Quần thể danh thắng Phật giáo nổi tiếng tại Ladakh | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Quần thể danh thắng Phật giáo nổi tiếng tại Ladakh

Như một bảo tàng sống động về truyền thống văn hóa độc đáo vùng Himalaya, Ladakh là minh chứng còn tồn tại về nền văn hóa Phật giáo cổ đại đã trường tồn qua nhiều thế kỷ biến động, với không gian tâm linh còn nguyên vẹn âm hưởng từ quá khứ hào hùng.

TỰ VIỆN HEMIS

Tự viện Hemis được kiến lập năm 1630 bởi Đức Druk Staktsang Raspa, một đệ tử của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ V. Ngài tới hoằng dương Phật pháp tại Ladakh theo lời thỉnh mời của  Quốc Vương Sengey Namgyal. Tự viện được xây dựng ngay bên dưới hang động thiền định của Đức Gyalwa Gotsangpa, một trong hai bậc đại đệ tử xuất chúng nhất của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ I. Tự viện Hemis tựa lưng vào núi, trên vách đá vẫn còn in các dấu tích Tám tướng Cát tường tự thân thị hiện. Nơi đây có pho tượng Bạch Độ Mẫu linh thiêng, với năng lực ban gia trì trường thọ, được tôn kính là “Thuyết Pháp Độ Mẫu” vì Ngài thường ban những lời huyền ký hoặc khai thị giáo pháp mỗi khi các thành tựu giả yogi tới chiêm bái kính lễ. Đây cũng là nơi tổ chức Lễ hội Thường niên Hemis, một quốc lễ của Ladakh và lễ hội văn hóa nổi tiếng toàn vùng Himalaya. Bảo tàng Hemis hiện đang lưu giữ một kho tàng bảo vật cổ xưa với những tác phẩm được ra đời từ 2000 năm trước. Các bảo vật này hầu hết là những Pháp bảo do nhiều đời vua và Hoàng tộc Ladakh cũng như các vương quốc Himalayas khác cúng dàng lên các bậc Thượng sư truyền thừa Drukpa.

TỰ VIỆN CHEMDREY

Tự viện Chemdrey, trực thuộc Truyền thừa Drukpa, được kiến lập đầu thế kỷ 17 bởi Đại hành giả yogi Staktsang Raspa, một trong các bậc đệ tử xuất chúng của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ V. Nơi này trước đó là cung điện mùa đông của Quốc vương Ladakh, sau được cúng dàng lên Đức Staktsang Raspa. Đây là nơi an vị một tôn tượng Liên Hoa Sinh rất linh thiêng. Tự viện cũng có một tôn tượng đặc biệt của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ IV, tương truyền bức tượng này đã từng vài lần cất tiếng khai thị giáo pháp và thị hiện thần thông. Nơi đây cũng là một bảo tàng nhỏ, lưu giữ những bức thangka quý báu từ các Vương triều Phật giáo cổ đại.

TỰ VIỆN CUNG ĐIỆN SHEY

Tự viện Shey nằm cách Leh 15km về phía Nam. Ngôi tự viện được kiến lập theo lời chỉ dạy của Quốc vương Deldon Namgyal để tưởng niệm về Phụ vương quá cố của Ngài là Đức Sengye Namgyal. Pho tượng chính của Tự viện Shey Namgyal tạc Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trong tư thế an tọa. Đây là pho tượng đúc đồng lớn nhất, đồng thời cũng là pho tượng lớn thứ hai của cả vùng Ladakh. Pho tượng được kiến lập từ những lá đồng mạ vàng xếp khít nhau, được yểm bằng Chân ngôn Mật ngữ, châu báu và các pháp khí gia trì. Hai bức tường bên cạnh pho tượng họa hình 16 vị A La Hán (những bậc Thánh giả đã chứng ngộ Niết Bàn), mỗi bên có 8 vị. Bức tường phía sau họa hình hai Đại Đệ tử của Đức Phật là Ngài Xá Lợi Phất và Ngài Mục Kiền Liên. Các bức tường bao quanh pho tượng Phật đều được trang trí bằng nhiều hình ảnh, biểu tượng Phật pháp khác. .

Một bát nến lớn với tim nến cháy ở trung tâm, tượng trưng cho phẩm hạnh thanh tịnh và linh thiêng, được bày phía trước pho tượng Phật. Bát nến này có thể cháy liên tục suốt một năm mới cạn. Các bức tường tầng hai của Tự viện Shey được khắc họa vô cùng tinh tế. Tầng một bao gồm một tàng thư lớn với các bức tường họa hình Đức Phật trong vô số thế ấn khác nhau. Hàng năm, vào ngày 30 của tháng đầu tiên theo lịch Âm, chư Tăng nơi đây tổ chức Pháp hội thường niên, sự kiện văn hóa tâm linh thu hút đông đảo Phật tử địa phương và khách hành hương tham dự.

TRƯỜNG DRUK PADMA KARPO

Ngôi trường được nhiều giải thưởng kiến trúc quốc tế mang tên Druk Padma Karpo (dịch nghĩa tiếng Việt là Bạch Liên Hoa), được khởi xướng và thiết kế bởi Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa, cho tới nay vẫn là ngôi trường xanh duy nhất của cả vùng Himalaya. Ngôi trường này cũng được biết đến rộng rãi với tên gọi “Trường Rancho” sau khi bộ phim “3 chàng ngốc” với diễn xuất của minh tinh Aamir Khan lấy bối cảnh ngôi trường này được trình chiếu. Mục tiêu đào tạo của trường hướng tới việc duy trì bản sắc văn hóa cổ truyền, đồng thời trang bị cho học sinh các phương tiện, kiến thức của nền giáo dục hiện đại. Ngôi trường chính nằm tại Shey (trước kia là thủ phủ của Ladakh), cách Thung lũng Indus ở trung tâm Ladakh khoảng 30 phút đi xe. Một chi nhánh của trường được mở ra ở Khachey vào năm 2010. Các học sinh theo học bằng tiếng Bhoti (ngôn ngữ địa phương), tiếng Anh và tiếng Hindi, và được học các môn khoa học, xã hội, nghệ thuật sáng tạo và thể thao. Các em học về cuộc sống, về kỹ năng sống, bao gồm cả làm việc theo nhóm, kỹ năng trình bày, kỹ năng lãnh đạo và giải quyết vấn đề, thông qua các bài giảng và hoạt động ngoại khóa. Ngôi trường được đặt tên theo Hồng danh của Đức Pháp Vương đời thứ IV Kunkhyen Pema Karpo (1527-1592), bậc được kính ngưỡng rộng khắp trong lịch sử Himalaya như một Đại học giả - Đại Thành tựu giả.

TỰ VIỆN STAKNA

Tự viện Stakna ở Ladakh tọa lạc bên bờ sông Indus, cùng phía với Tự viện Hemis, cách Leh khoảng 25 km. Tên gọi Stakna của ngôi Tự viện có nghĩa là “Mũi hổ”, bởi tự viện được xây dựng trên một ngọn đồi có hình dáng giống như mũi một con hổ. Tự viện Stakna được kiến lập bởi Đức Choje Jamyamng Palkar, một bậc Thánh giả Bhutan. Đây là một trong nhiều Tự viện được Quốc vương Jamyang Namgyal cúng dường lên bậc Thánh tăng vào khoảng năm 1580. Tại ngôi Chính điện nơi đây thờ phụng tôn tượng Quan Thế Âm Bồ Tát linh thiêng được chúng dân hạt Kamrup (Assam, Ấn Độ) cúng dàng. Các đời hóa thân chuyển thế không gián đoạn của Đức Stakna Rinpoche đã kế tiếp nhau trì giữ ngôi tự viện và bảo tồn giáo pháp Truyền thừa Drukpa. Tự viện Stakna cũng có một số tự viện nhánh như Mud, Kharu, Stakrimo, Bardan và Sani tại Zanskar.

TỰ VIỆN KORZOK

Được kiến lập khoảng 300 năm trước bởi Đức Langna Rinpoche đời thứ 3 thuộc Truyền thừa Drukpa, nằm trên độ cao 4,560m bên bờ Tây Bắc của hồ Tsomoriri, Tự viện Korzok là nơi trì giữ pho tượng Đức Phật cổ xưa cùng các bảo vật gia trì, như xá lợi xương răng của Đức Phật thứ 2, một pho thánh tượng Đức Liên Hoa Sinh nằm bên trong tâm của tôn tượng Phật Bản tôn Kim Cương Tát Đỏa Vajrasattva, được tạc nên bởi chính bàn tay của Thượng Sư Liên Hoa Sinh. Tương truyền cả hai pho tượng này đều có quyền năng ban gia trì tối thắng.

HỒ PANGGONG

Panggong có nghĩa “dài, hẹp, linh thiêng”, là tên của hồ nước nằm ở độ cao 4,350m trên dãy Himalaya. Hồ nước dài 134 km nối liền từ Ấn Độ tới Tây Tạng, trong đó 60% bề dài hồ thuộc địa phận Tây Tạng. Bề ngang hồ ở nơi rộng nhất chỉ có 5 km, toàn bộ diện tích mặt hồ trải trên 604 km2. Vào mùa đông, cả mặt hồ đóng băng kín dù đây là hồ nước mặn. Hồ Pangong không thông với sông Indus và xét về địa lý, hồ nước này hoàn toàn biệt lập, không liên thông với các nguồn nước bên ngoài.

TỰ VIỆN ALCHI

Được kiến lập vào thế kỷ thứ X bởi Đại học giả - dịch giả Rinchen Zangpo, Alchi là một nhánh của tự viện Likir. Nơi đây lưu giữ một kho tàng phong phú các bức tranh cổ khắc gỗ và bích họa trên tường, được bảo trì một cách thần diệu qua hơn 9 thế kỷ, trong khuôn viên các ngôi đền với tường đắp bằng bùn.

TỰ VIỆN LAMAYURU

Lamayuru là một trong những tự viện lớn nhất và cổ xưa nhất của Ladakh, thuộc Truyền thừa Drikung. Thời Đức Phật Thích Ca tại thế, thủ phủ Ladakh bấy giờ còn là một hồ nước lớn, nơi cư trú của loài Rồng Naga. Từ giữa hồ phía Tây nổi lên một đồi đất khô ráo, được gọi theo tiếng địa phương là Skambur. Tương truyền A La Hán Mạc Điền Địa (một đệ tử của Ngài A Nan), một lần tới chiêm bái hồ Lamayuru, đã dùng đầu gậy gõ xuống đất để nước phun lên, lấy nước đó cúng dường loài Rồng Naga. Rồi Ngài huyền ký rằng về sau, giáo pháp Kinh thừa và Mật thừa hợp nhất sẽ được hoằng truyền rộng rãi ở nơi này. Về sau, Đức Mahasiddha cũng từ Zanskar tới chiêm bái nơi này. Ngài đã nhập thất rất lâu trong một hang động biệt lập, biến nơi này trở thành một thánh địa linh thiêng. Hang thất của Ngài vẫn còn được bảo tồn tới nay và đã trở thành một phần chính điện của Tự viện Lamayuru.

CUNG ĐIỆN LEH

Cung điện Leh cao chín tầng được kiến lập bởi Quốc vương Sengye Namgyal vào thế kỷ 17, vốn là một trong những cung điện Hoàng gia ở trên cao trông xuống toàn vùng Leh. Nơi này bị bỏ hoang khi quân đội Dogra đánh chiếm Ladakh vào giữa thế kỷ 19, khiến toàn bộ Hoàng gia phải di rời về cung điện Stok. Tàn tích của cung điện đã được phục chế bởi Ủy ban Khảo cổ Ấn Độ. Bảo tàng Cung điện hiện nay đang nắm giữ một kho tàng giá trị với các châu báu, trang sức, lễ phục và mũ miện cùng nhiều bức tranh cổ từ hơn 450 năm trước.

TỰ VIỆN MULBEKH CHAMBA

Mulbekh Chamba là một nhánh của Tự viện Hemis thuộc Truyền thừa Drukpa. Nơi đây có bức tượng đá tạc Đức Phật Di Lặc cao 9m, được khắc vào vách đá từ trên cao nhìn xuống Quốc lộ 1D nối liền từ Leh tới Kargil. Pho tượng khắc trên đá này được kiến tạo trong khoảng thế kỷ 7-8, khi các sứ giả Phật giáo từ miền đông Himalayas du hóa tới vùng này. Gần ngôi tự viện có động của chư Dakini có tên gọi Orgyan Dzong, nơi Thượng sư Liên Hoa Sinh từng thiền định.

TỰ VIỆN SPITUK

Tự viện Spituk được kiến lập vào thế kỷ 11 bởi Ngài Od-De, anh trai của Lha Lama Changchub-od. Nơi này được Ngài Rinchen Zapo đặt tên là Spituk (có nghĩa là “Xuất chúng”) và được tiếp quản bởi Truyền thừa Gelugpa vào thế kỷ 15. Ở đây lưu trữ bộ sưu tập các mặt nạ cổ, các vũ khí và súng cổ cùng tranh nghệ thuật thangka. Pho tượng Kali khổng lổ thường được triển lãm trong lễ hội Spituk hàng năm.

CUNG ĐIỆN STOK

Cung điện Stok được Quốc vương Tsespal Tondup Namgyal xây dựng năm 1825 và tới nay vẫn đang là nơi an cư của con cháu dòng dõi hoàng tộc của Quốc vương Sengye Namgyal. Đây là quần thể các khu vườn rất đẹp cùng một tàng thư lưu giữ 108 tạng kinh Kangyur (một trong các tạng Giáo Pháp của Đức Phật). Nằm cách trung tâm Leh 15 km, nơi đây hàng năm thường diễn ra lễ hội Vũ điệu Mặt nạ. Ở đây cũng lưu giữ bộ sưu tập hoàng bào, vương miện và các vật dụng khác của hoàng gia.

TỰ VIỆN TATHOK

Trực thuộc Truyền thừa Nyingma, Takthok có nghĩa là “Rễ đá”, bởi toàn bộ nền móng cũng như các tường bao quanh đều được làm từ đá. Đây là ngôi tự viện duy nhất của Truyền thừa Nyingma tại Ladakh. Tự viện được kiến lập vào khoảng giữa thế kỷ 16 trong thời trị vì của Quốc vương Tsewang Namgyal, được xây trên một ngọn núi bao quanh hang động nơi Thượng sư Liên Hoa Sinh vào thế kỷ 8 đã từng nhập thất trong 3 năm.

TỰ VIỆN THIKSEY

Được thiết lập vào thế kỷ 15, Tự viện Thiksey trực thuộc dòng Gelugpa, được xây dựng phỏng theo Cung điện Potala ở Lhasa. Đây là một tòa nhà 20 tầng có lưu giữ nhiều tác phẩm nghệ thuật Phật giáo như bảo tháp, tượng, thangka, tranh tường và bảo kiếm. Nơi đây có pho tượng Phật Di Lặc cao 15m, là ngôi tượng lớn nhất vùng Ladakh, cao ngang với hai tầng của tòa nhà.

CÁC DANH THẮNG KHÁC

Tại thủ phủ Leh, du khách có thể ghé thăm Bảo tháp Shanti, Bảo tàng Cung điện Leh và ngôi đền thờ Hồi giáo cổ kính nhất Ladakh nằm ở trung tâm chợ Leh Bazaar, có thể đi bộ dọc theo các cửa hàng bán đủ các đồ hữu cơ và các vật dụng của người dân tộc. Ladakh là một điểm du lịch hấp dẫn, bạn không thể đến đây chỉ một lần mà không muốn quay lại. Bạn sẽ có cảm giác được đắm mình trong một câu chuyện cổ tích thời xa xưa. Tham dự “Đại Pháp hội vùng Himalaya” vào tháng 9 năm 2016 là dịp để khám phá vẻ đẹp tiềm ẩn của nơi đây.

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5698201
Số người trực tuyến: