Nguồn gốc 12 con giáp trong đạo Phật | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Nguồn gốc 12 con giáp trong đạo Phật

Chu kỳ 12 con giáp được cho là có nguồn gốc từ đạo Phật. Tương truyền, có một lần, Đức Phật cho mời tất cả các con vật trên thế giới tới dự tiệc chào năm mới. Lời mời đã được gửi đi với tất cả thành ý, nhưng cuối cùng chỉ có 12 con vật tới dự tiệc. Cảm kích sự nhiệt tình của 12 con vật đó, Đức Phật đã tặng cho chúng một món quà ý nghĩa, đó là tên của chúng sẽ được đặt cho các năm trong lịch Mặt trăng. Thứ tự đặt tên của 12 “vị khách” này cũng rất đơn giản, “vị khách” nào đến trước được đặt trước, “vị khách” nào đến sau thì nhận năm tiếp sau.

Nền tảng vũ trụ học Phật giáo - Thời luân Kim cương

Đạo Phật vốn không phải triết học hay tôn giáo với tính lý thuyết xa vời mà ngược lại có tính ứng dụng rất cao trong thực tiễn cuộc sống. Điều này đặc biệt đúng với hệ thống giáo lý Kim Cương thừa, vốn được xây dựng trên nền tảng vũ trụ học và sự liên hệ của vũ trụ học Phật giáo với cuộc sống. Trong truyền thống Kim Cương thừa lưu truyền Pháp môn tu tập vô cùng thù thắng gọi là Mật thừa Thời luân Kim Cương (Tantra Kalachakra). Thời luân Kim cương là một loại lịch bao gồm ba hệ thống thời gian: bên ngoài, bên trong và bí mật. Hệ thống thời gian bên ngoài liên quan đến Đại Vũ trụ: các hành tinh trong hệ mặt trời của chúng ta và vũ trụ. Hệ thống thời gian bên trong tương ứng với Tiểu Vũ trụ hay thân vi tế giác ngộ bao gồm các yếu tố chu kỳ thời gian, các kinh mạch năng lượng và chuyển động của kinh mạch năng lượng cùng năm đại (địa, thủy, hỏa, phong, không). Hệ thống thời gian bí mật là quán đỉnh cho phép hành giả được tu tập Kalachakra theo truyền thống Phật giáo Kim Cương thừa, thực hành chân ngôn bí mật, các giai đoạn phát sinh và hoàn thiện, Căn, Đạo và Quả để cuối cùng đạt được giác ngộ. Phật Bản tôn Kalachakra là một trong những Phật Bản tôn  liên quan đến y học,  chiêm tinh học và nhiều môn khoa học cổ truyền của truyền thống Kim Cương thừa.

Thời Luân tức là bánh xe thời gian. Chúng sinh bị trôi lăn trong sáu đạo luân hồi đầy khổ đau theo vòng quanh 12 năm, kỳ này tiếp kỳ khác không ngừng, do nhân duyên mà sinh ra cảm giác khổ, vui khác nhau. Đức Thế Tôn vì thương xót chúng sinh giảng giải Pháp môn Thời Luân Kim Cương dạy cho chúng sinh hiểu rõ những vọng niệm lớn nhất là bốn thời quá khứ, hiện tại, vị lai và bất định, do 12 nhân duyên mà trôi lăn và chấp trước vào bốn cảnh sinh, lão, bệnh, tử.

Dựa vào Pháp Thời Luân Kim cương tu trì, có thể chuyển bất tịnh thành thanh tịnh viên mãn, tiêu trừ hết đau khổ và tranh chấp, chuyển biến thành hài hòa và an lạc.

Tu tập và an vị Mandala Thời Luân Kim Cương giúp chấm dứt tai nạn, chiến tranh cùng mọi tai họa, kiếp nạn khác, thúc đẩy an ninh, hòa bình, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, quốc thái dân an, khi lâm chung được vãng sinh cõi Tịnh độ của Phật Bản tôn.

Thangka Hộ trì Văn Thù

Thangka Hộ trì Văn Thù hay còn gọi là lịch chiêm tinh học Kim Cương thừa được phần lớn gia đình người dân vùng Himalaya giữ trong nhà và treo trong các dịp khác nhau để dứt trừ các ảnh hưởng xấu và tăng trưởng sự thịnh vượng. Ở chính giữa của bức tranh Thangka là chín hình vuông có chứa những con số kỳ diệu được sử dụng trong việc chẩn đoán y khoa. Nơi trung tâm mô tả phần bụng của Linh Quy Vũ trụ, một hiện thân uy mãnh của Đức Văn Thù  Rùa thần này nằm ngửa và được bao quanh bởi vòng hỏa luân hộ trì. Chìm trong những vòng hỏa luân này, ngay tại trung tâm là những ký tự của Cửu Tinh (chín ký tự của chiêm tinh tương ứng với chư Bản tôn hộ trì), tương ứng với Ngũ hành Mộc, Hỏa, Thổ, Kim, Thủy, và hiện thân của Mười hai con giáp tương ứng với Mười hai Thiên nữ cúng dàng và cũng nêu biểu cho mười hai tháng và chu kỳ của mười hai năm. Những phần này lại được bao quanh vòng ngoài bởi các biểu tượng của Tám Bản tôn hộ trì trong Phật giáo, mỗi vị lại được vây quanh bởi dấu hiệu tương sinh tương khắc. Ngũ hành Mộc Hỏa, Thổ, Kim, Thủy được nhấn mạnh bằng các biểu tượng Cây ở phương Đông, Lửa ở phương Nam, Kiếm ở phương Tây, Nước ở phương Bắc và bốn Hình Vuông vàng tại bốn góc chính. Ở góc trên bên trái, ngay dưới Mặt trăng là đồ bảo hộ của Bản tôn Thời luân Kim cương. Phần góc trên bên phải, ngay dưới biểu tượng Mặt trời là đồ bảo hộ của Đức Liên Hoa Sinh Padmasambhava. Ở giữa, từ trái sang phải là Đức Quan Âm, Văn Thù và Kim Cương Thủ. Những biểu tượng chạy dài ở hai bên phải và trái của Linh Quy Vũ trụ là biểu tượng thệ nguyện cứu giúp sáu đạo luân hồi, tiêu trừ tất cả thế lực ma quỷ tổn hại của chư Bản tôn Uy mãnh. Tại hai bên cạnh của nhóm dấu hiệu bảy ngày trong tuần và Hộ pháp Rahu là hai bánh xe bảo hộ của Chiêm tinh học Căn Bản. Chân ngôn Kalachakra, được sử dụng trong thực hành Kim Cương thừa cũng được trình bày ở phía trên bên trái của tờ lịch.

Nguồn gốc mười hai con giáp trong đạo Phật

Chu kỳ 12 con giáp được cho là có nguồn gốc từ đạo Phật. Tương truyền, có một lần, Đức Phật cho mời tất cả các con vật trên thế giới tới dự tiệc chào năm mới. Lời mời đã được gửi đi với tất cả thành ý, nhưng cuối cùng chỉ có 12 con vật tới dự tiệc. Cảm kích sự nhiệt tình của 12 con vật đó, Đức Phật đã tặng cho chúng một món quà ý nghĩa, đó là tên của chúng sẽ được đặt cho các năm trong lịch Mặt trăng. Thứ tự đặt tên của 12 “vị khách” này cũng rất đơn giản, “vị khách” nào đến trước được đặt trước, “vị khách” nào đến sau thì nhận năm tiếp sau.

Chú chuột bé xíu là “vị khách” đầu tiên và vì thế được đặt tên cho năm đầu tiên, và chú heo ục ịch là “vị khách” cuối cùng nên phải nhận năm cuối cùng trong 12 con giáp. Mỗi “khách” cũng được chọn những vật đại diện cho mình như: loại đá quý, loại hoa, cùng những nhân tố đại diện khác như màu sắc, mùa trong năm và cả giờ trong ngày. Người phương Đông dùng lịch Mặt trăng tin rằng, những ai sinh vào năm của con vật nào sẽ mang hầu hết những đặc tính cả tốt lẫn xấu của con vật đó. Còn trong truyền thống Phật giáo Kim Cương thừa, việc nhận biết và thực hành vị Phật Bản tôn Hộ mệnh tương ứng với từng con giáp (năm sinh của mình) sẽ giúp mỗi người có được sự bảo vệ, hộ trì, đem lại bình an, sức khỏe, may mắn và thành công trong cuộc sống thế gian và sự thực hành tâm linh.

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5774611
Số người trực tuyến: