Đối tượng duy nhất cần quán sát khi thực hành giáo lý về nghiệp | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Đối tượng duy nhất cần quán sát khi thực hành giáo lý về nghiệp

Nghiệp cũng là vô thường, vì vô thường nên chúng ta mới đang tích lũy cả thiện nghiệp và ác nghiệp; sở dĩ có nhân và quả của thiện nghiệp và ác nghiệp cũng là vì nhân quả là vô thường. Ví dụ như hôm nay bạn đang tích lũy ác nghiệp vì sân giận, tức là còn chấp ngã, mà chúng ta biết bản ngã thực ra là vô thường, không tồn tại độc lập. Vì vô thường nên có chấp ngã, chấp ngã khiến chúng ta trở nên sân giận và xúc tình phiền não tạo ra nhiều ác nghiệp.

Khi đã chứng ngộ bằng trải nghiệm về bản chất của vô thường, tức là đã đạt được toàn giác, thì chúng ta không còn chịu sự chi phối của vô thường nữa, nhờ đó mà không chịu sự chi phối của nghiệp, kể cả thiện nghiệp. Từ giờ cho đến khi đạt được giác ngộ, chúng ta vẫn cần tích lũy thiện nghiệp và tiêu trừ ác nghiệp. Đây là giáo lý căn bản mà bạn cần hiểu.

Tự tính của vô thường

Đôi khi chúng ta có thể nói rằng điều tốt đẹp duy nhất của vô thường là việc thiện nghiệp và việc tích lũy công đức được hiểu là những thiện hạnh. Nhưng khi chứng ngộ được tự tính của vô thường, hay chứng ngộ được tự tính Phật, thì chúng ta sẽ thấy vô thường cũng rất vi tế. Lúc đó sẽ xuất hiện sự chứng ngộ về Đại Thủ Ấn vì đó là đặc tính căn bản, là bản chất nhất như, và vì thế không còn bất kỳ sự khác biệt nào. Khi chúng ta đã chứng ngộ được bản chất nhất như thì các thiện nghiệp cũng không còn quan trọng nữa. Điều đó không có nghĩa là không còn thiện nghiệp hay ác nghiệp. Các nghiệp đó vẫn hoạt động, nhưng không còn quan trọng nữa vì nghiệp không còn tác động đến người đã đạt chứng ngộ ba địa cao nhất trong Thập địa Bồ Tát, và đối với hành giả chứng đắc Phật quả toàn giác, thì nghiệp không còn chi phối được nữa.

Như vậy, nghiệp là một giáo lý rất thâm diệu. Chúng ta rất khó hiểu hết về nghiệp hay bàn luận rốt ráo về nghiệp, nhưng nhìn chung, như chúng ta cần tìm hiểu về nghiệp, tính tất yếu về nhân và quả của nghiệp khiến chúng ta phải hành động để tiêu trừ nhân quả. Có nhân thì tất có quả; nhân nhất định sẽ đến lúc trổ thành quả báo. Mọi việc chúng ta làm, dù vi tế đến mức nào, ví dụ như việc duỗi chân, duỗi tay, quay đầu…, mọi chuyển động của thân chúng ta đều tạo ra nhân nhất định, đó có thể là nhân và quả của ác nghiệp, hoặc thiện nghiệp. Loại nghiệp thứ ba là vô ký nghiệp, giống như nghiệp do thực hành thiền định tạo ra. Vô ký nghiệp là nghiệp trung tính, không phải là thiện nghiệp hay ác nghiệp. Thông thường chúng ta chỉ bàn đến ác nghiệp và thiện nghiệp, vì hai loại nghiệp này là phổ biến.

Tâm là đối tượng duy nhất cần quán sát khi thực hành giáo lý về nghiệp

Khi tâm trong trạng thái tích cực, thực sự đối lập với sự xao lãng, thì nghiệp được tạo ra là thiện nghiệp. Vì thế nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào tâm; tâm là đối tượng duy nhất chúng ta cần kiểm soát khi thực hành giáo lý về nghiệp.

Theo kinh điển cũng như luận giải của Đức Long Thọ, khi tâm gắn với xúc tình tiêu cực thì các hành động cũng trở thành ác nghiệp như sát sinh, trộm cắp, tà dâm… Có mười ác nghiệp và mười thiện nghiệp. Mười ác nghiệp sẽ diễn ra khi tâm chịu sự chi phối của những năng lượng tiêu cực.  

Ví dụ như sát sinh là một ác nghiệp nặng hàng đầu, một cực trọng nghiệp. Tại sao lại có ác nghiệp sát sinh? Đơn giản vì tâm bị các xúc tình phiền não chi phối mạnh mẽ, các xúc tình đó do tâm tạo ra. Có hai xúc tình phiền não cơ bản là tham lam và sân giận. Đầu tiên, tâm phóng chiếu ra tham muốn, sau đó lại phóng chiếu ra sân giận. Đây là hai xúc tình tiêu cực có ảnh hưởng lớn đến chúng ta. Khi tâm bị hai vọng tưởng này chi phối, chúng ta tạo ra những ác nghiệp rất nặng nề.

Một số ác nghiệp có liên hệ trực tiếp với sân giận; một số ác nghiệp có liên hệ trực tiếp với tham muốn. Có nhiều mối liên hệ là căn nguyên của các ác nghiệp, nhưng thực sự thì tất cả các ác nghiệp đều có sự liên hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với tham muốn. Vậy tham muốn bắt nguồn từ đâu? Sau khi có vọng tưởng chấp ngã, sự chấp ngã đó sinh ra tham muốn, và tham muốn lại tạo ra sân giận và là nguồn gốc của nhiều ác nghiệp khác.

Có muôn vàn sắc thái tham muốn khác nhau và gần như không thể liệt kê ra hết được, nhưng nhìn chung thì tham muốn là cảm giác thèm muốn thực hiện một việc nhất định, khác với cảm giác cần. Nhưng dù bạn có cần hay không nhưng cảm giác thèm muốn mạnh mẽ và vi tế đến mức thậm chí chúng ta không biết chúng ta có cần thứ đó hay không. Đây chính là căn bản phiền não của chúng ta. Tham muốn có muôn hình vạn trạng; từ việc muốn có một tách trà cho đến việc muốn có một mối quan hệ tình cảm hay đạo đức với người khác, hay muốn thực hiện một việc nào đó. Ngay cả việc muốn đạt được giác ngộ cũng là tham muốn. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa tâm nguyện đạt được giác ngộ và muốn có một tách trà xuất phát từ động cơ và mục đích của hành động.

(Khai thị của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa về Pháp tu Quan Âm tại Plouray, Cộng hòa Pháp, 2007)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5776164
Số người trực tuyến: