3 loại thắng trí Đức Phật chứng đạt trong đêm thành đạo | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

3 loại thắng trí Đức Phật chứng đạt trong đêm thành đạo

Trong Tăng chi bộ kinh III, phẩm IX pháp, đức Phật đã kể lại cho gia chủ Tapussa và tôn giả A-nan về tiến trình chứng ngộ trong đêm thành đạo. Đó là 9 cấp bậc thiền chứng từ sơ thiền cho đến diệt thọ tưởng định, gọi là 9 cấp bậc thiền chứng theo thứ lớp (bao gồm tứ thiền, tứ không và diệt thọ tưởng định). Ngài còn xác quyết rằng chỉ sau khi thuận thứ, nghịch thứ chứng đạt và xuất khởi 9 cấp độ thiền chứng này, Ngài thấy bằng trí tuệ mọi lậu hoặc bị đoạn diệt, khi đó Ngài mới thành tựu Chính đẳng chính giác. Khả năng “thấy bằng trí tuệ” này, theo Đại kinh Saccaka (Trung bộ I) và kinh Dạy Vacchagotta về Tam Minh (Trung Bộ II) chính là Tam minh (Tevijjā), tức Túc mạng minh (Pubbenivāsānussati), Thiên nhãn minh (Cutūpapāta-ñāṇa), và Lậu tận minh (Āsavakkhaya-ñāṇa).

Túc mạng minh

Sau 49 ngày đêm, chuyên sâu vào thiền quán, tu tập tâm ly dục, ly ác pháp, đức Thích-Ca chiến thắng nội chướng lẫn ngoại ma, nào tham luyến, dục vọng, phiền não, sân hận, đói khát, cô đơn v.v...luôn hiện đến quấy nhiễu. Đêm cuối cùng, vào lúc canh một, Ngài hướng tâm về Tuệ giác, nhớ lại những kiếp quá khứ, từ một kiếp, hai kiếp, ba kiếp đến trăm ngàn muôn ức kiếp. Hoặc ở thế giới này hay thế giới khác, hoặc ở quốc độ này hay quốc độ khác, hoặc ở gia đình này hay gia đình khác, hoặc mang thân này hay thọ thân khác...Tất cả từng chủng loại, tên tuổi, gia thế, sự nghiệp, sống chết, khổ vui của mỗi kiếp tái sinh như thế nào, Ngài đều biết rõ như trong lòng bàn tay. Ngài cũng thấy như vậy với tất cả những loài sinh ra từ thai, loài sinh ra từ trứng, loài sinh từ nơi ẩm ướt và loài sinh từ phân thân biến hóa. Thấu rõ thân này vốn không có thực, vốn không có nguồn, vô thỉ vô chung, không từ đâu đến, không đi về đâu. Cũng như sao mai ở bất kỳ thời gian nào cũng luôn hiện diện ở vị trí đó, không lặn cũng không lên, không hiện cũng không ẩn. Ẩn hiện là do vô minh bất giác mà bày ra sự phân biệt tối sáng. Mặt thật xưa nay hiện tiền, không trụ chấp, không vướng mắc, không đầu không cuối, cũng chẳng phải không đầu, không cuối. Chỉ vì động dụng nên cứ nghĩ rằng những gì ta nhận thấy có sự dời đổi là có đến có đi. Như thế Ngài đã chứng được Túc mạng minh.

Trong kinh Sa môn quả (Trường Bộ I) đức Phật đã nói về thắng trí này qua ẩn dụ một người đi từ làng này qua làng khác, và anh ta nhớ rõ tất cả những chi tiết, đặc điểm của mỗi ngôi làng như thế.

Thiên nhãn minh

Sang canh hai, mây đen vần vũ trên bầu trời u ám, từng ánh chớp lóe sáng như chọc thủng không gian. Những tiếng sấm vang rền làm chuyển rung mặt đất. Từng cơn mưa xối xả trút xuống cội Tất-bát-la đại thọ, Ngài vẫn ngồi bất động, hướng tâm thanh tịnh, vận dụng trí tuệ của mình đi sâu trên con đường khám phá những hiện tượng vũ trụ.

Ngài thấy biết rõ vô lượng vô số thế giới từng co giãn sinh ra, hình thành, biến hoại và hủy diệt. Thấy tất cả chúng sinh từng sinh ra, hình thành, biến hoại và hủy diệt trong vô lượng vô số kiếp, nhưng đó chỉ là những biểu hiện duyên khởi bề ngoài chứ không hề hấn gì tới thực tướng của pháp giới. Ví như hằng triệu đợt sóng lô nhô trên mặt biển cả, nhưng lòng đại dương không vì có những hiện tượng như thế mà sinh diệt, diệt sinh. Đạt đến đó, Ngài chứng được Thiên nhãn minh.

Thiên nhãn là cái nhìn thông thấu vượt không gian và thời gian, không phải bằng mắt thịt. Minh là sáng, thấy rõ như ban ngày, tất cả chúng sinh hình thù lớn nhỏ vi tế, tạo nhân gì, nghiệp gì luân chuyển trong ba cõi là dục, sắc và vô sắc; hoặc lăn lóc trong sáu nẻo luân hồi là trời người, a tu la, súc sinh, ngạ quỷ và địa ngục; hoặc quanh quẩn trong bốn loài là sinh thai, sinh trứng, sinh nơi ẩm thấp và hóa sinh. Thấu suốt tận nguồn vô minh, nhân quả rõ ràng như ban ngày, trong nhân có quả, trong quả có nhân, nối chuyền không đứt đoạn. Trong phiền não có Bồ đề, niệm trước là chúng sinh vô minh, niệm sau là Giác Phật, cho nên gọi chẳng phải Bồ đề, chẳng phải phiền não. Nếu còn chấp vào phiền não, bồ-đề là bệnh, ví như mặt trời là một định tinh vẫn luôn luôn chiếu sáng trong hư không, do tâm phân biệt chấp có mặt trời mọc, lặn; ngày sáng, đêm tối; đó là bệnh chấp ngã, chấp pháp rất nặng.

Kinh điển ghi lại rằng sau khi thành đạo tại Bồ đề đạo tràng, đức Phật dùng thiên nhãn này thấy năm anh em tôn giả Kiều-trần-như đang trú tại Ba-la-nại (kinh Thánh cầu, Trung bộ I); hay khi đang trú tại tinh xá Kỳ Viên, Ngài cũng dùng thiên nhãn thấy mẹ của Nanda cúng dường vật thực cho hội chúng của hai tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên (Tăng chi bộ, chương Sáu pháp, phẩm Chư thiên).

Lậu tận minh

Đến canh ba, Ngài quán chiếu sâu thẳm của vô thủy vô minh, thấu tột cội nguồn các pháp:

– Đây là phiền não, ô nhiễm, khổ đau.

– Đây là nguyên nhân tập khí gây ra phiền não, ô nhiễm, khổ đau.

– Đây là sự chấm dứt phiên não, ô nhiễm, khổ đau.

– Đây là phương pháp dẫn đến sự chấm dứt phiền não, ô nhiễm, khổ đau.

Quán chiếu như thế, tâm Ngài hoàn toàn giải thoát khỏi Dục lậu (ô nhiễm của dục vọng), Hữu lậu (ô nhiễm sự luyến ái của đời sống) và Vô minh lậu (ô nhiễm của vô minh), dứt hẳn sinh tử luân hồi, khổ đau vạn kiếp. Đạt đến đó Ngài chứng được Lậu tận minh.

Kinh Sa môn quả, Trường bộ I, có nói khi thành tựu trí này, hành giả trực nhận được nguyên lý Tứ thánh đế cũng như nguồn gốc, nguyên nhân, và con đường đưa đến sự đoạn tận các lậu hoặc. Khi đó “tâm của vị ấy thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu. Ðối với tự thân đã giải thoát như vậy, khởi lên sự hiểu biết: Ta đã giải thoát. Vị ấy biết: Sinh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm; sau đời hiện tại, không có đời sống nào khác nữa”.

(Trích bài giảng: “Sự giác ngộ của đức Phật”

HT. Thích Đồng Thành

Nguồn: Phật học Online)

 

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6489390
Số người trực tuyến: