Làm thế nào để trưởng dưỡng sự kết nối bản lai với Đức Quan Âm? | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Làm thế nào để trưởng dưỡng sự kết nối bản lai với Đức Quan Âm?

Tất cả chúng ta đều có sự kết nối với Đức Quan Âm. Sự gia trì của Đức Quán Thế Âm tựa như ánh nắng mặt trời, luôn hiện hữu dù trực tiếp hay gián tiếp. Luôn có sự gia trì của Đức Quán Thế Âm mỗi khi chúng ta có tâm rộng mở và hiểu biết. Chúng ta có thể gọi đó là sự gia trì hay sự kết nối với Đức Quán Thế Âm.

Sự gia trì của Đức Quan Âm luôn hiện hữu

Nhìn chung, cho dù truyền thống Tiểu thừa, Đại thừa, Kim cương thừa hay bất kỳ người tu tập đạo Phật nào, những người tin vào pháp thực hành này, thậm chí ngay cả những người không tu tập đạo Phật cũng có thể thực hành pháp tu Quan Âm nếu họ có tâm rộng mở, từ bi, hiểu biết. Những người có thể không hay biết nhưng chắc chắn họ có đời sống rất thanh tịnh, thậm chí chúng ta còn có thể nói rằng chắc chắn họ nhận được gia trì của Đức Quan Âm.

Chúng ta có sự kết nối bản lai với Đức Quan Âm. Dĩ nhiên, có một số người kém phúc duyên hay cần phải mất rất nhiều thời gian mới chứng ngộ được Đức Quan Âm. Chúng ta cũng có thể nói rằng đó là một mối liên hệ nghiệp, những người kém phúc duyên thì có mối liên hệ nghiệp mờ nhạt với Đức Quán Thế Âm, nhưng họ vẫn có sự kết nối thực sự từ bản lai với Ngài. Vì thế dù chúng ta có tâm rộng mở hay không, có thực hành pháp tu này hay không thì điều đó không thực sự quan trọng – chúng ta thực sự có sự kết nối với Đức Quan Âm, dù cho hiện tại thì sự kết nối đó có mức độ mạnh mẽ khác nhau. Nhiều người đặt câu hỏi rằng: “Chúng ta có sự kết nối mạnh mẽ và lân mẫn đến mức nào với Đức Quan Âm?”. Nếu bạn hỏi câu hỏi đó, thì câu trả lời là TẤT CẢ chúng ta chắc chắn đều có sự kết nối với Đức Quan Âm, khắp thảy chúng sinh đều có sự kết nối với Ngài từ bản lai.

Thực hành thiền định về Bản tôn Quan Âm

Khi bạn thụ nhận quán đỉnh của Đức Quan Âm, trì tụng chân ngôn Lục tự Đại minh “Om Mani Padme Hung”, hay mong muốn nhập thất thực hành pháp tu Đức Bản tôn Quan Âm, đó đều là những suy nghĩ xuất phát từ mong nguyện xây dựng sự kết nối vững chắc bằng cách trưởng dưỡng sự lân mẫn với Đức Quan Âm. Đó là lý do tại sao chúng ta có thể thực hành thiền định về Bản tôn Quan Âm, và nhất tâm trì tụng chân ngôn “Om Mani Padme Hung” của Đức Quan Âm. Tất cả những nội dung thực hành này đều là những phương tiện thiện xảo để củng cố sự kết nối của chúng ta với Ngài.

Tất cả những nội dung thực hành này là tôn giáo của chúng ta. Đó thực sự là tôn giáo, dù bạn có thích nghĩ như vậy hay không. Tuy nhiên, theo quan điểm tuyệt đối thì việc trưởng dưỡng này không phải là tôn giáo, và bạn không nên coi việc đó là tôn giáo. Đó chính là sự thực hành hay phương tiện thiện xảo nhằm mục đích củng cố tình yêu thương và lòng bi mẫn của chúng ta.

Khi chúng ta thực sự có niềm tin lớn lao vào đạo, thì dù có hình dung thế nào đi nữa chúng ta vẫn đang hướng đến Đức Quan Âm. Chúng ta thường không hiểu về sự kết nối tự nhiên của tình yêu thương và lòng bi mẫn từ bản lai. Nếu chỉ có niềm tin tôn giáo, chúng ta thường không hiểu hoặc không tin rằng có tâm chí thành như vậy đối với sự kết nối tự nhiên này. Tôi tin chắc rằng mọi tôn giáo đều gián tiếp thực hành pháp tu Quan Âm. Ví dụ những tín đồ của đạo Hindu có niềm tin vào pháp thực hành này, thậm chí họ cũng dùng danh hiệu Lokeshvara (Quán Tự Tại), và tin rằng Đức Lokeshvara là thần Mahadeva (Đại Thiên). Những tín đồ này có niềm tin kiên cố và thực hành miên mật, và thực sự đạt được thành tựu chứng ngộ nhờ sự gia trì của thần Mahadeva. Không chỉ có đạo Hindu mà rất nhiều tôn giáo khác cũng gián tiếp thực hành Đức Quan Âm.

Con đường Trung đạo giữa thực hành tâm linh và tôn giáo

Nhưng điều vi tế duy nhất chúng ta cần hiểu là chúng ta có niềm tin hay không vào sự kết nối từ bản lai với Đức Quan Âm. Dù không cần phải đặt ra câu hỏi này hay bất kỳ câu hỏi nào khác, điều thực sự bạn cần biết là sự thực hành tâm linh thay vì đi theo con đường tôn giáo cực đoan.

Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chúng ta đều không nên hành xử hay suy nghĩ cực đoan. Những quan điểm và lối sống cực đoan đều không có tác dụng tích cực. Đối với cách hiểu về pháp tu Quan Âm, việc thực hành trong đời sống cũng cần đi theo con đường Trung đạo, cân bằng giữa tu tập tâm linh và tôn giáo. Việc có quan kiến Trung đạo rất quan trọng vì một số người tự cho rằng mình có đời sống tâm linh rất phong phú nhưng lại chỉ trích mạnh mẽ tôn giáo và mọi nghi lễ mà họ đang thực hành – như tụng kinh, trì chân ngôn, hoặc tất cả những nghi lễ mà họ không thích. Khi nhân danh thực hành tâm linh, họ trở nên rất sân giận với tôn giáo. Đây cũng là một điều đáng buồn.

Một số người khác lại trở nên rất mộ đạo, cuồng tín về tôn giáo, nói về sự gia trì của tôn giáo, nhưng họ không thực sự biết về sự kết nối từ bản lai với Đức Quan Âm. Họ chỉ muốn hiểu rằng Đức Quán Thế Âm là một bậc siêu nhiên, thần thánh. Vì thế họ gọi Đức Quan Âm là Nữ thần Bi mẫn. Cách gọi Đức Quan Âm là Nữ thần Bi mẫn bắt nguồn từ sự cuồng tín về tôn giáo, và những người có cách gọi như vậy trở nên rất cực đoan. Đây cũng không phải là cách hiểu lành mạnh.

Sự kết nối từ bản lai gắn liền với khía cạnh tâm linh. Với hiểu biết đó, chúng ta có thể áp dụng lý luận Trung đạo, con đường cân bằng giữa hai quan điểm cực đoan này. Hiểu biết tâm linh, hay còn gọi là hiểu biết về trạng thái bản lai của vạn pháp, phải là hiểu biết nền tảng. Nếu không có hiểu biết này, chúng ta không thể áp dụng quan kiến Trung đạo trong pháp thực hành Quan Âm. Chúng ta vốn thường có xu hướng mạnh mẽ nghiêng về quan điểm cực đoan trong mọi việc, đây cũng là một chướng ngại. Cả hai quan điểm cực đoan đối lập với nhau đều khiến chúng ta bị mắc kẹt trong đó. Vì vậy, chúng ta cần xả ly khỏi cả hai quan điểm cực đoan. Bởi đó là sự xả ly chân thật và tốt nhất.

(Khai thị của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa về Pháp tu Quan Âm tại Plouray - Pháp, 2007)

Tham khảo thêm

Trân trọng những may mắn trong cuộc sống để đầu tư cho tương lai tốt lành

Chân ngôn Đức Phật Quan Âm

 
 
File âm thanh

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5695796
Số người trực tuyến: