Quán đỉnh - Sự truyền trao quyền thể nhập thực hành Nghi quỹ Kim Cương thừa | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Quán đỉnh - Sự truyền trao quyền thể nhập thực hành Nghi quỹ Kim Cương thừa

Khi chúng ta tìm được một bậc Thượng sư phạm hạnh và trì giữ Tam muội da giới (Samaya), khi đó ta có thể thụ nhận giáo pháp Kim Cương thừa. Nếu hỏi về sự khác biệt giữa Kinh thừa và Mật thừa thì đó chính là nghi thức quán đỉnh, tiếng Phạn nghĩa là “abhisheka”. Bất kỳ pháp tu nào đòi hỏi phải được thụ nhận quán đỉnh thì chúng ta gọi đó là pháp tu theo Kim Cương thừa. Nếu pháp tu nào không đòi hỏi phải thụ nhận quán đỉnh thì pháp tu đó thuộc về hệ thống Kinh thừa. Đặc trưng của Phật giáo Kim Cương thừa là nghi thức bắt buộc tham dự việc phát nguyện, phụng sự và thực hành nghi quỹ (tiếng Phạn là Sadhana) theo một Bản tôn hay Bồ tát nào đó. Đó là nghi thức mà một Bậc Thầy tu chứng thành tựu pháp môn trao truyền trực tiếp cho các đệ tử. Bao gồm mô tả, giảng nghĩa, quán tưởng và thứ lớp tu tập cùng các nghi lễ cúng dàng và chân ngôn tương ứng. Mặc dù vậy, quán đỉnh còn mang ý nghĩa nhiều hơn thế; đó là sự trao truyền nguồn ân phúc và năng lực gia trì của cả một Truyền thừa.

Quán đỉnh ban sự gia trì và trao cho bạn quyền thể nhập thực hành một nghi quỹ Mật thừa.

Quán đỉnh có thể ngắn hoặc dài, đơn giản hay phức tạp nhưng thường bao gồm:

(1) Wang (tiếng Phạn là abisheka) tức là phần quán đỉnh thánh hóa người đệ tử thành vị Bản tôn thiền định,

(2) Lung tức là phần khẩu truyền - tụng đọc một bài kinh văn (đôi khi có thể là tụng bản cô đọng hoặc tụng nhanh đầy đủ cả bài kinh), và

(3) Tri là những phần giảng dạy hướng dẫn cách tu tập thực hành. Trong trường hợp đặc biệt, chỉ cần một nghi lễ rút gọn kết nối người đệ tử với nghi quỹ thực hành đi kèm trì tụng chân ngôn là đủ.

Tuy nhiên, một số pháp tu do Đức Phật Thích Ca truyền cho đại chúng không tuân theo quy định này. Tất cả các pháp môn trong Kinh thừa chắc chắn chứa đầy ân đức gia trì của Đức Phật rồi nên bất kỳ ai mong muốn đều có thể thực hành theo, trong đó bao gồm cả các pháp tu của Đức Quan Âm (Chenrezig) và của Đức Lục Độ Phật Mẫu (Tara Xanh). Tuy vậy, bạn luôn được khuyến khích thụ nhận quán đỉnh Kim Cương thừa của Đức Quan Âm và Lục Độ Phật Mẫu bất kể khi nào có cơ duyên. Khi bạn được thụ nhận quán đỉnh Đức Quan Âm, sự tu tập và năng lực kết nối bạn với Căn bản Thượng sư của mình và Bản tôn Quan Âm càng được tăng trưởng hơn.

Lý do bạn cần thụ nhận Quán đỉnh

Tâm thức phàm phu của chúng ta không được thành thục và chín muồi, vì thế nó cần phải được thuần thục bằng quán đỉnh. Theo tiếng Tạng, cam lồ có nghĩa là “dutsi” - được dùng để chỉ một chất liệu có thể chuyển hóa các độc tố thành cam lồ. Nó còn được gọi là thứ mật ngọt thanh tịnh hay nước cam lồ vô ưu. Khi dòng suối cam lồ được quán đỉnh ban phúc lên chúng ta trong buổi lễ, chúng ta thiền định và quán tưởng mình chuyển hóa, thể nhập và an trụ trong trạng thái của Bản tôn, nhờ đó tịnh hóa hết thảy ám chướng và tà niệm. Chúng ta hiển lộ tâm tính của mình đồng như tâm của Bản tôn không khác. Toàn bộ sắc thân của chúng ta được chuyển hóa thành Mandala của Bản tôn.

Thông qua bốn quán đỉnh, chúng ta tịnh hóa bốn ám chướng. Nhờ tịnh hóa bốn ám chướng, chúng ta gieo trồng hạt giống thành tựu Tứ thân trong tương lai. Các thứ lớp này là yếu tố căn bản của Tantra, gốc rễ của hệ thống Kim Cương thừa. Nếu không đón nhận lễ truyền pháp quán đỉnh này, chúng ta không có quyền thực hành tu tập Kim Cương thừa. Vì thế chúng ta cần biết trân quý cơ hội hy hữu khi được đón nhận quán đỉnh:

- Quán đỉnh Bình: giúp tịnh hóa ám chướng nơi Thân và thành tựu Hóa thân

- Quán đỉnh Bí mật: giúp tịnh hóa ám chướng nơi Khẩu và thành tựu Báo thân

- Quán đỉnh Trí tuệ: giúp tịnh hóa ám chướng nơi Ý và thành tựu Pháp thân

- Quán đỉnh Ngữ tôn quý: giúp tịnh hóa các ám chướng Khí vi tế và thành tựu Thể tính thân.

Thụ nhận Năng lực thực hành

Tôn tượng Đức Phật Quan Âm Tứ Thủ

Quán đỉnh mới chỉ là sự khởi đầu nhập môn. Để được lợi ích dài lâu, tiếp theo đó phải là sự tu tập hành trì đúng cách dưới sự hướng đạo của bậc Kim cương Thượng sư giác ngộ.

Các pháp tu Tantra được phân chia theo hệ thống thứ lớp trong đó quán đỉnh là một yếu tố quan trọng không thể thiếu, vì vậy một lễ truyền pháp quán đỉnh - hay Wang có thể thuộc về bất kỳ một Tantra nào. (Số lượng và loại Tantra phụ thuộc vào hệ phái Phật giáo cụ thể). Những quán đỉnh phổ biến nhất là của những Bản tôn như Quan Âm Tứ Thủ, Lục Độ Mẫu và A Di Đà.

Bất kỳ giáo pháp nào liên quan đến quán đỉnh đều đòi hỏi đi kèm với phát nguyện thực hành tu tập. 

Những yêu cầu để được thụ nhận quán đỉnh:

1. Phát tâm nguyện thụ nhận ân đức gia trì

2. Phát tâm thực hành những giáo pháp tương ứng trong tương lai

3. Phát tâm tức thời thực hành giáo pháp được truyền thụ

Nhân duyên điều kiện để viên mãn lễ quán đỉnh:

Để lễ truyền pháp quán đỉnh hiệu nghiệm, cần hội đủ ba nhân duyên điều kiện sau:

1. Động cơ của người Thầy phải thanh tịnh dựa trên cơ sở tình yêu thương và lòng bi mẫn. Người Thầy phải từng đón nhận lễ truyền pháp quán đỉnh và bản thân có kinh nghiệm tu chứng.

2. Người đệ tử phải có tín tâm không chút nghi báng về sự hợp thức của buổi lễ và phẩm hạnh của Thượng sư. Người Thầy phải được hiểu là hiện thân của Đức Phật và bậc Thượng sư của chính Ngài. Những phẩm chất cá nhân thế gian của người Thầy không quan trọng bằng vai trò là Kim cương Thượng sư của Ngài.

3. Những pháp khí biểu tượng trong buổi lễ như tranh ảnh, hình tượng, bình quán đỉnh Bumpa, Torma và phẩm vật cúng dàng… được chuẩn bị đầy đủ.

(Trích ấn phẩm "Bản tôn - Chân ngôn - Trí tuệ"

Tác giả: Đức Nhiếp Chính Vương Gyalwa Dokhampa)

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5700504
Số người trực tuyến: