Tiền thân Đức Phật nhờ phát tâm Bồ đề thoát cảnh địa ngục Hỏa xa | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Tiền thân Đức Phật nhờ phát tâm Bồ đề thoát cảnh địa ngục Hỏa xa

Trong kinh Đại Phương tiện báo ân có kể lại một câu chuyện về pháp thực hành Bồ đề tâm thuở Đức Phật Thích Ca Mâu Ni vẫn còn trôi lăn trong sinh tử luân hồi. Đây là pháp thực hành cốt tủy trong đạo Phật và là nhân để thành tựu Phật quả.

Chuyện kể rằng:

Bấy giờ ở trong hội, có một vị Đại Bồ Tát Ma Ha Tát, tên là Hỷ Vương, liền từ tòa ngồi đứng dậy, để hở vai áo bên phải, gối bên phải quỳ xuống đất, chấp tay ngưỡng bạch đức Như Lai rằng:

- Lạy Đức Thế Tôn! Bồ Tát tri ân báo ân bằng cách tự phát tâm Bồ Đề và dạy bảo tất cả chúng sinh đều phát tâm Bồ Đề. Song Đức Như Lai thuở xưa khi còn phải sinh tử, thoạt mới phát tâm Bồ Đề, là do nhân duyên gì?

Phật dạy:

- Thiện nam tử! Về đời quá khứ lâu xa, kiếp số nhiều không thể kể tính được, khi ta còn ở trong vòng sinh tử, do phiền não trọng chướng, tạo nên những nghiệp ác ở nơi thân, khẩu, ý, nên phải đọa lạc vào các địa ngục như: Địa ngục A ha ha, địa ngục A ba ba, địa ngục A đạt đa, địa ngục Đồng phủ, địa ngục Đại đồng phủ, địa ngục Hắc thạch, địa ngục Đại hắc thạch, cho đến địa ngục Hỏa xa.

Ta nhớ khi ta phải đọa vào địa ngục Hỏa xa, ta cùng với hai người bạn phải kéo một cái xe lửa, bốc cháy ngùn ngụt, quỷ đầu trâu tên là A Bàng, ngồi ở trên xe, mắm miệng, nghiến răng, trợn mắt, miệng, mắt, tai, mũi đều phun ra khói lửa, thân thể to lớn, tay chân gân guốc, hình sắc tía đen, tay cầm gậy sắt, đánh đập luôn luôn, mặc dầu ta bị đánh đập đau đớn, nhưng vẫn cố sức kéo. Lúc đó hai người bạn của ta, vì hơi sức yếu đuối, kéo không nổi, nên bị quỷ đầu trâu A Bàng, lấy đinh ba bằng sắt, đâm vào bụng, lấy gậy bằng sắt đập vào lưng, máu phun ra như suối chảy, đau đớn khó nhẫn, những người ấy cất tiếng kêu gào rất thảm thiết, người thì kêu cha mẹ, người thì kêu vợ con. Nhưng dầu có kêu gào như thế, cũng chẳng ích lợi gì đối với mình. Lúc ấy, ta thấy những người bạn của ta chịu sự khổ não như vậy, lòng ta sinh ra thương xót. Nhân lòng sinh tưởng thương xót ấy, cho nên ta phát tâm Bồ Đề, vì những người chịu tội ấy, mà khuyên bảo quỷ đầu trâu A Bàng rằng:

- Những người phải chịu tội đây, thực đáng thương xót, xin ông hãy rủ lòng nới tay, đừng nên đánh đập họ tội nghiệp.

Lúc ấy quỷ đầu trâu A Bàng, nghe ta nói như thế, lòng sinh giận tức, dùng đinh ba bằng sắt đâm vào cổ ta, chết liền tại chỗ. Nhưng kỳ lạ thay, ngay lúc đó ta liền được thoát khỏi cái tội trăm kiếp phải đọa lạc ở nơi địa ngục Hỏa xa, chính vì lúc đó ta phát được tâm Vô thượng Chính đẳng Chính giác vậy.

Phật bảo Ngài Bồ Tát Hỷ Vương:

- Người kéo xe lửa tức là thân ta ngày nay, nhân phát tâm Bồ Đề, mà chóng được thành Phật. Thế nên biết: Tất cả chúng sinh phát tâm Bồ Đề, sự đó chẳng phải một, hoặc nhân lòng từ bi, hoặc nhân lòng giận tức, hoặc nhân lòng bố thí, hoặc nhân lòng bỏn xẻn, hoặc nhân lòng vui mừng, hoặc nhân phiền não, hoặc nhân ân ái ly biệt, hoặc nhân sự oán ghét gặp gỡ, hoặc nhân gần gũi bạn lành, hoặc nhân bạn ác, hoặc nhân được coi thấy Phật, hoặc nhân được nghe pháp… cho nên biết: Tất cả chúng sinh, phát tâm Bồ Đề, mỗi mỗi chẳng phải đồng nhất.

Khi Phật nói pháp ấy rồi, có một vạn tám trăm ngàn người đều phát tâm Vô thượng Chính đẳng Chính giác. Trong tất cả đại chúng, có người được chứng quả Tu đà hoàn, cho đến A la hán, Thiên địa quỷ thần, Nhân và Phi nhân cũng phát tâm Thanh Văn, Bích Chi Phật.

(Trích Kinh Đại Phương tiện báo ân

Việt dịch: HT. Thích Chính Tiến

NXB Tôn giáo)

Bồ đề tâm (Bodhicitta) là một khái niệm trong đạo Phật có nghĩa là “tâm giác ngộ“. Có hai loại Bồ đề tâm là Bồ đề tâm tương đối và Bồ đề tâm tuyệt đối. Bồ đề tâm tương đối phụ thuộc vào sự tác động từ một đối tượng bên ngoài, ví dụ như bạn phát nguyện quy y và phát Bồ đề tâm trước các Bậc Thầy, trước tôn tượng Phật. Trong Bồ đề tâm tương đối đó lại có hai loại được gọi là Bồ đề nguyện và Bồ đề hạnh. Bồ đề nguyện là lời cầu nguyện cho chúng sinh được hạnh phúc, cầu nguyện cho chúng sinh thoát khỏi nhân đau khổ, cầu nguyện cho chúng sinh tràn ngập trong niềm hỷ lạc, cầu nguyện cho chúng sinh sống trong bình đẳng xả. Còn Bồ đề hạnh là khi hành giả phát lời thệ nguyện từ nay trở đi sẽ thực hành Lục độ Ba la mật, thực hành một nghi quỹ nhất định hoặc pháp Đại thủ ấn vì lợi ích hết thảy chúng sinh. Còn một loại Bồ đề tâm - cốt tủy chính của Đạo Phật chính là Bồ đề tâm tuyệt đối hay gọi cách khác là sự giác ngộ hay trí tuệ toàn tri, là tự tính tâm Phật. Với việc thực hành Bồ đề tâm, chúng ta sẽ đi trọn vẹn con đường hạnh phúc giác ngộ cho bản thân và mọi chúng sinh hữu tình.

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5768971
Số người trực tuyến: