, giác ngộ, là nơi chân hạnh phúc, tình yêu thương thực sự tồn tại. Đây chính là bốn chân lý Đức Phật dạy, chúng ta gọi là Tứ Diệu Đế.
 

Khi hiểu được nguyên nhân đau khổ rồi, việc kế tiếp chúng ta phải trưởng dưỡng được những phẩm chất giác ngộ, đó là tình yêu thương, lòng từ bi, trí tuệ, gọi một cách khác chính xác là Bồ đề tâm. Để trưởng dưỡng được các phẩm chất này, chúng ta thực hành Sáu Ba La Mật của các Bồ tát. Con đường thực hành của các Bồ tát không là gì khác ngoài việc trải rộng những phẩm chất của tình yêu thương, từ bi, trí tuệ không chỉ cho bản thân mà cho tất cả chúng sinh.

Cấp độ thứ hai là tìm ra con đường chân hạnh phúc ngay tại thế gian cho bản thân mình và tất cả chúng sinh, làm tất cả những gì có thể làm được vì chúng sinh và vì mục đích giác ngộ của chúng sinh.
 

Cấp độ thứ ba là cấp độ rèn luyện tâm linh.

Dựa vào con đường xả ly của Nguyên thủy Phật giáo và trưởng dưỡng tình yêu thương, lòng bi mẫn của Đại Thừa Phật giáo cùng tất cả các phương tiện thiện xảo tu tập để tịnh trừ tất cả những chướng ngại, bạn có thể thành tựu được chân hạnh phúc giải thoát giác ngộ ngay trong hiện đời. Đó là con đường của Phật giáo Kim Cương Thừa.

Trong Kim Cương Thừa cũng có rất nhiều phương pháp khác nhau như trì tụng chân ngôn, pháp tu các vị Phật Bản tôn và thực hành các nghi quỹ. Lần này trong phương pháp thực hành là trì Tháp chân ngôn, chúng ta xây dựng Bảo tháp bằng tâm linh, bằng tâm trí tuệ giác ngộ.
 

Trong Mật điển có dạy rằng những ai có tâm nguyện thế gian như cầu nguyện cho sự trường thọ, phúc đức, thông minh, cầu nguyện cho tiền tài, công danh, sự nghiệp, tịnh trừ các chướng ngại thì hãy đến những nơi thanh tịnh như núi non, tịnh cốc hay đến những bờ biển, hang động họa hình Bảo tháp và trì tụng, cầu nguyện cho đến khi thành tựu. Nếu không thể đến được những nơi hang động, thâm sơn cô tịch, núi rừng thì ngay nơi mật thất, ngay nơi đạo tràng nhà mình chọn chỗ thanh tịnh họa vẽ hình bảo tháp, đánh dấu từng tràng vào các nốt điểm tròn của Bảo tháp, trì tụng từng tháp một, cầu nguyện và tu tập cho đến khi thành tựu tâm nguyện.


Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa giảng về phương pháp thực hành trì chân ngôn họa hình Bảo tháp tại Pháp hội Tỷ biến chân ngôn, Việt Nam, 2015

 

Đức Quan Thế Âm có phát nguyện rằng nếu ai tụng Chú Đại Bi mà không thành tựu tất cả tâm nguyện thế gian và xuất thế gian thì nguyện rằng pháp tu của Ngài không gọi là pháp Đại Bi Tâm Đà La Ni nữa. Chính vì vậy để thành tựu pháp, chúng ta cần có một tri kiến đúng đắn:

o  Tri kiến giống như là người đi cần mắt, bước chân của chúng ta là sự thực hành, nếu không có mắt tức là chúng ta không hiểu gì về thực hành. Chắc chắn là chúng ta sẽ sa hầm, sụt hố và lạc đạo, tu sai lầm, mắc những chướng ngại không thể sửa chữa.

o  Còn nếu chúng ta đã hiểu biết thông suốt, tức là chúng ta có trí tuệ song hành với việc thực hành thì mỗi bước chúng ta đi chắc chắn tích lũy vô số công đức, khai mở được trí tuệ, thành tựu được tất cả tâm nguyện thế gian, tịnh trừ được tất cả chướng ngại của bản thân và mọi người.

Tham khảo thêm:

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5696114
Số người trực tuyến: