Đại thành tựu giả Marpa và hành trình tìm cầu Thượng sư với vô vàn gian nan, thử thách (Phần 3)
Thời gian thấm thoát trôi qua. Sau 12 năm đầu tiên ở Ấn Độ và Nepal học pháp, lúc này, lượng vàng mà Đức Marpa mang theo đã dần cạn. Để tiếp tục được học pháp, Đức Marpa buộc phải quay về xứ tuyết tìm cách kiếm thêm vàng bạc.
Là một người thực tế, miễn là đạt được mục tiêu được học pháp và truyền bá chính pháp, Đức Marpa không ngần ngại bất cứ công việc gì.
Ngay từ ngày đầu tiên rời khỏi nhà, Đức Marpa đã xin cha mẹ phần tài sản thừa kế của mình để đổi ra thành vàng. Khác với các vị tu sĩ khác chỉ sống trong hang núi hay tu viện, Đức Marpa bước vào cuộc đời, giảng pháp kinh doanh, kiếm tiền, và thu được rất nhiều vàng bạc, tơ lụa, của cải.
Có phải Đức Marpa thực sự muốn giàu có?
Sau khi trở về xứ tuyết, Đức Marpa ở lại một ngôi làng và bắt đầu giảng pháp. Ở quê nhà Lhotrak, cha mẹ Ngài đều đã qua đời. Người thầy cũ, anh chị em và họ hàng, dù đã không còn coi thường Đức Marpa như trước, nhưng không ai xin học pháp từ Ngài. Chỉ có vài người từ xa tới xin học, và cúng dàng Ngài vài món tượng trưng. Đức Marpa thu phục một vài người phụ tá, đi về hướng miền trung Himalaya, tìm cách làm việc để kiếm vàng.
Một ngày nọ, khi Đức Marpa đang giảng pháp ở Sesamar, một lãnh chúa giàu có của tỉnh vùng cao nguyên phía bắc Himalaya tên là Golek đi ngang qua trong một chuyến giao thương. Golek dừng lại, cúng dàng thực phẩm, muối, và rất nhiều quần áo đẹp cho Marpa, rồi thỉnh mời Ngài về nhà để xin được học pháp. Khi gặp lại, Golek thấy Marpa ăn mặc rất xuềnh xoàng, và đã cất đâu hết số quần áo được tặng.
- Đối với người miền bắc chúng tôi, diện mạo là rất quan trọng. Thầy có rất nhiều quần áo đẹp sao không mặc?
Đức Marpa đáp:
- Sẽ thật bất tiện nếu mang vác số quần áo này sang Ấn Độ, mặc vào rồi sẽ không thể đổi thành vàng. Ta muốn đổi hết quần áo thành vàng, và cúng dàng các Bậc Thầy để có Pháp mang về xứ tuyết. Quần áo của ngươi ta đã mặc, sao còn đổi thành vàng được nữa.
Golek chợt hiểu ra, thực sự, Đức Marpa không màng gì tới quần áo đẹp. Tài sản, vàng bạc, tất cả chỉ là phương tiện để Đức Marpa tìm đến được với các Bậc Thầy và được học pháp. Golek nghĩ thầm, “Sự ham muốn của cải này không phải là một tội lỗi mà thực ra là một phẩm tính cao quý về lòng khao khát Pháp cao quý”. Lòng tin tưởng trào dâng khiến Golek bật khóc, quỳ xuống xin Đức Marpa cho được đi theo học. Golek cúng dàng rất nhiều vàng bạc, trâu bò, tơ lụa lên Đức Marpa, và khuyến thỉnh họ hàng, quần thần theo học.
Chuyện kể rằng, trong cuộc hành trình lần thứ ba tới Ấn Độ, gặp lại Đại thành tựu giả Naropa, Đức Marpa đã cúng dàng lên Ngài toàn bộ số vàng quý giá mà Ngài có sau nhiều năm làm việc rất vất vả. Đức Naropa thản nhiên ném toàn bộ vàng đi. Ngài mỉm cười nhìn Đức Marpa, rồi Ngài dùng tay nhặt một nắm đất, xoa vào nhau, và khi Ngài mở lòng bàn tay ra, chúng đã biến thành vàng. “Ta không cần vàng. Nếu ta cần, thì cả mặt đất này đều là vàng”. Nói rồi Đức Naropa dẫm chân lên mặt đất, và cả mặt đất đều biến thành vàng.
Khả năng hợp nhất việc thực hành chứng ngộ Đại Thủ Ấn với cuộc sống đời thường
Mặc dù đã chứng ngộ và thông thạo nhiều giáo pháp, Marpa sống một cuộc sống cư sĩ có vẻ hết sức phàm tục. Nhìn bên ngoài, Đức Marpa giống như một người bình thường. Dáng Ngài cao to, bè bè chắc nịch. Khuôn mặt Ngài cháy nắng, tóc húi cua, và một chút ria mép. Hàng ngày, Ngài là một người địa chủ, là người chồng, người cha, làm nghề nông, và đem phẩm vật buôn bán ở chợ.
Đức Marpa là một người vô cùng thực tế, Ngài có tác phong của những thương gia. Ở nhà, hầu như người ta chẳng mấy khi thấy Đức Marpa thực hành thiền định. Ngài càng chẳng bao giờ có thời gian nhập thất dài ngày giống như các vị tu sĩ khác hay như chính các học trò mình. Hơn thế nữa, người ngoài nhìn vào, chẳng mấy ai biết hay thừa nhận Ngài là một Bậc thầy tâm linh, bởi vì Ngài cũng chẳng buồn mặc những bộ đồ quần áo như các vị tu sĩ. Thậm chí, đến cả hàng xóm và họ hàng thân thuộc của Đức Marpa cũng nghi ngờ không biết Ngài có thực sự là một Bậc thầy tâm linh hay không.
Tuy nhiên, khả năng hòa hợp việc thực hành chứng ngộ Đại Thủ Ấn với cuộc sống đời thường, trí tuệ và hành động của Đưc Marpa là vô cùng rộng lớn và thiện xảo, hơn bất cứ người bình thường nào. Đức Marpa không hề cố gắng trở thành một người đặc biệt, mà chỉ đơn giản là Ngài sử dụng chính cuộc đời trần luỵ làm con đường, làm nền tảng để đạt kết quả là sự chứng ngộ Đại Thủ Ấn.
(Còn tiếp)
(Lược trích ấn phẩm “Kho tàng truyện cổ tích trong suốt”)
Đại thành tựu giả Marpa và hành trình tìm cầu Thượng sư với vô vàn gian nan, thử thách (Phần 1)
Đại thành tựu giả Marpa và hành trình tìm cầu Thượng sư với vô vàn gian nan, thử thách (Phần 2)
- 238
Viết bình luận