Thực hành Phật pháp không phải để tích lũy tài khoản ngân hàng tâm linh | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Thực hành Phật pháp không phải để tích lũy tài khoản ngân hàng tâm linh

Điểm cốt yếu xem xét sự thành tựu trong bất cứ pháp thực hành nào là sau đó, những xúc tình tiêu cực như sân giận, tham ái, si mê có giảm hay không. Tất cả những pháp thực hành đều không có hiệu quả nếu chúng ta không chuyển hóa được tâm. Thậm chí, câu chuyện còn tệ hơn, có thể giờ đây bạn lại vô cùng tự hào, ngã mạn vì cảm giác bản thân đã là những nhà tu hành đắc đạo. Nhưng trên thực tế, bạn không những không loại bỏ được mà còn tích tụ thêm nhiễm ô trong tâm.

Người thực hành Phật pháp về cơ bản phải đáp ứng hai điều kiện thiết yếu. Thứ nhất là phải có khả năng xả ly khỏi xã hội một khoảng thời gian, dù là vài giờ, vài ngày, vài tháng hay vài năm. Thứ hai là phải có khả năng vận dụng mọi điều lĩnh hội được trong thời gian xả ly ấy vào đời sống thế gian thường nhật của chúng ta. Điều này cũng giống như việc chúng ta không chỉ cần hít vào mà còn cần phải thở ra.

Xét cho cùng, xả ly không phải là việc xấu hay khó khăn như bạn nghĩ. Khi nhận ra mình chỉ có thể tập trung vào một việc tại một thời điểm, bạn đã mang nghệ thuật của sự đơn giản trở lại cuộc sống. Sự xả ly có năng lực giải phóng để bạn có thể sống hòa hợp và hân hưởng những thứ mình đang có thay vì tiếp tục kiếm tìm điều không cần thiết từ bên ngoài.

Bạn từng nghe nói đến các bậc hành giả chuyên tu nhập thất ba năm, bảy năm hay kéo dài cả đời - nghe chừng vô cùng ấn tượng. Bạn có thể nghĩ rằng mình chỉ có thể đạt được tiến bộ tâm linh đáng kể nếu làm giống như vậy. Mặt khác, bạn lại lập luận rằng bạn chỉ là một người rất đỗi bình thường. Vì không thể làm được như vậy nên bạn có cảm tưởng rằng hi vọng tu tập đến trình độ uyên thâm là rất mong manh.

Trên thực tế, số lượng không bằng chất lượng. Bất cứ ai dù dành ra ba năm trời chuyên tu mà tâm trí xao nhãng, thì cũng không học hỏi được gì nhiều. Ngược lại, bất cứ ai dù chỉ tĩnh tâm trong ba ngày, một lòng chuyên tâm tu tập thì có thể chuyển hóa chỉ trong ba ngày. Điều quan trọng ở đây không nằm ở lượng thời gian, số biến chân ngôn bạn trì niệm, hay số lần chiêm bái - số lượng không phải là vấn đề. Cái chúng ta cần tích lũy ở đây không phải là một tài khoản ngân hàng tâm linh. Câu hỏi quan trọng mà chúng ta luôn phải đặt ra là mình có sự chuyển hóa tâm hay chưa?

Bạn hãy hiểu rằng mọi pháp tu đều nhằm mục đích chỉ đường dẫn lối giúp bạn chuyển hóa tâm vì lợi ích của tất cả chúng sinh. Nếu không đạt được mục đích này mà chỉ tỏ ra mình có trí thông minh và tự đắc với trình độ thực hành của bản thân như ngày nào bạn cũng dành ra 3 tiếng thiền định, bạn kể cho tất cả mọi người rằng mình thường xuyên tu tập như thế nào, bạn dậy sớm như thế nào, v.v… thì việc thực hành Phật pháp liệu còn có ý nghĩa gì?

Hơn nữa, mọi việc làm của chúng ta, dù thiện hay ác, đều bắt nguồn từ tâm, đều do tâm là chủ thể sai khiến. Nếu không chuyển hóa tâm, bạn sẽ không thể thường xuyên thực hành thiện nghiệp và tạo nhân duyên tốt lành. Chuyển hóa tâm chính là tiến trình chuyển hóa nghiệp. Bởi chúng ta tích lũy nghiệp, dù thiện hay ác, đều theo ba đường thân, khẩu và ý. Chính ba đường này sẽ dẫn chúng ta tới giác ngộ hay đọa lạc!

(Nguồn: Hiệp hội giáo dục Phật pháp - Buddha Dharma Education Association Inc.)

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5774038
Số người trực tuyến: