Lịch sử Truyền thừa Drukpa vinh quang | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Lịch sử Truyền thừa Drukpa vinh quang

Truyền thừa Drukpa được hoằng truyền không gián đoạn từ 1.000 năm nay  đã để lại cho nhân loại một di sản tâm linh vô cùng vĩ đại, nổi tiếng với sự thực hành thanh tịnh, đức chân tu khổ hạnh cùng những pháp tu trì thâm diệu thành tựu Phật quả ngay trong một đời như “Sáu Pháp Yoga của Naropa”, giáo pháp khẩu truyền tâm yếu “Đại Thủ Ấn”, những giáo pháp thiền định đặc biệt như “Sáu Pháp Vị Bình Đẳng”, “Bảy Pháp Duyên Khởi”.

Cây Quy y Truyền thừa Drukpa

Truyền thừa Drukpa là Truyền thừa không gián đoạn, khởi nguồn từ Đức Phật Kim Cương Tổng Trì, Ngài là chủ của một trăm Phật Bộ và là hiện thân của tất cả chư Phật trong ba đời.


Đức Phật Kim Cương tổng trì

Nguồn Pháp mạch của Truyền thừa được ban truyền trực tiếp từ Đức Phật Kim Cương Tổng Trì tới Đức Tilopa, một Đại thành tựu giả Ấn Độ vào thế kỷ thứ X. Đức Tilopa tiếp tục truyền trao giáo Pháp giác ngộ cho Đức Naropa, được kính ngưỡng là hóa thân Quan Âm ứng hiện nhân gian và cũng là bậc siêu việt phi thường nhất trong số 84 Đại thành tựu giả trứ danh Ấn Độ thời bấy giờ.


Đại thành tựu giả Tilopa

Đại thành tựu giả Naropa

Sau Đức Naropa, Truyền thừa được tiếp nối không gián đoạn đến Đại Thượng sư Marpa vào thế kỷ XI, rồi tiếp tục được truyền xuống Đại thành tựu giả Jetsun Milarepa là Bậc thành tựu giác ngộ đại hợp nhất ngay trong một đời.


Đại Thượng sư Marpa

Đại thành tựu giả Milarepa

Sau khi thụ nhận giáo Pháp từ bậc Thầy mình, Đức Milarepa truyền tiếp đến Đấng ‘Trăng rằm’ vô song là Đức Gampopa, rồi được truyền tiếp đến tới Đức Phagmo Drupa vinh quang. Tiếp đó, Pháp mạch Truyền thừa được truyền tới Đại Thành tựu giả Lingchen Repa (1128-1188), Đấng thành tựu hạnh xả ly với sự chứng ngộ cao quý tuyệt đối.


Đức Gampopa

Đức Phagmo Drupa

Truyền thừa được chính thức mệnh danh Drukpa từ thế kỷ thứ XII, khi Đại đệ tử vô song của Đại thành tựu giả Lingchen Repa là Đức Drogon Tsangpa Gyare, Pháp danh Yeshe Dorje tôn quý được tín ngưỡng là Hóa thân của Đức Quán Âm Đại Từ Bi hóa thân nơi miền đất tuyết Himalaya. Sự hóa thân của Đức Drogon Tsangpa Gyare đã được Đức Phật Thích Ca huyền ký tại nhiều Kinh điển, Mật điển


Đại Thành tựu giả Lingchen Repa

Đức Pháp Vương Drogon Tsangpa Gyare

Khoảng năm 1206, đúng tròn gần 1000 năm trước, theo lời huyền ký từ Đức Lingchen Repa (1128-1188), Đức Drogon Tsangpa Gyare Yeshe Dorje đã đi tìm thánh địa để xây dựng tự viện. Tương truyền rằng, khi Ngài vừa đến thánh địa Namdruk, Ngài đã nhìn thấy điềm lành chín rồng thiêng xuất hiện từ dưới đất cuộn mình phi thiên trong tiếng rồng sấm vang rền. Trước điềm cát tường ấy, Ngài Drogon Tsangpa Gyare liền đặt tên cho truyền thừa là Drukpa, còn gọi “Thiên Long Truyền thừa”. Đức Tsangpa Gyare là đấng sáng lập và được tôn xưng là Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ I của Truyền thừa Drukpa.


Tự viện Namdruk, tự viện đầu tiên của Truyền thừa Drukpa vinh quang

Đức Pháp Vương đời thứ I từng có vô số đệ tử là các thành tựu giả. Sinh thời Ngài từng ba lần yêu cầu các học trò mình phân chia đi khắp chốn để hoằng dương chính pháp. Mỗi lần như vậy, những Đại đệ tử xuất chúng đã thành tựu thân cầu vồng lên cõi Thiên, một số xuống cõi Rồng và một số tới các cõi nhân gian. Các đệ tử bậc trung đến các vùng linh địa Oddiyana, Shambhala, Srilanka, Serling hay “Đảo Vàng” (Sumatra), Sangling hay “Đảo Đồng” (Java) và những miền xa xôi khác. Số đệ tử còn lại trải khắp những miền đất từ Jalandhara ở Ấn Độ tới những miền địa đầu Trung Hoa. Nhờ vậy mà nền di sản tâm linh của Truyền thừa đã nhanh chóng phát triển mạnh mẽ và phân thành nhiều nhánh. Tương truyền, khu vực ảnh hưởng của Truyền thừa trong thời kỳ cực thịnh rộng lớn đến nỗi “chim linh thứu sải cánh bay mười tám ngày không ngừng nghỉ cũng chưa hết địa phận các trụ xứ”. Trong đó, dòng Thượng Drukpa ở phía Tây Tây Tạng thu hút chúng đệ tử nhiều như hằng hà sa số sao trên trời, dòng Hạ Drukpa ở miền Đông Tây Tạng chúng đệ tử nhiều như cây cối sống trên mặt đất, dòng Trung Drukpa ở miền Trung Tây Tạng cũng có vô số đệ tử, trong đó chỉ riêng những bậc hành giả đạt thành tựu tâm linh thượng thừa được tôn vinh là Bảo Cái Tối Thắng đã có tới hơn 2.800 vị. Ngạn ngữ nhân gian vùng núi tuyết còn lưu truyền câu kệ sau:

“Một nửa người dân là đệ tử Truyền thừa Drukpa,

Một nửa đệ tử Truyền thừa Drukpa là hành giả Yogi,

Một nửa hành giả Yogi là Đại Thành tựu giả”.

 

 

Viết bình luận