4. Tam thân Phật và Ba trạng thái Bardo tương ứng
21/08/2016 - 22:04
Lượt xem: 4212
Giới thiệu về Tam thân Phật
Ở mức độ khái quát, chúng ta có thể nói Pháp thân (Dharmakaya) là tinh túy của Phật và Thượng sư; Báo thân (Sambhogakaya) là tinh túy của Pháp (Dharma) và Bản tôn; và Hóa thân (Nirmanakaya) là tinh túy của Tăng (Sangha), tức là Tăng đoàn Phật pháp và các bậc Không hành, Hộ pháp. Như vậy, Pháp thân, Báo thân và Hóa thân là tinh túy của Ba quy y (Phật, Pháp, Tăng).
Tinh túy đó là chân tâm bản lai của Phật, Pháp và Tăng. Điều này có nghĩa là dù cho chúng ta có chứng ngộ được Tam thân đó hay không, chúng ta có được cho biết về Tam thân đó hay không, về mặt bản thể, tinh túy đó vẫn luôn tồn tại thường hằng. Lấy ví dụ như, nếu bạn được bậc Thầy hoặc một người nào khác cho biết, hoặc giả sử như bạn không được bất cứ bậc Thầy bên ngoài hoặc một ai khác cho biết rằng Phật hay Thượng sư chính là Pháp thân, thì trong chân lý tuyệt đối, vẫn tồn tại Pháp thân. Nếu không có Pháp thân sẽ không có Phật.
Phẩm chất của Pháp thân là Trí tuệ Toàn tri; phẩm chất của Báo thân là Tình yêu thương, Lòng bi mẫn và phẩm chất của Hóa thân là sự Khích lệ bất hoại.
Tam thân Phật
Ý nghĩa thực sự của Tam thân tựa như nước: khi nước hoàn toàn đóng băng thì giống như đá - hình tướng bên ngoài của đá và nước khác nhau nhưng tính chất cùng là nước. Tương tự như vậy, dù cho được thể hiện ra bên ngoài như thế nào đi nữa, phẩm chất của Tam thân vẫn là Trí tuệ, Tình yêu thương và sự Khích lệ bất hoại. Về mặt bản môn, chúng ta là Pháp thân. Nhưng chúng ta chưa đủ lòng từ bi trong hành động hay tình yêu thương hoặc chúng ta đang không thực hành điều đó hoặc không thể hiện bản thân là một người từ bi hay tràn đầy tình yêu thương, cũng không thể hiện bản thân là một bậc toàn tri hay một người khích lệ những chúng sinh khác. Vậy liệu điều đó có nghĩa là về mặt bản lai chúng ta không phải là đầy đủ Tam thân hay không? Không, điều đó không có ý nghĩa như vậy. Điều đó chỉ có nghĩa là chúng ta chưa giác ngộ, do vậy chúng ta là những chúng sinh trong cõi luân hồi. Nhưng phẩm chất đó chắc chắn vẫn tồn tại, ngay cả khi không thể hiện thành một người tràn đầy lòng bi mẫn, thì lòng bi mẫn căn bản vẫn nằm trong Báo thân bởi vì đó là phẩm chất căn bản của Báo thân. Để hiểu được những điều này, chúng ta cần noi gương đức Milarepa, thực hành thiền định miên mật với tâm chí thành không lay chuyển và dưới sự hướng đạo của một bậc Thầy giác ngộ.
Khi chứng ngộ được Pháp thân, Báo thân và Hóa thân, chúng ta sẽ trở nên bất biến, bất diệt và bạn sẽ thực sự đạt được những phẩm chất đó. Hóa thân liên quan nhiều hơn đến thân thể vật lý chúng ta; Báo thân liên quan nhiều hơn đến khẩu và Pháp thân liên quan nhiều hơn đến ý. Thân, khẩu, ý là những điểm rất quan trọng. Khi chứng ngộ được Tam thân, Tam thân sẽ tương ứng với thân, khẩu, ý.
Khi ấy, tâm sẽ rất ổn định và trí tuệ bản lai sẽ hiển lộ hoàn toàn. Khi chúng ta đạt được giác ngộ nghĩa là chứng đạt được Pháp thân, chúng ta sẽ trở nên toàn tri, sẽ biết mọi thứ vì đó là phẩm chất của Pháp thân. Những bậc thầy có phẩm chất toàn tri bởi vì các ngài đã giác ngộ. Chúng ta chưa giác ngộ nên chúng ta chưa hiểu biết. Chúng ta biết những gì chúng ta nhìn thấy, nhưng chúng ta không biết chuyện gì đang diễn ra sau bức tường vô minh che chắn tầm nhìn của chúng ta. Hiểu biết của chúng ta chưa đầy đủ mà còn phụ thuộc rất nhiều vào thế giới tương đối, vì thế chúng ta chưa thể cho rằng mình đã toàn tri.
Điểm quan trọng nhất để có thể chứng đạt được Tam thân Phật đó chính là Bồ đề tâm. Thực chất là, xuất phát từ tâm nguyện vị tha và lòng từ bi vô lượng cùng Bồ đề nguyện vô tận, chư Phật và chư Thượng sư giác ngộ thị hiện dưới nhiều sắc tướng khác nhau trong hình thức Báo thân hay Hóa thân song không bao giờ rời tự tính trí tuệ Pháp thân. Chừng nào chúng sinh còn trầm luân trong biển khổ, thì các Ngài vẫn không ngừng thị hiện các Ứng Hóa thân để tận độ giải thoát, đem đến niềm an vui chân thật và đánh thức tiềm năng tâm linh vốn sẵn đủ từ bi và trí tuệ nơi mỗi hữu tình. Với mỗi tâm niệm, hơi thở, nhịp đập của trái tim đều cống hiến trọn vẹn cho sự nghiệp vô ngã vị tha, phụng sự nhân loại và vũ trụ, các Ngài xứng đáng với vô lượng tán thán cúng dàng của pháp giới chúng sinh.
Tóm lại:
- Pháp Thân (Dharmakaya) là tinh túy, thể tính chân thật của Phật, đồng nghĩa với Chân như, là thể của vũ trụ;
- Pháp Thân (Dharmakaya) là tinh túy, thể tính chân thật của Phật, đồng nghĩa với Chân như, là thể của vũ trụ;
- Báo thân (Sambhogakaya) hay Đại hỷ lạc thân, là Thân Phật hiển hiện trong các cõi Tịnh độ;
- Hóa thân (Nirmanakaya) hay Ứng hóa thân, là Thân Phật hiển hiện trong cõi luân hồi với mục đích cứu độ chúng sinh.
Trong Kim Cương thừa, khái niệm về Tam Thân được trình bày dưới ba góc độ Căn - Đạo - Quả như sau: Tam thân căn bản (Căn), nghĩa là Pháp thân căn bản, Báo thân căn bản, và Hóa thân căn bản; Tam thân trên đường tu tập (Đạo), nghĩa là Pháp thân trên con đường tu tập, Báo thân trên con đường tu tập và Hóa thân trên con đường tu tập; Tam thân kết quả (Quả), nghĩa là Pháp thân kết quả, Báo thân kết quả và Hóa thân kết quả.
Ba trạng thái Bardo tương ứng Tam thân Phật
Bardo Pháp thân: còn được gọi là Bardo vi tế hay Bardo bí mật, là Bardo có thể được thực chứng, thực hành qua phương diện Pháp thân Phật. Đây là Bardo gắn liền với trạng thái thức, với sự tỉnh giác trong thiền định (Bardo thiền định), với Pháp tính diệu minh thường trụ trong Bardo chết và trong Bardo ngủ.
Bardo Báo thân: còn gọi là Bardo bên trong, là Bardo dùng Báo thân làm pháp thực hành để siêu việt trạng thái Bardo. Một khi thực chứng được Bardo Pháp thân, bạn cũng sẽ nhận ra được Bardo Báo thân. Bardo Báo thân gắn liền với những hoạt động của tâm thức cũng như những khái niệm, những quan kiến cố hữu. Bardo Báo thân tương ứng với các trạng thái trung gian Bardo mộng, Bardo giữa chết và tái sinh, Bardo thân vi tế khi thức.
Bardo Hóa thân: là Bardo dùng Hóa thân làm pháp thực hành để giải thoát khỏi Bardo. Bardo Hóa thân tương ứng với các trạng thái trung gian Bardo đời sống, với trạng thái tỉnh, với thân thô lậu lúc thức, và với Bardo tái sinh. Những trạng thái trung gian thiếu giác tỉnh mà chúng ta đang sống hàng ngày chính là Bardo Hóa thân.Bardo siêu việt mọi Bardo
Hiểu được sự phân chia ba loại Bardo này tương ứng với Tam thân Phật là vô cùng quan trọng. Cả ba loại Bardo, hay còn gọi là ba trạng thái trung gian Pháp - Báo - Hóa thân cần phải được hợp nhất.
Chúng ta có nhiều cách để gọi sự hợp nhất đó: trong thiền Dzogchen (Đại toàn thiện), người ta gọi đó là tính không, thiền Mahamudra (Đại Thủ Ấn) gọi là chân như và trong Trung quán, người ta sử dụng thuật ngữ Trung đạo. Tuy sử dụng những thuật ngữ khác nhau nhưng thực chất những thuật ngữ này đều nói về cùng một phạm trù, và điều chúng ta được khuyến dạy là cần trực nhận được chân như, tính không hay Trung đạo, cũng như ba Bardo trong một thể thống nhất này. Đó là điểm đến cuối cùng, hay Bardo tối hậu mà một hành giả cần phải chứng ngộ. Đó chính là Bardo siêu việt mọi Bardo.
Đời sống luân hồi và bốn loại Bardo
Đời sống luân hồi của chúng ta là một loạt các tiến trình nối tiếp nhau được gọi là Bardo. Tiến trình của một vòng đời tử sinh sẽ đi tuần tự như sau:
Bardo cận tử: là trạng thái trung gian khi một người bắt đầu tiến trình chết đến khi chết hoàn toàn
Bardo Pháp tính: là trạng thái trung gian khi Pháp tính diệu minh thường trụ ló rạng
Bardo tái sinh: là trạng thái trung gian từ lúc một người sau khi chết hoàn toàn mà không nhận ra Pháp tính diệu minh thường trụ cho tới khi nhập mẫu thai và bắt đầu một đời sống mới.
Bardo đời sống: là trạng thái trung gian từ lúc một hữu tình bắt đầu một đời sống mới cho đến khi chết đi.
- 4212
Viết bình luận