Đặt Vấn Đề | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Đặt Vấn Đề

Đặt Vấn Đề
 

Trong cõi mông lung, vô cùng vô tận của trời đất, con người thật bé nhỏ, như một hòn sỏi, như một hạt cát; trong cái vĩnh viễn không đầu không cuối của thời gian, con người xuất hiện và mất đi nhanh như ánh sáng chợt đỏ, chợt tắt của con đom đóm, như ánh sáng của một làn chớp. Nhưng khổ thay, con người bé nhỏ và chóng tan biên ấy lại mang trong đầu óc những câu hỏi quá to lớn: "Ta từ đâu đến đây? Ta đến đây để làm gì? Đến đây rồi ta sẽ chấm dứt cuộc hành trình sau hơi thở cuối cùng ở đây, hay còn tiếp tục đi nữa? Đi đâu? Đi hay về? Đi theo một con đường thẳng hay đường cong? Đi xuống hay đi lên?". Quá khứ đã không hay; tương lai cũng sẽ không biết, còn hiện tại thì quá ngắn ngủi phù du!

Và than ôi! Ngay trong cái hiện tại ngắn ngủi ấy, cũng đã chứa đựng không biết bao nhiêu sự bất công, vô lý:

- Tại sao người ấy đẹp mà ta xấu? người kia giàu mà ta nghèo? người ấy sướng mà ta khổ? Tại sao có người chết yểu, có người sống lâu? có người thông minh có người ngu muội? có người hiền lương, có kẻ ác độc?

- Tại sao và tại sao!

Bao nhiêu câu hỏi xoay tít trong đầu, như những cái chong chóng, gầm thét kêu gào, đòi hỏi, làm cho người ta điên đầu, lộn não. Để chấm dứt sự hoành hành của những câu hỏi ấy, có người đã tìm cách chấm dứt đời mình với thuộc độc; có người lẫn tránh trong thuốc phiện, trong rượu nồng dê béo, trong sóng mắt làn môi...

Để cho khỏe não, có người tự bảo mọi sự mọi vật đều do ý Trời sắp đặt; có người bảo là do một mãnh lực tiền định, có người bảo là sự may rủi trớ trêu, không có nguyên do, luật lệ gì cả.

Nhưng những câu giải đáp gượng gạo trên, không làm thỏa mãn được những tâm hồn thiết tha muốn tìm hiểu sự thật:

Bảo rằng do ý một vị Thần sắp đặt thì ý vị thần ấy thật mâu thuẫn, phi lý, độc tài. Xưa, đức Phật đã nói như sau đây, khi đề cập đến thần Brahma:

"Người đã chứng kiến bao sự đau khổ ở trước mắt, tại sao không làm cho chúng sinh được an vui? Nếu người ấy có nhiều thần lực, tại sao không dùng thần lực để cứu độ chúng sinh? Tại sao những con sinh của người ấy lại phải chịu lắm điều khổ sở? Tại sao người ấy không ban phước lành đến cho con họ? Tại sao những xảo quyệt giả dối, mê lầm vẫn tồn tại mãi mãi? Tại sao gian xảo càng ngày càng tăng tiến, còn chân lý và công bằng lại phải lu mờ? Ta xem thần Brahma như một người vô cùng bất công đối với kẻ bị sinh ra trong thế giới đầy dẫy nhơ bẩn, xấu xa này". (Kinh Bhùcidatta Jataka).

Nếu bảo rằng mọi sự vật ở đời đều do một sức mạnh tiền định, chi phối tất cả, thì thử hỏi sức mạnh ấy là sức mạnh gì? Của ai? Có sáng suốt hay mù quáng? Nếu không giải đáp được những câu hỏi phụ thuộc ấy, mà cử quyết đoán như thế, thì thật là quá nông nổi.

Còn nếu bảo rằng sự hiện hữu của cõi đời này, không do một nguyên nhân gì cả, thì thật là vô cùng phi lý! Vì chúng ta hãy nhìn chung quanh ta, có một cái gì sinh ra mà không có nguyên nhân không?

Riêng nói về sinh mạng con người, có hai quan niệm thông thường, trái ngược nhau:

- Quan niệm chấp đoạn, cho rằng con người chỉ có một đời trong hiện tại, trong khoảng một trăm năm; đến khi nhắm mắt xuôi tay, thân thể tan ra tro bụi và kiến văn, tri giác cũng không còn gì hết. Chết là hết, là hoàn toàn mất hẳn.

- Quan niệm chấp thường, cho rằng linh hồn bất tử: sau khi chết, thân thể tan rã, nhưng linh hồn thường còn mãi mãi, sẽ lên cõi Thiên đường để thọ hưởng vĩnh viễn những sự an vui khoái lạc (nếu trong đời hiện tại ăn ở hiền lương) hay sẽ bị đoạ xuống địa ngục chịu khổ mãi mãi (nếu trong đời hiện tại làm nhiều điều tội lỗi).

Hai quan niệm trên này đều không đúng!

Chết là mất hẳn! Sao lại mất hẳn được? Hãy nhìn chung quanh ta có cái gì mất hẳn đâu? Một hạt cát, một mảy lông còn không thề mất hẳn được, huống chi con người là một sinh vật có khả năng tri giác nhất trong chúng sinh!

Nhưng bảo rằng linh hồn là thường còn, ở mãi trên thiên đường hay dưới địa ngục cũng không đúng. Sự nhận xét thông thường cho chúng ta thấy rằng, trong vũ trụ, không có một cái gì có thể vĩnh viễn và ở yên một chỗ, mọi sự vật đều biến dời và xê dịch. Vả lại, có gì bất công hơn là chỉ vì những cái nhân đã gieo trong một đời hiện tại ngắn ngủi, mà phải chịu cái quả vĩnh viễn tốt hay xấu trong tương lai.

Cho nên những loại giải đáp nói trên, đều không thể đứng vững được trước ánh sáng chân lý.

Những vần đề trên này, giáo lý nhà Phật đã giải đáp một cách rõ ràng, khúc chiết, mạch lạc. Những lời giải đáp này không dựa vào oai lực của thần quyền, không dựa vào những tín điều độc đoán, cũng không dựa vào trí tưởng tượng mơ hồ, mà bằng cứ vào những nhận xét xác đáng trong hiện cảnh, những cái tai nghe mắt thấy, những điều có thể chứng nghiệm được. Đức Phật bao giờ cũng dựa trên thực tế để lập luận, vì thế, mặc dù những lời dạy của Ngài đã nói ra trên hai ngàn năm trăm năm rồi, mà bây giờ vẫn còn đúng đắn và vô cùng giá trị; có đủ năng lực làm thỏa mãn sự khát khao hiểu biết của những ai băn khoăn đi tìm chân lý và ý nghĩa của cuộc đời.

Trong tập sách nhỏ này, chúng tôi không có tham vọng giải đáp tất cả những vấn đề trọng đại, hàm chứa trong những chữ "siêu hình", "vũ trụ quan", "nhân sinh quan" v.v... chúng tôi chỉ xin trình bày cái kiếp sống của con người, qua thời gian và không gian, những nguyên nhân và kết quả đã tạo cho mỗi người một hoàn cảnh giống nhau hay khác nhau; đồng thời chúng tôi sẽ giải đáp một số những thắc mắc có liên quan mật thiết đến kiếp người.

Trong khi trình bày, chúng tôi sẽ giữ một thái độ hoàn toàn khách quan và nêu lên những bằng chứng cụ thể, có thể nhận xét được rõ ràng, chứ không dựa vào những tín điều độc đoán hay mượn uy lực của thần quyền đề bắt độc giả phải cúi đầu tin theo.


 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5697163
Số người trực tuyến: