Đại Thủ Ấn - Căn Đạo Quả
Bản chất của Đại Thủ Ấn là bao trùm vạn pháp: cả bên ngoài, bên trong tâm, chính bản thân chúng ta, và tất cả chúng sinh. Cùng lúc đó, tự tính của Đại Thủ Ấn càng không thể được nhận dạng và định danh. Có ba loại Đại Thủ Ấn: Căn Đại Thủ Ấn, Đạo Đại Thủ Ấn, và Quả Đại Thủ Ấn. Liệu chúng ta có nhận ra Căn Đại Thủ Ấn hay không? Đại Thủ Ấn có từ vô thủy. Dù chúng ta không nhận ra Đại Thủ Ấn, Đại Thủ Ấn vẫn tồn tại vì đó là tự tính của vạn pháp.
Đứng trên phương diện trải nghiệm, Căn Đại Thủ Ấn là tự tính tâm. Căn Đại Thủ Ấn đôi khi được gọi là Bảo báu của tâm, hay Như Lai, Phật tính. Sự thật là Căn Đại Thủ Ấn bao trùm khắp vạn pháp và tồn tại như chúng vốn có. Căn Đại Thủ Ấn vốn sẵn đủ trong tất cả chúng sinh. Dù chúng ta đang đau khổ hay an vui, Căn Đại Thủ Ấn không có sự khác nhau bởi nó sẵn có trong tất cả chúng sinh bình đẳng không khác.
Tuy nhiên, có một sự khác biệt ở cấp độ tương đối trong nhận thức về Căn Đại Thủ Ấn. Hầu hết chúng sinh phàm tình không nhận ra Căn Đại Thủ Ấn do phản ứng lại với hoàn cảnh hoặc chướng ngại. Sự hỗn loạn này cần phải được sắp xếp lại và chấm dứt. Chúng ta cần tịnh hóa những chướng ngại nơi thân, khẩu, ý làm quen với nhận thức và trưởng dưỡng sâu sắc hiểu biết về Căn Đại Thủ Ấn. Để thành tựu điều này, chúng ta cần hạnh ngộ bậc Thượng sư đã giác ngộ Đại Thủ Ấn, làm quen với Đại Thủ Ấn, hành thiền và chứng đạt chân lý về Căn Đại Thủ Ấn như Ngài. Đó chính là con đường Đại Thủ Ấn hay Đạo Đại Thủ Ấn. Đạo Đại Thủ Ấn không khác với Căn Đại Thủ Ấn ngoại trừ tính minh bạch và rõ ràng hơn trên phương diện thực hành Đại Thủ Ấn. Lợi ích của Đạo Đại Thủ Ấn là mang đến cho chúng ta Quả Đại Thủ Ấn. Khi chúng ta hoàn toàn chứng ngộ Đại Thủ Ấn, chứng ngộ mọi hiện tượng của vạn pháp một cách minh bạch, sáng rõ, và liên tục duy trì thực tại chứng ngộ ấy, đó là Quả Đại Thủ Ấn.
Một cách tương đối, Đại Thủ Ấn có ba phương diện khác nhau. Phương diện thứ nhất là ô nhiễm, đề cập đến tình trạng của tất cả chúng sinh, mặc dù mọi chúng sinh Phật tính vốn sẵn có đầy đủ và thanh tịnh từ vô thủy nhưng vì vô minh chấp ngã, ác nghiệp nhiễm ô sâu dày nên không nhận ra, đó là Căn Đại Thủ Ấn. Phương diện thứ hai, được gọi là ô nhiễm và thanh tịnh, đề cập đến chứng ngộ Đại Thủ Ấn ở một chừng mực nào đấy, và đây chính là Đạo Đại Thủ Ấn. Phương diện thứ ba gọi là thanh tịnh tuyệt đối. Đó là khi chúng ta chứng ngộ Đại Thủ Ấn một cách hoàn toàn, đây là Quả Đại Thủ Ấn.
Khi đọc tới đây, có thể bạn đang tự hỏi: “Ngài muốn thuyết giảng giáo pháp gì vậy?”. Tôi vẫn thường nghĩ rằng thật khó có thể thuyết pháp về Đại Thủ Ấn. Giảng về Đại Thủ Ấn thực sự là chuyện vô lý vì thực ra chẳng có gì để giảng cả. Mỗi khi nhận được lời thỉnh cầu giảng về pháp này, điều duy nhất tôi thấy có thể làm là giới thiệu một chút về pháp tu này theo kiểu dẫn dắt nhập môn. Điều này có nghĩa giống như chỉ ra một con đường, một cách thức để giúp bạn cảm nhận về bản chất thực sự của vạn pháp, của mọi sự vật hiện tượng. Khi nhận ra được bản tính tự nhiên hoàn hảo thì bạn mới đạt tới sự rốt ráo, tuyệt đối của pháp Đại Thủ Ấn.
Có hai cách tiếp cận con đường này. Cách thứ nhất mang tính tư duy, nhờ vào thiền chỉ. Đây là một cách tốt, song cách thứ hai mang tính bền vững hơn, cũng là cách dễ dàng và dễ tiếp cận hơn: đó là thực hành thông qua thiền minh sát nghĩa là an trụ và quán chiếu sinh động về tự tính của vạn pháp. Đây chính là cách thiền tốt nhất và đáng tin cậy nhất trong tu tập. Chúng ta sẽ chủ yếu bàn về cách tu tập này. Theo đó, bạn sẽ để cho mọi thứ diễn ra theo tiến trình tự nhiên, không tìm cách dùng lý trí can thiệp. Thế nhưng bạn cũng cần phải neo bám vào một thứ. Cũng giống như khi bạn muốn nhóm lửa: thoạt đầu bạn bật lên một que diêm hoặc dùng một thứ gì khác, nếu không thì sẽ không thể nào có được mồi lửa. Khi lửa đã bén rồi, bạn sẽ không cần phải tiếp tục bật diêm lên nữa. Bạn có thể thư giãn và để cho lửa tự cháy. Tương tự như vậy, để bắt đầu tu tập trên con đường này, chúng ta cần phải hiểu, cho dù chỉ đôi chút, về Đại Thủ Ấn.
Pháp tu Đại Thủ Ấn tự thân nó không phải là một pháp tu thiền, chẳng phải là tâm cũng chẳng có gì liên quan tới xác thân hay hơi thở. Đó chỉ đơn giản là một cách nhìn, theo nghĩa là cách chúng ta nhìn thấy. Nếu muốn, bạn có thể gọi đó là một cách nhìn triết học, cho dù nó chẳng có gì liên quan tới triết học tư duy. Có những người nghĩ rằng có thể so sánh với đại an, đại lạc - một trạng thái hoàn toàn vắng bóng mọi suy nghĩ, một sự đại hỷ lạc hoặc một cảm giác trống không. Tất cả những cách nhìn nhận này đều không phù hợp. Đại Thủ Ấn không thể nhận định được qua cảm giác, cảm nhận hay tình cảm. Đây là phạm trù không thể nắm bắt được bằng trí tưởng tượng thông thường của chúng ta. Có rất nhiều kinh điển ví phạm trù này với không gian. Xét từ góc độ mênh mông bất tận và sâu rộng thì có thể dùng không gian để giúp chúng ta hình dung được phần nào về Đại Thủ Ấn. Nhưng điều này không có nghĩa rằng Đại Thủ Ấn là không gian, mà chỉ mang một ý nghĩa tương tự. Đại Thủ Ấn là phạm trù không thể nắm bắt, không thể dùng tư duy để tạo tác, một phạm trù siêu việt mọi sự tưởng tượng và biểu đạt. Tuy vậy, chúng ta vẫn có thể thử hình dung về điều đó. Chẳng hạn như để có thể đi du lịch bằng xe hơi, trước hết chúng ta cần phải có ý niệm về con đường cần phải đi và phải có một cần gạt kính thật sạch để nhìn thấy rõ đường đi. Cũng như vậy, cho dù không thể tạo tác ra Đại Thủ Ấn song bạn vẫn cần phải có được chút ý niệm về điều này. Nếu như ngay cả thông tin ban đầu này cũng sai lệch thì bạn sẽ không biết mình đang làm gì và bạn có thể tưởng rằng mình đang thực hành thiền Đại Thủ Ấn song thực chất bạn chỉ đang ngồi bất động.
Tóm lại, có thể thấy rằng sự thật căn bản của vạn pháp, cho dù thuộc về nội tâm như các xúc tình phiền não và trạng thái của tâm, hay thuộc về ngoại cảnh như hoa, cây, núi, thành phố… tất cả đều nằm trọn vẹn trong cùng một phạm trù rất lớn là tính không hay Đại Thủ Ấn. Chân lý tối thượng này là điều duy nhất mà chúng ta cần nhận ra. Nhận ra được chân lý ấy chính là giác ngộ!
- 2329
Viết bình luận