"Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn" - Lời pháp ngữ bất diệt | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

"Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn" - Lời pháp ngữ bất diệt

Ngày Đức Phật đản sinh là ngày trần gian vui đón đấng từ phụ, bậc giác ngộ dẫn dắt chúng sinh thoát khỏi vũng lầy của vô minh tăm tối.  “Thiên thượng, thiên hạ, duy ngã độc tôn” là pháp ngữ bất diệt từ kim khẩu của Đức Thế Tôn trong giờ phút thiêng liêng của ngày khánh đản. Là những người con Phật, chúng ta cần hiểu đúng ý nghĩa của lời pháp ngữ này, và đón nhận lấy gia tài quý giá mà đấng cha lành đã gửi trao để không phụ thâm tình chỉ mê khai ngộ của Đức Như Lai!

Lời pháp ngữ này chỉ là một phần trong câu nói của Đức Phật được ghi trong Kinh Sơ-Đại Bản-Duyên trong bộ Kinh Trường A hàm Quyển Một, một quyển kinh ngắn lược thuật nhân duyên giáng sinh, thành đạo và giáo hóa của bảy đức Phật trong thế giới Ta Bà. Nguyên văn câu đó được dịch như sau: "Trên trời dưới trời, duy ta là tôn quý, ta muốn cứu độ chúng sinh khỏi vòng sinh già bệnh chết". Đó là lời Đức Phật Thích Ca thuật lại khi Đức Phật Tỳ Bà Thi, vị Phật thứ nhất bổ sinh trong thế giới Ta Bà, ra đời đã nói lên lời như vậy, cũng giống như Ngài (Phật Thích Ca) đã nói lên lời như vậy, và "ấy cũng là thông lệ của chư Phật".

Xét về mặt ngôn ngữ, câu trên cho thấy rằng chỉ có Ngài là bậc tôn quý nhất trong loài người và trời, Ngài đã thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi và thị hiện cõi Ta Bà để cứu độ chúng sinh thoát khỏi vòng sinh tử như Ngài. Tuy nhiên, nếu xét về mặt ý nghĩa của câu nói, chúng ta nên hiểu chữ "Ta" trong câu "duy có ta là tôn quý" không phải là cái Ta của Thái Tử Tất Đạt Đa, một cái Ngã sinh diệt như cái Ngã của trăm ngàn chúng sinh khác. Chữ Ta ở đây chính là Phật Tính, là Chân Tâm, chẳng hề sinh chẳng hề diệt, hoàn toàn thanh tịnh, là cái xa lìa tất cả những cái gì gọi là đối đãi. Cái Ta đó hay cái Ngã đó chính là Chân Ngã, chính là Pháp Thân thường trụ, không bao giờ hoại, bao trùm khắp không gian và thời gian.

Trong kinh Đại Bát Niết Bàn, phẩm Như Lai Tính, đức Phật dạy: "Ngã tức là nghĩa Như Lai tạng. Tất cả chúng sinh đều có Phật Tính tức là nghĩa của ngã. Nghĩa của ngã như vậy từ nào tới giờ thường bị vô lượng phiền não che đậy, vì thế nên chúng sinh chẳng nhận thấy được". Cũng trong kinh này (Phẩm Tứ Tướng), Phật nói rõ "thân của Như Lai tức là Pháp Thân, chẳng phải thân thịt máu mạch gân xương tủy hợp thành. Vì tùy thuận thế gian mà thị hiện vào thai mẹ, vì tùy thuận cách sinh của chúng sinh mà thị hiện làm đứa trẻ...".

Thật ra, Phật Tính hay Chân Tâm hay Chân Ngã hay Pháp Thân là một cái gì khó hiểu, khó nhận biết và khó trình bày vì thực chất của nó nằm ngoài ngôn ngữ, ngoài thế giới tương đối hiện tượng. Chúng ta chỉ có thể biết qua nhận thức, qua kinh điển rằng: Phật Tính là một cái gì đó chỉ có người chứng ngộ mới biết được, là một cái gì đó "không sinh không diệt, không đi không đến, chẳng phải quá khứ, vị lai, hiện tại, chẳng phải do nhân làm ra, cũng chẳng phải không nhân, chẳng phải tự tác, chẳng phải tác giả, chẳng phải tướng, chẳng phải không tướng, chẳng phải có danh, chẳng phải không danh, chẳng phải danh sắc, chẳng phải dài ngắn, chẳng phải nhiếp trì trong ấm, giới, nhập...".

Khi nói về Chân Tâm Phật Tính, Ngài kể trong Kinh Đại Bát Niết Bàn về một cô gái nghèo, trong nhà có kho vàng ròng mà không biết, đến khi có người khách khéo biết phương tiện chỉ cho chỗ cất giữ kho báu, cô trở nên giầu có. Người khách khéo biết phương tiện dụ cho Phật, cô gái nghèo dụ cho vô lượng chúng sinh hiện bị các phiền não che đậy và kho vàng ròng chỉ cho Phật Tính Chân Tâm. Câu chuyện gã cùng tử hay viên ngọc châu trong đáy túi áo trong Kinh Pháp Hoa cũng tương tự:

Bao kiếp xa xưa chịu đói nghèo

Thấy đường sinh tử mãi xô theo

Đến nay gặp lại cha hiền trước

Vẫn biết trong mình ngọc vẫn đeo.

Bởi chúng sinh đắm chìm trong vũng lầy của vô minh tăm tối, ai nấy suốt đời chỉ khư khư chấp ngã, toan tính, lo lắng cho cái tôi  mà chưa từng để ý xem “tôi” thật là ai, “tôi” ở đâu, ngu si mê muội nhận vọng làm chân, nhận lầm chút đất nước gió lửa hư vọng làm thân ta, chấp bóng ảnh sáu trần triền miên sinh diệt là tâm ta, quên hẳn chân tính độc nhất tôn quý của chính mình. Ngày nay chúng ta may mắn được sinh vào thời có Phật, hãy dừng trò chơi bỏ hình bắt bóng dại khờ của con trẻ và nguyện mãi khắc cốt ghi lòng, tinh tiến gột bỏ vô minh, nhận lấy gia tài quý giá mà cha lành đã gửi trao để không phụ thâm tình chỉ mê khai ngộ của Đức Như Lai!

(Nguồn: www.giacngo.vn)

Tháng Phật đản là thắng duyên vô cùng đặc biệt cho việc tích lũy công đức và trí tuệ. Mọi công đức, trí tuệ tích lũy đều sẽ tăng trưởng gấp hàng trăm ngàn lần.

Hãy cùng tích lũy công đức trong tháng Phật đản bằng việc thực hành Phật pháp, làm các thiện hạnh, bố thí, cúng dàng, phóng sinh, ăn chay… để hồi hướng công đức cho sự an lạc, cát tường, thành tựu giác ngộ của mình và hết thảy chúng sinh.

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5772307
Số người trực tuyến: