Tấm gương tu tập của 3 bậc Kim cương Thượng sư Tối thắng (Phần 2) | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Tấm gương tu tập của 3 bậc Kim cương Thượng sư Tối thắng (Phần 2)

2. Đức Gyalwa Gotsangpa Gonpo Dorje


Đức Gyalwa Gotsangpa

Đức Gyalwa Gotsangpa đản sinh tại Lhodrak vào năm 1189, năm Dậu Âm Thổ. Phụ thân của Ngài là Chuchel Mondrak và mẫu thân của Ngài là Zugmo Palgyen. Cả hai người đều có tín tâm sâu sắc với Phật pháp. Hai người con trước của ông bà đã sớm ra đi ngay sau khi sinh. Sau khi Đức Gotsangpa đản sinh, phụ mẫu của Ngài đã gửi Ngài tới Đức Lobpon Zurton, một đạo sư của truyền thống Kadampa, trong  vòng tám tháng. Ngài đã đặt tên cho cậu bé là Gonpo Pal.

Ngay từ khi còn nhỏ, Đức Gotsangpa đã có niềm tin kính vô bờ đối với Phật pháp và luôn tôn kính các hành giả tâm linh. Ngài thường bắt chước những hành động như giảng pháp, một ca sĩ xuất sắc, một vũ công và một nhạc sĩ tài năng. Khi Ngài lên ba, mẹ Ngài đã rời bỏ Ngài và Ngài được cha mình nuôi nấng chăm sóc. Ngài học đọc và học viết từ sớm và khi lên tám, khả năng này đã giúp phụng dưỡng phụ thân Ngài rất tốt. Khi Ngài lên 10 tuổi, mẫu thân quay trở lại đón Ngài và nói: “Con không phải là con trai của Mondrak mà là con trai của một người rất giàu có. Hãy đi với ta. Ta sẽ bồi thường cho Mondrak”. Tuy nhiên, Gotsangpa đáp lại: “Bà đã bỏ tôi khi tôi còn nhỏ. Khi tôi lớn lên, bà sẽ lại bán tôi. Mondrak có thể không là phụ thân của tôi nhưng ông đã chăm sóc lo lắng cho tôi hơn cả cho chính bản thân mình”. Ngài đã từ chối đi cùng với bà.


Lhasa

Sau đó, Đức Gotsangpa nhận quán đỉnh từ Lama Zhang và nhiều Đạo sư khác. Ngài đã tới Lhasa ba lần, đỉnh lễ và đi nhiễu rất nhiều lần, cầu nguyện chứng đạt những khát ngưỡng tâm linh của mình. Ngài có tướng hảo rất đoan nghiêm và ưa thích ca hát. Một ngày, khi Ngài nghe thấy hồng danh của Đức Tsangpa Gyare từ một ca sĩ, một niềm sùng kính vô bờ tự nhiên trào dâng trong Ngài. Ngài đã xin phép phụ thân và tới tự viện Ralung. Vào tuổi mười chín, Ngài được Đức Tsangpa Gyare quy y và được ban pháp danh Gonpo Dorje. Sau đó Ngài thụ nhận tất cả giáo pháp giải thoát.

Gotsangpa đã hỏi phụ thân mình rằng Ngài có thể làm gì để phụ thân an vui. Phụ thân Ngài trả lời rằng: “Ta sẽ an vui nếu con là một hành giả chân chính. Hãy ở lại với Thượng sư của con và tinh tiến tu học. Hãy trở về thăm ta một lần mỗi năm”. Gotsangpa ở lại Tự viện Namdruk trong ba năm và thụ nhận tất cả giáo pháp, quán đỉnh, Ngài đã phụng sự Thượng sư với tín tâm chí thành dâng hiến.


Động Gotsangpa, Ladakh (Ấn Độ)

Sau khi Thượng sư Tsangpa Gyare viên tịch, Gotsangpa đã phát nguyện trì giữ mười hai giới:

1. Coi tất cả khổ đau là phương tiện tu tập;

2. Bố thí của cải cho người khác và đoạn trừ bản ngã;

3. Không nhìn vào lỗi lầm của người khác mà đối xử với mọi người bình đẳng như đối với Thượng sư của mình;

4. Tu tập thành tựu cảnh giới của Thượng sư bằng coi sắc pháp và tâm pháp chính là Thượng sư;

5. Luôn luôn giác tỉnh rằng Thượng sư chính là hoá thân của chư Phật ba đời;

6. Không bám chấp vào thân thể và vật chất mà bố thí tới người khác;

7. Coi tất cả mọi hành động là huyễn ảo;

8. Đối xử bình đẳng với người khác  như chính bản thân mình;

9. Mang lại an vui cho người khác và chịu thay nỗi khổ của người khác;

10. Thực hành lợi tha tới khi chấm dứt luân hồi thống khổ;

11. Tích luỹ công đức và trí tuệ hợp nhất trong mọi lúc bằng phát ba giới nguyện công đức thanh tịnh;

12. Luôn nhất tâm tu tập thành tựu giải thoát giác ngộ.

Đức Gotsangpa đã tới Lhodrak và thiền định trong ba năm. Vào một buổi tối, Thượng sư Tsangpa Gyare đã tới trong một giấc mơ và dạy rằng: “Tri thức về Pháp thôi là chưa đủ. Nếu không đưa hiểu biết vào thực hành thì con sẽ không thể thành tựu Phật quả. Hãy tới đỉnh Kailash và theo truyền thống của Đức Milarepa”.


Đường nhiễu vòng quanh đỉnh núi Kailash

Mặc dù Đức Gotsangpa muốn tới đỉnh Kailash, nhưng Ngài không thể buộc lòng rời xa người cha đang ốm liệt giường. Cha Ngài dạy rằng: “Để thực hành Pháp, con phải thiền định và thành tựu thực chứng. Tuy nhiều bậc cha mẹ có thể gây trở ngại trên con đường thực hành Pháp, song ta sẽ hoan hỷ nếu con trở thành một hành giả chân chính. Con sẽ tri ân tới ta bởi ta không là trở ngại cho sự tu của con”.

Đức Gotsangpa từ biệt cha đi tới đỉnh Kailash, cảnh giới Mandala của Bản Tôn Chakrasamvara, và bắt đầu chính thức thực hành đi nhiễu quanh đỉnh núi linh thiêng. Ngài đã dành bốn năm thiền định trong khu vực này. Sau khi trở lại Ralung, Ngài đã thụ nhận trọn vẹn giới nguyện Tỳ kheo từ Đức Onre Darma Senge. Sau đó Ngài tới thánh địa Tsari, tại đây Ngài đã thiền định trong năm năm. Sau đó Ngài tới Tsibri và dành thời gian ba năm tại Pangkar.


Dấu tay Đức Gotsangpa trên đá

Đức Gotsangpa đã thiền định tại nhiều thánh địa khác nhau, phô diễn nhiều pháp thuật linh thiêng và để lại dấu chân, dấu tay và cả vết trán trên những tảng đá tại các sơn động nơi Ngài thiền định. Những dấu vết này vẫn có thể được chiêm bái tại Keylang ở Lahoul, Himachal Pradesh, sơn động Gotsang tại Ladakh và Dri-ra Phug gần đỉnh Kailash ở Tây Tạng. Đức Gotsangpa đã thị hiện viên tịch ở tuổi 70 vào năm 1258.

Trong vô số đệ tử thành tựu của đức Gotsangpa có các đệ tử xuất chúng trứ danh như: Đức Gyalwa Yang Gonpa, đệ tử chứng đắc thành tựu hơn Ngài; Đức Ugyenpa, bậc thành tựu quán tưởng như Ngài; Đức Nelrenpa, bậc thành tựu quan kiến thanh tịnh như Ngài; Đức Bariwa, bậc thành tựu thiền định như Ngài; Đức Madunpa, bậc thành tựu tâm đại từ bi như Ngài; Đức Gangpa, bậc thành tựu vô chấp như Ngài; Đức Chilkarwa, bậc thành tựu tinh tiến như Ngài; Đức Jangchub Lingpa, bậc thành tựu tâm dâng hiến và hai Repa hay còn gọi các hành giả Yogi áo vải là Shakya Repa và Dawa Repa.

Những đệ tử theo đức Gyalwa Gotsangpa được gọi là thuộc dòng “Drukpa Thượng”.

(Còn tiếp)

(Nguồn: Trích ấn phẩm “Những hành giả Yogis của Truyền thừa Drukpa”)

Tham khảo thêm

Tấm gương tu tập của 3 bậc Kim cương Thượng sư Tối thắng (Phần 1)

Tấm gương tu tập của 3 bậc Kim cương Thượng sư Tối thắng (Phần 3)

 

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5698224
Số người trực tuyến: