Nếu không chuyên cầu giải thoát, việc tu nơi kiếp này là mối thù trong kiếp thứ ba | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Nếu không chuyên cầu giải thoát, việc tu nơi kiếp này là mối thù trong kiếp thứ ba

Đường vào vườn giác ngộ có nhiều cửa, hành giả trước tiên phải lấy tâm đại Bồ Đề làm khởi điểm chính chân, rồi tùy căn cơ sở thích, muốn tu theo pháp môn nào cũng tốt. Trên đường tu, nếu luận về "căn cơ" thì môn Tịnh Độ bao gồm cả ba căn thượng, trung, hạ; chẳng những hạng phàm thường, mà các bậc Bồ Tát như Văn Thù, Phổ Hiền, Mã Minh, Long Thọ đều nguyện vãng sinh. Nếu luận về "thời tiết" thì thời mạt pháp này chúng sinh phần nhiều tâm tạp chướng nặng, pháp môn niệm Phật dễ thực hành, lại có thể trong một đời được vãng sinh giải thoát. Nhưng, nếu luận về sở thích, để phù hợp với căn cơ chúng sinh Đức Như Lai mới nói nhiều pháp môn. Trong mỗi pháp môn lại có nhiều chi tiết khác biệt, mà mỗi người hành trì không giống nhau.

Tuy nhiên, trong đời mạt pháp, hành giả đã phát đại Bồ Đề tâm thề độ mình độ sinh, mà muốn bảo đảm cho tâm ấy thành tựu không bị thối thất; dù tu các môn khác, cũng nên kiêm hành Tịnh Độ để cầu vãng sinh. Tại sao thế? Trong đây có ba sự kiện thiết yếu, xin tuần tự kể phần đại lược:

1. Đường sinh tử vô vàn hiểm nguy

Trong nẻo sống chết luân hồi, có nhiều hiểm nguy chướng nạn cho đường tu. Muốn thoát cảnh hiểm luân hồi để bảo đảm tâm Bồ Đề không thối thất, phải cầu sinh Tịnh Độ. Đây là sự kiện thiết yếu trước tiên, mà hành giả cần lưu ý.

2. Tu phải chuyên cầu giải thoát

Tiên đức hằng răn nhắc: "Nếu tu mà không chuyên cầu giải thoát, thì sự tu nơi kiếp này là mối thù trong kiếp thứ ba". Sở dĩ có việc ấy, bởi kiếp thứ nhất lo kham khổ tu hành, nên chuyển sinh qua kiếp thứ nhì được hưởng quả báo thông minh giàu sang quyền thế. Trong kiếp thứ hai này, do giàu sang nên dễ mê theo cảnh quyền quý, vợ đẹp con xinh, cùng các thú vui vật chất nơi cõi trần. Đã nếm mùi dục lạc tất dễ sinh đắm nhiễm, càng đắm nhiễm càng đi đến chỗ sa đọa tối tăm, dám làm nhiều điều ác để củng cố lợi quyền và thỏa lòng tham vọng. Kiếp thứ nhì đã gieo nhân như thế, kiếp thứ ba làm sao khỏi bị đọa lạc tam đồ?

Có kẻ gạn: "Kiếp trước đã có công tu gieo nhân tốt, không lẽ sang kiếp thứ nhì trí huệ căn lành đều mất, để đến nỗi phải bị đọa hay sao?".

Xin đáp: "Căn lành tuy có, nhưng nghiệp ác từ vô lượng kiếp chưa phải đã tiêu trừ. Mà trong cảnh trần, việc lành rất khó làm như leo lên cây cao, điều ác rất dễ phạm như tuột xuống dốc lở. Người xưa đã chẳng bảo: Trọn đời làm lành, lành còn chẳng đủ; một ngày làm ác, ác tự có dư đó ư? Như những người giàu sang quyền thế mà chúng ta hiện thấy, kiếp trước họ đều có ít nhiều công đức bố thí tu phước làm lành, nhưng kẻ hướng về nẻo thiện không bao nhiêu, người say đắm danh lợi vinh hoa lại chiếm phần đa số. Thử hỏi có mấy vị đỗ cao quyền quí chịu xuất gia, sống một cuộc đời khắc khổ đạm bạc, hướng về mục đích giải thoát thanh cao? Ngay như người xuất gia, khi chưa có địa vị còn kham nhẫn tu hành, lúc đã được quyền danh, nhiều kẻ lễ bái tôn trọng cúng dường, lại dễ bị cảnh phù trần ràng buộc. Hiện tại ta thấy có biết bao hàng tăng ni thiện tín, trước còn tinh tấn hành trì, sau lần lần biếng trễ bỏ tu hoặc hoàn tục thối đạo, nói chi đến kiếp sau?"

3. Sinh vào cõi Trời còn khó tu hơn

Cõi người còn như thế, nếu sinh lên cõi trời cảnh vui ngũ dục quá nhiệm mầu, lại còn khó tu hơn nữa! Đó là nói những vị có phước, còn những người ít phước sống một cuộc đời nghèo khổ quá cũng khó tu. Hoặc tuy vào hạng trung lưu, nhưng giữa đời này tà đạo dẫy đầy; trong chính pháp bậc thiện hữu tri thức khó gặp, nẻo đường giải thoát không phải dễ tìm! Đến như chúng sinh trong ba ác đạo là địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, thì việc tu niệm thật là khó đến muôn phần, vì các loài ấy ngu tối, thân tâm hằng ở trong cảnh khổ.

Kiếp luân hồi có nhiều hiểm nạn như thế, nếu không cầu sinh Tịnh Độ để thoát ly, tất khó bảo đảm tâm Bồ Đề không bị thối thất.

(Lược trích ấn phẩm: “Niệm Phật thập yếu”

HT. Thích Thiền Tâm

Tịnh Liên Đồ Thư Quán Xuất Bản)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5696199
Số người trực tuyến: