Ý nghĩa thâm diệu của pháp Cúng dàng Mandala | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Ý nghĩa thâm diệu của pháp Cúng dàng Mandala

Cúng dàng Mandala là kỹ năng vô cùng thiện xảo và quan trọng của Kim Cương thừa. Mục đích quán tưởng Mandala để xả ly ngã chấp và pháp chấp - sự bám chấp vào sự vật, hiện tượng hay vật chất. Trên thực tế, vật chất không có lỗi, sự giàu có, tiền tài, danh vọng không có lỗi nhưng lỗi ở chỗ chúng ta bám chấp vào những pháp đó mà tham, sân, si mãi gây nên đau khổ và tạo nghiệp để rồi mãi trôi lăn trong luân hồi sinh tử. Chính vì vậy, để giảm thiểu sự chấp trước vào  những vật chất thế gian, chúng ta phải thực hành quán tưởng  Mandala, ở đây được ví dụ bằng Mandala vũ trụ. Núi Tu Di và bốn đại châu là vũ trụ bên ngoài được quán tưởng cúng dàng để bày tỏ lòng chí thành, sự xả ly và tâm nguyện để đạt được chân hạnh phúc.

Bạn hãy suy ngẫm xem thông thường với tâm thành và hoàn cảnh hạn chế của mình, chúng ta sẽ cần nỗ lực thế nào để có thể cúng dàng hàng tỷ đóa hoa, hàng tỷ đồng tiền lên chư Phật? Nhưng nếu có tâm dâng hiến và năng lực quán tưởng mạnh mẽ, chúng ta có thể cúng dàng toàn bộ vũ trụ, tất cả thân mạng, tài sản, công đức lên chư Phật chư Bồ tát, Tam Bảo, Tam Căn Bản. Nếu biết quán tưởng cúng dàng một cách sâu sắc thì công đức của chúng ta có thể đạt được như phần quán tưởng đó.

Theo Kinh điển, việc cúng dàng Mandala đầu tiên được cử hành sau khi Đức Phật thành tựu Chính giác, khi vua của các vị trời, Đế Thích và Phạm Thiên, thỉnh cầu Ngài thuyết Pháp. Dâng lên Đức Phật bánh xe vàng nghìn chấu và vỏ ốc trắng hiếm có diệu kỳ, chư vị Thiên vương đã thỉnh cầu Đức Phật truyền dạy giáo pháp giải thoát, chuyển bánh xe Chính Pháp vĩ đại nơi cõi Ta bà.

Sau đó, đức vua Trisong Deutsen của vùng núi tuyết đã thỉnh mời Thượng sư Liên Hoa Sinh đến Himalaya để hoằng dương giáo Pháp ở đất nước của mình. Khi  đức vua cúng dàng Mandala lên Đức Liên Hoa Sinh để thỉnh cầu Ngài thuyết Pháp, đức vua đã hiến dâng toàn bộ vương quốc, cả ba tỉnh miền Trung Himalaya, như một vật phẩm cúng dàng.

Khi cúng dàng vương quốc của mình, đức vua tụng đọc những lời kệ sau:

Trái đất ngập tràn nước thơm và được rải hoa thơm,

Trang hoàng với núi Tu Di, bốn lục địa, mặt trời và mặt trăng.

Quán tưởng phẩm vật này là một cõi Phật, con xin cúng dàng

Để mọi chúng sinh có thể được hân hưởng cõi Tịnh độ đó.

Đức vua Trisong Deutsen

Bằng việc thực hành cúng dàng Mandala, đức vua đã dâng lên Đức Liên Hoa Sinh bất cứ thứ gì có thể được cho là của Ngài. Việc Ngài dâng cúng vương quốc không chỉ là một hành động vô cùng dũng cảm dưới con mắt người thế gian, mà nó thực sự là cách để Ngài xả ly sự bám chấp vào cái tôi. Dĩ nhiên, sự bám chấp đó không thể được tiêu trừ hoàn toàn và vĩnh viễn ngay một lúc. Đó là quá trình liên tục nhờ miên mật tu tập.

Một vài người có thể khởi tâm nghi ngờ rằng: “Làm sao tôi có thể cúng dàng núi Tu Di, bốn lục địa, mặt trời và mặt trăng cùng nhiều thứ khác khi mà chúng không thực sự thuộc về về tôi?”.

Sự thật là, thế giới này thuộc về chúng ta. Vạn pháp duy tâm tạo, bất cứ thứ gì chúng ta nhìn nhận qua năm giác quan (ngũ căn) đều tạo thành thế giới, cuộc đời của chúng ta. Trải nghiệm cá nhân của chúng ta không thuộc về bất kỳ ai khác. Vì thế, chúng ta có thể dâng tặng bất cứ điều gì chúng ta cho là thế giới của mình.

(Lược trích ấn phẩm: “Sự giản đơn vô uý: Con đường Đại Toàn Thiện để sống tự tại trong một thế giới phức tạp”

Nguyên tác: Fearless Simplicity: The Dzogchen Way of Living Freely in a complex world”

Việt dịch: Nhóm Thuận Duyên)

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5696933
Số người trực tuyến: