Đức Gyalwang Drukpa (www.drukpa.org) là Bậc lãnh đạo tâm linh của Truyền thừa Phật giáo Drukpa, có lịch sử khởi nguồn cách đây 1.000 năm từ Ấn Độ. Ngài được người dân các quốc gia vùng Himalaya kính ngưỡng là chân hóa thân của Đức Phật Quan Âm và hóa thân chuyển thế của nhiều Đại Thành tựu giả trứ danh như Đức Naropa, Đức Gampopa… Ngoài trọng trách lãnh đạo Truyền thừa Drukpa, Ngài còn là Bậc lãnh đạo có ảnh hưởng lớn trong các thiện hạnh bảo vệ môi trường, y tế, giáo dục, bình đẳng giới tại vùng Himalaya, từng được Liên Hiệp Quốc trao tặng Kỷ niệm chương “Vì Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ”.
Đức Gyalwang Drukpa Được tôn kính rộng khắp tại vùng Ấn Độ Himalaya là chân hóa thân của Đức Phật Quan Âm Đại từ Đại bi, Đức Gyalwang Drukpa hiện đời là hóa thân chuyển thế đời thứ XII của Bậc tổ sáng lập Truyền thừa Drukpa, Đức Tsangpa Gyare, có hồng danh là Gyalwang Drukpa đời thứ I (1161-1211).
Ngài sinh tại hồ thiêng Tso Pema, một thánh địa của Đức Liên Hoa Sinh tại phía Bắc Ấn Độ, vào ngày mùng 10 tháng giêng năm Quý Mão (1963) trong gia đình hành giả Kim Cương thừa có dòng dõi tôn quý. Phụ thân Ngài là Đức Kyabje Bairo Rinpoche, hóa thân đời thứ 36 của Đại dịch giả Vairochana –đệ tử trứ danh của Kim Cương Thượng sư Liên Hoa Sinh, Mẫu thân là Mayum-la Konchok Pema thuộc dòng dõi Thượng sư Nyadak Nyang của Truyền thừa Nyingmapa.
Ngay sau khi được ấn chứng bởi các Đại Thượng sư đứng đầu các truyền thống Phật giáo Kim Cương thừa vào năm lên ba, bậc hóa thân chuyển thế nhỏ tuổi đã được tấn phong tại tự viện của cố Thượng sư Kyabje Khamtrul Rinpoche tại Dalhousie. Một năm sau, Ngài được tấn phong tại Tự viện chính của Truyền thừa ở Darjeeling, phía tây Bengal.
Năm lên sáu tuổi, Đức Gyalwang Drukpa hiện đời bắt đầu chương trình đào tạo chính thống, nghiêm ngặt của bậc hóa thân chuyển thế đứng đầu Truyền thừa Drukpa. Ngoài sự hướng đạo trực tiếp từ bậc Đức Thuksey Rinpoche của Truyền thừa Drukpa, Ngài còn thụ nhận và thành tựu giáo pháp từ rất nhiều Đại Thành Tựu Giả và Đại Thượng sư như Đức Lobpon Kangri Rinpoche - một trong những bậc Yogi hành giả Đại Thủ Ấn vĩ đại nhất thế kỷ 20; Đức Trulshik Rinpoche - bậc Thượng sư nắm giữ Truyền thừa Dzogchen; Đức Ontrul Rinpoche, bậc Thượng sư của Truyền thừa Nyingma Kathok; Đức Pawo Rinpoche, bậc nắm giữ Truyền thừa Karma Kargyud, Đức Dodrup Chen Rinpoche, bậc Thầy Dzogchen, cùng chư Thượng sư tôn quý từ các Truyền thống Phật giáo Đại thừa-Kim Cương thừa.
Sau quá trình tu học nghiêm cẩn dành cho bậc hóa thân chuyển thế đứng đầu một truyền thống Phật giáo lớn, Ngài chính thức trở lại dẫn dắt Truyền thừa Drukpa với sứ mệnh phụng sự nhân loại và vũ trụ bước vào Thiên niên kỷ mới.
Trong nửa thế kỷ qua, với tất cả lòng nhiệt huyết và kiên nhẫn, Đức Gyalwang Drukpa đã đạt được thành tựu lớn lao trong công hạnh hoằng dương Phật pháp vì lợi ích chúng sinh. Nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ của Ngài, Truyền thừa Drukpa hiện vẫn thịnh vượng tại nhiều nơi, với hệ thống khoảng một ngàn tự viện tại các vùng miền trên dãy Himalaya như Ladakh, Nam Ấn, Tây Bắc Bengal, Lahaul, Kinnaur, Nepal, Bhutan, Sikkim... và còn được hoằng truyền rộng khắp trên thế giới (tại Châu Á: Hồng Kông, Đài Loan, Malaysia, Singapore, Việt Nam…, Châu Âu: Anh, Pháp, Đức, Monaco, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha, Ba Lan, Châu Mỹ La tinh: Argentina, Peru, Mexico).
Bậc Hóa thân Quan Âm cũng luôn tâm nguyện dấn thân hành động góp phần giúp thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Năm 2007, Ngài sáng lập phong trào thiện hạnh quốc tế “Live to Love”, đến nay đã hoạt động trên phạm vi 20 quốc gia, tập trung vào những dự án thiết thực như phát triển giáo dục, cứu trợ y tế, bảo vệ môi trường, bảo tồn di sản văn hóa và bình đẳng giới. Các tự viện và trung tâm của Truyền thừa Drukpa tại vùng Ấn Độ Himalaya tích cực tham gia các hoạt động thiện hạnh như xây dựng, vận hành các trường học, trạm xá, tổ chức khám chữa bệnh từ thiện, cứu trợ nhân đạo cho những vùng gặp thiên tai, tham gia trồng cây, bộ hành nhặt rác giúp nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường của người dân bản địa. Một trong những dự án tiêu biểu của Ngài là ngôi trường học mang tên Druk White Lotus (Bạch Liên Hoa) ở Ladakh, Ấn Độ. Công trình đã đoạt được rất nhiều giải thưởng quốc tế về thiết kế bền vững, trong đó có 3 Giải Thưởng Kiến Trúc Thế Giới (năm 2002) và Giải Thưởng Thiết Kế Xuất Sắc của Hội Đồng Anh về Môi trường Học đường (năm 2009). Là người ủng hộ mạnh mẽ cho quyền bình đẳng của nữ giới, Đức Gyalwang Drukpa đã thành lập Tự Viện Druk Gawa Khilwa ở ngoại ô Kathmandu, Nepal và ở Shey, Ladakh. Tại đây, Ni chúng được hướng dẫn tu tập tâm linh và trao truyền những pháp môn Mật thừa đặc biệt vốn trước đây chỉ dành riêng cho tăng chúng. Nổi tiếng với bài tập đồng diễn Kungfu mỗi ngày, chư ni tại tự viện đã được truyền thông quốc tế, bao gồm kênh truyền hình BBC, giới thiệu trong một cuốn phim tài liệu dài nói về cách tiếp cận mới trong việc nâng cao vai trò của phụ nữ trong xã hội. Truyền thừa Drukpa hiện cũng có số lượng chư Ni đăng ký tu học lớn nhất trong khu vực.
Những chuyến hành hương Pad Yatra (bộ hành tâm linh) do Đức Gyalwang Drukpa tổ chức định kỳ thu hút hàng trăm người tham gia. Các chuyến bộ hành “vì môi trường" như thế thường kéo dài từ 1 đến 3 tháng và trải qua hàng trăm km. Các thành viên của đoàn sẽ thu gom rác thải nhựa trên đường đi để kêu gọi mọi người bảo vệ môi trường. Năm 2010, các thành viên, tình nguyện viên của Truyền thừa Drukpa đã phá Kỷ lục Guinness Thế giới về trồng cây tại Himalaya trong thời gian ngắn nhất, với 50.033 cây xanh được trồng trong vòng 33 phút.
Các nỗ lực và đóng góp trên phương diện thiện hạnh xã hội của Ngài được nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế vinh danh qua các giải thưởng tôn quý như cúp “Anh hùng Xanh”, giải “Thành tựu trọn đời” của Chính phủ Ấn Độ, danh hiệu “Bậc Bảo Hộ vùng Himalaya” từ Liên minh quốc tế Bảo vệ Nguồn nước. Ngài cũng được thỉnh mời tham gia Ủy Ban Giám Khảo của Giải thưởng Trái Đất. Tháng 9/2010, Đức Gyalwang Drukpa được Liên Hiệp Quốc trao tặng Kỷ niệm chương “Vì Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ”, tôn vinh những tổ chức và cá nhân đã có những cống hiến quan trọng cho sự nghiệp Phát triển Thiên niên kỷ trên phạm vi toàn cầu. Tháng 5/2014, Cục Bưu Chính – Chính Phủ Ấn Độ tôn vinh những đóng góp quý giá của Truyền thừa Drukpa vào di sản văn hóa vùng Ấn Độ - Hymalaya qua việc phát hành bộ tem kỷ niệm ngày Tam Hợp của Đức Phật với chủ đề Truyền thừa Phật giáo Drukpa. Năm 2017, Quốc hội Hoa kỳ vinh danh Đức Gyalwang Drukpa qua một Nghị quyết vinh danh vai trò lãnh đạo tâm linh, nhân đạo và thiện hạnh của Ngài.
Đức Gyalwang Drukpa có mối pháp duyên đặc biệt với người dân và Phật giáo Việt Nam. Trong gần 2 thập kỷ qua, Ngài và Tăng đoàn đã nhiều lần được mời tham dự các chương trình Phật giáo quốc tế như Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc (Vesak 2014 tại Ninh Bình), là Khách mời danh dự trong Ngày Văn hóa Phật giáo Ấn Độ tại Việt Nam (2017), được thỉnh mời cử hành các Khóa Đại lễ Cầu siêu tại các địa điểm lịch sử quan trọng như Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), nghĩa trang Ba Dốc (Quảng Bình). Ngài cũng thường xuyên viếng thăm và cử hành các Pháp hội quán đỉnh cộng đồng cầu nguyện quốc thái dân an, cầu siêu độ chư hương linh anh hùng liệt sĩ, đồng bào tử nạn, đóng góp trí tuệ và hướng đạo trong việc xây dựng nền tảng văn hóa Đại thừa - Kim Cương thừa lợi ích người dân và đất nước Việt Nam. Nhiều kinh sách, tác phẩm của Ngài như “Mật pháp Nghi quỹ thực hành thường nhật”, “Hành trình tâm linh siêu việt”, “Bardo - Bí mật Nghệ thuật Sinh tử”, “Giác ngộ mỗi ngày”, “Hạnh phúc tại Tâm”, “Sức mạnh Tình yêu thương”, “Tự truyện Pháp ký” được biên dịch phát hành đã động viên và truyền cảm hứng đến đông đảo đại chúng.
Ngài đồng thời là bậc hướng đạo trong việc thiết kế, gia trì yểm tâm, hoàn thiện dự án Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên cùng một số công trình chùa tháp Mandala tại khu vực xã Đại đình, Tam Đảo, Vĩnh Phúc. Tọa lạc trong khuôn viên hơn 10 hécta, với diện tích xây dựng 1.500m2, chiều cao 37 mét, Đại Bảo Tháp Tây Thiên là kiến trúc nghệ thuật Mandala tiêu biểu và hạng mục tâm linh nổi bật nơi danh thắng Tây Thiên, thu hút đông đảo khách hành hương và du lịch, góp phần đóng góp và lan tỏa hình ảnh tích cực của Phật giáo Việt Nam đến cộng đồng quốc tế.