Làm thế nào để phát Bồ đề tâm mà không tu theo hình thức? (Phần 1) | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Làm thế nào để phát Bồ đề tâm mà không tu theo hình thức? (Phần 1)

Kinh Hoa Nghiêm dạy: "Nếu quên mất tâm Bồ Đề mà tu các pháp lành, đó là nghiệp ma". Lời này xét ra rất đúng. Ví như người cất bước khởi hành mà chẳng biết mình sẽ đến đâu, và đi với mục đích gì, thì cuộc hành trình chẳng thành quanh quẩn, mỏi mệt, cùng vô ích lắm ư? Người tu cũng thế, nếu dụng công khổ nhọc mà quên sót mục tiêu cầu thành Phật để lợi mình lợi sinh, thì bao nhiêu hạnh lành chỉ đem đến kết quả hưởng phước nhân thiên, chung cuộc vẫn bị chìm mê quanh quẩn trong nẻo luân hồi, chịu vô biên nỗi khổ. Như vậy chẳng là nghiệp ma còn là gì? Thế thì phát lòng Vô Thượng Bồ Đề để lợi ích mình và chúng sinh, phải ghi nhận là điểm phát tâm rất cần yếu.

Phát Bồ Đề tâm như trên đã nói, có thể tóm tắt trong bốn điều hoằng thệ là:

Chúng sinh vô biên thề nguyện độ.

Phiền não vô tận thề nguyện dứt.

Pháp môn vô lượng thề nguyện học.

Phật đạo vô thượng thề nguyện thành.

Nhưng không phải chỉ nói suông: "Tôi phát Bồ Đề tâm", là đã phát tâm, hay mỗi ngày tuyên đọc bốn điều hoằng thệ, gọi là đã phát Bồ Đề tâm. Muốn phát Bồ Đề tâm hành giả cần phải quán sát để phát tâm một cách thiết thực, và hành động đúng theo tâm nguyện ấy trong đời tu của mình. Có những Phật tử xuất gia, tại gia, mỗi ngày sau khi tụng kinh niệm Phật đều quỳ đọc bài hồi hướng: "Nguyện tiêu tam chướng trừ phiền não...", nhưng rồi trong hành động thì trái lại: nay tham lam, mai hờn giận, mốt si mê biếng trễ, bữa kia nói xấu chê bai chỉ trích người, để đến bữa khác lại có chuyện tranh cãi, gây gổ, buồn ghét nhau. Như thế, tam chướng làm sao tiêu, phiền não làm sao trừ được? 

Chúng ta phần nhiều chỉ tu theo hình thức ít chú trọng đến chỗ khai tâm, thành thử lửa tam độc vẫn cháy hừng, không hưởng được hương vị thanh lương giải thoát của đức Phật đã chỉ dạy. Cho nên ở đây lại cần đặt vấn đề "Làm thế nào để phát Bồ Đề tâm?". Muốn cho lòng Bồ Đề phát sinh một cách thiết thực, chúng ta nên suy tư quán sát để phát tâm theo sáu yếu điểm như sau:

1. Thứ nhất là Giác Ngộ Tâm

Chúng sinh thường chấp sắc thân này là ta, tâm thức có hiểu biết, có buồn giận thương vui là ta. Nhưng thật ra, sắc thân này giả dối, ngày kia khi chết đi nó sẽ tan về với đất bụi, nên thân tứ đại không phải là ta. Tâm thức cũng thế, nó chỉ là thể tổng hợp về cái biết của sáu trần là: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, như một người trước kia dốt, nay theo học chữ Việt, tiếng Anh, khi học thành, có cái biết về chữ Việt, tiếng Anh. Lại như một kẻ chưa biết Paris, sau một dịp sang Pháp du ngoạn, thu thập hình ảnh của thành phố ấy vào tâm. Khi trở về bản xứ có ai nói đến Paris, nơi tâm thức liền hiện rõ quang cảnh của đô thị ấy. Cái biết đó trước kia không, khi lịch cảnh thu nhận vào nên tạm có, sau bỏ lãng không nghĩ đến, lần lần nó sẽ phai lạt đến tan mất hẳn, trở về không. Cái biết của ta khi có khi không, hình ảnh này tiêu, hình ảnh khác hiện, tùy theo trần cảnh thay đổi luôn luôn, hư giả không thật, nên chẳng phải là ta. Cổ đức đã bảo: "Thân như bọt tụ, tâm như gió. Huyễn hiện vô căn, không thật tính". Nếu giác ngộ thân tâm như huyễn, không chấp trước, lần lần sẽ đi vào cảnh giới "nhân không" chẳng còn ngã tướng. 

Cái ta của ta đã không, thì cái ta của người khác cũng không, nên không có nhân tướng. Cái ta của mình và người đã không, tất cái ta của vô lượng chúng sinh cũng không, nên không có chúng sinh tướng. Cái ta đã không, nên không có bản ngã bền lâu, không thật có ai chứng đắc, cho đến cảnh chứng thường trụ vĩnh cữu của Niết Bàn cũng không, nên không có thọ giả tướng. Đây cần nên nhận rõ, chẳng phải không có thực thể chân ngã của tính Chân Như thường trụ, nhưng vì thánh giả không chấp trước, nên thể ấy thành không.

Nhân đã không, thì Pháp cũng không, vì sự cảnh luôn luôn đổi thay sinh diệt, không có tự thể. Đây lại cần nên nhận rõ chẳng phải các pháp khi hoại diệt mới thành không, mà vì nó hư huyễn, nên đương thể chính là không, cả Nhân cũng thế. Cho nên cổ đức đã bảo: "Cần chi đợi hoa rụng. Mới biết sắc là không." (Hà tu đải hoa lạc. Nhiên hậu thỉ tri không).

Hành giả khi đã giác ngộ Nhân và Pháp đều không, thì giữ lòng thanh tịnh trong sáng không chấp trước mà niệm Phật. Dùng lòng giác ngộ như thế mà hành đạo, mới gọi là phát Bồ Đề tâm.

2. Thứ hai là Bình Đẳng Tâm

Trong Khế Kinh, đức Phật khuyên dạy: "Tất cả chúng sinh đều có Phật tính, là cha mẹ đời quá khứ và chư Phật đời vị lai". Chư Phật thấy chúng sinh là Phật, nên dùng tâm bình đẳng đại bi mà tế độ. Chúng sinh thấy chư Phật là chúng sinh, nên khởi lòng phiền não phân biệt ghét khinh. Cũng đồng một cái nhìn, nhưng lại khác nhau bởi mê và ngộ. Là đệ tử Phật, ta nên tuân lời đức Thế Tôn chỉ dạy, đối với chúng sinh phải có tâm bình đẳng và tôn trọng, bởi vì đó là chư Phật vị lai, đồng một Phật tính. Khi dùng lòng bình đẳng tôn kính tu niệm, sẽ dứt được nghiệp chướng phân biệt khinh mạn, nảy sinh các đức lành. Dùng lòng bình đẳng như thế mà hành đạo, mới gọi là phát Bồ Đề tâm.

(Còn tiếp)

(Lược trích ấn phẩm: “Niệm Phật thập yếu”

HT. Thích Thiền Tâm

Tịnh Liên Đồ Thư Quán Xuất Bản)

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5698242
Số người trực tuyến: