Quán niệm 6 năm khổ hạnh của Đức Phật mà vững bước tiến tu | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Quán niệm 6 năm khổ hạnh của Đức Phật mà vững bước tiến tu

Trong tháng Phật đản cát tường, là những người con Phật, để tri ân Đức Bản sư, chúng ta phải hiểu về hồng danh cũng là những công hạnh của Ngài. Chữ “Thích Ca Mâu Ni Phật” là tiếng Ấn Độ, khi dịch nghĩa sang tiếng Hán có hai nghĩa là “Năng nhân” và “Tịch mặc”.

“Năng nhân” có nghĩa là “sức mạnh của lòng từ bi” vô ngã bình đẳng. Đó là năng lực vĩ đại để Đức Phật có thể cứu khổ cho chúng sinh. Tình thương của Đức Phật bình đẳng, có năng lực chuyển hóa mọi khổ đau giúp chúng sinh chứng đạt hạnh phúc giác ngộ. Chính lòng từ bi đã trở thành năng lực để Ngài có thể thị hiện vô số thân, bất cứ ai cầu đến, Ngài đều có thể cứu khổ. Sức mạnh của lòng từ bi đã giúp Đức Phật bao nhiêu kiếp không nhàm mỏi trong sự nghiệp cứu độ chúng sinh. Trong kinh Bồ Tát Giới, đích thân Đức Phật Thích Ca đã nói: “Ta đã tám nghìn lần đến thế giới Sa bà”.

Còn “Tịch mặc” có nghĩa là Trí tuệ. “Tịch” là có trí tuệ thấu đáo ngoại cảnh, “Mặc” là có trí tuệ để đối diện chính nội tâm mình. Ngoại cảnh bên ngoài bao gồm thành bại, thịnh suy, vinh nhục, khen chê, đói khát, nóng lạnh hay sướng khổ cũng như tất cả những trạng thái tâm tham-sân-giận-ghét-ái dục-vô minh đều không làm dao động Đức Phật.

Sáu năm tu hành khổ hạnh

Trong lịch sử Đức Phật Thích Ca có câu “Núi tuyết tu hành sáu năm khổ hạnh”. Kinh điển ghi lại rằng, trong hai năm đầu, Ngài gần như không ăn gì ngoài vài hạt mè; trong hai năm kế tiếp, Ngài chỉ uống nước, và hai năm cuối Đức Phật không hề dùng thực phẩm gì. Trong suốt thời kỳ khổ hạnh cực kỳ khắc nghiệt đó, thân thể Ngài trở nên gầy mòn, đen đúa như bộ xương khô, mọi người gọi Ngài là Hắc Mâu Ni. Ngài không hề dịch chuyển, chỉ ngồi thiền tĩnh lặng như một tảng đá, đến nỗi kiến còn làm tổ ngay dưới chỗ ngồi của Ngài. Trâu nước và tụi trẻ chăn trâu đều vô cùng ngạc nhiên khi thấy vị Hắc Mâu Ni kỳ quái này. Vài đứa nghịch ngợm còn đốt nóng que cời bằng sắt và đâm vào lỗ tai Ngài để trêu chọc.

Đến cuối thời kỳ sáu năm thực hành miên mật, Bồ Tát tự hỏi vì sao mình nỗ lực hành đạo theo con đường cực đoan, bởi đạo khổ hạnh không hề cho thấy chút khả năng nào mang lại hỷ lạc hay trợ duyên giác ngộ. Do vậy, Ngài đã từ bỏ lối tu khổ hạnh và sự hành xác tới gần như kiệt quệ. Ngài cũng nhận ra rằng nếu chỉ thiền định an trụ tâm trong hư không vô biên, như các bậc thầy tu khổ hạnh đã dạy Ngài, sẽ không bao giờ chấm dứt khổ đau trong ba cõi. Vì vậy, Thái tử quyết tâm đi theo con đường Trung đạo của chính mình.

Sau khi Ngài thọ bát cháo sữa do một thôn nữ tên là Tu Xà Đa (Sujata) cúng dường, sức khỏe của Ngài dần dần hồi phục và Ngài trở lại tráng kiện như xưa. Khi sức khỏe đã phục hồi và với ý chí quyết tâm không thoái chuyển, Thái tử Tất Đạt Đa oai nghi tiến về phía cây Bồ đề, nơi  đánh dấu sự kiện thành đạo vĩ đại của Ngài. Ngài đã phát nguyện rằng: “Nếu ta ngồi đây mà không chứng được vô thượng chính đẳng chính giác, thì dù thịt nát xương tan, ta quyết không bao giờ đứng dậy”.

Như vậy danh hiệu của Đức Phật Thích Ca bao hàm cả năng lực Từ bi và Trí tuệ. Là đệ tử của Phật, chúng ta hãy luôn quán chiếu về công hạnh Năng nhân và Tịch mặc của Ngài, để không làm nô lệ cho thân, tâm, cảnh, tự tại bước đi trên con đường đạt đến giác ngộ mà Đức Phật đã từ bi chỉ dạy:

Thương ta thường lấy khổ làm vui,

Tham, dục, sân, si, hết nửa đời!

Manh áo cần lao cay đắng mắt,

Bát cơm vinh nhục xót xa người!

Vì danh có lúc khôn thành dại,

Hám lợi đôi khi khóc dở cười!

Đức Phật từ bi luôn cứu độ,

Sen vàng muôn cánh sắc vàng tươi.
(Kha Tiệm Ly)


(Nhóm ĐBT biên soạn)

Tán thán 12 công hạnh của Đức Phật

 

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5757614
Số người trực tuyến: