Ăn chay đúng pháp tăng trưởng vô lượng công đức trong mùa Phật đản | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Ăn chay đúng pháp tăng trưởng vô lượng công đức trong mùa Phật đản

Một mùa Phật đản nữa lại về. Đây là mùa của tu tập tích luỹ công đức và trí tuệ để tri ân Đức Phật, giáo pháp và công hạnh của Ngài đã giúp đỡ chúng sinh và chính mỗi Phật tử trên con đường chiến thắng khổ đau luân hồi, thành tựu hạnh phúc giác ngộ. Những công đức mà bạn tích luỹ qua việc thực hành Phật Pháp, làm các thiện hạnh, bố thí cúng dàng, phóng sinh ăn chay... trong cả mùa Phật đản sẽ tăng trưởng gấp 100.000 lần so với những ngày thường khác.

Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên xin chia sẻ với Quý vị những lời dạy của Đức Phật về việc ăn chay để Quý vị cùng hoan hỷ phát tâm ăn chay trong tháng Phật đản. Đây cũng là pháp thực hành mang lại vô lượng công đức cho sự an lạc, cát tường, thành tựu giác ngộ của mình, thân bằng quyến thuộc và tất cả chúng sinh.

Trong kinh Lăng Già (Lankavatara), Đức Phật dạy: "Có thể có một số tín đồ của Ta còn u tối sau khi Ta nhập diệt, không biết được lời dạy và sự dạy của Ta và có thể kết luận sai lầm rằng Ta cho phép họ ăn thịt và rằng chính Ta cũng ăn thịt. Điều này hẳn là sai lầm. Vì làm sao mà những người đang an trú trong tâm từ bi, thực hành lòng từ bi theo con đường Đại thừa lại có thể bảo những người khác ăn thịt thú vật? Không phải chỉ trong quá khứ mà cả trong tương lai và hiện tại, tất cả đệ tử của Ta không nên ăn thịt thú vật. Nếu có ai nói rằng chính Ta đã ăn thịt và cho phép những kẻ khác ăn thịt thì kẻ ấy chắc chắn phải bị sinh vào cõi khổ. Những người thánh thiện từ chối mà không ăn cả đến thức ăn của người bình thường huống chi là ăn thịt! Thức ăn của chư vị ấy là thiền duyệt, là thức ăn chân lý (Dharmàhàra - Pháp thực); Pháp thân của Như Lai được phù trợ bằng thức ăn ấy".

Trong kinh Lăng Nghiêm, Phật lại một lần nữa nói lên việc ngăn cấm ăn thịt. Chúng ta hãy nghe lời Ngài:

"Người tu chính định, cốt để ra khỏi trần lao, nếu tâm sát hại chẳng trừ, thì chẳng thể ra khỏi, dẫu có nhiều trí thiền định hiện tiền, mà chẳng dứt sát hại, ắt phải lạc vào đạo quỷ thần. Hạng trên thành tựu đại lực quỷ, hạng giữa thành phi hành dạ xoa và các loại quỷ soái, hạng dưới thành địa hành la sát. Các loài quỷ thần kia cũng có đồ chúng, mỗi mỗi đều xưng đã thành đạo Vô thượng, sau khi Ta diệt độ, trong đời mạt pháp, loại quỷ thần này sôi nổi trên thế gian, tự nói ăn thịt cũng được đạo Bồ đề...

"... Các ngươi nên biết, những người ăn thịt, dù được khai ngộ tựa như Tam ma địa, nhưng đều là giống La sát, khi hết phước báu, ắt phải chìm đắm trong biển khổ, chẳng phải đệ tử Phật. Những người như thế, giết nhau nuốt nhau, ăn nhau không thôi, làm sao ra được khỏi luân hồi.

"Ngươi dạy người đời tu Tam ma địa, phải dứt trừ sát sinh, ấy là lời dạy rõ ràng trong sạch, gọi là nghĩa quyết định thứ hai của chư Phật!

"Nếu Tỳ kheo chẳng mặc tơ lụa, chẳng mang giày dép da cừu, chẳng ăn những tô lạc đề hồ... thuộc bộ phận thân thể của chúng sinh, thì Tỳ kheo này nơi thế gian gọi là chân giải thoát, khi nợ xưa trả sạch thì chẳng sinh vào ba cõi. Tại sao? Vì những bộ phận thân thể của chúng sinh để ăn mặc, thì phải trả nợ chúng sinh. Như người ăn lúa thóc từ đất mọc thì chân chẳng lìa đất. Cũng vậy, ngươi mà đối với thân thể của chúng sinh đều chẳng ăn chẳng mặc, ta nói người này là chơn giải thoát"(2).

Trong kinh Ương Quật Ma, ngài Văn Thù Bồ Tát thưa: "Bạch Thế Tôn! Phải chăng nhân vì Như Lai tạng, nên chư Phật không ăn thịt?". Ðức Phật bảo: "Này Văn Thù! Tất cả chúng sinh từ vô thủy đến nay sống chết luân hồi từng cùng làm lục thân quyến thuộc, thay đổi vô thường cũng như trò hát. Thân mình và thân loài khác đồng là chất huyết nhục, vì thế nên chư Phật không ăn thịt. Lại nữa, chúng sinh giới tức là ngã giới, thịt loài khác chính là thịt của mình, nên chư Như Lai không ăn thịt. Này Văn Thù! Như con bò tự chết, người chủ dùng da nó làm giày dép đem bố thí kẻ giữ giới. Như bậc giữ giới không thọ tức là pháp Tỳ kheo; nếu thọ trì tuy không phải phá giới, song thiếu tâm từ bi. Cho nên, không thọ dụng thân phần của hữu tình, tức là lần lượt lìa nhân duyên sát sinh vậy".

Trong Kinh Đại Bát Niết bàn, Ngài cũng nói: "Này Ca Diếp! Bắt đầu từ ngày nay trở đi, Như Lai không cho phép hàng Thanh văn đệ tử ăn thịt, nếu đàn việt đem đến dâng thí, phải xem thịt ấy như thịt con mình. Như Lai cấm các đệ tử không được ăn tất cả các thứ thịt"(3).

Ăn chay nếu đúng cách và đúng pháp thì không những có lợi cho sức khỏe mà còn khiến cho thân tâm thanh tịnh, nhẹ nhàng thuận tiến trên con đường tu tập. Có người ăn chay với tính cách gắng gượng, vẫn thèm những đồ mặn, lầm nghĩ rằng ăn chay thiếu sức khỏe, thường đem lòng lo lắng e ngại. Giống như người tu mà chưa diệt được niệm tưởng mơ sắc dục, hoặc làm việc suy nghĩ quá nhiều. Bởi vậy, với lòng thanh tịnh hoan hỷ, ăn chay sẽ giúp hành giả trưởng dưỡng tình yêu thương và lòng từ bi hướng tới mọi hữu tình chúng sinh.

(Nhóm ĐBT biên soạn)

Chú thích:

1) Tỳ kheo Thích Duy Lực, Kinh Lăng Già, GHPGVN xuất bản năm 1994, trang 239-241.

(2) Tỳ kheo Thích Duy lực, Kinh Lăng Nghiêm, Từ Ân Thiền Đường xuất bản năm 1991, trang162-163.

(3) Tỳ kheo Thích Trí Tịnh, Kinh Đại Bát Niết Bàn, quyển 1, tịnh xá Minh Đăng Quang xuất bản năm 1990, trang 137-138.

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5698575
Số người trực tuyến: