Thập thiện nghiệp - Căn bản Phật quả | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Thập thiện nghiệp - Căn bản Phật quả

Mười nghiệp lành, cũng như mười nghiệp dữ, đều do thân, khẩu, ý phát khởi ra. Nghiệp dữ ví như cỏ, nghiệp lành ví như lúa, đều mọc chung trên một đám ruộng. Cỏ thường làm chướng ngại lúa, không cho sinh trưởng tốt tươi. Nếu muốn lúa tốt để mãn mùa thu hoạch được nhiều, thì phải nhổ sạch cỏ. Cũng thế, muốn được nghiệp lành, thì cần phải dứt hẳn mười nghiệp dữ. Mười phương ba đời, các vị hiền thánh thoát khỏi sinh tử, chứng quả vô thường, đều lấy mười nghiệp thiện làm căn bản; vì thập thiện nghiệp có công năng ngăn ngừa các hành vi độc ác, làm cho ba nghiệp (Thân, Khẩu, Ý) được thanh tịnh, nhờ đó, con người mới thoát ly sinh tử, chứng quả Niết Bàn. Nếu đem mười nghiệp lành này, hồi hướng cho toàn thể chúng sinh, thì sẽ được Phật quả.

Thân tâm con người thường bị nghiệp lực chi phối. Sự thực hành thập thiện nghiệp, sẽ hoán cải thân tâm con người trở thành tốt đẹp. Dụ như không sát sinh mà lại phóng sinh, thì lòng hung ác sẽ đổi ra lòng từ bi, sự oán thù sẽ đổi ra thành ân nghĩa. Thập thiện nghiệp cũng giúp con người ta chuyển hóa hoàn cảnh bởi hoàn cảnh cũng như tấm gương lớn phản ảnh tất cả những cử chỉ hành động, đời sống của mỗi người. Nếu ta cười thì tấm gương cười lại; nếu ta khóc, tấm gương cũng khóc lại. Cũng thế, nếu ta làm các việc lành, giúp ích đồng loại, cứu vớt chúng sinh, thì hoàn cảnh đối với ta, sẽ trở thành cảnh giới tốt đẹp. Chẳng hạn, khi ta không giận hờn, lại tu hạnh nhẫn nhục, thì hoàn cảnh không có sự đấu tranh giết hại, mà chỉ là sự tương thân tương ái.

Sau đây là những lợi ích không thể nghĩ bàn của việc thực hành thập thiện nghiệp:

1. Không sát sinh

Người hàng ngày không sát sinh thì trong đời sống hiện tại sẽ mở rộng thêm lòng từ bi, là một nhân chính để tu hành thành Phật, và được mười pháp lành, như kinh Thập Thiện Nghiệp đạo đã nói, dưới đây:

a) Tất cả chúng sinh đều kính mến

b) Lòng từ bi mở rộng đối với tất cả chúng sinh 

c) Trừ sạch thói quen giận hờn

d) Thân thể thường được khỏe mạnh

đ) Tuổi thọ được lâu dài

e) Thường được Thiên thần hộ trì

ê) Ngủ ngon giấc và không chiêm bao dữ

g) Trừ hết các mối oán thù

h) Khỏi bị đọa vào ba đường ác.

i) Sau khi chết, được sinh lên cõi Trời.

2. Không trộm cướp

Nếu không gian tham trộm cắp, mà lại làm hạnh bố thí thì theo kinh Thập Thiện Nghiệp, được những pháp lành như sau:

a) Tiền của có dư không bị nạn giặc giả cướp mất, chính quyền tịch thu, không bị nạn lụt trôi, lửa cháy và con cái phá tán.

b) Được nhiều người tin cậy 

c) Không bị lừa dối, gạt gẫm.

d) Xa gần đều khen ngợi lòng ngay thẳng của mình 

đ) Lòng được an ổn, không lo sợ vì sự tổn hại gì cả

e) Khi chết rồi được sinh lên cõi Trời

3. Không tà dâm

Kinh Thập Thiện Nghiệp đạo nói: Không tà dâm và giữ được tịnh hạnh sẽ được bốn điều lợi:

a) Sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) đều được vẹn toàn

b) Đoạn trừ hết những sự phiền não, quấy nhiễu.

c) Không ai dám xâm phạm vợ chồng con cái

d) Được tiếng tốt, người đời khen ngợi

4. Không nói dối

Theo kinh Thập Thiện Nghiệp đạo, người không nói dối mà lại nói lời ngay thật, thì được những điều lợi ích như sau:

a) Miệng thường thơm sạch

b) Thế gian và nhân, thiên đều kính yêu

c) Lời nói không lầm lộn và vui vẻ

d) Trí tuệ thù thắng, không ai hơn

đ) Được hưởng hạnh phúc như ý nguyện và ba nghiệp đều sạch.

5. Không nói thêu dệt

Theo kinh Tập Thiện Nghiệp đạo, người không nói lời thuê dệt sẽ được ba điều lợi ích:

a) Được người trí thức yêu mến.

b) Hay đáp được những câu hỏi khó khăn.

c) Được làm người có uy đức, cao quý trong cõi nhân thiên.

6. Không nói lưỡi hai chiều

Theo kinh Thập Thiện Nghiệp đạo, người không nói hai lưỡi, sẽ được những điều lợi ích sau đây:

a) Bà con, dòng họ được luôn luôn sum họp

b) Tình bằng hữu của thiện tri thức được vững bền bất hoại

c) Đức tin bất hoại

d) Pháp hạnh bất hoại

7. Không nói lời hung ác

Theo kinh Thập Thiện Nghiệp đạo, người không nói lời hung ác mà lại nói lời ôn hòa, được những công đức như sau:

a) Nói lời nào cũng khôn khéo đúng lý và lợi ích

b) Nói điều gì, ai cũng nghe theo và tin cậy

c) Nói ra lời nào cũng không ai chỉ trích mà còn được mến yêu.

8. Không tham lam

Theo kinh Thập Thiện Nghiệp đạo, người không tham muốn thì được thành tựu những điều tốt đẹp sau đây:

a) Ba nghiệp (thân, khẩu, ý) được tự tại, vì nhân các căn đều đầy đủ

b) Của cải không mất mát, hay bị cướp giật

c) Phúc đức tự tại

d) Những sự tốt đẹp sẽ đến với mình, mặc dù mình không mong ước.

9. Không sân giận hờn

Theo kinh Thập Thiện Nghiệp đạo, người nào không giận tức, thì được tám món tâm pháp, vui mừng như sau:

a) Không tâm khổ não

b) Không tâm giận hờn

c) Không tâm tranh giành

d) Tâm nhu hòa ngay thẳng

đ) Tâm từ bi như Phật 

e) Thường làm lợi ích yên ổn cho các chúng sinh 

ê) Thân tướng trang nghiêm, chúng sinh đều tôn kính

g) Có đức nhẫn nhục, được mau sinh lên cõi Phạm Thiên.

10. Không si mê

Theo kinh Thập Thiện Nghiệp đạo, người không si mê, thì thành tựu được 10 pháp công đức sau đây:

a) Được ý vui chân thiện và bạn chân thiện

b) Tin sâu nhân quả, thà bỏ thân mạng chứ không làm ác.

c) Chỉ quy y Phật, chứ không quy y thiên thần và ngoại đạo

d) Tâm sinh ngay thẳng, chính kiến

đ) Sinh lên cõi trời, khỏi bị đọa vào ba đường ác

e) Phúc huệ không lường, thường tăng lên mãi

ê) Dứt hẳn đường tà, chăm tu đạo chính

g) Không lòng chấp ngã, bỏ hết ác nghiệp

h) Yên ở vào nơi chính kiến

i) Khỏi bị nạn dữ

15 ngày đầu tiên của năm mới theo lịch Kim Cương thừa là quãng thời gian kỷ niệm Đức Phật từng thị hiện thi triển thần thông trong mười lăm ngày liên tục nhằm tăng trưởng tín tâm cho các đệ tử. Công đức thiện nghiệp tích lũy lẫn những ác nghiệp phạm phải đều tăng trưởng gấp hàng triệu lần trong 15 ngày đầu năm này. Vì vậy, các bậc Thầy Kim Cương thừa còn gọi đây là “Những ngày Tăng Trưởng”.

Nhân dịp 15 ngày đầu năm mới Chotrul Duchen thù thắng, hãy cùng chúng tôi tham dự khoá chuyên tu Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara để tích lũy vô lượng công đức, tiêu trừ chướng ngại, vô minh.

Quý vị tải tài liệu và hướng dẫn tu tập tại đây:

http://daibaothapmandalataythien.org/quanam

(Nguồn: “Phật học phổ thông”

Hòa Thượng Thích Thiện Hoa

Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh, 1997)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5697021
Số người trực tuyến: