Kinh Tứ Diệu Đế | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Kinh Tứ Diệu Đế

 

KINH TỨ DIỆU ĐẾ 

Thuở xưa kia nơi Bồ đề cội,

Đức Thích Tôn tỏ hội Đạo màu, 

Nơi vườn Lộc Uyển lần đầu,

Chuyển pháp Tứ Đế, vớt cầu thế nhân.

-

Tứ Diệu Đế đã rành phân,

Khổ, Tập, Diệt, Đạo, bốn phần thuyết ra.

Khổ là đau đớn phiền ma,

Mười một thứ khổ kể ra đã tường.

Đế là tất cả tai ương,

Loài nào cũng bị vấn vương khổ này.

Tập là chưa xử không hay,

Sáu thứ nhân khổ đọa đày chúng sinh.

Đế là vạn loài hàm linh,

Loài nào cũng có phát sinh khổ nguồn.

Diệt là dứt lặng đau buồn,

Chứng bốn quả Thánh được muôn phúc lành.

Đế là tất cả chúng sanh,

Diệt được phiền não sẵn dành Thánh ngôi.

Đạo là nẻo thoát luân hồi,

Ba mươi bảy phẩm phục tồi quân ma.

Đế là khắp cả Ta bà,

Muốn vào Thánh quả tu qua đạo này.

Bây giờ đây giảng bày rộng rãi,

Mười một điều Khổ hãi phân rành.

-

Khổ thứ Nhất đó là sanh,

Ở trong bụng mẹ hôi tanh đủ mùi,

Chung quanh bao bọc đen thui,

Cũng như tù ngục lấp vùi tối tăm.

Khi mẹ đi đứng ngồi nằm,

Phải chịu điên đảo mấy trăm ngày dài.

Khi mẹ đói cũng khổ thay,

Dường như lõng thõng treo đài tội nhân.

Mẹ no cũng khổ vô ngần,

Bốn bên ép chặt tấm thân tù đày.

Khi sinh khổ cũng gớm thay,

Bị đau, bị rát, đắng cay cuộc đời,

Cất la ít tiếng chào đời,

Sinh ra từ đó đón người khổ thêm.

Đêm từng đêm, dần dần khôn lớn ,

Ngày qua ngày, tuổi trở về già.

-

Thứ hai Lão khổ đó là,

Chân tay run rẩy, nhăn già, gối rụng,

Tuổi xuân đã đến ngày cùng,

Răng rụng, má hóp, hình dung phai tàn,

Lưng còng, tai lãng, mắt lòa, 

Đi đứng quờ quạng, trăm đàng khổ ghê.

Tuổi già như bị đời chê,

Chúng sanh nào cũng rút về cho thân.

-

Khổ thứ Ba là phần Bệnh khổ,

Thân chúng sanh là ổ đau thương.

Kể ra các bệnh thông thường,

Từ những bệnh đó suy lường thêm ra.

Nhất xơ xác bệnh ngoài da,

Ghẻ nhọt lở lói cũng là đớn đau.

Bệnh do tam độc nhiễm vào,

Ngũ tạng, lục phủ đớn đau vô cùng.

Bệnh do các tà nghiệp hành hung,

Bệnh cho đến lúc lâm chung mới dừng.

Bệnh bệnh tiếp nối không ngừng,

Trong biển bệnh khổ trầm luân hoài hoài.

Bệnh phế bại cũng khổ thay,

Như người đã chết lâu ngày chưa chôn.

-

Phần bệnh khổ kinh hồn như thế,

Khổ thứ Tư còn dễ sợ hơn.

Tử khổ đau đớn từng cơn,

Khi chết gần đến lên cơn sốt liền,

Nóng như lửa đốt liên miên,

Từ địa ngục đến cõi thiên mới dừng,

Cơn lạnh rét lại không ngừng,

Từ địa ngục đến nửa lừng cõi thiên.

Chúng sanh tâm trí đảo điên,

Bất ngờ cơn bão triền miên kéo về,

Nổi lên giông tố gớm ghê,

Chúng sanh thần trí hôn mê lìa đời.

Tử thần đã lẹ tay mời,

Hồn theo nghiệp chướng chuyển dời thân sau.

-

Oán tằng hội khác nào dao chích,

Khổ thứ Năm giải thích như sau.

Ghét nhau rồi lại gặp nhau,

Lòng sân nổi dậy khác nào lò thiêu.

Ghét ganh, hờn giận trăm điều,

Tự mình chuốc lấy, khổ nhiều mà thôi.

Ngày sau sẽ bị quỷ lôi,

Lôi vào địa ngục đứng ngồi không yên.

Chi bằng ta dứt thù riêng,

Oán tằng hội khổ không phiền đến ta.

-

Ái biệt ly khổ là thứ Sáu,

Những khổ đau rốt ráo như sau.

Ái là thương mến cùng nhau,

Là dây duyên nợ trói nhau không rời.

Một khi nghịch cảnh đến nơi,

Mảnh tình buông ngỏ tách rời với nhau.

Đau lòng bèn hỏi trời cao,

Sao sinh nỡ để khổ đau thế này,

Hay là trời muốn đọa đày,

Không không đâu hả, nghiệp dày của ngươi.

Khổ này là tại lòng người,

Những lời Phật dạy biếng lười chẳng xem.

Đến chừng bệnh hoạn lem nhem,

Mắt nhìn cảnh vật mà xem như lòa.

Đó là triệu chứng về già,

Tử thần đã sắp sửa ra tay mời.

Sinh ra sống ở trần đời,

Đến khi già bệnh thì rời thế gian,

Sinh ly, tử biệt đôi đàng,

Người đi có biết an nhàn hay không.

Đi về cực lạc tiên bồng,

Hay vào địa ngục cột đồng dầu sôi.

Còn người ở lại than ôi,

Sầu bi, khổ não, lệ rơi dầm dề,

Đau buồn chan chứa ê hề,

Khóc than kể lể trăm bề thảm thương.

Âm dương cách biệt đôi đường,

Người đi, kẻ ở biết nhường nào nguôi.

Khổ này định luật khiến xui,

Khuyên người hiểu rõ bùi ngùi mà chi.

Buồn đau, khổ não, sầu bi.

Tâm trì danh Phật không đi cho rồi.

Cầu cho đừng luống luân hồi,

Cầu cho người chết được ngồi tòa sen.

-

Mưu bất đắc cũng bèn giảng nữa,

Thứ Bảy này khổ chữa khó lành,

Mưu cầu quyền quý, vọng danh,

Mưu dựa thế lực, đua tranh lợi mình.

Lại mưu thêm chuyện ái tình,

Mưu cho 3, 4 nhân tình chưa thôi.

Mưu cầu lợi chất như rồi,

Mưu mô lắm chuyện bại đồi không ngơi.

Túi tham to lắm ai ơi, 

Mưu cho đầy túi ngàn đời vẫn Không người. 

Khuyên người nên chớ long đong, 

Danh lợi, tình khổ, dẹp không cho rồi

Ngày sau dễ đứng, dễ ngồi,

Mưu bất đắc khổ lần hồi tiêu tan.

-

Khổ thứ Tám cũng đang giảng tiếp, 

Ai muốn tu phải kíp tìm ngay. 

Ngũ ấm xí thịnh khổ này, 

Là năm món đậy che dày tâm ta,

Khiến ta chịu khổ Ta Bà, 

Chịu nhiều điên đảo phiền ba luân trầm.

Tu thì phải quyết chí tầm, 

Xét xem cho rõ nó nằm nơi nao.

Một là Sắc tướng, dáng màu,

Sắc che lấp tính sáng làu của ta.

Hai là Thọ lãnh trầm kha,

Thọ vui, thọ khổ, cũng là thọ không.

Ba là Tưởng tượng long đong,

Suy tưởng xằng bậy, mênh mông hão huyền.

Bốn là Hành vận lưu truyền,

Như con ý mã bứt kiềng không cương.

Năm là Thức ấm so lường,

Phân biệt rồi ghét hoặc thương ngay kề.

Chúng sanh nên giác trái mê,

Ngũ ấm xí thịnh chẳng hề lo chi.

Tu hành phải quyết tầm tri,

Tầm tri cho rõ tránh đi nẻo tà.

Ngũ ấm là năm thứ ma,

Mỗi thứ lại biến hoá ra mười loài,

Cộng lại là năm mươi loài,

Nó hay biến hiện, phá hoại người tu.

Người tu cố gắng công phu,

Phát huy nghị lực diệt trừ ma này.

Ma này dẹp sạch hết bầy,

Thì nơi Cực Lạc sum vầy yên vui.

-

Khổ thứ chín vẫn xuôi kể tiếp,

Hành khổ là chuyển nhiếp tử sinh.

Hành là sinh tử, diệt sinh,

Chuyển lưu sinh diệt, diệt sinh lưu hoài.

Lưu diệt sinh chuyển lăn hoài,

Chuyển lưu mãi mãi không ngày nào thôi.

Hành này là khổ luân hồi,

Nếu ta dứt được thì ngồi toà sen.

Muốn dứt phải đốt tâm đèn,

Công phu gìn giữ tâm đèn chẳng lu. 

Ngày kia quét sạch mây mù,

Chuyển thân tu niệm công phu tròn đầy.

-

Khổ thứ mười đấy là Hoại khổ,

Cũng đem ra xẻ mổ rành phân.

Hoại là hư nét sắc thân,

Cũng như khi chết dần dần rã thây.

Hoại là hư mất hình hài,

Như nay là núi, ngày mai đất bằng.

Hoại là tan tác sông Hằng,

Ngày nay ốm béo, mai rằng hôi ê.

Chúng sinh say đắm si mê,

Chìm trong hoại khổ, nhiều bề đắng cay.

Khuyên người chớ quá đắm say,

Nhất tâm niệm Phật thoát ngay Khổ này.

-

Thứ mười một đây ra là cuối,

Khổ khổ như nguồn suối tuôn kia.

Khổ này chồng lên khổ kia,

Muôn ngàn sự khổ vắt chìa với nhau.

Khổ kia rước khổ nọ vào,

Khổ này, khổ nọ, ào ào khổ tuôn.

Phật dạy vạn pháp trở về Không,

Ôm ấp sầu đau ấy kẻ ngông.

Nghĩ suy cho kỹ, vô thường đó,

Phiền não nơi lòng vốn lại Không. 

-

Vừa qua đã giảng xong Khổ đế,

Tiếp theo là Tập đế thuyết ra.

Đây là nhân Khổ trong ta,

Sáu món này sẽ giải ra từ từ.

Tập là chứa nhóm thói hư,

Phát sinh khổ não không từ một ai.

Đế là chắc chắn không sai,

Ai ai cũng có chẳng sai, chẳng lầm.

Phật dạy ta phải ráng tầm,

Nguyên nhân sự Khổ nó nằm nơi ta.

Nó là sáu món phiền ma,

Tham, sân, si, mạn, nghi và ác tâm.

Giảng ra cho chúng sanh tầm,

Nghĩ suy, tìm hiểu, không lầm mà tu.

Một là Tham muốn lu bu,

Chạy theo danh lợi quáng mù lương tâm.

Hai là Sân hận, oán tâm,

Đốt rừng công đức nhân tâm nơi người.

Ba là Si ngốc, biếng lười,

Ăn no, ngủ kỹ dễ ngơi tu trì.

Bốn là Kiêu mạn, khinh khi,

Tự tôn, tự đại, tự ti, thấp toàn.

Năm là Nghi chẳng rõ ràng,

Những điều tệ hại ngỡ ngàng trao tâm.

Sáu là Ác kiến, ác tâm,

Ác này lại tách làm năm ác điều.

Thân kiến đa số biếng nhiều,

Chấp thân là thật nên chiều theo thân.

Biên kiến là thấy nửa phần,

Lòng không bình đẳng chỉ phân lợi mình.

Tà kiến chạy theo ngoại hình,

Chạy theo ngoại đạo điêu linh hao tài.

Giới cấm thủ kiến rất sai,

Chấp rằng những luật cấm này mới lanh.

Kiến thủ kiến ý không bền,

Bảo thủ khuyên giải bênh mình mà thôi.

Sáu món phiền não kể rồi,

Tu rồi thử ráng nằm, ngồi, nghĩ suy.

Chú tâm suy nghĩ tầm tri,

Gắng công tu niệm, dứt đi khổ nguồn.

Ngày sau được thảnh thơi luôn,

Vô vàn phiền não hoá muôn điềm lành.

-

Tập đế đã giảng rành rồi đó,

Diệt đế đây cũng tỏ sơ qua.

Diệt là dứt lặng phiền ma, 

Chứng vào Thánh quả gọi là Thánh nhân.

Đế là vạn loại công thân,

Diệt sạch phiền khổ có phần Phật khuyên.

Chúng sanh nào dứt ưu phiền,

Thì bốn quả Thánh chứng liền không sai.

Dưới đây giải thích lai rai,

Tướng bốn quả Thánh hiểu ngay thực hành.

Quả Thanh Văn chứng vô sanh,

Diệt môn phiền não, phúc lành hữu dư,

Kiến tư hoặc, ngã chấp trừ,

Tình, tiền, danh lợi coi như không màng.

Quả Thánh Duyên Giác rõ ràng,

Xem tất cả sự do ngàn duyên sinh,

Dứt trừ căn bổn vô minh,

Thoát vòng tục luỵ, kiếp tinh phù trầm.

Quả Thánh Bồ tát Ngộ Tâm,

Từ trong ngã pháp chấp lầm làm nhân,

Chứng được đủ tứ Pháp thân,

Tự giác, tha giác, độ dần không ly.

Quả Phật đắc chánh biến chi,

Trừ xong tất cả mê si thánh phàm,

Tự giác, tha giác đã kham,

Viên mãn, viên giác cũng làm đã xong.

Chư Phật cũng đã hằng mong,

Tất cả sinh chúng thoát vòng đau thương.

-

Diệt đế đã tỏ tường ra giảng giải,

Đạo đế phần cũng phải tư lương.

Đạo là chân lý nẻo đường,

Độ thoát tất cả tai ương luân trầm.

Đế là chắc thật không lầm,

Tu theo Đạo đế luân trầm mất tiêu.

Chúng sanh vướng khổ đã nhiều,

Cũng nên tu tập ít điều thiện căn.

Tu theo chân lý công bằng,

Trong phần Đạo đế, Phật hằng dạy khuyên.

Ba mươi bảy phẩm trợ duyên,

Trợ người tu niệm thoát phiền khổ ba.

Giờ đây giảng giải sơ qua,

Những ai muốn thoát Ta Bà lắng nghe.

-

Tứ niệm xứ như bè giáo lý,

Đưa chúng sanh vượt biển mê si.

Đây là bốn món nhớ ghi,

Gắng trông trì niệm có khi thanh nhàn.

Dưới đây giảng giải rõ ràng,

Bốn pháp quán niệm phục hàng thức tâm.

Niệm thứ nhất quán Thân bất tịnh,

Quán chất dơ cửu khướu rịn ra.

Thân do tứ đại hiệp hoà,

Chẳng trong, chẳng sạch, toàn là uế dơ.

Niệm thứ hai sơ sơ tiếp kể,

Tâm vô thường như thể mưa rơi,

Tâm nay lưu chuyển đổi dời,

Khi thương, khi ghét, khi thời xót xa.

Niệm thứ ba quán là Vô ngã,

Sự thật gì cũng giả mà thôi,

Hiệp công là sắp hoại rồi,

Không chi là Ngã có hồi rã tan.

Niệm thứ tư rõ ràng tiếp kể,

Quán Thọ là khổ bể trùng ma,

Thọ vui, thọ khổ luôn là,

Thọ trong khi xả sanh ra khổ nguồn.

Tứ chánh cần giảng luôn một thể,

Bốn điều này quán để tu nhân,

Đây là bốn món chuyên cần,

Tăng trưởng thiện nghiệp, 

Sớm gần thiện duyên.

Dưới đây xin giảng ra liền,

Bốn món này phải cần siêng thực hành.

Một là điều ác đã sanh,

Cần siêng sám hối, dứt nhanh chẳng làm.

Hai là điều ác chưa làm,

Cần siêng phán xét, chán nhàm nó đi.

Ba là điều thiện đã tri,

Cần siêng tăng trưởng đến khi hoàn thành.

Bốn là điều thiện chưa rành,

Cần siêng tu tập cho thành thiện căn.

Tu hành tốt phải siêng năng,

Ai mà biếng nhác thì hăng hái nào.

Tu như sóng đổ gió gào,

Dập tan ác nghiệp, liệt vào Thánh nhân.

Tu hành chớ khá phân vân,

Biết khi việc phải xả thân mà làm.

Ngày sau nhập Thánh siêu phàm,

Phiêu diêu nơi cảnh già lam thanh nhàn.

Tứ như ý cũng đang giảng tiếp,

Là thiện căn đã nhiếp đủ đầy.

Dục như ý túc ở đây,

Là muốn điều ác chuyển ngay điều lành.

Tinh tấn như ý đã thành,

Vượt qua ác nghiệp pháp sanh thiện tường.

Định như ý túc thanh lương,

Thói hư tật xấu không vương tý nào.

Quán như ý túc đã làu,

Tứ niệm Tứ chánh quán nào cũng thông.

Tứ như ý giảng xong rành rõ,

Đến Ngũ căn bày tỏ ra luôn.

Ngũ căn là năm cội nguồn,

Tu hành cần phải luôn luôn vun trồng.

Trồng sâu quả phúc được hồng,

Nên ta cũng phải để lòng hiểu qua.

Căn thứ nhất đó là căn Tín,

Mỗi người nên giữ Tín làm đầu.

Tin luật nhân quả thật sâu,

Tin Phật, tin Pháp, ngõ hầu tin Tăng.

Căn thứ hai là căn Tinh tấn,

Tu học thì cần mẫn siêng năng.

Tinh chuyên thiện hạnh gia tăng,

Chớ nên tự phụ ăn năn muộn màng.

Thứ ba nhớ rõ ràng căn Niệm,

Nhớ những gì chẳng nhiễm lăn tăn.

Nhiễm thì phải nhớ Giới răn,

Những điều bố thí siêng năng thực hành.

Căn thứ tư tỏ rõ rành căn Định,

Những buồn lậu, bất tịnh phải ngăn.

Yên vui dẫn Pháp định hằng,

Bao nhiêu phiền não lăn tăn tạm dừng.

Căn thứ tư Huệ bừng sáng tỏ,

Những việc gì hiểu rõ mới làm.

Những điều bất thiện phải nhàm,

Thường soi, thường xét tâm phàm chẳng sinh.

Tu hành tốt phải vững tin,

Tin sâu nhân quả rồi tinh tấn làm.

Phải nhớ những việc đáng làm,

Làm xong cảm thấy tâm phàm đã an.

Việc đâu ra đấy rõ ràng,

Ngũ căn vừa đã luận bàn sơ qua.

 -

Ngũ căn vững sinh ra Ngũ lực,

Phá ma quân lấp vực ái hà.

Ngũ lực cũng nên hiểu là,

Năm sức sinh khởi do là Ngũ căn.

Hay gia trì nguồn năng diệt Khổ,

Hay phát sinh lực trổ Vô minh,

Phát hay không cũng do mình.

 

Bây giờ đến lượt thuyết minh giác phần.

-

Phớt tu để phóng thân làm bậy,

Những phần này ở tại tâm ta.

Tu hành cũng liếc xem qua,

Xét cho tường tận đặng mà tu nhân.

Trạch giác pháp là phần thứ nhất,

Chọn lựa môn chắc thật không tu,

Lựa chọn những pháp môn tu,

Cần hiểu cho rõ phải tu môn gì.

Để mà ta quyết tâm trì,

Khỏi uổng công sức tu trì lâu nay.

Giác tiếp theo thứ hai Tinh tấn,

Là nhất tâm cần mẫn gia trì,

Khi ngồi, khi đứng hoặc đi,

Thường giác, thường chiếu, thường tri tâm mình.

Phần thứ ba giác minh giác Hỷ,

Tâm vui mừng như khỉ lăng xăng,

Giác rằng vui vẫn lăng nhăng,

Gia trì tinh tấn mà ngăn vui mừng.

Khinh an giác là phần thứ bốn,

Những tà kiến hỗn độn đã an,

Khinh là thư thái, nhẹ nhàng,

An là yên ổn chẳng màng lợi danh.

Điều thứ năm giác rằng phần Niệm,

Giác ngộ tâm tư niệm việc chi,

Kỹ càng phân tích từng ly,

Thiện thì tăng trưởng, ác thì triệt tiêu.

Phần thứ sáu giác nhiều về Định,

Lắng tâm trong yên tịnh soi lòng,

Chẳng cho tâm vạ vào không,

Làu làu thanh tịnh mà không hôn trầm.

Phần thứ bảy giác tâm thọ Xả,

Xả là lìa tất cả vui buồn,

Phải nên giác ngộ luôn luôn,

Nếu còn thọ xả là nguồn khổ sinh.

Thất giác phần đã thuyết minh,

 Đạo bát chánh cũng tường trình một khi.

-

Phần này có tám lối đi,

Đưa về Cực Lạc thoát ly Ta bà.

Bát chánh đối trị bát tà,

Tám con đường chánh vượt qua Luân hồi.

Ai ai cũng có nghe rồi,

Từ trong thập ác luân hồi tu thêm.

Tu cho biển cạn, non mềm,

Tu cho trăng sáng mỗi đêm bên hè.

Muốn tu thì hãy lắng nghe,

Bát chánh cũng giống chiếc bè vãng sanh.

Chánh kiến là thấy lành biết phải,

Thấy theo lời Phật dạy tận tường.

Như vậy mới tránh quả ương,

Từ trong tà kiến thoát đường mê si.

Chánh tư duy là suy nghĩ đúng,

Suy nghĩ lời Phật cũng phân minh.

Phật dạy ta diệt vọng tình,

Tư duy tà mị hết mình dứt luôn.

Chánh ngữ là nói tuôn lời phải,

Nói những lời Phật dạy cho ta.

Không nên lời nói điêu ngoa,

Trừ xong vọng ngữ mới là Thánh nhân.

Chánh nghiệp là gồm thân, khẩu, ý,

Ý nghiệp thì suy nghĩ sự lành.

Khẩu nghiệp phát tiếng tịnh thanh,

Thân thì chẳng phạm sát sanh nghiệp tà.

Chánh mạng có nghĩa là sự sống,

Mạng chúng sanh tôn trọng cùng nhau.

Không nên xem nhẹ mạng nào,

Triệt tiêu tà mạng mới mau thanh nhàn.

Chánh tinh tấn một đàng tiến tới,

Dẫu việc chi chẳng khởi tâm lui.

Tiến lên thưởng thức pháp vui,

Món tà tinh tấn đẩy lui ra ngoài.

Chánh niệm là nhớ hoài điều phải,

Nhớ những gì chẳng trái luật ngăn.

Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng,

Tà niệm nên phải tuyệt năng khử trừ.

Chánh định là như như yên lặng,

Ngay trong lòng cũng vắng não phiền.

Cũng không tất cả đảo điên,

Cũng không tà định, cũng yên hôn trầm.

Bát chánh đạo ráng tầm cho rõ,

Có những ai chưa tỏ điều chi,

Thì nên quét sạch sầu bi,

Tất cả điều gì cũng tại tâm ta.

-

Tứ diệu đế ấy vừa nghe qua,

Suy nghĩ kỹ, thoát phiền ma,

Y lý tu, vượt ái hà.

Chúc tinh tấn ta bà ha.

-

Nam mô Thường Tinh Tấn Bồ Tát Ma ha tát (3 lần)

 

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5750058
Số người trực tuyến: