Tinh tấn trong thực hành như thế nào là vừa đủ? | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Tinh tấn trong thực hành như thế nào là vừa đủ?

Người tu nên phải quân bình ngũ căn tức là Tín - Tấn - Niệm - Định -Tuệ. Trong năm căn thì Niệm đứng trung gian ở giữa. Còn Tín thì phải quân bình với Tuệ, Tấn phải quân bình với Định. Tức là đức tin phải cân bằng với Tuệ. Đức tin mà không có Tuệ thì đức tin ấy là mù quáng. Tuệ mà không có đức tin, Tuệ ấy là cái tuệ thế gian. Nếu Tấn mà không có Định thì cái tấn đó là căng thẳng, kiệt sức. Nếu Định mà không có Tấn thì cái định đấy thành trì trệ, si mê. Đó là sự quân bình ngũ căn.

Ngũ căn là gì?

Ngũ căn là năm căn. Căn đây tức là căn bản, là gốc rễ, là nguồn gốc để tất cả các thiện pháp phát xuất. Luận Trí Ðộ, quyển thứ mười, giải rằng: "Năm căn này là căn bản để phát sinh tất cả thiện pháp, nên gọi là ngũ căn". Năm căn ấy là: Tín căn, Tấn căn, Niệm căn, Ðịnh căn và Tuệ căn. Theo Hòa thượng Thích Thiện Hoa, Ngũ căn và Ngũ lực vừa là căn bản, vừa là nghị lực để phát sinh, tăng trưởng vô lượng công đức thù thắng.

Bất luận người nào, hễ đã lấy trí làm nền tảng, tinh tấn thực hành chính pháp (tấn), hằng ghi nhớ chính pháp để tấn tu (niệm), tập trung tư tưởng để trừ sạch vô minh phiền não (định), đem diệu tuệ vô phân biệt (tuệ) để chứng chân như, thì người ấy thế nào cũng nắm chắc trong tay quả vị vô thượng Bồ đề. Vì sao? Vì người ấy đã có những thần lực vĩ đại (ngũ lực) do ngũ căn gây tạo. Với ngũ lực này, hành giả như người bộ hành có đủ phương tiện diệu dụng để băng rừng, vượt biển và đi đến đích cuối cùng. Ðích cuối cùng của người tu hành theo chính pháp tức là thành Phật. Ðến đích này, người ấy là ánh sáng của chúng sinh, là ruộng phước tối thắng để chúng sinh gieo mầm an lạc. Chính người này mới có đủ thần lực, diệu dụng làm cho chúng sinh trở thành những kẻ hoàn toàn giải thoát, hoàn toàn giác ngộ.

Tu cũng phải quân bình, dĩ nhiên tinh tấn là tốt bởi tinh tấn là một trong Lục độ Ba la mật. Nhưng nếu thực hành thái quá sẽ khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, không theo nổi, và có khi còn khiến bạn thoái tâm mà bỏ đạo luôn. Vì vậy, bạn cần hiểu thế nào là quân bình tinh tấn, thế nào được gọi là vừa đủ để cố gắng duy trì đều đặn. Như việc con gà ấp quả trứng, nó phải ấp đều thì quả trứng mới nở được. Nếu ấp nhiều quá thì quả trứng sẽ thối.

Trong năm căn thì Niệm đứng trung gian ở giữa. Còn Tín thì phải quân bình với Tuệ, Tấn phải quân bình với Định. Tức là tinh tấn phải cân bằng với Định, đức tin phải cân bằng với Tuệ. Đức tin mà không có Tuệ thì đức tin ấy là mù quáng. Tuệ mà không có đức tin, Tuệ ấy là cái tuệ thế gian. Nếu Tấn mà không có Định thì cái tấn đó là căng thẳng, kiệt sức. Nếu Định mà không có Tấn thì cái định đấy thành trì trệ, si mê. Đó là sự quân bình ngũ căn.

Trong thiền Kinh Các, khi nắm được các nguyên tắc như vậy, bạn có thể tự quân bình ngũ căn cho mình, làm sao để mình có một trạng thái tu hành tinh tấn nhưng tâm mình vẫn phải thoải mái, an lạc chứ không phải rơi vào trạng thái kiệt sức, thở không ra, mặt mày nhăn nhó, khó chịu. Tu như vậy có thể bạn lạc đường ngay. Nếu không quân bình được ngũ căn thì tức là chúng ta không có chìa khoá để phát triển thiền định.

Bời vậy mà Đức Phật đã so sánh sự quân bình ngũ căn với một nhóm ngựa, có một con dẫn đầu và hai cặp kéo xe.  Con đầu đàn có thể đi mau hay chậm tùy ý, nhưng hai cặp ngựa kia phải đi theo nhịp độ chung. Chúng phải bước ngang bằng nhau, nếu có con đi nhanh, con đi chậm thì xe ngựa sẽ lộn nhào.

Dù ở bất cứ lứa tuổi nào, đứng trong mọi hoàn cảnh, người biết tận dụng tâm trí, khai thác tận dụng những khả năng của mình trong việc tu tập sẽ là người hiểu được mục đích của đạo Phật và giá trị thiết thực của đạo Phật đối với cuộc sống.

(Nhóm Đại Bảo Tháp biên soạn)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5757113
Số người trực tuyến: