Thượng tọa Thích Viên Thành - Chân dung Bậc Giác Ngộ (Phần 1) | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Thượng tọa Thích Viên Thành - Chân dung Bậc Giác Ngộ (Phần 1)

Chân dung Bậc Giác ngộ - Ước nguyện thanh cao mạnh mẽ từ thuở thiếu thời

Bằng tấm lòng của kẻ yêu thơ, trọng Đạo, Nhà giáo ưu tú Vũ Dương Quỳ đã viết lên cảm xúc chân thật khi có phúc duyên được hạnh ngộ Hòa thượng Thích Viên Thành và đọc những vần thơ Ngài chấp tác trong “Thiền môn thi ký”. Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên xin gửi tới Quý vị lời tâm sự của Nhà giáo Vũ Dương Quỳ như một lời tri ân sâu sắc hướng lên cố Thượng tọa, một bậc Thầy giác ngộ với hạnh nguyện vô ngã, vị tha vì sự hưng thịnh của Đạo pháp và Dân tộc.

Đúng như tên tập thơ “Thiền Môn Thi Ký”, các bài thơ được viết từ năm 1962 khi ấy tác giả mới 12 tuổi, tạm biệt quê hương để đi “cầu chính Pháp”, đến năm 1978, lúc đã trưởng thành, tập thơ gồm hơn 60 bài viết theo thể Đường thi thất ngôn tứ tuyệt và thất ngôn bát cú, đã ghi lại cả một quá trình rèn luyện, phấn đấu, học hỏi, tìm tòi suốt gần 20 năm trời với những tâm tư, tình cảm cụ thể trong những quan hệ cụ thể, khá phong phú của một tuổi trẻ mang khát vọng chân như, hoài bão chính giác thật mạnh mẽ.

“Thơ viết trên đường vào cửa Phật” nương theo những chặng đường tâm tưởng từ cõi chúng sinh đầy những ưu bi, lầm lỗi để bước vào từng bậc của Thiền, mà ngộ đạo, mà tỉnh giác, để được thanh thản trong cõi tâm linh. Viết nhật ký bằng thơ vốn xưa nay hiếm. Đọc tập “Thiền môn thi ký”tôi nhận ra khá rõ nét “một bức chân dung tự họa con người tinh thần” của một Thiền sư trẻ tuổi rất thành tâm và kiên định hướng về Đạo Phật. Thêm nữa, tác giả sử dụng thể Đường thi và cho biết cũng đã từng đọc thơ Thiền thời Lý, Trần nên vóc dáng, thần thái nhiều bài trong tập thơ đã hài hoà chất Thiền cổ điển với chất trữ tình nghệ sĩ hiện đại. Xin thử phác ra vài nét chính về nội dung và nghệ thuật của tập thơ.

Ước nguyện thanh cao mạnh mẽ từ thuở thiếu thời

Những bài thơ mở đầu của cuốn “Thiền môn thi ký” được khơi nguồn cảm hứng sáng tác khi Thượng tọa tạm biệt gia đình quê hương đi tìm lẽ sống. Tuổi còn trẻ quá, mới 12 tuổi, “bụi hồng chưa bợn tấm thanh y” (Bài Tạm biệt quê hương). Vậy mà tiếng thơ đã chững chạc làm sao. Chia tay người chú ruột, Nhà thơ đã gửi lại những lời nói thật cứng cỏi:

Chú ơi! Xin chú hiểu lòng tôi

Giờ phút chia tay đã đến rồi

Vẫn biết gia phong cần giữ đấy

Nhưng vì chân lý phải đành thôi.

(Bài “Từ biệt chú đi tu” Số 1, tháng 1 – 1962)

Mối quan hệ giữa cái nhỏ - “giữ gia phong” – và cái lớn – “vì chân lý” đã được nhận thức rành mạch. Sự lựa chọn cũng thật dứt khoát. Và mục đích sống cũng được xác định rõ ràng.

Chú ơi! Ơn nghĩa cháu không quên

Nguyện chứng chân như sẽ báo đền

Chú ở lại nhà xây tổ nghiệp

Cháu đi cầu Pháp cứu oan khiên

Kẻ vun cội đức cho tươi tốt

Người đắp nền nhân thật vững bền

Chú cứ yên tâm đừng có ngại

Cháu thề cố gắng quyết tu lên

(Bài “Từ biệt chú đi tu” số 2, tháng 1 – 1962)

Một cậu bé mới chớm tuổi học phổ thông cấp hai, chưa hề đặt bàn chân tới một thềm bậc cửa Thiền mà đã biết hướng tới “Chân lý”, đã có khát vọng “cứu oan khiên”, “đắp nền nhân vững bền”...là điều hiếm thấy! Quả thật, lúc đầu đọc những câu thơ trên, tôi hơi sững sờ, e rằng đó chỉ là những câu thơ mang tính sách vở. Nhưng rồi, đọc tiếp 2 bài “Thư gửi mẹ”, được viết sau 2 năm xa quê hương, chính thức sống cảnh muối dưa đạm bạc chốn tu hành, tôi thực sự cảm phục một nhân cách thơ, một nhân cách Thiền, tuy non trẻ song khá đĩnh đạc:

Am mây, viện trúc, say mầu đạo

Áo vải, cơm chay, giữ hạnh thiền

Đừng thấy người bàn sinh ái ngại

Chớ nghe ai nói, hóa lo phiền

Mẹ ơi! Con đã vì chân lý

Giông tố khôn lay, chí vững bền

(Bài “Thư gửi mẹ” số 1, năm 1964)

Hình ảnh “am mây, viện trúc”, “áo vải cơm chay” phác ra một nếp sống đậm chất thiền của bậc chân tu. Và đây, phong cách sống ấy được khắc họa thêm:

Sắt son dạ đã quen mưa nắng

Sành sỏi thân từng dạn gió xương

Huyên náo nhức đầu, ưa tĩnh mịch

Đỉnh chung lợm giọng, mến dưa tương

(Bài “Thư gửi mẹ” số 2, năm 1964)

Từng cặp câu thơ song đối “Sắt son >< Sành sỏi” và  “Quen mưa nắng >< dạn gió xương”, cùng tiểu đối trong từng câu thơ “huyên náo >< tĩnh mịch” và “đỉnh chung>< dưa tương” chứng tỏ tác giả nắm niêm luật của Đường thi khá vững vàng. Từ chất thiền ở bài trên, xuống bài dưới đã mộc mạc một âm điệu dân dã đạm chất đời, chan chứa một niềm vui tự nguyện. Đọc lên, nghe phảng phất hồn thơ triết lý nhàn tản Nguyễn Bỉnh Khiêm xưa “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ. Người khôn, người đến chốn lao xao”.

Nhưng nhà tu hành trẻ Thích Viên Thành không phải bậc trí giả muốn ẩn mình trong nhàn tản, mà tự nguyện lánh xa mọi người “huyên náo, đỉnh chung” để hiến mình cho đạo pháp, rèn rũa phẩm chất trước cửa thiền. Vì thế âm điệu thơ tuy có chút giống người xưa, song hồn thơ luôn gắn với cuộc đời thường nhật ngày nay. Đọc truyện “Tây du ký” nhà thơ cất tiếng ca ngợi “Tôn Ngộ Không”:

Một gậy tung hoành khắp cõi thiên

Dọc ngang cho tỏ chúa hầu viên

Quan phong Bật Mã, lòng nào thoả

Danh tới Tề Thiên, ý chửa yên

Biển động, trời nghiêng lòng mới hả

Lò nung, núi ép, tính chưa hiền ...

(Bài “Đọc Tây du ký, Tôn ngộ Không”. Viết cuối năm 1964)

Vịnh Tôn Ngộ Không, hay cũng là một cách tự dặn mình hãy kiên định ước nguyện thanh cao, đẹp đẽ mà mình đã lựa chọn?

Có thể nói, những bài thơ viết từ đầu năm 1962 đến cuối năm 1964 (8 bài) là tiếng lòng của một tuổi trẻ quyết tâm đi tìm lý tưởng “Cầu Chính pháp” hướng tới “Chân như”, vì chân lý vì “nền nhân” ... Người làm thơ còn rất trẻ nhưng ngòi bút khá vững vàng và hồn thơ, cái tôi tác giả khá rõ nét, phảng phất một chất thiền trong phong cách nhân sinh, chân thanh, tự nguyện. Những vần thơ thanh cao trong trẻo ấy đã nhịp bước theo tăng nhân, mở cánh cửa “Thiền môn” vào cõi thiêng đất Phật, để học tập, luyện rèn không phút nào ngơi nghỉ.

(Lược trích ấn phẩm: “Thiền môn thi ký”)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5696123
Số người trực tuyến: