Ba khía cạnh của Đức Phật Quan Âm | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Ba khía cạnh của Đức Phật Quan Âm

Nói về Đức Quan Âm một cách giản lược chúng ta có ba khía cạnh: Đức Quan Thế Âm bên ngoài, Đức Quan Thế Âm bên trong và Đức Quan Thế Âm bí mật.

1. Đức Quan Thế Âm bên ngoài có rất nhiều hiện tướng khác nhau, Ngài có thể hiện sắc tướng nghìn mắt nghìn tay, hai tay như Đức Kim Cương Thủ Vajrapani, hay bốn tay để nêu biểu lòng Từ-Bi-Hỷ-Xả, hay hiện tướng tám tay để nêu biểu tứ trí và tứ đức.

Pháp tu Trì tháp chân ngôn lần này là pháp thực hành Đức Quan Âm Tứ Thủ nêu biểu sự trải rộng tình yêu thương, lòng từ bi trí tuệ, sự hỷ lạc vô bờ và sự bình đẳng vô biên đến tất cả chúng sinh.


Đức Phật Quan Âm Tứ Thủ

Về ý nghĩa sắc thân Bản tôn Quan Âm Tứ Thủ:

  • Ngài có một mặt để nêu biểu cho Pháp thân.
  • Ngài có bốn tay để nêu biểu cho Từ, Bi, Hỷ, Xả.
  • Trên vai Ngài lại khoác tấm da nai nêu biểu cho đồng sự, nhập thế lợi ích chúng sinh, không quản khó khăn, mỏi nhọc.

Toàn bộ hình tướng Đức Quan Thế Âm chính là biểu tượng giác ngộ, là mục đích tu tập của chúng ta phải phấn đấu để tìm ra hạnh phúc cho chính bản thân mình và tất cả mọi người.

2. Đức Quan Thế Âm bên trong

Quan Thế Âm bên trong chính là Bồ đề tâm, sự giác ngộ. Sự giác ngộ này chúng ta phải nỗ lực tu tập mới có thể đạt được. Không vị Phật nào, Thượng sư giác ngộ nào, bậc thầy nào hay thần thông nào có thể giúp cho chúng ta đạt được giác ngộ. Bắt buộc chúng ta phải thực hành bằng cách trưởng dưỡng tình yêu thương. Và chúng ta chia sẻ tình yêu thương, lòng từ bi đó với những người thân gần chúng ta như gia đình, hàng xóm, những người trong cơ quan rồi đến làng mạc, thành phố, đất nước và rộng đến tất cả các chúng sinh. Bồ đề tâm chính là phẩm chất bên trong sắc thân Đức Quan Thế Âm.

Bồ đề tâm cũng được chia làm hai loại là: Bồ đề tâm tương đối Bồ đề tâm tuyệt đối.

Bồ đề tâm tương đối được chia ra làm hai loại là Bồ đề tâm nguyện và Bồ đề tâm hạnh.

Bồ đề tâm nguyện là lời cầu nguyện của chúng ta trong các khóa lễ. Đó là lời cầu nguyện Tứ vô lượng tâm: cầu nguyện cho chúng sinh được hạnh phúc, cầu nguyện cho chúng sinh thoát khỏi nhân đau khổ, cầu nguyện cho chúng sinh tràn ngập trong niềm hỷ lạc, cầu nguyện cho chúng sinh sống trong bình đẳng xả. Còn trong pháp thực hành chính là chúng ta phải trưởng dưỡng tình yêu thương và lòng từ bi.

Bồ đề tâm hạnh là cách chúng ta đem những phẩm chất giác ngộ từ bi hỷ xả áp dụng vào trong đời sống thông qua thực hành sáu ba la mật: bố thí, trì giới, tinh tấn, nhẫn nhục, thiền định và trí tuệ để trưởng dưỡng lòng từ bi, giúp đỡ tất cả mọi người và chúng sinh.

Còn một loại bồ đề tâm - cốt tủy chính của Đạo Phật là Bồ đề tâm tuyệt đối. Đó là sự thực chứng, sự trải nghiệm lòng từ bi trí tuệ hay giác ngộ.

Về cách thực hành Bồ đề tâm, đầu tiên chúng ta cần trưởng dưỡng tình yêu thương, lòng bi mẫn đến chúng sinh, rồi sẽ tiến dần đến đạt giác ngộ. Tuy nhiên, cũng có hành giả tu tập đạt được tính không, một phần của sự giác ngộ, sau đó trưởng dưỡng tình yêu thương, trí tuệ.

Sự giác ngộ bao gồm viên mãn cả hai Bồ đề tâm tương đối và Bồ đề tâm tuyệt đối. Chúng ta không thể tu thiên lệch một khía cạnh. Cho nên việc chúng ta cần làm các thiện hạnh như nhặt rác bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, tham gia vào Câu lạc bộ thiện nguyện, trở thành tình nguyện viên của Câu Lạc Bộ Tuổi trẻ Thăng Long YDA Việt Nam  hay Sống để yêu thương.

Thành viên CLB Tuổi trẻ Thăng Long trong các thiện hạnh bảo vệ môi trường

Chúng ta không thể chỉ giúp đỡ mọi người mà bản thân mình không biết nỗi khổ của mình, không hiểu mình là ai và đang trải nghiệm như thế nào thì việc giúp đỡ người khác là không toàn diện. Đối với Phật giáo, sự giúp đỡ như vậy không mang lại lợi ích bởi chỉ làm tăng trưởng bản ngã và danh tiếng, chứ không thật chất.

Có nhiều người không hiểu được bản chất thật của hạnh phúc, không hiểu bản chất của luân hồi đau khổ là do chấp ngã, do cái Tôi. Rất nhiều người thường nói về tình yêu thương hay từ bi nhưng lại không hiểu đúng về khái niệm này.

Vậy thế nào là tình yêu thương và lòng từ bi?

TÌNH YÊU THƯƠNG

Tình yêu thương là sự mong muốn cho chúng sinh được hạnh phúc. Đó là bản chất bình đẳng của tâm giác ngộ. Tình yêu thương cũng được chia ra làm 2 loại: tình yêu thương có điều kiện và tình yêu thương vô điều kiện.

Tình yêu thương có điều kiện cũng được phân chia thành tình yêu thương lành mạnh hay tình yêu thương không lành mạnh, nói một cách khác là tình yêu thương tích cực hay tình yêu thương tiêu cực.

  • Tình yêu thương tích cực: chúng ta thương yêu, giúp đỡ người khác như tình yêu tổ quốc, yêu đồng bào, yêu cha mẹ, yêu con người, yêu đồng loại.
  • Tình yêu thương tiêu cực là tình yêu thương dựa vào bám chấp, ích kỷ vào cảm xúc với bất kể các đối tượng bên ngoài như đồ ăn, thức uống, sở hữu vật chất, tư tưởng cố thủ và sở hữu ngay cả con người. Và kết quả chắc chắn của tình yêu bám chấp này sẽ mang đến buồn khổ, tuyệt vọng.

Điều này chúng ta thấy rất nhiều trong cuộc sống. Bởi vì hiểu lầm về tình yêu thương, chúng ta đã bám chấp vào sở hữu bên ngoài cho là tuyệt đối. Khi chúng ta cho công việc là tuyệt đối, chúng ta phải phấn đấu đạt được. Nếu không đạt được như những gì mình muốn, chúng ta lại thất vọng, nhiều người có khi tự sát. Đối với tình cảm cũng như vậy, tình cảm là cảm xúc, cảm xúc tất nhiên là sinh diệt, thay đổi. Đã sinh diệt, thay đổi chúng ta sẽ bị thăng trầm, nay vui mai buồn, nay gần mai xa. Khi đối tượng không được như ý, chúng ta có khi làm tổn hại người khác, nhưng có khi lại sát hại chính mình. Đây là kết quả của những thứ tình cảm tiêu cực. Ngay cả tình cảm trong gia đình, nếu chúng ta không biết cân bằng sẽ sai lệch.

Tình yêu thương bao gồm cả hai: Sự trân trọng, tri ân hay nói một cách khác là lòng kính ngưỡng, tất nhiên một phần là cảm xúc. Nhưng đối với tình cảm riêng tư chúng ta hiểu lầm cảm xúc là tình yêu thương nên bám chấp, hy vọng, sợ hãi, ích kỷ. Chúng ta lấy đó làm đích sống nên cả ngày chúng ta chỉ quay quẩn với việc giải quyết cảm xúc: buồn vui, yêu ghét.

Kết quả của hai loại tình yêu thương này dù tích cực hay tiêu cực đều dựa vào sự chấp ngã, cảm xúc cho nên kết quả không được nhiều như mong muốn.

Tình yêu thương vô điều kiện

Tình yêu thương này không đòi hỏi phải đáp trả. Chúng ta giúp đỡ người khác mà không mong cầu một cái nhìn, một nụ cười hay mong người đó nhớ đến ơn mình.

Trưởng dưỡng tình yêu thương vô điều kiện là điều chúng ta cần thực hành, giúp đỡ người khác một cách tuyệt đối, bình đẳng là một phần của tâm giác ngộ.

LÒNG TỪ BI

Tình yêu thương là mong muốn cho tất cả chúng sinh được hạnh phúc. Còn từ bi là mong muốn chúng sinh chấm dứt nguyên nhân đau khổ. Sau khi nhìn thấy những đau khổ của đồng loại chúng sinh, chúng ta muốn cứu khổ. Đây chính là lòng từ bi.

Lòng từ bi có ba loại:

  • Lòng từ bi hướng về con người, hướng về chúng sinh.

Thấy họ phải trải qua đau khổ của sự bấp bênh, bệnh tật, chướng ngại, luôn bị khổ đau dày vò, khổ đau về tiền tài, danh vọng, về cảnh sống không được như ý muốn. Chúng ta trải lòng thương xót và muốn giúp đỡ họ. Lòng từ bi này hướng về sự đau khổ của chúng sinh. Trong thuật ngữ chúng ta gọi là chúng sinh duyên từ.


Thành viên CLB Tuổi trẻ Thăng Long phát cháo tại Viện châm cứu Trung ương

  • Lòng từ bi hướng về vạn pháp

Một cấp độ sâu hơn, không chỉ nhìn thấy chúng sinh đau khổ và muốn cứu khổ mà chúng ta phải nhìn thấy tại sao chúng sinh đau khổ, tại sao chúng ta đau khổ. Chỉ vì vô minh, chúng ta không nhận ra chân lý của vạn pháp: trân trọng thân người khó được, thân tâm cảnh luôn biến dịch vô thường và tuân theo nhân quả nghiệp báo. Những điều chúng ta tạo tác qua thân, khẩu, ý thì đều phải chịu quả báo, gieo nhân thiện lành được hưởng hạnh phúc, làm điều bất thiện phải chịu khổ đau. Đây là quy luật chung cho tất cả mọi loài, không chỉ là bản thân bạn, toàn bộ những ai đã có mặt ở thế gian này đều trải nghiệm những nỗi khổ về vật chất, tinh thần ở các cấp độ khác nhau.

Nếu hiểu được như vậy thì chúng ta không tuyệt vọng trước vô thường, đổi thay. Thấu hiểu được nguyên nhân dẫn đến vô minh, từ đó khơi dậy và trưởng dưỡng lòng từ bi là việc chúng ta cần phải thực hành trong Đạo Phật. Do vô minh nên đã chấp vạn pháp vô thường làm thường còn. Thân của mình sinh ra phải trả về cho đất, lại chấp là mình có một “cái tôi” thật, một cái ngã thật. Tất cả vạn pháp vốn thay đổi thì chúng ta lại tin rằng vạn pháp thường còn. Chúng ta lại không hiểu được tự tính của vạn pháp là tính Phật.

Khi đã hiểu quy luật của vạn pháp trên bề mặt lý thuyết, chúng ta cần phải chiêm nghiệm bởi nếu không chiêm nghiệm, không có sự giác tỉnh thì chúng ta không thể an vui. Nếu vẫn giữ vô minh, đem hành xử tiêu cực trong cuộc sống vào Phật pháp thì dù có tham dự chuyên tu, có trì đến 108 Bảo tháp, chúng ta vẫn y nguyên con người như cũ. Sau khi một thời gian tu tập vẫn thấy mình bùng bùng sân giận, lòng từ bi cũng chẳng trưởng dưỡng được tí nào, chúng ta lại thêm bất an, lo lắng. Ngoài đời đã tranh chấp, vào đạo lại cạnh tranh hơn thua, cho nên việc tu tập chẳng lợi ích gì. Vì vậy cấp độ bi mẫn thứ hai hay sự nhận biết về vô minh rất quan trọng. Trong thuật ngữ, lòng từ bi này được gọi là Pháp duyên từ.

  • Lòng từ bi thứ ba là lòng từ bi vô điều kiện: không có đối tượng là vô tình hay hữu tình, không phải chỉ có con người, động vật mà cây cỏ cũng bình đẳng như nhau. Ở cấp độ này lòng từ bi được gọi là Đồng thể đại bi.

Lòng từ bi này chỉ có chư Phật, chư Bồ tát và các bậc thầy giác ngộ sau khi trải nghiệm được sự giác ngộ bình đẳng giữa tất cả các pháp, giữa cỏ cây, muôn loài vạn vật chúng sinh hữu tình không có sự khác biệt thì các Ngài an trụ trong tự tính lợi ích chúng sinh. Nếu các bạn đã từng đọc ở trong Kinh Phổ Môn thì đều hiểu Đức Quan Thế Âm hiện ra trong 32 ứng thân. Trong kinh có câu kệ:

Ngàn xứ cần cầu ngàn xứ ứng.

Biển khổ cần cầu vớt chúng sinh”.

Các Bậc Thượng Sự giác ngộ, chư Phật, chư Bồ Tát vẫn an trụ trong tự tính giác ngộ, nhưng vẫn thấu suốt tất cả nỗi khổ của chúng sinh như mặt trăng trên trời soi bóng xuống hàng nghìn hồ nước khác nhau. Và vì thấy được nỗi khổ của chúng sinh, nhờ an trụ trong tự tính, chúng ta gọi là nhậm vận tự nhiên.

Trong kinh Phổ Môn có dạy, nếu khi chúng ta gặp các nạn khổ, nhất tâm xưng danh Đức Quán Thế Âm Bồ tát tức thời được giải thoát. Ngay giây phút chúng ta gọi tên chư Phật, ngay giây phút chúng ta niệm chân ngôn của chư Phật chính là lúc chúng ta niệm tự tính giác ngộ của mình, phẩm chất công đức của mình. Và vô tình lúc đấy chúng ta trở về “đồng thể đại bi”, cùng trở về đồng thể với tự tính của Đức Quan Thế Âm hay chư Phật, và tự nhiên những tai nạn, những khổ não bên ngoài bị tiêu diệt.

Trong kinh Bát Nhã có câu “Quán tự tại Bồ tát thực hành sâu xa các Bát nhã ba la mật, Ngài soi thấy năm uẩn đều không độ hết thảy khổ ách”. “Ngài soi thấy năm uẩn đều không” ở đây có nghĩa là Ngài trụ trong tự tính Phật. Như chúng ta giải thích ở trên: vạn pháp là vô thường, biến dịch, không thật cho nên làm gì có khổ não, làm gì có khổ ách. Đây là minh chứng thành tựu tâm linh của đồng thể đại bi của bậc thầy giác ngộ. Vì các Ngài siêu việt trước mọi chấp trước nhị nguyên nên  các Ngài có thể đi qua tường, đi qua lửa, để lại các dấu tay dấu chân trên đá để chứng minh rằng “sự sự vô ngại”, không có sự ngăn ngại giữa vật chất.

Và khi chúng ta đã hiểu được ba loại từ bi này rồi, mong rằng các bạn đem lòng từ bi và tình yêu thương áp dụng trong cuộc sống:

  • Chúng ta phải có tình yêu thương và lòng từ bi với bản thân trước,
  • Thấy được tất cả những gì đang diễn ra ngay trong tâm mình,
  • Trưởng dưỡng những hạnh phúc mà mình đang trải nghiệm, không chỉ dành cho những người mà mình chấp trước, cả vật chất và môi trường sống mình chấp trước, tất cả đều cần trải rộng bình đẳng. Đây chính là phần thực hành Bồ đề tâm.

Đức Phật có dạy rằng: Bồ đề tâm hay gọi cách khác là lòng từ bi, tình yêu thương là pháp thực hành cốt tủy chính trong Đạo Phật. Nếu không có thực hành Bồ đề tâm không có sự giác ngộ. Nếu không thực hành tình yêu thương và lòng từ bi thì chúng ta không thể đạt được bất kỳ pháp gì cả, không thành tựu bất cứ điều gì trong cuộc sống.

Ngay cả những hạnh phúc thế gian thông thường cũng cần tình yêu thương, lòng từ bi để có thể tồn tại, để có thể hòa hợp trong gia đình, cơ quan, xã hội, huống chi là đối với việc tu tập trưởng dưỡng thành tựu giác ngộ thì lòng từ bi là cốt tủy.

Cho nên với việc thực hành cần bắt đầu ngay từ bây giờ, lòng từ bi được coi là hạt giống, toàn bộ con đường thực hành là nước để tưới hạt giống từ bi nảy mầm và phát triển đi đến giác ngộ, chân hạnh phúc. Và cuối cùng, lòng từ bi giống như mặt trời sưởi ấm cho tất cả chúng sinh. Vì vậy nếu chúng ta thực hành Phật pháp mà không có lòng từ bi thì sẽ không có hạt giống giác ngộ, không có con đường giác ngộ và không có sự thành tựu giác ngộ.

Tất nhiên khi tu tập, chúng ta cần thực hành theo thứ lớp, phải thực hiện từng bước, nhưng chúng ta phải hiểu rằng thứ lớp bên trong của Đức Phật Quan Thế Âm chính là tình yêu thương và lòng từ bi, như vậy chúng ta mới không lầm lạc được.

3. Đức Phật Quan Âm bí mật

Đức Quan Âm bí mật chính là tự tính của chúng ta, hay nói cách khác là Đại Thủ Ấn. Để có thể chạm được, hiểu được chúng ta không thể dùng ngôn từ nào có thể có thể diễn tả được. Bởi vì chúng ta có quá nhiều danh ngôn, khái niệm đặt cho tự tính giác ngộ của mình rồi, nếu còn diễn giải thì sẽ không lợi ích. Chúng ta phải tự trải nghiệm.

Để công đức tăng trưởng lên gấp bội, hãy cùng phát Bồ đề tâm, tích lũy công đức, trưởng dưỡng trí tuệ, tình yêu thương với việc tham gia Pháp hội Quan Âm Đại Bảo Tháp Tây Thiên 2018, mang tới vô lượng cát tường, bình an, hạnh phúc, thịnh vượng cho đất nước và hữu tình tại Việt Nam, giúp viên mãn các tâm nguyện của bản thân và gia đình trong năm mới Mậu Tuất.

Pháp Hội Quan Âm Đại Bảo Tháp Tây Thiên 2018 khai đàn từ đầu tháng 1 Â.L Mậu Tuất, tạ đàn vào khóa Đại lễ cầu an nhằm ngày vía Đức Phật Quan Âm từ ngày 16/3 - 18/3/2018 tại Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên. Bạn hãy viết mọi tâm nguyện của mình và người thân yêu lên họa hình Bảo tháp và dâng lên đàn lễ cầu an để đón nhận trọn vẹn gia trì cát tường từ mười phương chư Phật!

Bạn hãy tải Hướng thực hành pháp Quan Âm trì tháp thù thắng ngay bây giờ để cùng tham gia Pháp hội linh thiêng hy hữu này!

 

 

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5774666
Số người trực tuyến: