Thực hành dùng hình ảnh để siêu vượt hình ảnh | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Thực hành dùng hình ảnh để siêu vượt hình ảnh

Bản chất của ngôn ngữ mang ý nghĩa biểu trưng. Để diễn giải một ý nghĩa nào đó, ngôn ngữ giúp kêu gọi trí nhớ, cảm thức và sự tưởng tượng. Khi những hình ảnh ẩn dụ và biểu tượng được sử dụng trong giáo lý, chớ chỉ nghĩ những hình ảnh ẩn dụ như “một ngọn lửa trong bóng tối”, hay “một sự phản chiếu trong một tấm gương”. Hãy dùng những tất cả các giác quan và sự tưởng tượng của bạn để cảm nhận. Mục đích của chúng ta là phải siêu vượt khỏi hình ảnh, nhưng hình ảnh có thể chỉ cho chúng ta đúng hướng.

Giáo huấn qua những biểu tượng và hình ảnh ẩn dụ là cách quyền năng nhất để nắm bắt những giáo lý tâm linh thông qua vỏ bọc ngôn ngữ. Có nhiều người thường gặp khó khăn với những hình ảnh, dưới đây là cách tốt nhất giúp họ thực hành với những hình ảnh ẩn dụ và biểu tượng.

Trong những giáo lý thực hành, việc dùng ngôn ngữ để gợi lên những trải nghiệm thì hữu dụng hơn việc giải thích về những ý niệm mang tính kỹ thuật và trừu tượng. Đối với hành giả sơ cơ, dù trải nghiệm đích thực không thể được truyền tải dễ dàng bằng bất kỳ ngôn ngữ nào, những hình ảnh được dùng trong những giáo huấn rất ích lợi khi chúng được tri giác. Những ẩn dụ này cần phải được trải nghiệm, như những hình ảnh trong thi ca. Chúng cần được suy ngẫm, thể nghiệm và hội nhập vào trải nghiệm tu tập.

Chẳng hạn, khi chúng ta nghe nói đến từ “lửa”, chúng ta có thể ít chú ý. Nhưng nếu bám vào nó, cho phép hình ảnh nổi lên đằng sau danh từ, chúng ta thấy lửa, chúng ta biết sức nóng. Bởi vì chúng ta đều biết lửa hơn là biết một ý niệm trừu tượng – bởi vì tất cả chúng ta đều đã thấy ngọn lửa và cảm thấy sức nóng của nó trên da – từ ngữ gợi lên một kinh nghiệm giác quan tưởng tượng. Một ngọn lửa cháy trong trí tưởng tượng của chúng ta.

Nếu chúng ta nói “chanh” và để cho quả ấy nổi lên từ danh từ, miệng chúng ta chảy nước, lưỡi chúng ta co rút vì chua. Với “sô-cô-la”, hầu như chúng ta lập tức tưởng tượng ra vị ngọt.

Khi chúng ta vào một cái nhà thắp sáng bởi một ngọn đèn, chúng ta không khảo sát ngọn đèn, sợi bấc và nến. Chúng ta chỉ trải nghiệm sự sáng rõ của căn phòng. Hãy cố gắng làm như vậy với việc thực hành qua những hình ảnh ẩn dụ. Tâm thức chúng ta từ nhỏ đã được tập luyện để làm việc với sự trừu tượng hóa và lý luận, hãy nắm lấy một ẩn dụ và phân tích nó.

Chúng ta thường đặt quá nhiều câu hỏi khi bắt gặp một hình ảnh ẩn dụ. Chúng ta muốn biết làm sao ngọn đèn được đặt trong phòng, làm sao ngọn lửa được thắp, gió bắt đầu thổi như thế nào. Chúng ta muốn biết tấm gương là loại gì, làm bằng chất liệu gì, cái gì đứng ngoài tấm gương để được phản chiếu. Thay vì thế, hãy để bạn ở trong hình ảnh; hãy cố gắng tìm thấy trải nghiệm giấu kín trong từ ngữ: Có bóng tối; Một ngọn đèn được thắp lên (Chúng ta đều biết trải nghiệm này với các giác quan chúng ta). Bóng tối được thay thế bằng sự quang minh, sáng tỏ, không có chất thể, được thấu cảm trực tiếp. Rồi một ngọn gió nổi lên và ngọn lửa bị thổi tắt. Chúng ta sẽ cảm thấy điều gì khi ánh sáng bị bóng tối đánh bại?

(Lược trích từ nguyên tác: “The Tibetan Yogas of Dream and Sleep”

Việt dịch: Đương Đạo

NXB Thiện tri thức, 2000)

 

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5756051
Số người trực tuyến: