Thực hành Lục độ Ba la mật thành tựu con đường Bồ Tát
Để có thể thực hành Bồ tát đạo một cách trọn vẹn, trước hết, bạn cần phát khởi Bồ đề tâm mạnh mẽ, kiên cố, tiếp đến, bạn thực hành các thiện hạnh. Chỉ khi các thiện hạnh được thực hiện thì chúng ta mới nói đến Bồ đề tâm hạnh hay các thiện hạnh hướng về sự giác ngộ cho hết thảy chúng sinh. Thiện hạnh này chính là Sáu Ba la mật - Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tiến, Thiền định và Trí tuệ. Trong khi thực hành, bạn tiếp tục duy trì Bồ đề tâm nguyện để trợ giúp cho sự thực hành và thành tựu viên mãn.
Bố thí Ba la mật
Hạnh đầu tiên trong Lục độ Ba la mật là Bố thí Ba la mật. Thực hành đầu tiên của Bồ tát là Bố thí Ba la mật nghĩa là cho đi mà không mong đợi được đền đáp. Tất nhiên, có nhiều người cho đi rất nhiều tiền, thực hiện nhiều hoạt động từ thiện, kỳ vọng vào các hoạt động công đức như thế. Nhưng lý do đó không được xem là thực hành bố thí đúng đắn bởi trong sâu thẳm thâm tâm luôn có kỳ vọng. Chúng ta phải thực hành không kỳ vọng ngay cả khi cho đi rất nhiều. Điều này là rất quan trọng trong thực hành xả ly bởi Bố thí là cách tốt nhất để thực hành không bám chấp - trở ngại chính trên con đường giải thoát, giác ngộ. Bố thí Ba la mật được thực hiện trên nền tảng tình yêu thương đích thực và trí tuệ quán chiếu về bản chất vô ngã, huyễn như của vạn pháp thế gian. Vì vậy, trong Bố thí Ba la mật không có kẻ cho, người nhận hay đối tượng cho đi, bạn bố thí nhưng không bám chấp vào sự bố thí đó.
Việc thực hành bố thí cũng cần thiết như thực hành tịnh hóa hay trì giới. Bởi vì bố thí còn được hiểu là giải thoát bản thân khỏi sự bám chấp vị kỷ cũng chính là nội dung cơ bản của tịnh hóa. Các yếu tố này có mối quan hệ rất chặt chẽ với nhau. Để có thể thành tựu tịnh hóa, mục đích của trì giới, chúng ta chắc chắn cần đến sự hỗ trợ thông qua việc thực hành bố thí.
Chúng ta thường nghĩ rằng thực hành bố thí có nghĩa là cho đi một thứ gì và nói “Hãy cầm lấy thứ này! Hãy lấy bất cứ thứ gì bạn muốn! Tôi đang hào phóng. Xin hãy cầm lấy đi!” Sự bố thí này cũng là điều đúng đắn, nếu xét từ một góc độ rất nông cạn. Nhưng bí mật của bố thí là buông xả. Trước hết, đó là sự buông xả thái độ chấp ngã của bản thân. Nhờ sự buông xả đó, bạn mới có thể thấy được rằng thực sự không có “Ta” là người đang thực hành bố thí. Tiếp đến, đó cũng chính là sự xả bỏ bám chấp vào vạn pháp, thấy được tính không là bản chất của các pháp, nghĩa là hiểu rằng tất cả các pháp đều không có tự tính giống như vẻ bề ngoài hay những gì bạn thường nhìn nhận về chúng. Nhờ vậy, bạn sẽ thấy không có đối tượng được nhận bố thí, cho tới cả hành vi bố thí cũng không.
Trì giới Ba la mật
Trì giới Ba la mật cũng rất quan trọng. Trì giới giúp chúng ta tịnh hóa bản thân khỏi mọi nhiễm ô. Không có Giới, bạn sẽ không thể kiểm soát được bản thân mình. Chúng ta cần phải thụ một số giới căn bản để có được một nền tảng vững chắc. Việc trì giới của chúng ta phải được thực hành tinh tiến, thường xuyên. Đây là một làn đường chính trên con đường tâm linh. Nếu không có các làn đường, đường cao tốc sẽ rất hỗn loạn vì chúng ta không biết ai đi trước và đi ở làn đường nào, tốc độ giới hạn ra sao... Để việc lưu thông trên con đường cao tốc được thuận lợi, cần có các làn đường khác nhau: làn đường nhanh, chậm và làn đường rất chậm.
Tương tự như vậy, Giới luật sẽ xác định rõ cho bạn điều gì nên làm và không nên làm. Giới luật không chỉ có ý nghĩa trên con đường tâm linh mà còn cần thiết với cả đời sống thế tục, bởi các quy định hợp lý và khoa học này sẽ giúp cuộc sống chúng ta tránh khỏi sự hỗn loạn. Đôi khi, bạn cảm thấy giới luật thật rườm rà, phiền toái. Nhưng chính hàng rào giới luật đó che chở, giúp bạn điều phục thân, tâm, kiểm soát các ham muốn luôn có xu hướng chi phối, lôi kéo bạn. Khi có Giới luật, bằng cách nào đó bạn sẽ đạt được an lạc và hạnh phúc.
Nhẫn nhục Ba la mật
Nhẫn nhục Ba la mật là một trong những pháp thực hành quan trọng nhất của con đường Bồ tát. Khi tâm khởi sân hận, bạn cần trực diện quán chiếu sân hận, nó sẽ biến thành Đại viên cảnh trí. Bằng trí tuệ quán chiếu, sự giận dữ không còn nữa. Nguyên nhân cho sự tức giận đã biến mất. Đó là phương pháp hữu hiệu nhất để đối trị sân giận. Nếu chưa thể dùng trí tuệ như vậy, hãy tư duy quán niệm đúng đắn để khi có ai kích động, hãy nhớ: “Đây là một người thầy vĩ đại vì người này đã cho tôi cơ hội tuyệt vời để thực hành nhẫn nhục”. Bạn phải thật mạnh mẽ với quyết tâm của mình để có thể thực hành điều này. Có những hoàn cảnh đặc biệt bạn cần phải thực hành hạnh nhẫn nhục.
Trước hết, khi bạn đang đau khổ tột cùng, đừng bao giờ buông xuôi và nản chí. Bạn cần lạc quan tiếp tục thực hành thiện hạnh và cần kiên trì thực hành Phật pháp. Khi mọi điều thuận lợi suôn sẻ đến với mình, bạn cũng không nên khởi tâm kiêu mạn về bản thân. Bạn cần biết vì sao mình có được hạnh phúc và biết tri ân những gì mình đang có. Nhưng bạn cũng cần quán chiếu về lẽ vô thường để hiểu rằng tất cả những điều tốt đẹp này cũng đều là vô thường, không bền lâu. Nếu những người khác làm tốt hơn bạn, thay vì buồn rầu, bạn cần khởi tâm hoan hỷ như chính mình đang thành công giống như họ. Bởi vậy, bất cứ một tình huống nào xảy ra trong đời sống, dù là thuận duyên hay nghịch cảnh, bạn đều nên sử dụng nó như một cơ hội để thực hành. Bằng cách này, bạn thuần thục với sự thực hành trong cuộc sống để chuẩn bị cho cái chết - sự thực hành vĩ đại nhất của đời người.
Tinh tiến Ba la mật
Bồ tát hạnh tiếp theo trong Lục độ là Tinh tiến Ba la mật, sự thực hành vô cùng quan trọng giúp bạn thành tựu các Ba la mật khác. Dù có một trí thông minh sắc bén, nhưng nếu bạn thiếu chuyên cần thì trí thông minh sẽ chẳng giúp ích gì cho bạn. Trí thông minh như lửa trên cỏ khô. Cỏ khô dễ dàng bén lửa, nhưng sức cháy lại không lâu, vì vậy không thể mang lại cho bạn bất cứ điều gì. Nhưng nếu bạn tinh tiến, nó sẽ giúp cho bạn một sự hiểu biết vững chắc ngay cả khi bạn không thực sự thông minh, nhanh nhạy. Nếu không tinh tiến thì sẽ không có phương pháp nào để thành công bất cứ điều gì. Chúng ta luôn giải đãi, thường viện cớ là mình bận việc, không có đủ thời gian, sức khỏe hay năng lực. Các bạn có thể đổ lỗi cho rất nhiều nguyên nhân. Và kết quả là bạn sẽ chẳng bao giờ làm nổi điều gì mà chỉ lãng phí cuộc sống quý giá này. Nhờ có được thân người vô giá, chúng ta có năng lực để thực hành thiện nghiệp, chúng ta được các bậc Thầy sách tấn, sự tu và học của chúng ta được cổ vũ, khích lệ. Chúng ta có biết bao nhiêu khả năng và vì thế không nên lãng phí thời gian mà cần nỗ lực tinh tiến không ngừng nghỉ để tu tập, rèn luyện trên hành trình giác ngộ.
Điểm cốt yếu của Chính tinh tiến là tâm hoan hỷ. Khi chúng ta cảm thấy an vui với những việc mình đang làm thì đó thực sự là Tinh tiến Ba la mật. Sự hoan hỷ an vui cần xuất hiện từ bước khởi đầu của hành trình tu tập, luôn hiện hữu trong suốt quá trình tu tập, và liên tục duy trì đến khi kết thúc và thậm chí cả sau đó. Giống như cây dược liệu sẽ trổ những quả dược liệu. Nhân nào cho quả đấy. Để dẫn tới quả vị an vui giải thoát thì hành trình tu tập cũng cần an vui. Vì vậy, chính tinh tiến là những nỗ lực không mệt mỏi được thực hiện trong sự an vui. Để có được điều đó, chúng ta phải biết trân trọng tất cả những gì mình đang thực hành. Dù đó chỉ là những thành tựu vô cùng nhỏ nhoi, nhưng với tâm trân trọng, chúng ta sẽ có được niềm hoan hỷ, lạc duyệt để tiếp tục tinh tiến trên con đường của Bồ tát, thực hành viên mãn Bồ đề tâm nguyện.
Thiền định Ba la mật
Để đạt được một tâm thức an bình và phát triển sự nội chứng tâm linh sâu sắc, bạn cần thực hành thiền định. Thiền định giúp bạn trưởng dưỡng trí tuệ và là con dao sắc bén để cắt đứt mọi bám chấp của bản ngã và tất cả các phiền não, xúc tình tiêu cực. Nếu không có trí tuệ nội chứng đặc biệt này, sẽ rất khó khăn và không thể cắt đứt các ngã chấp. Đặc biệt trí tuệ nội chứng và bản ngã là hai thứ đối nghịch với nhau. Trí tuệ nội chứng là thuốc giải độc đặc biệt cho sự chấp ngã. Vì vậy, chúng ta được khuyên phải tập trung thực hành thiền định một cách sâu sắc, trọn vẹn.
Bằng thiền định, bạn có thể điều phục tâm, khiến tâm trở nên thuần thục và khi tâm đã thuần thục, bạn sẽ đạt được hiểu biết chân thực. Như vậy, tôi cho rằng thuần thục tâm chính là hiểu biết, trí tuệ. Thấu hiểu chính là trở nên thuần thục, nhuần nhị với những gì mình vốn xa lạ. Đó không là gì khác ngoài thiền định. Trong quá trình đào luyện tâm để trở nên thuần thục và tăng trưởng trí tuệ hiểu biết, thiền định có vai trò vô cùng quan trọng. Trên hành trình này, bạn sẽ thành tựu những tư lương cần thiết, sẽ trưởng dưỡng sức mạnh nội tâm giúp đoạn trừ mọi buộc ràng của tham ái, kết sử và chấp trước.
Trí tuệ Ba la mật
Bởi lẽ gốc rễ của luân hồi không thể nhổ bỏ một cách dễ dàng nên bạn có thể sẽ không bao giờ đạt được giác ngộ nếu không có được sự trợ giúp của trí tuệ nội chứng đặc biệt. Cho dù bạn có thực hành năm Ba la mật - bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến và thiền định, các Ba la mật đó cũng sẽ không thực sự mang lại giác ngộ. Giác ngộ tối tượng phụ thuộc vào Trí tuệ. Đó là trí tuệ sâu sắc, toàn diện về bản chất của vạn pháp thế gian được thành tựu thông qua sự điều phục tâm, kiểm soát tham, sân, si của chính mình, từ đó chuyển hóa xúc tình tiêu cực và trưởng dưỡng hiểu biết chân thực ngay trong đời sống này.
Đó cũng chính là sự giác ngộ về thân huyễn ảo, về vô thường và hư vọng là những khía cạnh rất quan trọng của đời sống thế gian. Nói một cách thiết thực, để có thể trưởng dưỡng được trí tuệ nội chứng, bạn cần thực hiện công phu thiền định bằng sự nhất tâm, tập trung sâu sắc. Sau khi đã phát triển được nền tảng thiền định, bạn có thể thiết lập trí tuệ hoàn toàn không phụ thuộc vào khái niệm, chủ thể, khách thể hay hành động. Đây chính là Trí tuệ Ba la mật.
Như vậy, để có thể thành tựu Giác ngộ, bạn cần thực hành Lục độ Ba la mật. Sáu Ba la mật này cần được tu tập đồng thời, bổ trợ lẫn nhau, không khuyết thiếu bất cứ Ba la mật nào. Cũng giống như việc cột và kèo chống đỡ cho nhau tạo thành khung kết cấu của một tòa nhà, để thực sự tạo dựng các yếu tố của giác ngộ và đạt được giác ngộ, chúng ta cần đến tất cả những sự hỗ trợ của các Ba la mật và việc thực hành song song các Ba la mật đó. Điều quan trọng nhất là Lục độ Ba la mật kể trên cần được thực hành, tu tập cụ thể ngay trong đời sống này, trong sự tương tác giữa bạn và mọi người xung quanh, giữa bạn với hết thảy pháp giới chúng sinh.
- 6230
Viết bình luận