Phòng hộ sáu căn - Pháp tu quan trọng của người Phật tử | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Phòng hộ sáu căn - Pháp tu quan trọng của người Phật tử

Phòng hộ sáu căn là một trong những pháp tu căn bản, quan trọng của người Phật tử. Nếu sáu căn không được phòng hộ thì dẫu có ra sức dụng công nhiều, kết quả vẫn hạn chế, thậm chí hoài công như dã tràng xe cát mà thôi. Là những hành giả thực hành trưởng dưỡng trí tuệ và từ bi, người Phật tử phải biết làm thế nào để căn nhà tâm của mình được thanh lọc, gọn gàng.

Sáu căn là sáu giác quan (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý), sáu cánh cửa luôn mở ra để tiếp xúc với sáu trần cảnh (hình sắc, âm thanh, mùi hương, vị ngon, xúc chạm, pháp trần).

Khi sáu giác quan tiếp xúc với sáu trần cảnh thì cảm thọ vui khổ và tâm yêu ghét có mặt. Nếu yêu thích thì chạy theo, tìm cách chiếm hữu. Nếu ghét bỏ thì tìm cách xua đuổi, khử trừ. Căn không được phòng hộ thì lập tức chúng ta bị tham sân chi phối.

Phần lớn thời gian của đời người là tìm mọi cách để thỏa mãn các giác quan. Trớ trêu là nhu cầu của giác quan không bao giờ thỏa mãn, vì thế mọi khổ đau, những điều bất như ý đều bắt đầu từ đây.

Con người có sáu căn cũng giống như một căn nhà có sáu cửa suốt ngày mở toang ra nên bao nhiêu giông bão, bụi bẩn, rác rưởi sẽ tràn vào. Nếu mắt tai mũi lưỡi thân ý của con người cứ mở ra bên ngoài không có sự phòng hộ thì chắc chắn gió bụi của cuộc đời, tất cả những điều tiêu cực, tích cực sẽ đi vào trong và khiến cho căn nhà tâm của chúng ta bị đảo lộn. Bởi dù chỉ một hình ảnh, âm thanh đã đi vào trong tâm thì nó sẽ gieo vào tạng thức một chủng tử mà chúng ta không thể lấy ra được, chỉ có thể đợi cho đến khi nó chín mùi thành quả.

Phòng hộ sáu căn có đồng nghĩa với vô cảm?

Phòng hộ không có nghĩa là chúng ta không nhìn gì cả, không nghe, không hay không biết. Nếu như vậy thì chúng ta sẽ trở thành sỏi đá khô cằn. Nền tảng của phòng hộ là an trú vào luật nghi và chính niệm tỉnh giác khi đối duyên xúc cảnh. Quan trọng hơn là chính niệm tỉnh giác khi căn tiếp xúc với trần. Biết rõ tâm ngay đương tại để làm chủ thì tâm không chạy theo cảnh. Như vậy, khi thấy nghe hay biết, chúng ta phải lựa chọn có trí tuệ để có thể bảo vệ được căn nhà tâm của mình, không để cho các chất độc, rác rưởi, hay những thông tin không cần thiết làm tâm hồn xáo trộn.

Thấy nghe mà sinh tâm yêu ghét mừng giận thì có nghĩa là bạn đang bị lệ thuộc vào trần cảnh bên ngoài. Khi đã chạy theo cảnh trần thì lập tức bị ác ma tóm lấy. Tu căn là vẫn thấy vẫn nghe nhưng an trụ trong tính thấy nghe hay biết, không cho yêu ghét xen vào. Giữ tâm như thế gọi là phòng hộ.

Lời Phật dạy về phòng hộ sáu căn

“Một thời Đức Phật ở trong vườn Cù-sư-la, tại nước Câu-diệm-di. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

Vào thời quá khứ, có đám cỏ trong sông và có con rùa sống trong bụi cỏ ấy. Khi đó có một con dã can đói đi tìm thức ăn. Vừa thấy con rùa, nó vội nhảy tới vồ lấy. Con rùa thấy vậy, liền thu hết đầu đuôi và bốn chân vào trong mai. Dã can canh đợi con rùa thò đầu, chân ra là chụp ăn liền. Nhưng chờ lâu quá, mà nhất định rùa không thò đầu và chân ra. Dã can đói quá, tức tối bỏ đi.

Này các Tỳ-kheo, ngày nay các ông cũng lại biết như vậy. Ma Ba-tuần luôn luôn dò xét tìm cơ hội bên các ông. Mong đợi mắt các ông đắm sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý nhớ pháp mà xúi giục sanh tâm đắm nhiễm sáu trần. Cho nên Tỳ-kheo, các ông phải luôn luôn giữ gìn luật nghi của mắt.

Khi đã giữ gìn an trụ nơi luật nghi của mắt rồi, dù mắt có sinh khởi hoặc duyên cảnh đi nữa thì ác ma Ba-tuần cũng không thể tìm được cơ hội. Tai mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như vậy. Dù sáu căn kia có sanh khởi hoặc duyên cảnh đi nữa, thì chúng cũng không thể tìm được tiện lợi. Giống như con rùa, dã can không thể tìm được cơ hội nào.

Bấy giờ Phật liền nói kệ:

Rùa vì sợ dã can

Giấu thân vào trong mai

Tỳ-kheo khéo nhiếp tâm

Giấu kín các giác tưởng

Không nương, không sợ hãi

Kín tâm, chớ nói năng.

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành”.

(Kinh Tạp A-hàm, kinh số 1167)

(Nhóm ĐBT biên soạn)

 

 

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5695880
Số người trực tuyến: