Vì sao thực hành thiện hạnh không thể thiếu trong pháp tu sám hối? | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Vì sao thực hành thiện hạnh không thể thiếu trong pháp tu sám hối?

“Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá Vệ, trong rừng Thắng Lâm, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ Đức Thế Tôn nói với các Tỳ kheo rằng:

- Tùy theo nghiệp được tạo tác của mỗi người mà thọ lấy quả báo của nó; như vậy, không có sự thực hành phạm hạnh, không thể diệt tận khổ.

Vì sao như vậy? Giả sử có người tạo nghiệp bất thiện, tất phải thọ quả khổ là quả báo của địa ngục. Thế nào là người tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả khổ là quả báo của địa ngục? Nghĩa là, nếu có người không tu thân, không tu giới, không tu tâm, không tu tuệ, thọ mạng rất ngắn. Ví như có người đem một lạng muối bỏ vào một chút nước, các ngươi nghĩ sao, một lạng muối đó có thể làm cho một ít nước mặn đi không thể uống được chăng?

Đáp rằng:

- Đúng như vậy, bạch Thế Tôn.

- Vì sao thế?

- Vì muối nhiều, nước ít, nên có thể làm cho mặn đi không thể uống được.

- Lại nữa, có người tạo nghiệp bất thiện, tất phải thọ quả khổ là quả báo trong đời hiện tại. Thế nào là có người tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả khổ là quả báo trong đời hiện tại? Nghĩa là, có một người tu thân, tu giới, tu tâm, tu tuệ, thọ mạng rất dài. Cũng như có người đem một lạng muối bỏ vào sông Hằng, muốn làm cho nước mặn không thể uống được. Các ngươi nghĩ sao? Một lạng muối đó, lại có thể làm cho nước sông Hằng mặn không thể uống được chăng?

Đáp rằng:

- Không thể được, bạch Thế Tôn.

- Vì sao vậy?

- Vì nước sông Hằng rất nhiều mà một lạng muối thì quá ít, do đó không thể làm mặn đến mức không uống được.

- Cũng như có người dù mắc nợ một trăm tiền nhưng không bị chủ nợ bắt trói; cho đến nợ ngàn vạn tiền cũng không bị chủ nợ bắt trói? Nghĩa là người mắc nợ có vô lượng tài sản và thế lực rất lớn. Người ấy nhờ vậy dù mắc nợ trăm ngàn tiền vẫn không bị chủ nợ bắt trói. Người ấy ở trong đời hiện tại giả sử có thọ báo của thiện hay ác nhưng chỉ nhẹ nhàng, chút ít thôi”.


Thiện hạnh bảo vệ môi trường

Như vậy, thực hành các thiện hạnh là một trong bốn phẩm chất cần có khi thực hành pháp tu sám hối tịnh hóa. Bốn phẩm chất đó là:

1. Hối hận từ sâu thẳm trong tâm đối với những nghiệp bất thiện;

2. Phát nguyện không tái phạm những nghiệp bất thiện đó nữa;

3. Phát tâm Quy Y Phật, Pháp, Tăng và

4. Thực hành thiện hạnh để mong cầu tịnh hóa. Ví dụ ở miền Đông Himalaya, thời xa xưa có rất nhiều người sống bằng nghề trộm cướp, nhưng khi đủ duyên được nghe Pháp, họ phát khởi tâm sám hối thiết tha – họ phát thệ nguyện rằng để tịnh hóa nghiệp bất thiện sát hại mạng người, họ hành hương lễ lạy dọc suốt chặng đường từ miền Đông Himalaya tới đền Lhasa, hoặc xây tháp, hoặc xây cầu để giúp mọi người qua sông.

Mỗi người chúng ta không phải toàn chứa đựng những tính xấu xa. Nếu tính xấu đã có từ muôn đời thì tính tốt cũng đã có từ vô thủy. Phật tính là cái mầm của muôn hạnh lành, cái mầm ấy đã bị chôn vùi dưới bao lớp dục vọng, si mê. Bây giờ muốn tiêu trừ dục vọng thì chúng ta phải tạo điều kiện, cho cái mầm Phật tính trổ lá, lên hoa, kết trái Bồ đề. Điều kiện làm cho mầm Bồ đề phát triển là những hạnh lành như: Từ bi, Hỷ xả, Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn v.v... Nếu chúng ta phát triển những tính tốt ấy, tất nhiên những tính xấu không có đất để mọc lên nữa, cũng giống như muối đổ xuống sông Hằng không thể mặn chát đến mức không uống được.

(Trích “Kinh Trung A Hàm, Phẩm Nghiệp Tương Ưng”

Hán Dịch: Phật Ðà Da Xá & Trúc Phật Niệm,

Việt Dịch & Hiệu Chú: HT. Thích Tuệ Sỹ)

 

 

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5757049
Số người trực tuyến: