Cùng nhìn lại năm 2022 và 3 bài học về cuộc sống | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Cùng nhìn lại năm 2022 và 3 bài học về cuộc sống

Năm 2022 đã khép lại với những khó khăn, thách thức nhưng cũng mở ra vận hội mới. Đây cũng là lúc để chúng ta cùng nhận thấy những giá trị tốt đẹp mà lâu nay cuộc sống hiện đại có thể khiến con người không kịp nhìn ra. Dẫu lặng lẽ hay ồn ào, bi thương hay hạnh phúc thì 365 ngày cũng sắp sửa trôi qua với đủ đầy dư vị và sắc màu. Năm cũ đi qua, năm mới đã tới, chúng ta thường có thói quen xem lại năm qua mình đã làm được những gì có ý nghĩa. Đối với một hành giả thực hành Phật pháp, cuộc sống chỉ thực sự có ý nghĩa nếu chúng ta đã làm được điều gì đó không vì bản thân mình mà vì lợi ích của người khác, của tất cả chúng hữu tình. Đó chính là những thiện nghiệp, là Bồ Đề tâm hay là cách mà chúng ta tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống của mình. 

Bởi vậy, trước thềm năm mới, chúng ta hãy cùng nhau nhìn lại 3 điểm cốt yếu mang lại ý nghĩa đích thực trong cuộc sống của mỗi người:

1. Tri ân, trân trọng

Trong cuộc sống của mình, chúng ta thường nghĩ về bản thân mình, về cuộc sống của mình, về những người sống xung quanh mình. Là con người, tất cả chúng ta ai cũng mong cầu hạnh phúc và nhiều người cho rằng hạnh phúc đến từ bên ngoài. Nhưng đối với đạo Phật thì quan niệm về hạnh phúc hoàn toàn ngược lại. Chìa khóa của hạnh phúc nằm ở chỗ chúng ta biết chấp nhận và bằng lòng với những gì mình đang có. Khi còn nhỏ chỉ với năm nghìn, mười nghìn bố mẹ cho, bạn đã cảm thấy hạnh phúc vì mình bằng lòng với số tiền cha mẹ cho mình. Nhưng khi lớn lên số tiền ấy không còn làm cho bạn cảm thấy bằng lòng nữa bởi bạn muốn số tiền nhiều hơn thế. Khi lớn hơn nữa, bạn mong muốn một có một công việc tốt. Rồi công việc tốt đó cũng chỉ làm bạn hạnh phúc trong một vài năm bởi vì bạn lại muốn những công việc khác nữa. Rồi bạn mong muốn có nhà đẹp hơn, hoặc có nhiều nhà hơn. Vì vậy, chính những con người đó, chính những ngôi nhà đó, chính những nguồn tài chính đó đã từng khiến bạn hạnh phúc sẽ có lúc không còn làm cho bạn vui nữa. Như vậy, rõ ràng hạnh phúc không đến từ công việc, không phải từ ngoại cảnh mà căn bản nằm ở chỗ mỗi chúng ta biết bằng lòng và trân trọng giá trị của những gì mình đang có trong thực tại. Chính sự bằng lòng là chìa khóa của hạnh phúc trong luân hồi sinh tử.

Có người đã từng hỏi một một bậc Thầy giác ngộ rằng: “Điều gì trong thế giới này khiến cho Ngài tò mò nhất? ”. Bậc Thầy trả lời rằng: “Loài người khiến tôi vô cùng ngạc nhiên. Bởi vì loài người chúng ta cố gắng làm ra rất nhiều tiền và chấp nhận hy sinh cả sức khỏe của mình, làm việc cật lực để có tiền. Khi có nhiều tiền rồi lại dùng tiền để chữa bệnh cho có sức khỏe. Họ sống như thể họ sẽ không bao giờ chết. Và khi chết đi, họ nhận ra rằng họ chưa từng sống cuộc sống của mình”.

2. Vô thường

Bản chất của cuộc sống là quá trình đổi thay trôi chảy và chúng ta gọi là vô thường, có nghĩa là không có cái gì thường trụ mãi mãi. Hai vợ chồng đang sống với nhau giờ ly dị, chúng ta nghĩ đó vô thường. Thật ra những cái vô thường đó chỉ là những bước ngoặt lớn trong cuộc sống. Nhưng dòng vô thường không phải chỉ là như vậy, nó trôi chảy từng giây từng khắc. Chúng ta sẽ không nắm bắt được bất kỳ một cái gì trường cửu và vĩnh viễn.

Khi gặp các cụ già, bạn có thể nghĩ rằng: “Ổ, họ già rồi. Mình vẫn còn trẻ”. Thật ra, ngay cả khi mới sinh ra đời, từng giây từng phút chúng ta đang già đi, từng giây từng phút chúng ta đang thay đổi. Vì chúng ta không bao giờ nghĩ là mình già nên bất chợt soi gương, mình thấy tóc mình bạc, thấy có nếp nhăn, mình mới ngạc nhiên là tại sao mình có tóc bạc, tại sao mình lại có nếp nhăn. Tại sao chúng ta lại ngạc nhiên như vậy là bởi vì trong tư tưởng của mình, chúng ta luôn nghĩ mình trẻ mãi không già. Đến khi bất chợt thấy mình già đi, mình lại thấy ngạc nhiên và buồn. Đó chính là cách chúng ta nhìn nhận mọi sự vật, hiện tượng.

Hiểu về vô thường giúp bạn hiểu rõ bản chất của cuộc sống, giảm đi sự bám chấp vào những gì mà chúng ta cho là thường trụ. Bởi vì tất cả khổ đau của chúng ta nếu có xảy ra không phải vì của cải vật chất mình có nhiều hay ít mà là vì tâm bám chấp của mình nhiều hay ít. Vì cuộc sống là vô thường, chúng ta không thể bám giữ hay sở hữu được một cái gì. Bạn không thể chạm được vào cầu vồng cho dù có cố gắng bao nhiêu đi chăng nữa. Tương tự như vậy, cho dù bạn có bám chấp vào nhà cửa, của cải, thân thể bao nhiêu đi chăng nữa thì bạn cũng không thể khiến chúng dừng thay đổi.

Khi giảm thiểu sự bám chấp, chúng ta sẽ cởi mở hơn, sử dụng những gì mình đang có với mục đích làm lợi ích và mang đến hạnh phúc cho mọi người càng nhiều càng tốt.  

3. Nghiệp

Khi nói về quy luật nghiệp, chúng ta thường nghĩ rằng do đời trước chúng ta tạo nghiệp xấu nên đời này chịu quả báo. Quy luật nhân quả trong nhiều đời là như vậy, nhưng chúng ta cũng có thể suy niệm về nghiệp ngay trong hiện tại, bất cứ những gì chúng ta đang làm đều là nghiệp. Ví dụ như khi bạn mắng nhiếc người khác thậm tệ, và vì lẽ đó, họ rất ghét bạn. Đó cũng là nghiệp. Khi mình đối xử không tốt với một người đó là gieo nhân, và người ta ghét mình, hãm hại mình đó là quả. Như vậy, đời sống hàng ngày của chúng ta là chuỗi nhân quả liên tục, không gián đoạn. Từ trong sâu thẳm tâm mình, bạn hãy liên tục quán chiếu đến các ác nghiệp của mình trong đời sống để phát nguyện giảm thiểu và không tái phạm. Đó là điều là một hành giả cần phải làm.

Mục đích của việc quán niệm về Nghiệp có hai cấp độ: Thứ nhất, để phát triển nhận thức rằng chúng ta là chủ nhân của nghiệp, chính chúng ta phải chịu trách nhiệm với những hành động thiện và ác của mình; Thứ hai, để giúp chúng ta phát triển sự hiểu biết về hành động nào sẽ mang đến khổ đau, hành động nào sẽ dẫn đến hạnh phúc, từ đó, chúng ta sẽ cố gắng không gieo nhân của đau khổ và phát triển nhân của hạnh phúc. Đức Phật dạy chúng ta tu Thập thiện cốt là để tạo nhân duyên, có đầy đủ phúc báo để đời này được an vui, và kiếp sau không đọa đường ác. Đây là cội gốc của các pháp lành thế gian và xuất thế gian. Thập thiện là một pháp môn giúp cho người học Phật từ kẻ sơ cơ đến người xuất gia tu hành đạt được kết quả tiến bộ trên con đường giải thoát. Bởi vì hành Thập thiện là mấu chốt tránh được mọi nghiệp ác, tránh khỏi bị đọa lạc vào ba đường khổ, không những thế, còn được hưởng mọi an vui trong cuộc sống.

(Nhóm ĐBT biên soạn)


 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5697248
Số người trực tuyến: