Sám hối tịnh hóa cuối năm để đón năm mới ngập tràn phúc báo | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Sám hối tịnh hóa cuối năm để đón năm mới ngập tràn phúc báo

Phong tục “giải đen” tại các nước trên thế giới

Người phương Tây có một câu tục ngữ dịch nôm ra có nghĩa là “trời không mưa mà trời sẽ bão”, ý nghĩa của câu này giống với câu “họa vô đơn chí, phúc bất trùng lai” của người phương Đông. Theo đó, người ta tin rằng, vận đen một khi đã tới thì sẽ rủ nhau cùng tới, hết việc xúi quẩy này đến việc đen đủi khác sẽ liên tiếp xảy ra tạo thành “dớp”. Chính quan niệm này đã làm nảy sinh hàng loạt những nghi thức “giải đen” tồn tại ở hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Ví dụ, chạm vào gỗ là hành động phổ biến nhất trong nền văn hóa phương Tây khi một người muốn xua đuổi vận đen còn ở nhiều nước phương Đông, người dân thường ném muối để xua đuổi tà khí sau những chuyện đen đủi. Đặc biệt ở Nhật Bản, Việc ném muối là một trong những nghi thức truyền thống quan trọng trong hoạt động đấu vật ở Nhật Bản. Trước và sau mỗi vòng đấu, các võ sĩ sumo đều ném muối vào trong sàn đầu như một cách để xua đi tà khí khỏi đấu trường của họ.


Mỗi người viết những nỗi buồn của mình vào tờ giấy rồi bỏ vào thùng rác hoặc máy xén giấy

Tại thành phố New York (Mỹ), đã 10 năm nay, sự kiện "Ngày giải thoát (Good Riddance Day)” được tổ chức tại Quảng trường Thời đại, bắt nguồn từ truyền thống của người Mỹ Latinh. Trước khi năm mới đến, họ thường gắn các biểu tượng liên quan đến chuyện buồn của năm cũ lên búp bê trước khi ném vào lửa. Từ đó đến nay, đây là sự kiện được tổ chức thường niên trong chuỗi chương trình chào đón năm mới.  Người dân New York và kể cả du khách có thể ghi ra giấy muộn phiền và ký ức không mấy tốt đẹp của năm cũ và hy vọng những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới. Những chiếc máy cắt giấy sẽ giúp họ rũ bỏ những chuyện buồn đã qua.

Liệu những phương pháp trên có thật sự cắt đứt tận gốc những “vận đen” trong cuộc sống hay không tuy đã được giới khoa học nghiên cứu nhưng vẫn là câu hỏi để ngỏ.

Các phương pháp sám hối tịnh hóa thù thắng trong Đạo Phật

Trong quan kiến của Đạo Phật, mọi khổ đau của chúng ta cũng như mọi thảm họa, mọi nghịch cảnh, thiên tai, chiến tranh, thất bại và bệnh tật, tất cả những gì đang xảy ra trên thế giới của chúng ta ngày nay đều là sự cộng hưởng của rất nhiều kết quả do sự thiếu kém công đức và trí tuệ. Chính vì vậy nên việc thực hành miên mật và đầy thiện xảo nhằm tịnh hóa là vô cùng quan trọng và khẩn thiết. Sự tịnh hóa theo nghĩa tẩy trừ mọi tội lỗi và chướng ngại đã tích tụ từ vô thủy cho tới nay, giờ này đang xuất hiện dưới hình tướng những nghiệp quả đang chín mùi. Bên cạnh việc thực hành tâm linh, tất cả chúng ta đều cần tích cực nỗ lực ngăn chặn mọi bất thiện nghiệp, sám hối hết thảy bất thiện nghiệp do chúng ta tạo ra bởi thân, khẩu, ý và phát nguyện không bao giờ tái phạm những lỗi lầm đó nữa.

Để tịnh hóa nghiệp chướng một cách hiệu quả, chúng ta cần thực hành bốn phẩm chất sau:

Phẩm chất thứ nhất: Cần sự hối hận từ sâu thẳm trong tâm đối với những nghiệp bất thiện chúng ta nhớ được, hoặc nếu không thể nhớ, bởi chúng ta không thể nào nhớ hết những nghiệp trong nhiều đời trước, tất cả những nghiệp đã tạo gây tổn hại tới chúng sinh khác, bắt nguồn từ vô minh, tham muốn, sân giận, bất cứ nghiệp nào đã gây ra dù là của thân, khẩu, ý, chúng ta hối lỗi và tha thiết mong tịnh hóa.

Phẩm chất thứ hai: là sự phát nguyện không tái phạm những nghiệp bất thiện đó nữa. Cho dù ngày mai bạn có thể phạm phải sai lầm, song khi bạn đang thực hành tịnh hóa, bạn phải phát khởi tâm nguyện mạnh mẽ, điều này vô cùng quan trọng trong thực hành tịnh hóa. Thứ nhất là tâm sám hối, thứ hai là tâm phát nguyện mạnh mẽ.


Đức Phật Kim Cương Tát Đỏa

Phẩm chất thứ ba: bạn phát tâm Quy Y Phật, Pháp, Tăng, đặc biệt trong Kim Cương Thừa bạn Quy y Đức Thượng Sư Kim Cương Tát Đỏa, bởi Ngài chính là Đức Phật của sự Tịnh hóa – Đức Phật với bản thệ tịnh hóa nghiệp cho chúng sinh. Ngài đã phát nguyện rằng dù chỉ còn sót lại một bất thiện nghiệp của chúng sinh chưa được tiêu trừ thì Ngài cũng sẽ không nhập Niết bàn. Như vậy nghĩa là lời nguyện hộ trì chúng sinh tịnh hóa bất thiện nghiệp của Ngài mạnh mẽ tới mức nếu trì tụng chân ngôn của Ngài, chúng ta sẽ được tịnh hóa trên mọi bình diện.

(Quý vị tải Nghi quỹ tu trì Đức Bản tôn Kim Cương Tát Đỏa tại đây)

Phẩm chất thứ tư: bạn thực hành thiện hạnh để mong cầu tịnh hóa. Lấy thí dụ ở miền Đông Himalaya, thời xa xưa có rất nhiều người sống bằng nghề trộm cướp, nhưng khi đủ duyên được nghe Pháp, họ phát khởi tâm sám hối thiết tha – họ phát thệ nguyện rằng để tịnh hóa nghiệp bất thiện sát hại mạng người, họ hành hương lễ lạy dọc suốt chặng đường từ miền Đông Himalayas tới đền Lhasa, hoặc xây tháp, hoặc xây cầu để giúp mọi người qua sông. Có những thiện nghiệp có tác động rất tốt đối với sự tịnh hóa – không phải phúc báo chung chung, mà đặc biệt dành riêng cho tịnh hóa nghiệp.
Như vậy cần hội tụ đủ bốn phẩm chất trên: sám hối, phát nguyện không tái phạm, quy y và thực hành thiện hạnh để hồi hướng công đức cho sự tịnh hóa.


108 Bảo tháp tại Bhutan

Chẳng hạn ở Bhutan, sau một cuộc chiến tranh ngắn, Hoàng gia Bhutan đã xây dựng 108 bảo tháp để tịnh hóa những ác nghiệp gây ra trong chiến tranh. Giống như đối với một ngôi nhà, việc sửa chữa sẽ là quá muộn nếu chỉ bắt đầu khi ngói đã rơi. Nếu chờ đến khi sứt đầu chảy máu, thì đã quá muộn. Chúng ta cần tiến hành việc sửa chữa nhà trước khi mái sập. Tại vùng Himalaya rồi rộng ra khắp các quốc gia Phật giáo tại châu Á, vào đầu và cuối năm, mọi người đều thực hành tâm linh, bắt đầu bằng pháp cúng dàng Hỏa tịnh, pháp cúng dàng Đức Lục Độ Mẫu và chư Hộ Pháp, để tịnh trừ những nghiệp xấu cho năm mới sắp sang, tịnh trừ mọi nghiệp bất thiện đã tạo ra trong năm cũ, để chúng không thể đâm hoa trổ quả khiến cuộc sống của họ trong năm mới có thể gặp trắc trở, khó khăn. Cũng nhờ thực hành như vậy, mọi người đều có thể tích lũy công đức cho các năm sau cũng như cho những đời kế tiếp, để cuộc sống của các bạn ngập tràn phúc báo và hoan hỷ. Điều này có ý nghĩa như giống như được bảo hiểm. Thực tế trong cuộc sống, bảo hiểm không thực sự giúp được gì khi người được bảo hiểm qua đời. Ít nhất là không giúp được gì cho người quá cố - anh ta đã đến tận cùng sinh mạng rồi. Bảo hiểm có thể giúp cho gia đình, điều này cũng tốt, song nói đúng ra đó là bảo hiểm tử mạng, chứ không thể gọi là bảo hiểm nhân thọ. Còn giáo pháp của Đức Phật mà chúng ta thực hành mới là bảo hiểm nhân thọ đích thực.
(Nguồn: Trích Khai thị của Đức Nhiếp Chính Vương Gyalwa Dokhampa, tháng 1 năm 2013 tại Hồng Kông)

 

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5697584
Số người trực tuyến: